Thuyền trưởng 8X vượt sóng ra Hoàng Sa

Thuyền trưởng 8X vượt sóng ra Hoàng Sa
TP - Tuổi đời chưa đầy 30, nhưng họ đã có thâm niên từ 5-7 năm làm thuyền trưởng, chỉ huy những đoàn ngư dân vượt phong ba, vượt bắt bớ giam cầm để “chinh chiến” và đứng vững trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa …

>Ngư dân quyết liệt cứu tàu trên biển
>Những ngư dân thi sĩ

I. Róc theo gò cạn!

“Róc theo gò cạn !” - thuyền trưởng Trương Quang Thiên la to trên máy Icom, 7 con tàu như một đàn én chạy băng băng theo gò san hô đảo Xà Cừ (Hoàng Sa). Con tàu đuổi bắt chỉ biết đứng nhìn sự điêu luyện của những kình ngư trẻ. 

Đó là đoạn hồi ức của những ngư dân trẻ ở xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể về người thuyền trưởng sinh năm 1981 của mình trong chuyến ra Hoàng Sa cách đây vài tháng. Nếu như cách đây 2 năm, ra đánh cá ở Hoàng Sa bị tàu tuần tra Trung Quốc bắt giữ dễ như xúc con cá nhỏ, thì bây giờ đã khác.

Ra Hoàng Sa, tàu QNg 95839 TS của Thiên và các ngư dân khác thường bám theo gò san hô để lặn. Đối với ngư dân hành nghề lặn đêm để bắt cá, tôm và hải sâm, gò san hô ngầm dưới đáy biển trở thành con đường mòn để họ dạo bước và thăm viếng trong đêm đen Hoàng Sa. Dựa vào gò san hô làm ăn, gò san hô cũng là nơi để những con tàu thoát hiểm bằng độc chiêu: róc theo gò cạn.

Lần ấy, trong lúc ngư dân đang neo nghỉ tại đảo Xà Cừ sau một đêm lặn mệt mỏi, bỗng tiếng la thất thanh trong máy Icom: “Có tàu, nó xịt khói đen rồi !”. Nhìn cách đó không xa, một tàu kiểm ngư đang hướng mũi về phía đoàn thuyền ngư dân. “Róc theo gò!” – mệnh lệnh phát ra từ chàng thuyền trưởng trẻ.

 Tất cả 7 con thuyền với gần 100 ngư dân Bình Châu bắt đầu một cuộc biểu diễn tài nghệ. Khi chạy róc theo gò, thuyền trưởng phải luôn quan sát liên tục định vị, máy dò để kiểm tra độ sâu. Ngoài ra còn phải quan sát màu nước để thuyền khỏi đâm vào đá.

Hoàng Sa có những rạn san hô, đảo ngầm rộng mênh mông. Chọn những nơi có mực nước xâm xấp mà tàu lớn không thể lọt vô, Thiên điều khiển con tàu dẫn đầu chạy lắt léo theo gò cạn.

Con thuyền công suất 145 CV lao đi với tốc độ 8,5 hải lý/h và dắt theo chùm ngư dân Quảng Ngãi. Gò san hô như một chiếc lồng hai lớp bảo vệ đàn chim bên trong. Chạy song song phía ngoài là con tàu đuổi bắt nhưng không thể làm gì được. 

Kiểm ngư Trung Quốc bèn thả ca nô xuống nước để bám vào gò cạn quyết tâm bắt ngư dân. Thiên kể: ca nô hơn mình là chạy nhanh và lắt léo. Tuy nhiên, mình cũng phải kiếm điểm yếu của nó để trị. Đó là tìm những nơi có đụn sóng cao cho thuyền nhào vô. 

Ca nô phải dè chừng, sợ lật nên không dám vào vùng này. Còn trường hợp biển lặng sóng quá thì coi như mình thua chúng vậy.

Mỗi chuyến ra Hoàng Sa, chi phí dầu mỡ gần 100 triệu đồng. Nếu bị bắt và thu giữ đồ nghề thì ngư dân phải quay về. Vậy là thuyền trưởng Thiên và các ngư dân tìm cách lập “cơ sở hậu cần” tại quần đảo Hoàng Sa.

Dây hơi và một số dụng cụ lặn được thả xuống một điểm bí mật trên biển. Điểm này được lưu vào định vị. Khi bị bắt và thu đồ nghề, ngư dân có thể quay lại “cơ sở hậu cần” Hoàng Sa để lấy đồ tiếp tục đi làm.

Những năm trước đây, ông Trương Quang Trị - cha của Thiên - một lão kình ngư già cũng đi theo tàu để chỉ dẫn thêm cho con. Năm 2009, tàu chở hai cha con lọt vào tâm bão Côn Sơn.

Cả chục chiếc tàu chìm nghỉm, nhiều ngư dân bỏ mạng tại Hoàng Sa. Suốt ngày đêm, thuyền trưởng Trương Quang Thiên ôm bánh lái, giật hết ga và không được rời vị trí dù chỉ một giây. Trong gió giật cấp 12, ông Trị bẻ gói mì tôm đến nhét vào miệng con. Và sau chuyến biển kinh hoàng đó, lão kình ngư già chính thức “về vườn”.

Năm 10 tuổi lặn và bơi giỏi như rái cá, 17 tuổi theo cha ra biển khơi, tính đến nay gần 15 năm ở vùng biển Hoàng Sa của cha ông mình, chàng thuyền trưởng Trương Quang Thiên đã trở thành con kình ngư trẻ giữa biển khơi. “Năm nay phiên nào cũng bị rượt đuổi, quen như cơm bữa” - chàng thuyền trưởng trẻ nói một cách bình thản.

Chạy đi người bạn Việt Nam!

Có một kỷ niệm thuyền trưởng trẻ Trương Quang Thiên nhớ mãi. Đó là phiên biển ra Hoàng Sa tháng 5-2011, tàu cá của anh đột ngột chết máy. Nhiều ngư dân hốt hoảng, bởi họ đang ở “vùng bão” và có thể bị bắt giữ.

Điện vào bờ nhờ thợ máy gởi cho 2 cái pét (một loại linh kiện của tàu thuyền). Mấy ông thợ trong bờ cho Thiên một “cao kiến”: Chạy qua tàu ngư dân Trung Quốc xin.

 Pét 5 lỗ là hàng hiếm, dân Trung Quốc trên tàu lúc nào cũng có. Chèo thúng đến một chiếc tàu ngư dân Trung Quốc đang đánh cá, Thiên ra dấu: Hỏng máy, cần pét. Anh giao kèo sẽ tặng một ít cá dớn nếu bạn ra tay giúp. Bình thường, 2 chiếc pét này trị giá khoảng 400.000 đồng.

Cũng là dân lao động trên biển nên dễ cảm thông với nhau. Anh ngư dân Trung Quốc có dáng người gầy gò, khuôn mặt hiền lành, tuổi gần 50 gật đầu và mang pét sang hì hục sửa. 

Chỉ mất 15 phút, chiếc máy được thay pét hoàn tất. Ngư dân này gật đầu nhoẻn miệng cười khi nhận phần quà là bịch cá dớn từ tay Thiên. Ngư dân Trung Quốc ai cũng thích loại cá này, nhưng chỉ có ngư dân Việt Nam lặn xuống gành đá mới bắt được.

Khi ngư dân này vừa trở về thuyền, bất chợt nhận ra điều gì chẳng lành, ông liền nhào ra hông thuyền đưa hai tay bắt chéo vào nhau, miệng phùng lên hét to bằng tiếng Trung Quốc, ra hiệu: Chạy đi…! Có đùng…đùng!. Dứt lời, ông cũng nổ máy cho thuyền chạy như sợ bị liên lụy. Biết có tàu kiểm ngư, Thiên và các ngư dân cho tàu lao đi tiếp tục róc theo gò cạn.

… Sáng nay, trên con thuyền mang số QNg 95839 TS neo tại cảng Sa Kỳ, lão ngư dân kỳ cựu Trương Quang Trị cùng người con treo lá cờ Tổ quốc lên nóc ca bin. Ngày mai là ngày mở biển. Hoàng Sa, nơi lưu dấu thời trai trẻ của lão, ngày mai thằng con trai nối nghiệp cha sẽ lại có mặt tại nơi này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG