Tìm người trong ảnh sau 8 năm

Cô bé Nguyễn Thị Thắng và cha mình tại cảng Dung Quất tháng 10/2010.
Cô bé Nguyễn Thị Thắng và cha mình tại cảng Dung Quất tháng 10/2010.
TP - Tấm ảnh cô bé học sinh nhỏ nhắn ôm chặt cổ cha là một ngư dân đầu bạc trắng, được nhiều phóng viên lưu giữ trong sự kiện tàu của ông Mai Phụng Lưu ở huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt. Sau đó các ngư dân trên tàu được trả về cảng Dung Quất vào trưa ngày 26/10/2010. Số phận của cô bé và người cha, lão ngư đầu bạc sau 8 năm giờ ra sao?

Lão tướng ngư dân

Lão ngư dân đầu bạc trong ảnh là ông Nguyễn Đảng (SN 1946), quê ở thôn Tây xã An Hải, huyện Lý Sơn. Cô bé học sinh nhỏ nhắn là Nguyễn Thị Thắng, còn người vợ là bà Nguyễn Thị Xí. Từ lúc đón các ngư dân từ tàu vào, ánh mắt của cô bé này cứ nhớn nhác tìm kiếm. Cuối cùng, trong đám đông ngư dân cũng xuất hiện một người có dáng cao dong dỏng, đầu bạc trắng, đôi tay to và dài, dù trải qua những chuỗi ngày gian khổ, nhưng trên khuôn mặt của lão ngư dân này vẫn hiện ra đường nét của một con người dọc ngang, can trường. Cô bé nhỏ kêu lên “ba ơi, ba mới về…!”.

Trước đó 9 năm, vào tháng 6 năm 2001, tôi gặp ông Đảng tại Cảng Sa Kỳ. Các ngư dân ngồi quanh chiếc xô đựng đầy bia Dung Quất và cứ thế vục cốc múc rồi uống xoay vòng. Tôi nhớ nhất là trong bàn nhậu có một lão ngư dân đầu bạc trắng như cước, da đỏ au, cơ bắp trên ngực, vai chắc như một lực sĩ, anh em bạn gọi tắt là gã bạc đầu. Ông Đảng cười khà khà khi anh em giới thiệu là “già cỡ đó nhưng mới có vợ, con còn nhỏ mới biết chạy lon ton ở đảo Lý Sơn. Thanh niên vật tay không lại vì ổng mạnh như xe lu, ra biển lặn rất giỏi. Trung Quốc bắt rồi thả vì thấy ông già”.

Gặp nhà báo, ông Đảng và ngư dân kể chuyện ra quần đảo Hoàng Sa đánh bắt hơn 30 năm, bị Trung Quốc bắt mấy chục lần. Có lần tàu chạy vào vòng cung của cụm Lưỡi Liềm đánh cá. Thấy tình hình có vẻ êm nên các ngư dân neo tàu thả trôi tự do gần đảo Duy Mộng. Đang say giấc mộng thì lính Trung Quốc từ đảo Quang Hòa chạy ca nô tới và nhảy lên tàu. Đám lính lục soát lấy đi một số cá. Nhưng điều mà bọn lính tò mò nhất là trên tàu có một lão ngư dân đầu bạc trắng, nước da đỏ như đồng mun, vóc dáng lực lưỡng như lão tướng Hoàng Trung trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Phiên dịch bên Trung Quốc hỏi “bao nhiêu tuổi?”, ông Đảng xòe 6 ngón tay (60 tuổi). Ông Đảng còn trả lời rằng, mỗi ngày bơi được dưới nước vài mươi cây số là bình thường. Ông có khả năng lặn sâu vài chục mét, làm ngang sức với thanh niên. Lính Trung Quốc đến nắn bóp vai của ông Đảng như để kiểm tra con người này bằng xác thịt hay mình đồng da sắt. Nghe ông Đảng nói sức khỏe địch ngang với thanh niên thì bọn lính gật đầu, tròn xoe mắt, săm soi nhìn từ đầu đến chân lão ngư có khuôn mặt dài, vành môi dày, mắt sắc, nhân trung rộng, tướng mạo phi phàm như những nhân vật tướng soái trong cổ sử.

Tìm người trong ảnh sau 8 năm ảnh 1 Cô bé Thắng và mẹ khôn nguôi nỗi nhớ chồng, nhớ cha.

Còn, mất người trong ảnh

Tám năm sau sự kiện đón các ngư dân tại cảng Dung Quất, tôi lần tìm trong file ảnh và tìm đến gia đình của lão ngư dân đầu bạc vào những ngày đầu tháng 5/2018. Ngôi nhà nằm ở vị trí cuối con đường cụt dẫn ra ruộng tỏi thuộc thôn Đông xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. Dưới mái tôn thấp và nóng của ngôi nhà không có tiếng nói vang như chuông và giọng cười hào sảng không biết sợ là gì của lão ngư dân đầu bạc. Người phụ nữ trong tấm ảnh báo chí từng đăng tải, sau 8 năm đã già đi vì tuổi tác. Còn cô bé nhỏ Nguyễn Thị Thắng, năm nay 14 tuổi, đang học lớp 8. Người cha của cô bé, giờ ở nơi đâu?...

Tháng 10/2010, ông Đảng đi trên tàu cá của ông Mai Phụng Lưu, tàu chết máy trôi nổi ngoài biển. Các ngư dân thoát chết và được tàu Cảnh sát biển sang kéo tàu và chở ngư dân trở về. Sự kiện này trở thành trái bom dư luận, làm dấy lên làn sóng hướng về biển đảo của Tổ quốc. Trong số 9 ngư dân trở về, nhiều người chuyển sang đi biển gần đảo một thời gian để hoàn hồn rồi mới tiếp tục đi biển xa. Chỉ 3 tháng sau, vào cuối tháng 1/2011, ông Lê Minh Tân, ngư dân ở xóm trên xuống rủ ông Đảng theo tàu cá ra đảo Bom Bay hái rau câu.

Đảo Bom Bay nằm ở mạn ngoài cùng của quần đảo Hoàng Sa. Đây là nơi xa các đảo quân sự nên chuyện bắt bớ ít xảy ra. Ngư dân thường nói rằng, đây là đảo an toàn nhất. Nhưng vì đảo Bom Bay nằm rất xa đất liền và biệt lập, vì vậy cũng trở thành cung đường nguy hiểm đối với các tàu cá có công suất máy và thân vỏ nhỏ.Chiếc tàu QNg 66192 TS chở  6 ngư dân đi về phía đảo Hoàng Sa, sau đó biệt tích không trở về.

Ngư dân ở đảo xót xa vì không còn được gặp lão ngư dân đầu bạc hào sảng và tốt bụng. Gia đình ông Đảng lập ngôi mộ gió nằm trên một vùng cát nắng cháy và gió hú. Ông Bùi Triêm, người bạn rượu thân nhất của ông buồn rầu, vì từ nay không còn được giao lưu với ông bạn khi đã uống vào thì “vặn to đài phát thanh” (tức nói rất to), ngồi uống rượu thì toàn kể chuyện cá với các đảo ở Hoàng Sa.

Trong ngôi nhà nóng hầm hập của những ngày tháng 5, bà Nguyễn Thị Xí, vợ ông Đảng cho hay, gia cảnh của bà hiện nay chỉ biết dựa vào sự giúp đỡ của bà con chòm xóm. Mỗi khi ra biển nhìn những con tàu trở về và đếm bước chân các ngư phủ đang rảo bước với túi cá trên tay thì bà lại mường tượng đến dáng đi nhanh nhẹn của chồng với tấm lưng trần láng bóng vì ngụp lặn trong biển mặn Hoàng Sa. Bà Xí ngùi ngùi, “ổng để lại 2 mẹ con nên gia đình gặp nhiều khó khăn”.

Tìm người trong ảnh sau 8 năm ảnh 2 Ngư dân Lý Sơn ra khơi. Ảnh: Hồng Vĩnh

Phiên bản của cha

Ông Đảng là trụ cột kinh tế gia đình. Ông mất tích ở Hoàng Sa, suốt 8 năm qua bà Xí, vợ ông chật vật nuôi con. Khi chồng chết, bà buồn rầu và bị mắc thêm những căn bệnh về thần kinh, do lo nghĩ và ít ngủ. Hàng ngày, bà Xí lặn lội ra ruộng trồng hành tỏi. Khi thủy triều rút thì 2 mẹ con ra gành hái rau câu, bắt ốc về bán. Bà Xí hoài niệm: “Tính ổng không bao giờ biết đến chuyện nghỉ, mê biển lắm, cứ về là đi gành soi cả đêm. Ổng đi không biết chán, hết bắt ốc rồi đâm cá”. Câu chuyện của bà về người chồng đã khắc họa một con người sống chết chỉ biết biển. Các ngư dân khác thì kể, ông Đảng là thế hệ ngư dân từng lặn chuối. Tức ôm một vỏ quả đạn lao chúi đầu xuống nước. Khi đạt độ sâu 30-40 mét thì thả quả bom để trên tàu kéo ngược lên, còn mình quơ vợt bắt cá rồi vọt lên mặt nước như một con chình biển.

Cô bé Thắng có nước da đen, khuôn mặt giống người cha của mình như đúc. Chiều nào cô bé cũng lao ra biển bơi lội như rái cá và mê tắm biển đến mức bà mẹ cầm roi ra lôi về và la to “ở ngoài biển miết rồi có hồi trôi mất thì biết đường nào mà tìm”. Ngồi nói chuyện một lúc, bà Xí sai con đi mua thuốc. Chờ con đi rồi, bà mới nói nhỏ “lâu lâu nó cứ hỏi chuyện ba đi Hoàng Sa sao không về hả má!”.

Tôi nhớ nhất là trong bàn nhậu có một lão ngư dân đầu bạc trắng như cước, da đỏ au, cơ bắp trên ngực, vai chắc như một lực sĩ, anh em bạn gọi tắt là gã bạc đầu. Ông Đảng cười khà khà khi anh em giới thiệu là “già cỡ đó nhưng mới có vợ, con còn nhỏ mới biết chạy lon ton ở đảo Lý Sơn.

MỚI - NÓNG