Thú vị quanh chiếc đầu hổ

Thú vị quanh chiếc đầu hổ
TP - Một người lính Bắc vào Nam tham gia hàng trăm trận đánh ghi lại câu chuyện về hổ sinh động và ấn tượng. Áp Tết Canh Dần - Tết Hổ, chúng tôi giới thiệu khai vị mẩu chuyện này hầu bạn đọc.
Thú vị quanh chiếc đầu hổ ảnh 1
Đầu hổ ở nhà ông Năm Ựng - Ảnh: Lưu Quang Huyền

Cách thị xã Tây Ninh thời đó không xa, phần đất phía bắc huyện Châu Thành bây giờ, là rừng lau, sậy, tranh, trúc bạt ngàn, cho đến những năm 1960-1962 vẫn còn những cánh rừng hoang vu, nên mới có chuyện cả đàn hổ 4-5 con cùng kéo nhau đi săn mồi.

Nếu chẳng may ai đó đi rừng làm rẫy hoặc đi đường bị hổ vồ là thân thể nát tan do chúng xúm vào tranh nhau xâu xé.

Câu chuyện ông Năm Ựng kể với tôi về cái đầu hổ treo trên tường nhà ông, mà tôi chụp ảnh đăng theo bài đây có tình tiết đau thương ấy. Nhưng lại có chuyện rất độc đáo trong cuộc chiến trường kỳ thống nhất đất nước. Ông Năm Ựng kể:

 - Đêm hôm ấy, vào cuối tháng đầu năm Nhâm Dần - năm Hổ - 1962, nhóm cán bộ thanh niên tỉnh Tây Ninh do tôi làm nhóm trưởng đi công tác, vừa tới đầu ấp vùng Bầu Chòi thuộc huyện Châu Thành, thì nghe tin hổ vừa mới vồ một em thiếu niên trong ấp tha chạy.

Chúng tôi chưa tìm thấy nơi hổ bỏ xác em vì bà con đánh trống mõ, mâm, chậu làm náo động nên hổ đã ẩn vào rừng thẳm. Tôi suy nghĩ giây lát, rồi tức tốc kéo theo mấy đồng chí nữa lăm lăm súng trên tay, đạn lên nòng, soi đèn pin đi lần tìm theo vệt hổ kéo xác em thiếu niên chạy ra trảng.

Tìm hồi lâu chúng tôi mới thấy chỗ chúng bỏ lại xác em. Chúng tôi bàn tính nếu giờ về báo cho gia đình và bà con biết, thì sẽ chứng kiến cảnh khóc lóc ồn ào náo động hổ sẽ không dám quay lại chỗ bỏ mồi, cơ hội diệt hổ không còn để trừ hậu họa cho dân. Thế là chúng tôi kiên trì phục lại đấy, khi thấy im ắng hổ sẽ quay lại.

Đúng như chúng tôi phán đoán, sau đó không lâu thì không chỉ một con mà cả đàn mấy con xúm lại chỗ chúng nhả mồi. Như đã phân công từ trước, tôi sẽ nhằm vào đỉnh đầu con hổ đi trước bắn, còn anh em khác thì nhằm vào những điểm khác của con hổ, hoặc vào các con khác nếu chúng đi đàn.

Khi đã ở cự ly hợp lý, tôi ra lệnh đồng loạt nổ súng thì con đầu đàn bị tôi bắn trúng sọ chết ngay tại chỗ. Các con khác chạy tán loạn không rõ có con nào trúng đạn bị thương nữa không.

Chúng tôi vội đưa xác em thiếu niên về cho gia đình và báo cho bà con biết nơi con hổ bị tôi bắn trúng sọ chết gục tại chỗ đó, rồi chúng tôi vội lên đường đi ngay chứ không dám nán lại lâu vì sợ giặc bố ráp.

Nghe ông Năm Ựng kể chuyện tôi càng phục tài thiện xạ của chả. Thời chúng tôi cùng công tác với nhau tại cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam, tức là Trung ương Đoàn B ở chiến trường miền Nam thời chống Mỹ, từ đầu Mậu Thân đến Ất Mão - 1968-1975 - ông Năm Ựng rất nhiệt tình chịu khó đi săn bắn thú rừng và chim trời đưa về để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho anh chị em trong cơ quan.

Ông Năm Ựng mà đã đội đèn soi lên đầu, vác súng đi săn  trong đêm vào các cụm rừng đầy gai góc thì sáng hôm sau thế nào bếp cơ quan chúng tôi cũng có bữa cải thiện thịt cáo, chồn, cheo, hoẵng ngon lành.

Từ hồi còn nhỏ tôi đã nghe nói đến nem công, chả phượng tiến vua, nhưng đâu dám mong mình sẽ được ăn những thứ  sơn hào hải vị ấy. Thế mà mùa khô năm 1970 tôi đã được thưởng thức nem công do ông Năm Ựng bắn được con công khá to trên trảng vùng biên giới Việt Nam - Campuchia mang về.

Lại  nói đến cái đầu hổ treo trên tường nhà ông Năm Ựng kia là câu chuyện khá thú vị. Sau khi được ông Năm Ựng và anh em trong nhóm công tác thanh niên chỉ nơi con hổ bị ông Năm Ựng bắn trúng sọ "chết tươi hây hẩy, chết giẫy con cón", bà con trong xóm ấp đã đi lôi xác con hổ về chặt luôn cái đầu đem ướp rồi phơi khô treo lên vách lán nhà sơ tán để ngắm chơi và có ý chờ người hạ gục nó có dịp trở lại ấp sẽ tặng để giữ kỷ niệm.

Nhưng rồi một hôm giặc càn quét vùng này, chúng thấy cái đầu hổ đẹp liền cướp luôn. Không rõ sếp ăn hiếp lính, quan văn phỗng của quan võ thuộc hạ diễn ra như thế nào, mà sau ngày giải phóng Sài Gòn 30 - 4 - 1975, ông Năm Ựng có dịp vào thành phố, đến nhà Tổng trưởng Bộ Chiêu hồi của chính quyền cũ (đã rút chạy sang Mỹ) ông Năm Ựng bỗng bắt gặp cái đầu hổ mà ông hạ nó bằng phát súng trúng sọ năm xưa, tính đến 1975 là 13 năm đang treo trên tường chính gian tiếp khách của đại quan ngụy.

Ông Năm Ựng đã phải dùng mọi chứng cớ, lý lẽ để xin nhận lại cái đầu hổ và đem về treo tại nhà mình. Cho đến hôm 17-11-1994 tôi và bà xã Vũ Thị Sáo đến thăm nhà ông Năm Ựng, biết đến câu chuyện thú vị và khá ly kỳ về nó và chụp ảnh này (ảnh trong bài).

Nay nhân áp Tết Canh Dần - Tết Hổ, tôi lần theo những dòng ghi chép ở sổ nhật ký cũ viết câu chuyện này hầu bạn đọc.

MỚI - NÓNG