Thung lũng hoàn lương

Thung lũng hoàn lương
TP - “Đại tỷ” Trần Thị Phúc ngồi bệt trước hiên nhà. Chút nắng vàng óng đầu Giêng hiếm hoi sau một quãng dài lạnh giá tưới lên xóm nghèo Lộc Mỹ tươi roi rói. Chung quanh “đại tỷ” là 6 - 7 chị em, cùng ùa lên, cười vang dậy cả bến sông Cu Đê.
Thung lũng hoàn lương ảnh 1
Chị em ở thung lũng hoàn lương

“Đại tỷ” bây giờ đã gần 60, móm mém chào: “Chú là người xông đất xóm này...”

“Lạy trời ! Xin quá khứ ngủ yên”

Ông lái đò 80 tuổi Phạm Em lập cập bưng nổi bánh trước chiếc Dream II nặng chình chịch lên bờ. Kết thúc chuyến đò chao nghiêng trên dòng sông Cu Đê vào thôn Lộc Mỹ (xã Hoà Bắc, Hoà Vang, Đà Nẵng), ông bâng quơ: “Cũng lâu lắm rồi, không có người lạ vào thôn”.

Con đường đầy cát lạo xạo dưới chân tôi, khoảng cách từ bến sông vào làng của những “cựu trại viên” 05 – 06 Đà Nẵng khá xa. Hơn chục ngôi nhà thấp thoáng vàng vọt, ẩn hiện dưới chân núi, nơi đây được mệnh danh là “thung lũng hoàn lương”.

Buổi trưa, cả xóm, nói đúng hơn là mấy chị em cùng túm tụm ở nhà chị Trần Thị Phúc (1952), người chị cả của xóm, người mà hết thảy đều kính trọng như một “đại tỷ tỷ” thực thụ.

Trong 7 chị em từng là gái làng chơi ở “thung lũng” hoàn lương này, cuộc đời của mỗi người là một bước thăng trầm khác nhau, nhưng xem ra, số phận của “đại tỷ” Trần Thị Phúc và “nhị tỷ” Trần Thị Minh Nguyệt khá giống nhau, bởi mỗi trang đời của họ đều chứa đựng những tủi nhục, cơ hàn đến cùng cực. Họ gặp nhau ở trại 05 - 06 Đà Nẵng, lại cùng bảo ban nhau xin “ra riêng”, sống thanh thản những năm tháng còn lại.

Xứ Quảng Nam - Đà Nẵng những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước hiếm người không biết “danh tiếng” của gái làng chơi Trần Thị Phúc. Bố mẹ mất sớm, một thân một mình, cảnh sống không công ăn việc làm cùng những sai lầm tuổi trẻ nhanh chóng đẩy cô Phúc sa chân vào chốn thanh lâu. 5 năm “dặt dẹo” trong tủi nhục, rồi cô Phúc phải vào trại phục hồi nhân phẩm (Trung tâm 05 – 06 Đà Nẵng bây giờ).

4 năm trong trại là quãng thời gian khá dài để “đại tỷ” ngẫm nghĩ về thân phận gái làng chơi bèo bọt, để rồi duyên số đã gắn đời cô với một nam trại viên khác. Đó là bước ngoặt để “đại tỷ” can đảm xin ra ngoài làm ăn, sống cuộc đời bình thường như bao người khác.

Chị Trần Thị Phúc bồi hồi nhớ lại: “Chồng tui hồi vào trại cũng nghiện oặt èo, nhưng rồi ảnh cũng cai được, tui khâm phục ý chí nên thương. Năm 1980, ban lãnh đạo trại tổ chức cho cưới tập thể. Rồi sau đó vợ chồng xin được mảnh đất sát chân núi, dựng túp lều ở tạm, cùng lên rừng kiếm củi, làm thuê rau cháo qua ngày”.

Đám cưới của Trần Thị Phúc và Nguyễn Văn Tài là một trong những cặp đôi trong đám cưới tập thể được trại 05 – 06 tổ chức năm 1980. Những thước phim buồn tủi của quá khứ khiến đôi mắt “đại tỷ” ầng ậng nước: “Sống với nhau đến năm 1998 thì chồng tui mất, để lại hai mẹ con chẳng biết xoay xở ra sao. Rồi con gái tui cũng lấy chồng, những tưởng có được tấm chồng thì bớt khổ, ai ngờ chỉ vài năm thì chồng nó chết. Bây giờ con nó phải sống với tui”.

Ngồi kế bên bà ngoại, đôi mắt trong veo của cô bé lớp 6 Nguyễn Thị Minh Trâm không còn ngây thơ như bao bạn bè trang lứa. Những bất hạnh của bà ngoại và mẹ dường như khiến bé cứng cỏi và nếm nỗi buồn trước tuổi.

Trong số 7 chị em ở “thung lũng hoàn lương” thì chỉ duy nhất “đại tỷ” Phúc có cháu ngoại, còn lại hầu như ở trong tình cảnh không chồng. Người sống chung nhà với “đại tỷ” là chị Trần Thị Minh Nguyệt -  một “kiều nữ” có số phận bi thương mà giờ đây, chị Nguyệt đến nỗi còn không biết vì sao mình tồn tại trên cõi đời này.

Đôi mắt lúng liếng, nụ cười vẫn còn “đón đưa” so với cái tuổi 53 xế chiều, “nhị tỷ” Nguyệt chính là đoá trà my nổi tiếng một thời thập niên 70 ở mạn Chu Lai (Quảng Nam). 2 tuổi, mẹ mất, người cha bỏ xứ ra đi, Nguyệt sống với bà nội ở Tam Anh (Núi Thành - Quảng Nam) độ 7 năm nữa thì bơ vơ. Lang thang kiếm sống qua ngày đến tuổi trăng tròn, “nhị tỷ” Nguyệt chính thức bước vào con đường buôn phấn bán hương.

Những năm thập niên 70 thế kỷ trước, hương sắc và giọng hát bolero mê hồn của “nhị tỷ” đã khiến không ít đàn ông  tình nguyện xin chết. “Tui hổng phải ca sĩ, nhưng nhiều thằng nghe hát vẫn cho tui tiền, có bữa được mấy ngàn lận” - ánh mắt “nhị tỷ” thoáng chút xa xăm. Phải tội! Câu chuyện với tôi có lẽ làm chị thoáng vụt nhớ về một “quá khứ oanh liệt vàng son” chăng?

Thung lũng hoàn lương ảnh 2
Chị Phúc và chị Nguyệt ngày ngày chăm sóc vườn thuốc lá

Năm 1979, bị hốt vào trại, đến năm 1984, được sự động viên của chị Phúc, “nhị tỷ” cũng “ra riêng”, không chồng không con, thành ra bây giờ sống nhờ nhà chị Phúc, chịu cảnh không nhà cửa đến tận bây giờ...

Câu chuyện của mấy chị em xóm hoàn lương xoay quanh cả buổi chiều. Những gương mặt “đại tỷ” Phúc, “nhị tỷ” Nguyệt, chị Nguyễn Thị Quyên, Võ Thị Lịch, Lê Thị Thuý... vẫn còn hằn lên nét nhọc nhằn phong sương, nhưng trong cái nắng xuân đầu Giêng, những nét mặt đó dù nhọc nhằn nhưng đã thảnh thơi ít nhiều.

“Nhị tỷ” Nguyệt buồn buồn: “Nhiều đêm, trong giấc mơ, quá khứ thỉnh thoảng vẫn hiện về. Lạy trời, mong cho nó được ngủ yên, dù biết rằng đời tui chẳng còn gì nữa”.

Vẫn còn ngày mai...

Nước khe Bầu Bàng lạnh ngắt, tôi lội bộ một mình tìm đến căn nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Sáu - chị  Bùi Thị Sĩ, một căn nhà gỗ nhỏ xinh xinh lưng chừng đồi. Quãng thời gian 3 tiếng đồng hồ ở trong căn nhà gỗ để khi bước ra, đủ cho tôi nghiệm ra được một điều nho nhỏ: Hạnh phúc là một cái gì đó cực kỳ giản dị, bởi khi con người vượt qua được những toan tính, dị nghị của đời thường và sống thật với bất hạnh của chính mình, thì đó chính là hạnh phúc. Tôi đọc được điều đó trên gương mặt ngời ngời của đôi vợ chồng Sáu - Sĩ.

Anh Nguyễn Văn Sáu (1962) là người thành phố Đà Nẵng chính gốc, lên làm kinh tế mới ở vùng miền núi Hoà Bắc từ những đầu thập kỷ 80, còn vợ anh - chị Bùi Thị Sĩ là nữ trại viên 05 – 06. Nguyên cớ gì một thanh niên khỏe mạnh đẹp trai lại cưới cô gái đã từng lấm bụi trần đang ở trại phục hồi nhân phẩm? Anh Sáu chỉ giải thích vỏn vẹn có 2 từ: Số phận.

Thung lũng hoàn lương ảnh 3
Vợ chồng anh Sáu chị Sĩ đang chăm sóc vườn rau

Chị Sĩ sinh 1958, quê Mộ Đức (Quảng Ngãi), bố mẹ mất sớm, gánh nặng đàn em nhỏ khiến chị phải sa chân vào thân phận của một gái làng chơi. Năm 1985, chị được đưa vào Trại 05 - 06 Đà Nẵng và ít ai ngờ, tại đây, chị đã gặp được một nửa còn lại của đời mình, như một sự sắp đặt của số phận.

Trong một lần các trại viên biểu diễn văn nghệ, chàng thanh niên Nguyễn Văn Sáu là người dân ở ngoài vào xem, ngây người trước duyên ngầm và giọng ca mặn mà của cô trại viên phục hồi nhân phẩm hơn mình đến 4 tuổi. Anh Sáu sau đó một mực xin cưới chị Sĩ, mặc cha mẹ và 7 anh chị em cực lực phản đối.

Năm 1986, họ nên vợ chồng và chị Sĩ cũng theo chồng “ra riêng” về tại thôn Lộc Mỹ. Nơi đã quây quần 15 hộ gia đình từng là trại viên 05 - 06.

Không muốn khơi gợi lại chuyện cũ, anh Sáu chỉ nói nhỏ: “Trên đời không có ai không lầm lỡ, vợ tôi có thể lầm lỡ với xã hội, với chính cô ấy, nhưng với riêng tôi, cô ấy mãi mãi trong sáng, thiêng liêng”. Chỉ tiếc, ông trời lại thêm một lần bắt vợ chồng anh chịu bất hạnh, khi đứa con nhỏ mất sau 4 tháng chào đời vào năm 1987.

Đến bây giờ, chỉ có 2 vợ chồng thui thủi. Thế nhưng, vượt lên tất cả, 2 vợ chồng vẫn gắng gượng sống và chăm chỉ làm ăn. Dần dần, từ hai bàn tay trắng, anh chị đã có một căn nhà gỗ xinh xắn cùng nhiều vật dụng đáng giá như ti vi, tủ lạnh, xe máy...

Riêng anh Sáu được người dân thôn Lộc Mỹ tín nhiệm bầu làm phó trưởng thôn phụ trách kinh tế. Song, điều tôi cảm nhận được rõ ràng nhất trong căn nhà gỗ là tình yêu thương luôn đầy ắp mà hai vợ chồng dành cho nhau.

“Không có con, nhưng chúng tôi vẫn phải sống, phải lạc quan để cho bà con và các chị em noi theo. Ngày hôm nay qua đi, vẫn còn ngày mai tươi sáng, đúng không chú?” - Tiễn tôi ra bến sông, anh Sáu hỏi như một lời chia tay.

Phải, vẫn còn có ngày mai tươi sáng, bởi căn nhà gỗ vẫn đầy ắp tiếng cười, và ở trên cánh đồng cây thuốc lá, những “đại tỷ”, “nhị tỷ” và nhiều chị em vẫn miệt mài chăm bón, đợi kỳ thu hoạch. 

MỚI - NÓNG