Tiếng lòng gửi vào kỳ hoa dị thảo

Nặn cây chuông vàng bằng đất sét để tri ân KS Lương Văn Sáu
Nặn cây chuông vàng bằng đất sét để tri ân KS Lương Văn Sáu
TP - Là hội viên Hội hoa hồng nước Pháp nhưng hành trang của kỹ sư Lương Văn Sáu khi trở về Việt Nam lại đầy ắp những giống hoa thân mộc. Nhiều thập niên sau đó, ông còn nhờ bạn bè ở nước ngoài tìm kiếm thêm những loài hoa lạ để tô điểm cho thành phố hoa Đà Lạt.
Nặn cây chuông vàng bằng đất sét để tri ân KS Lương Văn Sáu
Nặn cây chuông vàng bằng đất sét để tri ân KS Lương Văn Sáu.

 Loài sen núi hiếm hoi

Thời gian gần đây, những cây sen núi độc đáo ở Đà Lạt đồng loạt trổ những đóa hoa màu trắng tinh khôi với nhụy vàng tươi tỏa hương thơm thanh khiết, cuốn hút. Dáng hoa tương tự như hoa sen trong ao hồ của làng quê Việt Nam nhưng cánh hoa dầy và thơm hơn.

Điều thú vị là những đóa sen này không vươn lên từ mặt hồ mà e ấp trong tán lá sum suê trên những cây thân gỗ cao lớn, rễ cắm sâu vào lòng đất.

Nhiều người say sưa chiêm ngưỡng loài hoa lạ nhưng ít ai biết rằng người có công lớn nhất trong việc phát triển nguồn gene quý này tại Đà Lạt là kỹ sư (KS) Lương Văn Sáu (sinh năm 1942, quê quán Tịnh Biên, Châu Đốc, An Giang, tốt nghiệp trường Canh nông Versailles, Pháp).

Vài năm trước khi mất, trong những cuộc trò chuyện bằng giấy bút (KS Sáu bị câm vì mắc bệnh hiểm nghèo phải cắt bỏ thanh quản khi vào tuổi tứ tuần), ông cho biết hoa sen núi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, tên khoa học là Manolia Grandiflora L., tên Hán Việt là Liên sơn.

Cây sen núi đầu tiên (cao khoảng 1,5m) được di thực từ Đài Loan sang trồng tại Dinh Bourgery (nay là Dinh I, Đà Lạt) vào năm 1962. Vài tháng sau, cây trổ những đóa hoa đầu tiên với dáng rất lạ và hương thơm dịu ngọt khiến người thưởng ngoạn sững sờ. Tuy nhiên do mưa to gió lớn và không được chăm sóc đúng cách nên cây bị nghiêng.

Tiếng lòng gửi vào kỳ hoa dị thảo ảnh 2

Ông đã đưa cây hoa này về trồng tại Công viên hoa Đà Lạt (vườn hoa lớn nhất phố núi mà KS Sáu là một trong những người đầu tiên thiết lập – PV). Bác Sáu còn cho biết đã từng mang một cây sen núi có hoa màu đỏ từ Pháp về trồng ở Đà Lạt nhưng cây không sống được.

 Thấy hoa lạ và đẹp, nhiều người xin được chiết cành về trồng khiến cây ở Công viên hoa bị kiệt sức rồi chết, còn 2 cây kia trở nên xơ xác, chỉ còn vài tán lá vì hầu hết các cành đã bị cắt cụt.

Hoa tàn là rụng luôn chứ không kết trái (không có khả năng tái sinh tự nhiên như một số loài cây khác) nên việc nhân giống loài hoa này rất khó khăn. Tuy nhiên KS Sáu cũng đã dày công nghiên cứu, chiết thành công một số cây cho một sĩ quan trồng trên đường lên dinh tỉnh trưởng cũ và vị linh mục người Ý trồng ở Giáo hoàng học viện...

Thấy hoa lạ và đẹp, nhiều người xin được chiết cành về trồng khiến cây ở Công viên hoa bị kiệt sức rồi chết, còn 2 cây kia trở nên xơ xác, chỉ còn vài tán lá vì hầu hết các cành đã bị cắt cụt. Tuy nhiên, nhờ vậy mà nguồn gene hiếm này đã được lưu giữ, phát triển thành hàng chục cây ở các đền chùa, biệt thự và vườn cây cảnh tuyệt đẹp. Ở Việt Nam dường như chỉ có Đà Lạt và ngôi chùa cổ Bối Khê ở Hà Nội có sự hiện diện của loài cây lạ này.

Còn nhớ, một dạo nhiều người tranh luận sôi nổi trên diễn đàn báo chí rằng sự tồn tại của cành hoa sen trong câu ca dao cổ Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen chỉ có trong thi ca nghệ thuật mà thôi, còn thực tế thì đốt đuốc lên tìm cũng không thể có. Thế nhưng khi ngắm những đóa sen núi đang e ấp trên những cành sen chắc khỏe ở Đà Lạt, chúng tôi chợt nghĩ phải chăng loài hoa sen được nhắc đến trong câu ca dao này là hoa sen núi?

Di thực phượng tím về Việt Nam

Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận Đà Lạt là nơi đầu tiên trồng phượng tím ở Việt Nam và thực tế bao năm qua Thành phố hoa phượng tím Đà Lạt đã trở thành điểm hẹn lãng mạn của các đôi uyên ương.

Cánh hoa phượng có màu xanh tím dịu dàng, bí ẩn nên ở một số nước thuộc châu Mỹ, châu Âu, mỗi khi hoa nở rộ, người dân tưng bừng mở hội hóa trang, múa hát và vịnh hoa.

Người đầu tiên đưa cây phượng tím (tên khoa học là Jacaranda Acutifolia, thuộc họ Bignoniaceae) có nguồn gốc từ châu Mỹ về Đà Lạt vào năm 1962 chính là KS Sáu. Và, nhiều năm sau đó ông vẫn độc hành trong cuộc chơi nhân giống loài hoa này bởi đây là việc hết sức khó khăn; những cây phượng do ông ươm trồng tại Đà Lạt được vinh danh là những cây phượng tím hiếm hoi ở Việt Nam suốt một thời gian dài.

Sống cùng người vợ trong căn hộ chật chội ở đường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt và thường xuyên bị giày vò bởi bệnh tật nhưng mỗi khi có thể gượng dậy là KS Sáu lại mày mò chiết cành phượng tím. Một số cây ông gửi đi bán để lấy tiền chữa bệnh bởi thời đó cây giống phượng tím rất đắt vì quá hiếm; số khác ông tặng cho bạn bè thân hữu để trồng ở Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa...

Ông cũng truyền những bí quyết và công thức nhân giống loài hoa khó tính này cho một số kỹ sư với hy vọng phát triển loài hoa này ở Việt Nam. Dần dà những người kế tục KS Sáu và một số nhà khoa học ở Việt Nam cũng đã thành công trong việc nhân giống phượng tím bằng cách chiết ghép, gieo ươm hạt... để rồi hôm nay hàng vạn cây phượng tím bung những chùm hoa xinh xắn với sắc tím mỏng manh, bâng khuâng tạo nét duyên mới cho phố núi Đà Lạt.

Nhiều loài hoa độc đáo khác

Một loài hoa lạ khác mà KS Sáu cất công di thực từ nước ngoài về là cây chuông vàng (tên khoa học Spathodea campanulata Bean) có nguồn gốc từ châu Phi. Đây cũng là loài hoa thân mộc cao lớn, lá xanh gần giống lá muồng, hoa giống như quả chuông, màu vàng pha cam, mỗi chùm từ 40 – 50 bông.

Hoa chuông vàng
Hoa chuông vàng.

Cây chuông vàng đầu tiên được bác Sáu trồng ở Trảng Bom (Tây Ninh), sau đó chiết một cây tặng cho chùa Quán Thế Âm (đường Bà Huyện Thanh Quan, ven hồ Xuân Hương Đà Lạt).

Theo KS Sáu, việc nhân giống loài cây này cực kỳ khó bởi cần có loài chim đặc biệt với chiếc mỏ cong để đưa phấn vào đài hoa, thế nhưng Việt Nam không có loài chim này. Bởi thế từ khi được trồng (năm 1963) cho đến mấy chục năm sau, đây vẫn là cây chuông vàng duy nhất ở Đà Lạt.

Các nhà sư cũng cho biết cây được trồng khoảng 3 năm thì ra hoa rất đẹp; hoa nở hầu như quanh năm, hết lứa này đến lứa khác. Nhiều người tìm đến hỏi xuất xứ và xin cây giống nhưng nhà chùa không biết làm thế nào bởi chưa bao giờ phát hiện có cây con dưới gốc.

Mãi đến mấy năm gần đây loài hoa này mới được trồng nhiều ở Đà Lạt; tuy nhiên, không cây nào sánh được với cây chuông vàng ở chùa Quán Thế Âm. Nhà chùa đã mời nghệ nhân ở TP Hồ Chí Minh nặn cây chuông vàng bằng đất sét đặt lên bệ thờ để tri ân cố KS Lương Văn Sáu.

KS Sáu còn sưu tầm loài hoa quý thuộc họ châu vông có nguồn gốc từ Trung Đông và châu Úc với tên khoa học là Erythrina cristagalli l. Ông đã đặt tên cho loài hoa này là vông kê và trồng ở cổng sau khách sạn Sofitel Dalat Palace (đường Trần Phú, Đà Lạt).

Thân và cành loài hoa này tựa cây si, nhưng trổ những chuỗi hoa màu đỏ tươi quyến rũ. Hoa thường nở từ cuối mùa đông và kéo dài đến đầu mùa hạ. Chuỗi hoa có thể dài tới năm tấc, màu đỏ như mồng gà. Được trồng từ năm 1965 và khoảng 2 năm sau thì cây bắt đầu ra hoa; có năm hoa kết hơn 5.000 chuỗi đỏ ối, trĩu cành. Cây hoa này cũng chiếm vị trí độc tôn suốt mấy mươi năm cho đến khi các nhà nghiên cứu tìm ra cách nhân giống.

Danh sách những loài hoa độc đáo mà KS Sáu sưu tầm được còn phải kể đến như móng cọp, cẩm cù…và đúng như nhận định của nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh: KS Lương Văn Sáu là một trong những người mang về cho Đà Lạt nhiều loài kỳ hoa dị thảo nhất.

Gần trọn cuộc đời ông lặn lội ngược xuôi sưu tầm những loài hoa lạ; tận tụy, cần mẫn nhân giống, ươm mầm hoa quý để dâng tặng miền đất này mà không hề kể lể công lao, không đòi hỏi sự đền đáp.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao chỉ chuyên chú theo đuổi những loài hoa thân mộc, KS Sáu từng bút đàm: Phải có những cây hoa cổ thụ, những loài hoa lạ để tạo nên nét độc đáo cho xứ hoa, để Đà Lạt xứng đáng là thành phố hoa.

KS Sáu đã ra đi cách đây gần 6 năm nhưng những loài hoa độc lưu dấu những cuộc bôn ba tìm kiếm của ông suốt mấy chục năm qua cứ đến mùa lại nở hoa, khoe sắc làm say lòng người thưởng ngoạn.

MỚI - NÓNG