Thủ Thiêm, số phận một bến phà

Thủ Thiêm, số phận một bến phà
TP - Bến phà Thủ Thiêm ở trung tâm Sài Gòn sắp chấm dứt hoạt động. Như một dấu chấm hết cho bao ký ức lam lũ.

Nếu nói về những đóng góp cho thành phố lớn nhất Việt Nam này, chắc chắn không thể quên những công nhân bến phà.

Kỳ 1: Ký ức về những cụ phà

Cơ quan chủ quản đã đề xuất lên UBND TPHCM xin dừng hoạt động bến phà Thủ Thiêm do khách ngày càng thưa vắng. Những chuyến phà cuối cùng thật bùi ngùi.

Hàng chục con người trên chiếc phà chậm chạp, cũ kỹ. Trước mặt, mấy con tàu khổng lồ mới tinh in chữ ngoại quốc chở công - ten - nơ vùn vụt lao đi. Anh Phúc, người thủy thủ lâu năm trấn an: “Phà có thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ kinh nghiệm. Xảy ra việc gì chúng tôi xử lý ngay”. Mấy chục năm không xảy ra sự cố lớn.

Theo quy định, hai năm rưỡi phà phải đi đại tu. Nhờ nâng cấp duy tu bảo dưỡng, hoán cải một số bộ phận, những cụ phà có từ thời chiến tranh vẫn tiếp tục bơi, như con rùa cổ đại mang trên mình hàng trăm vị khách không ngừng qua lại trên sông. Trên phà nhiều người 60-70 tuổi, run run giữ cái xe đạp cũ. Có cụ lặng lẽ ngồi trên xe lăn, chăm chú nhìn tòa nhà cao nhất thành phố phía bên kia sông.

Những năm 40 của thế kỷ XX, trên sông Sài Gòn hình thành bến đò ngang tên gọi “bến đò cây Bàng”. Thời chống Mỹ, khúc sông quận trung tâm đậu nhiều tàu quân sự, bến đò đìu hiu. Sau năm 1975, hòa bình trở lại, bến đò được thay bằng bến phà. Anh Phúc nhớ lại: “Dân cư bên kia sông còn thưa thớt lắm, hàng tiếng đồng hồ phà mới gom đủ khách chạy một chuyến”.

Sau thời bao cấp nặng nề buồn tẻ sang thời mở cửa sôi động, thành phố thành đầu tàu kinh tế cả nước, khách qua sông đột biến tăng lên gấp trăm lần. Bến phà mở rộng. 3 con phà tải trọng 60 tấn được đóng mới đưa đến bổ sung vào đội ngũ. Tuy vậy, vẫn còn đó những “chứng nhân lịch sử” là 4 cụ phà tải trọng 20 tấn (dân gian gọi phà hột vịt), cùng những người công nhân bạc tóc bền bỉ bám mặt sông đêm ngày.

Anh Hùng, thuyền trưởng, vào ngành năm 1975. Sau thời gian ngắn đi nghĩa vụ quân sự anh về bến làm việc cho đến hôm nay. Anh Phúc thủy thủ cũng vậy, anh làm việc với hột vịt từ năm 1983. “Cuộc đời chúng tôi gắn với bến phà - Anh Hùng giới thiệu về người bạn cố tri - Hột vịt còn giữ được dòng chữ... sản xuất năm 1961!”.

Cổ không có nghĩa cái gì cũng quý. Anh Phúc nói: “Trước đây thủy thủ chúng tôi phải dùng sức, tời bằng tay nâng hạ cái cầu sắt cho xe máy, ô tô chạy lên phà”. Hỏi mỗi ngày anh tời bao nhiêu lần, anh không nhớ nổi. Mỗi đội phà chỉ có chừng 10 phút cho một chuyến, cả đưa khách sang sông lẫn đón khách quay về. Anh Phúc nhận xét: “Khỏe mới làm thủy thủ được. Nhất là những lúc trời mưa, giông gió”.

Phà đi trong thành phố
Phà đi trong thành phố.

Khách “đại ca”, dép tang vật

Người ở bến phà Thủ Thiêm nói “làm việc công ích đòi hỏi tinh thần phục vụ”. Không có quyền từ chối khách qua sông. Nhiều khách tốt bụng, lịch sự, cảm thông. Không hiếm chuyện trái khoáy bất ngờ. Địa bàn của bến Thủ Thiêm hồi trước phức tạp lắm. Bên kia sông còn heo hút, nhiều phần tử cộm cán dạt tới kiếm sống quanh bến phà. Đông khách thì càng chen lấn, xô đẩy. “Khách đánh nhau là chuyện thường”.

Anh Hùng thuyền trưởng ngồi lái trên khoang, nom uy nghiêm: “Khách có người tốt, người xấu. Mình phải bình tĩnh làm việc”. Anh nhớ có những năm bến phà lộn xộn đánh nhau dữ, trộm cướp cũng có. Trong một chuyến phà, cầu đã kéo rồi, phà phàng phàng chạy ra sông, nhưng một “đại ca” đứng trên bờ vẫy tay ra lệnh phà quay lại. Anh Hùng lắc đầu: “Mình cũng ngại chứ! Lỡ khi ra khỏi khu vực cơ quan nó xử mình thì sao. Mọi người kêu bác quay lại rước nó đi, tôi đành đánh phà quay về bến đón nó”.

Ngoài nạn trộm cắp, đánh nhau, người nhà phà còn sợ những kẻ nhảy phà. Chẳng hiểu sao nhiều người chọn phà làm phương tiện quyên sinh. “Phà ra giữa sông, họ nhảy ùm xuống”. Mỗi lần như vậy nhà phà phải tường trình với công an. Anh nói: “Nếu mấy người đó để tang vật dép, giỏ xách, nón, mình có bằng chứng tự tử . Không để lại gì, anh em chúng tôi rất dễ bị nghi ngờ điều khiển quản lý phà không tốt để khách rơi sông”.

Thuyền trưởng Hùng nhớ lại: “Khoảng những năm 1980-1990, mấy tháng lại thấy người nhảy phà. Họ nhảy ban ngày còn cứu được, ban đêm khó lắm. Cứ thấy nhảy, tôi trả số về không, thủy thủ quăng phao rồi nhảy theo vớt”.

Chuyện nữ công nhân bến phà

Chị Thủy sinh 1959, làm cho bến phà Thủ Thiêm từ năm 1982. Chị đóng mở cửa lên xuống bến phà đảm bảo trật tự, an toàn, chống trốn vé. Chị kể: “Ai cũng muốn xuống phà sớm khỏi bị trễ giờ làm. Mình đóng cửa có khi bị chửi thậm tệ”. Lúc cao điểm, mỗi ngày bến phà đưa đón 40.000 lượt khách.

Có lần chị Thủy hỏi một bà khách: “Sao cô không mua vé?”, lập tức chị bị rượt đánh. Chị núp trốn một lúc, rồi phải quay ra làm việc. Chị vừa ngồi xuống ghế, đối tượng từ đâu xuất hiện thẳng tay tát vào mặt chị. Chị choáng váng ngất ngây, cố mà chạy, bà kia thì vẫn đuổi theo đánh.

Chị Thủy kể chuyện nữ công nhân phà Ảnh: T.N.A
Chị Thủy kể chuyện nữ công nhân phà Ảnh: T.N.A.

Chị Nhạn, nhân viên lâu năm, còn bàng hoàng nhớ lại: “Khách qua phà đông, phải phân hai luồng đi lên và đi xuống cho trật tự. Tôi đang giữ cửa thấy có người nghênh ngang đi ngược chiều. Tôi đóng cửa lại không cho đi. Anh ta chẳng nói gì, đấm vô mặt tôi trẹo quai hàm, ngã té xuống đất”.

Chị Thủy thở than: “Làm ở bến phà phức tạp như Thủ Thiêm, chúng tôi là nữ yếu ớt, người ta dễ ức hiếp”.

Chị Bảo bán vé ở bến phà. Chị ăn chay trường, tính cương trực. Chị Bảo nói: “Hồi trước bến phà này đông đúc, xung quanh nhiều nghiện ngập, hút chích”.

Năm 2007, một buổi sáng, khách đưa tờ 10.000 đồng cũ, rách, ráp lại. Chị Bảo nói: “Chị ơi, chị làm ơn đổi giùm em”. Bà khách móc tờ khác đưa trả. Không dè, sau đó bà ta đột ngột đứng lại chửi chị. Bảo nói: “Thôi chị đừng chửi, chị càng chửi em thấy càng vô duyên đó”. Bà khách quát “bảo ai vô duyên hả?”, rồi lao vào đánh Bảo. Bảo không chạy mà đứng dậy chống trả.

Bảo kể: “Em vừa kháng cự, chồng bà ta lao vào đánh. Họ gọi nhau kéo đến rất đông, bao vây bến phà”. Chị Bảo tâm sự: “Đành rằng mình có cái sai. Nếu mình nhịn thì sẽ không có việc gì xảy ra. Nhưng mình có nhịn mãi được không? Đàn bà chúng tôi cứ bị đánh hoài vậy!”.

Bên kia đòi kiện ra tòa, tư pháp giải hòa không xong. Bảo kể: “Nhờ công an can thiệp, bắt bên kia viết cam đoan nếu Bảo có chuyện gì phải chịu trách nhiệm, từ đó mới yên”.

Ba má Bảo thấy làm công nhân phà Thủ Thiêm nguy hiểm quá. Má gọi Bảo, dặn: “Con cẩn thận. Con còn có hai đứa con”. Bảo nói: “Má cứ yên tâm, con lăn lóc đã quen rồi!”.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG