'Tìm lại' Mỹ Lai

'Tìm lại' Mỹ Lai
TP - Thật ra đây là lần thứ hai trở lại Mỹ Lai (Quảng Ngãi) của ông Ronald Haeberle - tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ - Mỹ Lai gây chấn động thế giới 43 năm về trước.

> Ronald Haeberle và cuộc tranh cãi về bức ảnh Mỹ Lai

Ông Ronald Haeberle và Trần Văn Đức tìm lại dấu tích ngày trước. Ảnh: Trương Duy Nhất
Ông Ronald Haeberle và Trần Văn Đức tìm lại dấu tích ngày trước. Ảnh: Trương Duy Nhất.
 

Năm 2000, ông lặng lẽ trở về Mỹ Lai một mình trong vai vận động viên đua xe đạp. Ông bảo lần đó rất sợ, không biết người dân Mỹ Lai sẽ đối xử với mình như thế nào, dù ông chỉ là phóng viên chiến trường.

4 kỷ vật đặc biệt

Ronald Haeberle (Ron) dùng 2 máy ảnh để chụp sự kiện Mỹ Lai. Chiếc Leica cùng sê ri gần 40 bức ảnh đen trắng ông đã giao lại cho quân đội Mỹ theo qui định, ngay sau khi trở về Mỹ từ chiến trường Việt Nam. Sê ri 19 bức ảnh màu nổi tiếng về Mỹ Lai được thế giới biết đến là chụp từ chiếc máy thứ hai hiệu Nikon-F.

Trong cuộc hội ngộ đầu tiên tại Mỹ cuối tháng 8 Ron tặng cậu bé nhân chứng Mỹ Lai Trần Văn Đức 3 bức phim âm bản trong sê ri 19 phim âm bản mà ông trân trọng lưu giữ 43 năm qua.

Ngày 22-10, khi Haeberle từ Mỹ và Đức từ Đức bay về TPHCM, Haeberle bất ngờ trao cho ông Đức chiếc Nikon-F. Sơn cũ xước, nhưng sợi dây đeo và nắp đậy ống kính vẫn nguyên. Cuộn phim màu cuối cùng Ron dùng cho chiếc máy này chính là cuộn phim chụp Ngày ấy Mỹ Lai. 43 năm qua, ông không dùng nó chụp thêm bất cứ một bức ảnh nào, cẩn trọng cất giữ đến ngày đem về Việt Nam tặng Đức.

Gần 1 giờ sáng, tại Quảng Ngãi, Đức lôi từ trong chiếc va li thép màu bạc ra cho tôi xem kỷ vật đặc biệt này. Đức bảo “Nhất là người đặc biệt duy nhất ngoài gia đình được nhìn thấy chiếc máy ảnh Nikon-F lịch sử”. Chiếc va li đó đựng máy ảnh Nikon-F và 3 bức phim âm bản ông Haeberle tặng - 4 kỷ vật đặc biệt hầu như không rời ông Đức nửa bước trong suốt hành trình đi lại Mỹ Lai.

Tại bờ lúa và thửa ruộng đẫm máu trong bức ảnh biểu tượng đau thương Mỹ Lai, tại nơi xác mẹ Đức nằm ôm cái nón rách, tại quãng đường Đức ôm em Hà bò đi..., đến đâu Đức đều cẩn thận, nhẹ nhàng đặt va li và chắp tay khấn.

Đức bảo anh muốn vong hồn các nạn nhân được một lần nhìn thấy 4 kỷ vật đặc biệt này. Tại khu mộ tập thể nạn nhân giữa cánh đồng, trong đó có mộ mẹ Đức, anh cũng đặt chiếc va li ngay ngắn trước lư hương trước khi cúi rạp mình khóc và thắp nhang cùng Ron.

Chiếc máy ảnh Nikon -F Ronald dùng chụp cảnh thảm sát 43 năm về trước
Chiếc máy ảnh Nikon -F Ronald dùng chụp cảnh thảm sát 43 năm về trước.
 

Hành trình tìm lại

Trở về Mỹ Lai lần này, ngoài trọng trách làm sáng tỏ sự thật cho bức ảnh chụp anh em Đức - Hà, Ron còn muốn đi lại tất cả quãng đường mà ông đã đến, nghe và biết trong cái ngày xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng. Trong ba lô mang theo, ông chuẩn bị sẵn từ Mỹ gần 10 bản vẽ nguệch ngoạc do chính ông họa lại từ ký ức.

Tại mỗi điểm đến, ông đều lôi ra trải xuống đường, sát ngay mương ruộng, bờ lúa để nhắm hướng, đoán chỉnh cự ly. Một công việc khó nhọc với một ông già 70 tuổi, khi địa vật có nhiều thay đổi sau gần nửa thế kỷ.

Có khi, đã 12 giờ trưa, khi tất cả ra xe chuẩn bị rời cánh đồng thảm sát, thì Ron nhìn mặt trời định hướng, xong bất ngờ rẽ vào một con đường làng bé tẹo. Chúng tôi chạy theo. Thì ra ông đi tìm lại vị trí đầu tiên nơi chiếc máy bay trực thăng chở ông và lính Mỹ đáp xuống.

Theo trí nhớ của ông, nơi đấy có một ngôi nhà tranh, một cụ già. Cảnh bắn chết cụ già và đốt ngôi nhà này là bức ảnh đầu tiên trong sê ri ảnh Mỹ Lai của ông. Nhưng không tìm thấy, không xác định được. 43 năm có quá nhiều chuyển thay, nhà dân nhiều hơn, bờ tre, cây cối trong làng xanh hơn, cao hơn...

Một trong những bản vẽ theo ký ức của ông Ronald Haeberle
Một trong những bản vẽ theo ký ức của ông Ronald Haeberle.
 

Ngày thứ hai, Ron yêu cầu Đức và tôi đưa ông đi các điểm Mỹ Lai khác. Nói Mỹ Lai khác bởi hồi đó, tại Quảng Ngãi xảy ra nhiều vụ thảm sát khác, không chỉ riêng vụ ở làng Mỹ Lai. Nhưng các vụ thảm sát khác ông và các phóng viên chiến trường khác không chụp ảnh nên công chúng ít biết. Hỏi làng Bình Tây không ai biết. Đành phải đi liều theo... ký ức của Ron và Đức.

Thế rồi cũng tìm được, một tấm bia tưởng niệm vụ thảm sát Bình Tây nằm chui giữa vườn tre của một hộ dân nghèo cạnh bờ sông. Chừng năm bảy người dân biết chuyện vây quanh chuyện trò, trong đó có một ông lão cụt chân và một bà lão cụt tay - nạn nhân của vụ thảm sát 43 năm trước.

Ngày thứ hai, Ron yêu cầu Đức và tôi đưa ông đi các điểm Mỹ Lai khác. Nói Mỹ Lai khác bởi hồi đó tại Quảng Ngãi xảy ra nhiều vụ thảm sát khác.

 

Ron ghi chép khá cẩn thận. Một cơn mưa bất chợt. Tôi nhường ông chiếc ô, nhưng nó quá bé so với vóc dáng của ông. Ướt như chuột lột, Ron cởi áo vảy qua vảy lại một lát rồi yêu cầu lên xe chạy tiếp. Vòng vèo thêm hơn 10 cây số đường làng, trước mặt hiện ra một bãi biển xanh đẹp.

Thì ra Ron dẫn chúng tôi ra bãi biển Mỹ Khê. Chính nơi này ngày ấy là một điểm đáp của lính đại đội Charlie và cũng xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng. Tấm bia tưởng niệm nằm trên một triền cát sát biển. Sau khi thắp hương cùng Đức, ông lặng lẽ kéo tôi đi về phía biển.

Chẳng biết để làm gì, chỉ thấy ông bảo tôi chụp cho vài kiểu ảnh và đứng lặng một mình nhìn biển động đang lùa những con sóng tràn bờ. Có lẽ ông muốn dành cho mình phút tĩnh lặng làm dịu bớt căng thẳng sau mấy chặng đường ký ức Mỹ Lai.

Ngày thứ ba, ông yêu cầu Đức và tôi đưa đi tìm lại một địa danh mang tên núi Chóp Vung ở vùng Đức Phổ. Từ Quảng Ngãi chạy vào nam hơn 40 km, rẽ phải gần 10 km nữa thì gặp một chòm núi. Mấy ngọn núi tựa sát nhau hình tròn như những chóp vung khổng lồ. Đây là một trong những điểm đóng quân đầu tiên của đại đội Charlie trước khi bay về tham gia vụ thảm sát Mỹ Lai.

Ron ở đây và bay về trên chiếc trực thăng chụp những bức ảnh Mỹ Lai ngày ấy. Mấy quả đồi trọc, không còn tàn tích gì, ngoài vài mảng nền nhựa đen sạm trên đỉnh núi. Ron bảo đó là vết tích của bãi đáp trực thăng và sân đậu xe tăng của đại đội Charlie ngày ấy. Điều duy nhất khiến ông thắc mắc là không thấy dòng sông. Ông bảo, ngày ấy từ trực thăng nhìn xuống, thấy một dòng sông quanh chân núi, vài bức ảnh ông chụp khi đó cũng hiện rõ dòng sông này.

Tôi cũng cố nhìn nhưng không thấy dòng sông nào. Phải đến khi xuống chân núi, mới biết dòng sông ấy vẫn còn, nhưng do bây giờ cây cối vươn cao khuất tầm mắt nên đứng từ đỉnh núi không nhìn thấy. Ron vỗ tay ồ lên và chỉ về ngọn núi chúng tôi vừa trèo: “Thế thì đúng rồi, đó là ngọn núi 43 năm trước tôi đóng quân và từ đây bay về Mỹ Lai”.

Ron mệt, bước chân đã khập khiễng, nhưng tôi cảm được dường như ông vui, hài lòng với cuộc trở về và hành trình tìm lại Mỹ Lai lần này. Ba ngày, chưa đi hết được những điểm ông còn nhớ được. Thậm chí trong một bản vẽ, còn thấy ông ghi núi Hòa Vang ở Đà Nẵng.

Hôm chia tay ông, trời đổ mưa lớn. “Có lần nào trở về Mỹ Lai nữa không ?”. Ông trả lời tôi ngay: “Ồ có chứ, chắc chắn sẽ trở lại”. Ông tựa vào thành cửa xe, dõi mắt về phía Mỹ Lai. Mưa phủ tối trời, không còn trông thấy những rặng tre làng Mỹ Lai nữa. Nhưng tôi tin ông không thể nào quên, như chính ký ức đau thương mà ông nuôi giữ gần nửa thế kỷ qua.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG