Tiếng hạc trong tịnh xá

Tiếng hạc trong tịnh xá
TP - Nhắc tới tịnh xá, người ta hình dung về một chốn trầm mặc, dành cho những người ưa thanh tịnh. Tịnh xá Ngọc Quy - TPHCM đúng là yên tĩnh, nhưng xơ xác như phòng trọ. Khi sư ông và các phật tử chưa lo được cho mình, họ đã lo cho nhiều người nghèo khổ có cơm hằng ngày, có thuốc chữa bệnh, có quà trung thu…
Tượng hai vai. Ảnh: T.N.A
Tượng hai vai. Ảnh: T.N.A.

Lo cho một đời người

Tôi biết đến tịnh xá Ngọc Quy qua lời kể một bác xe ôm. Bác bảo rằng quận 7 của thành phố giờ phát triển lắm, nhiều khu đô thị hiện đại, giá cả đắt đỏ. “Những người lao động nghèo kiếm chỗ để ăn trưa, ăn tối không dễ”. Bác thả tôi trước lùm cây dại um tùm. Tôi bước vào thấy có một quán cơm nhỏ lợp tôn.

Trời mưa, nước ngập băng băng nhưng quán cơm vẫn đông đúc. Toàn người bán vé số, cửu vạn, những người già không thân thích, dăm ba người lượm rác còn mang theo cả bị rách trên vai.

Có thực khách bảo tôi: “Quán cơm phục vụ cho người nghèo thôi. Ba mức giá tùy tâm lựa chọn. Mức cao nhất 10.000 đồng một suất, thứ nữa là 5.000 đồng một suất, người nghèo nhất không có tiền trả cho tịnh xá thì được phát miễn phí”. Một người trong tịnh xá bảo: “Mỗi bữa chúng tôi phục vụ gần 200 thực khách”.

 Những con hạc lớn đậu trên tượng hai vai, trên ngọn cây, cất tiếng hót trầm ấm lạ thường. Anh em làm từ thiện trong tịnh xá quây quần ngồi bên ấm trà, nghe tiếng hạc cất lên, biết mùa thu đã về, chợt thấy lòng bình yên khôn tả 

Trong cơn mưa lạnh, mọi người râm ran trò chuyện, thở phào nhẹ nhõm, ấm áp dưới mái tôn cũ. Thỉnh thoảng văng dăm tiếng ho sù sụ.

Những người bán quán bảo: “Các cụ, các chú nào mệt thì vào nghỉ dưới gốc cây to sau kia, có bác lương y bấm huyệt chữa bệnh, kẻo cảm nắng cảm lạnh lại quay đơ ra đấy thì khổ”.

Tôi theo chân mấy cụ có tuổi đi vào. Một cụ gần bảy chục tuổi rồi nhưng “vẫn còn mưu sinh bằng nghề đẩy xe cát, xe sỏi. Mình mẩy đau nhức như có đàn kiến độc”.

Phòng mạch bé xíu của tịnh xá nằm dưới gốc cây. Nó chỉ là cái lều nhỏ đủ kê cái bàn, chứa mấy hũ ngâm thuốc bóp và một ít dược liệu.

Anh Sol - lương y đã làm trong tịnh xá nhiều năm - bảo: “Người già ốm yếu gặp khi trái gió trở trời rất dễ đột quỵ”. Người ta chết đường chết chợ nhanh lắm.

Ngoài chữa ở tịnh xá, anh thường cho số điện thoại của mình, để người ta đi đâu, gặp bất cứ hoàn cảnh nào cần cứu giúp thì nhờ gọi điện đến để tịnh xá hướng dẫn cách cấp cứu sơ cứu lẫn nhau, rồi đưa đi bệnh viện.

Tôi hỏi: “Kinh phí chữa trị thì tính thế nào?”. Anh Sol nói: “Chúng tôi chữa bệnh không lấy tiền. Thiếu dược liệu, người hảo tâm sẽ hiến tặng ngay. Nếu ai đó muốn trả tiền thì chúng tôi cũng bảo khi nào khỏe mạnh, làm ra tiền đủ sống rồi, khi đó hãy quay lại cũng chưa muộn đâu. Đấy là cách mình đánh thức tinh thần vươn lên”.

Hoang tàn bên Phú Mỹ Hưng

Tịnh xá Ngọc Quy đất đai rộng rãi nhưng chỉ xây dựng một tòa chính điện thờ đức Phật và là… nhà cấp bốn lợp tôn. Khu sinh hoạt phía sau của sư ông và các đệ tử cũng là dãy nhà cấp bốn ngăn từng phòng nhỏ kiểu nhà trọ sinh viên. Điều ngạc nhiên là sư ông cũng ở trong một phòng nhỏ bé như thế, và cạnh đó là phòng chứa… quan tài.

Tôi gõ cửa mấy lần, xưng danh nhà báo nhưng sư ông cáo mệt không tiếp. Mãi tới khi các Phật tử vào xin quà từ thiện trung thu, nhân đó tôi mới theo vào trò chuyện.

Sư ông Thích Giác Thế
Sư ông Thích Giác Thế .

Sư ông, pháp danh là Thích Giác Thế, nói: “Nhiều người nghèo chết không có quan tài chôn nên tịnh xá trữ sẵn như thế để cứu giúp”. Nhiều đám tang được tịnh xá lo trọn gói. “Đã là phật tử, trước cái chết không kể sang hèn, thảy đều được cư xử như nhau” - sư ông nói.

Tôi và sư ông đứng giữa mênh mông cỏ dại của tịnh xá, như một vùng hoang hóa lạ thường bên khu đô thị Phú Mỹ Hưng vô cùng tráng lệ, đúng là từ thời hiện đại bỗng lọt vào thủa hồng hoang.

Tôi lấy làm lạ hỏi: “Vì sao tịnh xá hoang tàn thế này?”. Sư ông bảo: “Trước năm 1975, vùng này không có chùa chiền gì, có một cái am. Sau năm 1975, tôi về mua thêm đất, dự tính mở mang tịnh xá, lấy nơi cho đệ tử tới lui, nhưng ngặt vì hoàn cảnh lịch sử nên chưa làm được giấy tờ chủ quyền”.

Nhà sư đưa cho tôi một tấm giấy chứng nhận của người chủ đất cũ. Ông này chứng thực việc bán thêm đất cho tịnh xá, nhưng ông cho biết, sau chiến tranh, ông lưu lạc và định cư ở Úc nên giấy tờ đã mất hết cả rồi.

Khung cảnh tịnh xá tịch liêu
Khung cảnh tịnh xá tịch liêu .

Tuy sư ông sống trên tài sản khổng lồ của tịnh xá, nhưng căn phòng sư ông chưa tới chục mét vuông, cửa giả xộc xệch, chẳng hơn gì nhà một người nghèo.

Sư chỉ đống quà đã được gói sẵn chất đầy hết cả lối đi: “Tịnh xá chúng tôi cũng còn khó khăn quá, đang chờ sự quan tâm”.

Sư ông chìa bàn chân cho tôi xem: “Triều cường nước ngập khắp nơi, tràn vào cả trong điện thờ, nên bị nước ăn chân hết năm này qua năm khác”.

Sư ông Thích Giác Thế đang chuẩn bị đi phát quà từ thiện cho trẻ em nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sư ông nói: “Trong khi chưa được ai quan tâm, chúng tôi vẫn cứ quan tâm đến mọi người trước đã”.

Tiếng hạc mùa thu

Người ta nói rằng, câu chuyện về tịnh xá Ngọc Quy kể cả ngày không hết, điều đó quả không sai. Luân, đệ tử của chùa, dẫn tôi đi thăm núi tượng. Một cái núi giả lớn được xây dựng trong vườn.

Tượng thờ dưới gốc cây
Tượng thờ dưới gốc cây .

Trèo lên bệ bức tượng Phật Quan Thế Âm cao 12m, thấy đầu tượng vỡ tan. Nhìn xuống thấy có cái đầu tượng khác được làm để thay thế, nhưng vẫn còn nằm trong vườn, chưa lắp lên được, khiến người ta nghĩ đến huyền tích núi Hai Vai.

Hỏi ra, sư ông mới kể: “Thấy đất đai nhà chùa rộng quá mà giấy tờ sổ sách lại chưa hoàn thiện nên có công ty muốn vào lấy một phần đất để xây dựng chung cư. Một hôm tôi đi vắng, họ bèn thuê đám thanh niên lên tháo dỡ bức tượng. Không ngờ một đàn ong độc từ đâu bay tới cắn khiến sáu người rớt xuống trọng thương, riêng người chủ trương dỡ tượng thì một tuần sau thổ huyết mà chết. Từ đó, không thấy họ đề cập gì đến chuyện dỡ bức tượng để xây chung cư nữa”.

Ông Ngô Chí Thành, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Tân Phong, quận 7, TPHCM, nói: Tịnh xá vì còn vướng mắc về thủ tục giấy tờ đất đai nên chưa thể nâng cấp sửa chữa, dẫn tới việc xuống cấp nghiêm trọng”.

Ông Thành nói: “Thủ tục giấy tờ đất phải do nội bộ tịnh xá giải quyết. Mặt trận luôn ủng hộ các sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân, nhưng khi nào đủ giấy tờ hợp lệ thì mới cấp phép xây dựng được, luật quy định vậy rồi”.

Mấy chục hộ dân từng làm đơn đề nghị xem xét giải quyết cho tịnh xá được xây dựng, tu chỉnh, làm nơi sinh hoạt văn hóa.

Anh Sol nói: “Đất đai vướng mắc thường là do tranh chấp. Nhưng đặc điểm của tịnh xá Ngọc Quy là tuy chưa có giấy tờ, nhưng tịnh xá chẳng tranh chấp với bất kỳ cá nhân hay cơ quan nào. Đơn giản bởi đất này của tịnh xá lâu rồi”.

Anh Sol và Luân kể rằng, cứ vào độ Trung thu, chim hạc lại bay về tịnh xá. Những con hạc lớn đậu trên tượng hai vai, trên ngọn cây, cất tiếng hót trầm ấm lạ thường. Anh em làm từ thiện trong tịnh xá quây quần ngồi bên ấm trà, nghe tiếng hạc cất lên, biết mùa thu đã về, chợt thấy lòng bình yên khôn tả.

Tháng 9 – 2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG