Thủ tướng Hun Sen thăm 'thủ trưởng' cũ Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh

Thủ tướng Hun Sen thăm 'thủ trưởng' cũ Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh
TP - Nhà cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ở phố Lý Nam Đế tầm 8 giờ sáng khi tôi tới đã thấy cánh cổng rộng mở, người qua lại rộn ràng. Được tin, nhà ông bữa nay có khách trọng. Chốc nữa, khách thăm là Thủ tướng Campuchia Hun Sen...

> Việt Nam - Campuchia thúc đẩy hợp tác toàn diện
> Thủ tướng Campuchia Hun Sen thăm Việt Nam

Thủ tướng Hun Sen (trái) và cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. ảnh: Xuân Ba
Thủ tướng Hun Sen (trái) và cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Xuân Ba.

Với cựu Tổng Bí thư, Thủ tướng Hun Sen vốn là người quen biết? Nhớ một lần gặp năm ngoái ở Vinh khi ông đi viếng các Liệt sĩ TNXP hy sinh ở Truông Bồn, ngồi chuyện với ông, trong không khí thân mật, có nhà báo hỏi ông về kỷ niệm với Thủ tướng Hun Sen, ông cười như là tránh và cũng như là gợi nhiều lắm nhớ sao hết. Ông ấy vẫn gọi tôi và ông Lê Đức Anh là thủ trưởng...

Nhiều? Trích ngang lý lịch từng là nghiệp binh của cựu Tổng Bí thư có những dòng như thế này. Tháng 4/1984, ông được thăng hàm Thiếu tướng, giữ chức Chủ nhiệm chính trị, rồi Phó tư lệnh kiêm Chủ nhiệm chính trị, Phó Bí thư Ban Cán sự Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (mật danh Mặt trận 719). Có lẽ trước thời điểm năm 1984, ông từng bươn chải trận mạc với nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia? Còn ông Hun Sen, năm 1977, được bổ nhiệm làm Trưởng ban tham mưu Trung đoàn Đặc công của Khơme Đỏ ở miền Đông. Sau đó ông trốn sang tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) ở miền Nam Việt Nam để tránh sự thanh trừng của Pol Pot và thành lập lực lượng vũ trang gồm 2 vạn người Campuchia để chuẩn bị lật đổ Khơme Đỏ.

.
Thủ tướng Hunsen chụp ảnh cùng gia đình nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Xuân Ba

Khi Thiếu tướng Lê Khả Phiêu giữ chức vụ Chủ nhiệm chính trị, rồi Phó tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Mặt trận 719 ít lâu, thì năm 1985 Bộ trưởng Ngoại giao Hun Sen giành được 100% số phiếu trong cuộc bỏ phiếu kín của Quốc hội Campuchia trong một sự kiện trọng đại, bổ nhiệm ông Hun Sen giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Người ta nói đó là vị Thủ tướng trẻ nhất... thế giới ở tuổi 30! Chắc có vô vàn công việc lẫn kỷ niệm như ông Lê Khả Phiêu từng bộc bạch là nhiều lắm vào cái thời điểm Phó Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận sát cánh bên cạnh Thủ tướng Campuchia như thế?

.
Thủ tướng Hunsen tặng hoa người thủ trưởng cũ của mình

Lại chợt nhớ đến cuốn sách đã dẫn. Có chi tiết nhận xét về Hun Sen. Nhân vật đáng gờm này có nét độc đáo của một con người thực sự nhanh nhẹn sắc sảo, đã sống sót qua hơn chín lần chạm trán chớp nhoáng với cái chết. Đấy là vận may, cộng với khả năng phán đoán, từng trải và ý chí để tiếp tục tồn tại, khiến cho Hun Sen luôn tiếp tục vượt thoát hiểm nguy.

...Động thái hơi cúi chắp tay kiểu mến và kính khách của người Campuchia kiêm vòng tay giang rộng và cái ôm xiết giữa chủ và khách đã nói lên một trong những nhiều lắm ấy. Một bó hoa tươi được chuyền đến từ các tùy tòng của Thủ tướng, ông Hun Sen nhanh nhẹn đỡ lấy với chất giọng trầm, chậm: Trân trọng chúc mừng sinh nhật bác! (hỏi ra mới hay, hôm nay 27/12 là sinh nhật cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu). Rồi ông thân thiết chào phu nhân cựu Tổng Bí thư. Trước lúc khách đến, đứng gần chỗ người nhà cựu Tổng Bí thư, tôi thấy phu nhân trong sắc phục thường vận khi nhà có khách trọng. Bà băn khoăn hỏi ông Phiêu rằng, chốc nữa bà muốn tặng phu nhân Thủ tướng một cái lọ hoa... nhưng, do bận việc đột xuất phu nhân Thủ tướng Hun Sen đã xin phép vắng mặt trong cuộc thăm. Bà nhanh nhẹn cầm món quà trang trọng trao cho Thủ tướng Hun Sen nhờ chuyển đến phu nhân.

.

Thủ tướng Hun Sen ngạc nhiên thích thú khi được chủ nhà tặng bức tranh có hình cựu Tổng Bí thư và Thủ tướng Hun Sen đứng bên nhau dưới Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.

Chuyện giữa ông Phiêu và ông Hun Sen nối liền ngay từ khi chủ khách chưa an vị. Ông Hun Sen hỏi thăm ông Phiêu về sức khỏe lẫn đời sống của một số vị tướng lĩnh Việt. Trong đó có sự thăm hỏi chia buồn đến Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, cả tướng Nguyễn Nam Khánh...

Thủ tướng Hun Sen (trái) cùng cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh. ảnh: Xuân Ba
Thủ tướng Hun Sen (trái) cùng cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh. ảnh: Xuân Ba.

Thủ tướng Hun Sen tới lúc này mới đưa cặp mắt bao quát phòng khách tư gia cựu Tổng Bí thư chật kín người. Chợt chất giọng ông hơi cao khi bật lên kìa anh Nguyễn Chí Trung... Ông đã nhận ra thiếu tướng nhà văn Nguyễn Chí Trung ngồi ở cuối hàng ghế xa. Ông này viết vẫn hăng lắm... Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cười thân mật giới thiệu thêm. Thiếu tướng nhà văn Nguyễn Chí Trung (một thời gian dài là phụ tá của Chủ nhiệm Chính trị Lê Khả Phiêu, từng chết hụt mấy lần ở chiến trường Campuchia ác liệt chắc cũng chỗ thân quen với Thủ tướng Hun Sen?) vẻ ngượng ngập đứng lên, chất giọng nhỏ nhẹ khi ông bộc bạch vài lời về việc sáng tác của mình.

Chuyện hồi lâu... Bất đồ Thủ tướng Hun Sen quay sang đoàn tùy tòng, đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Hoàng gia Campuchia mà ngồi bên cạnh là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ho Nam Hong, nói một hồi... Rồi ông cười nói tiếp bằng tiếng Việt là tôi thông báo cho anh em nội dung câu chuyện mà chúng ta đàm đạo nãy giờ!

.

Người cán bộ giúp việc của cựu Tổng Bí thư lặng lẽ xuất hiện rồi xin lỗi đại ý, theo nguyện vọng của Thủ tướng Hun Sen và chủ nhà, sau đây có cuộc trao đổi riêng...

Đoàn xe Thủ tướng Hun Sen ngoặt lối rẽ vào khu vực thành cổ, nơi ở của gia đình cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh tươm tất trong bộ vét màu sẫm. Mới hôm trước ông xuất hiện trong bộ quân phục đại tướng trong hội thảo về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bên cạnh là lão phu nhân tươm tất áo dài màu sáng. Trong phòng khách tầng một, cả nhà đã đợi sẵn...

.

Thủ tướng Hun Sen cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Ho Nam Hong và thành viên trong nội các của đoàn thong thả tiến lên cùng động thái chắp tay: Bận quá hôm nay mới đến thăm bác được. Bác khỏe chứ ạ? Cựu chủ tịch Lê Đức Anh cười: Cũng không được khỏe lắm... Năm nay 94 rồi. Vẫn thoảng chất giọng trầm và chậm của Thủ tướng Hun Sen Ông già tôi năm nay 90 còn bác 94... Quý hóa quá...

Một bức ảnh phóng to của chủ nhà tặng cho khách có 4 gương mặt tươi tắn khiến Thủ tướng Hun Sen ngạc nhiên. Hình Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng phu nhân, Thủ tướng Hun Sen và phu nhân. Ông đã nhận ra bức ảnh chụp thời điểm năm 1998. Ông hào hứng nghe thêm khoảnh khắc bức hình được ghi lại ấy do chính tác giả tấm ảnh trình bày. Đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son, nguyên là thư ký của Chủ tịch Lê Đức Anh, vốn là người mê chụp ảnh.

.

Rành rẽ trong phòng là chất giọng của người phiên dịch truyền tải lại những kỷ niệm thời trận mạc gian khó mà chủ khách cùng nếm trải. Thời mà Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 Lê Đức Anh, chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam. Rồi năm 1980, 1981, Thượng tướng Lê Đức Anh được phân công kiêm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Phó trưởng ban, rồi Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia Việt Nam tại Campuchia.

.

Có lẽ những kỷ niệm ấy, với ông Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh và cả ông Hun Sen đây, khó mà phai nhạt? Tôi chợt nhớ trong cuốn Hun Sen nhân vật xuất chúng (Hun Sen, The Strongmen of Combodia) của Harish C.Mehta & Julie B.Mehta, có chương Uống trà với một nhân vật đáng gờm. Tác giả cuốn sách thổ lộ một trạng huống khi phỏng vấn Hun Sen để lấy tài liệu viết sách, có đoạn nhỡ mồm đã buột ra câu hành động quân sự của Việt Nam để lật đổ Khơme Đỏ như là một “sự xâm chiếm” đã khiến Thủ tướng Hun Sen nổi giận. Ông đáp luôn bằng tiếng Anh không cần phiên dịch, nguyên văn trong sách ấy thế này ông đã nhanh chóng sửa lối giải thích lịch sử của chúng tôi, ông nói điều đó không bao giờ là một sự xâm chiếm, mà là một hành động giải phóng khỏi chế độ diệt chủng. Làm thế nào tôi, Hun Sen, một người Campuchia lại xâm chiếm đất nước của chính mình?

.

Kế đó là cuộc gặp riêng giữa chủ và khách...

Trong lúc đợi, phòng bên, tôi nghe thêm câu chuyện cởi mở giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Ho Nam Hong và Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Ông Phó Thủ tướng kể thời điểm năm 1979 ấy, ông đã thoát chết khỏi nanh vuốt của Pol Pot ở Battambang và được quân tình nguyện Việt Nam cứu thoát trên một chiếc xe tải như thế nào?

.

Tôi bất giác nghĩ đến những cuộc biểu tình của phe đối lập với ông Hun Sen mà các phương tiện thông tin đại chúng đương loan tải. Hy vọng ông sẽ vượt thoát qua thời điểm khó khăn này như dư luận cho rằng, Chính phủ ông sẽ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật để giữ vững kết quả bầu cử đã đạt được. Như ông trưa nay ở Hà Nội, ông đã bất ngờ cùng sẵn lòng bộc bạch thẳng thắn trong cuộc gặp với Hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Campuchia rằng, để thực hiện cuộc cải cách, sẽ kiên quyết thực hiện 4 mục tiêu chiến lược và 4 ưu tiên chiến lược...

Và cả một chút ấm áp na ná như truyền lửa với cuộc gặp hai vị thủ trưởng cũ…

Đêm 27/12/2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG