Thung lũng mỹ nhân

Thung lũng mỹ nhân
TP - Thung lũng mỹ nhân ở cuối trời Tây Bắc khiến người ta bị hút hồn không chỉ vì phụ nữ đẹp, mà còn bởi  điệu múa xòe.
Thung lũng mỹ nhân ảnh 1
Thung lũng mỹ nhân vẫn giữ được những nếp nhà sàn cổ truyền. Ảnh: Phùng Nguyên

Mỹ nhân Mường So

Vượt qua hơn sáu trăm cây số đường đèo dốc, tôi đến huyện Phong Thổ, mảnh đất  biên viễn tỉnh Lai Châu – một  miền gái đẹp lừng danh của Tây Bắc.

 Xã Mường So của huyện Phong Thổ từ lâu nổi tiếng về mỹ nhân với những điệu xòe khiến các chúa đất và quan thầy người Pháp trước kia mê đắm.

Mường So nằm lọt vào thung lũng của dãy Khau Nhọ Khọ quanh năm mây trắng, dưới chân núi, dòng suối Nậm So trong veo. Bản Vàng Pheo lại được coi như một thủ phủ người đẹp của Mường So, nơi “ra ngõ  gặp mỹ nhân”.

Bản Vàng Pheo vẫn còn giữ được nét đẹp thuần khiết  của dân tộc Thái với những mái nhà sàn nằm ẩn mình sau các tán cây. Giữa thời đô thị hóa, nhưng Vàng Pheo không hề có một nhà bê tông nào xen vào, tất cả  đều tăm tắp nhà sàn gỗ hằn lên nét cổ xưa.

Bóng các cô gái Thái thấp thoáng trên cầu thang nhà sàn, áo cóm cổ truyền trắng tinh, da trắng ngần…

Ông Lò Văn Tiến - Chủ tịch xã Mường So nhà ở ngay đầu bản Vàng Pheo, bảo với tôi: “Con gái vùng này có vẻ đẹp rất đặc trưng của người Thái: cao, da trắng, tóc dài”.

Bà Lò Thị Đối, vợ của ông Tiến, Chủ tịch Hội Phụ nữ Xã Mường So, rót nước mời khách. Bà Đối độ ngoài bốn mươi, nhưng vẫn còn giữ được dáng người thon thả, nước da trắng, mái tóc dài đen nhức mắt.

Bà Đối cười: “Tóc của phụ nữ vùng này đen mượt hơn nhiều nơi khác vì chúng tôi có một bí quyết rất đơn giản: gội đầu bằng nước gạo”.

Ba cô gái trong đội văn nghệ cũng vừa đi nương về. Vàng Thị Thơi lưng áo còn đẫm ướt mồ hôi. Thơi tâm sự: “Con gái  Thái chúng em, khoảng 12 tuổi đã biết làm nương, dệt vải, thêu thùa”.

Nhà bà Đối có khách. Nắng ban trưa ở vùng cao như dịu đi khi ba cô gái mặc váy bước lên cầu thang. Bà Đối bảo: “Cô Vàng Thị Thơi, cô Mào Thị Hoa, cô Tào Thị Nỏi  đến đây để chuẩn bị tập văn nghệ cho lễ hội Nàng Han sắp  diễn ra. Các cô này đều trong đội múa xòe”.

Cả ba cô gái đều cổ cao ba ngấn, da trắng tóc dài, eo thon và nụ cười tươi như hoa ban trên núi.

Ông Lò Văn Tiến nhớ lại: “Trước kia quân Pháp đóng hai đồn ở trung tâm xã này. Có giả thiết cho rằng con gái vùng này đẹp do giao hòa hai dòng máu Á–Âu. Lại có ý kiến bảo nơi đây từng có cung điện của chúa đất Đèo Văn Ân để làm nơi ở của nhiều mỹ nhân tuyệt sắc, nên hậu duệ của họ cũng được di truyền vẻ đẹp ấy”.

Cung điện giờ chẳng còn dấu vết, nhưng những câu chuyện về mỹ nhân vẫn còn được dân ở Mường So kể lại. Đèo Văn Ân theo Pháp tự xưng là vua Thái ở Mường So. Pháp dùng Chúa Ân để đối trọng với vua Thái Đèo Văn Long vì cha Ân bị chết dưới tay của Đèo Văn Long.

Đèo Văn Ân có tới 12 vợ, tất cả đều sắc nước hương trời. Ân tìm vợ bằng cách đóng giả làm chàng chăn trâu nghèo khổ lang thang tới các bến nước, nơi gái bản thường tắm giặt. Chọn được người đẹp ưng ý, lãnh chúa không cưỡng ép mà mời vào các đội xòe rồi cưới làm vợ.

Đèo Văn Ân xây cung điện 12  gian bằng gỗ quý tựa lưng vào dãy núi Khau Nhọ Khọ, mặt hướng về suối Nậm So. Nhiều đêm trăng sáng, 12 mỹ nhân ra suối tắm trông như tiên nữ giáng trần. Chúa đất phải cho lính canh gác.

Bà Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường So Lò Thị Đối kể cho tôi nghe câu chuyện này rồi bảo: “Đã 11 giờ trưa. Giờ này đến nhà con gái Thái ở bản Vàng Pheo thì không gặp được đâu. Họ đang làm ở trên nương hết”.

Mường So nằm lọt trong thung lũng, khí hậu quanh năm ôn hòa. Dòng suối Nậm So trong mát tưới tắm cho những mảnh ruộng bậc thang để tạo ra thứ gạo nương thơm dẻo.

Trưa ấy, bên dòng suối Nậm So, tôi được chiêm ngưỡng ba cô gái của bản Vàng Pheo múa. Những điệu múa như hòa nhịp cùng tiếng nước chảy của suối, vẻ đẹp vừa hoang dã lại vừa gần gũi.

Thung lũng mỹ nhân ảnh 2 Thung lũng mỹ nhân ảnh 3 Thung lũng mỹ nhân ảnh 4
Vàng Thị Thơi trong bộ trang phục phụ nữ Thái Tào Thị Nỏi Mào Thị Hoa bên suối Nậm So

Khi mỹ nhân hạ sơn

Tôi không ngờ Vàng Thị Thơi đang là sinh viên theo học ở tận Thủ đô Hà Nội. Một cô gái có bằng tú tài cũng trở thành sự kiện của bản Vàng Pheo.

Ngày sơn nữ xuống núi nhập học, không ít trai bản dõi theo bằng đôi mắt đầy tiếc nuối. Ngày sơn nữ từ Hà Nội về Vàng Pheo nghỉ hè, nhiều người tò mò đến xem Thơi có đổi khác gì không.

Sau hai năm dan díu với kinh thành, trong mắt tôi, Thơi vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ ở thung lũng Mường So.

Thơi bảo: “Em biết nói tiếng Anh, nhưng vẫn nhớ tiếng dân tộc mình. Em đi học thêm dancing, nhưng về đây vẫn tập múa xòe với đội văn nghệ của bản.

Đi học xa, em mở mang được nhiều điều, và thấy rằng mình có thể thay đổi thói quen của phụ nữ Thái. Phụ nữ ở bản em đẹp thật, nhưng vẻ đẹp chưa đủ để hạnh phúc”.

Thung lũng mỹ nhân đang thay đổi khi hơn mười cô gái hạ sơn đi học như Vàng Thị Thơi, Mào Thị Hoa, Tào Thị Nỏi.

Sau khi cùng đội múa xòe tham dự lễ hội  Nàng Han truyền thống của người Thái, Vàng Thị Thơi  cùng hai cô bạn sẽ xuống thị xã Lai Châu  dự ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc  vùng  Tây Bắc.

Ở đó Thơi sẽ tham gia cuộc thi thuyết minh viên du lịch về  vùng Tây Bắc. Sau đó người đẹp bản Vàng Pheo xuống núi về Hà Nội học. Hành trình ấy, phụ nữ Thái ở Mường So trước kia chưa bao giờ hình dung ra được.

MỚI - NÓNG