Tình yêu nhiếp ảnh từ chiến tranh đến hòa bình

Nhà báo Đình Na sau những lần đưa tin ảnh chiến trường, trở về chiến khu để tăng gia sản xuất tự túc lương thực. Ảnh: Tuấn Hải (TTXVN)
Nhà báo Đình Na sau những lần đưa tin ảnh chiến trường, trở về chiến khu để tăng gia sản xuất tự túc lương thực. Ảnh: Tuấn Hải (TTXVN)
TP - Cuộc đời của phóng viên ảnh Đình Na gắn với chiếc máy ảnh, bước chân qua mọi miền đất nước, trải qua khói lửa chiến tranh đến hòa bình.

Người của núi rừng

Theo nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, lớp phóng viên GP10 là “Lớp đặc biệt được tổ chức theo Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ chỉ đào tạo cho chiến trường.” Và nhà báo Đình Na là một trong số 149 người được tuyển chọn.

Sau những ngày được đào tạo về nghiệp vụ, chàng sinh viên trẻ Đình Na chia tay Hà Nội để vào chiến trường miền Đông Nam Bộ để tác nghiệp. Chuyến đi vượt Trường Sơn của họ hết sức gian truân. Nhà báo Hoàng Đình Chiến kể lại: “Ngày 4/2/1973, Đoàn B2 bị sự cố đổ xe tại A-tô-pư (Nam Lào), ba người hy sinh, hơn mười người bị thương được đưa gấp tới bệnh viện dã chiến của Binh trạm Trường Sơn.

Nhà báo Đình Na, sinh năm 1948, là phóng viên ảnh kỳ cựu của TTXVN. Ông đã qua đời vì bạo bệnh vào ngày 7/11/2019, thọ 72 tuổi. Lễ viếng được tổ chức vào ngày 12/11/2019 tại Nhà tang lễ Thanh Nhàn

Số anh em còn lại tiếp tục lội bộ xuyên rừng theo những cung đường mòn Trường Sơn. Đầu tháng 7/1973, người cuối cùng của Đoàn B2 vào đến căn cứ Thông tấn xã Giải phóng, thuộc tỉnh Tây Ninh, địa bàn của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nằm sát biên giới Campuchia”.

 Là phóng viên ảnh, phóng viên Đình Na cùng các đồng nghiệp trẻ của mình lăn lộn trên các mặt trận chụp ảnh viết tin, ngoài ra họ còn tự tay dựng lán ở, tăng gia sản xuất để tự túc lương thực. Họ còn phải đối phó với những trận sốt rét rừng bất tận. Nhưng theo ký ức tuổi trẻ vẫn là những nụ cười lạc quan khi được tham gia vào cuộc chiến đấu thống nhất đất nước.

 Sau năm 1975, nhà báo Đình Na gắn bó với đề tài nông nghiệp, nông thôn. Nhà báo Nguyễn Sĩ Thủy nhận xét về người đồng nghiệp của mình: “Nguyễn Đình Na gần 40 năm gắn bó với nhiệm vụ của một phóng viên ảnh TTXVN. Anh xông pha trận mạc, gắn bó với chiến trường, gắn bó với mảng đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là Tây Nguyên, vùng núi, vùng kinh tế mới. Ở đâu cũng có bước chân và hình ảnh đẹp anh ghi được”.

 Tôi biết nhà báo Đình Na lần đầu tiên vào năm 1995, khi tôi được nhận vào làm việc tại Ban Ảnh của TTXVN, và được phân công chụp ảnh về nông nghiệp, lĩnh vực mà nhà báo Đình Na đang làm việc. Tôi ấn tượng với nhà báo Đình Na về sự yêu nghề hiếm có. Thông thường khi ấy, chúng tôi đi xa lắm thì lên Tây Bắc chụp ảnh, còn nhà báo Đình Na lại khăn gói ba lô vào tận Tây Nguyên. 

 Sau mỗi đợt đi công tác về, nhà báo Đình Na lại đưa ra rất nhiều tấm hình chụp về con người Tây Nguyên, đó là những mẹ già, những đàn em nhỏ cùng vẻ hoang sơ và những công việc giản dị của họ hàng ngày.

 Chú Đình Na thường bảo chúng tôi: “Cuộc sống của bà con Tây Nguyên, ở các vùng sâu vùng xa còn rất nghèo. Mỗi lần đi qua những địa danh mình từng vượt Trường Sơn năm nào, mình đều ghé lại thăm bà con ở nơi đó và mong cho cuộc sống của họ được tốt hơn”. 

Mất mát đau thương

Nhà báo Đình Na yêu cô Hoàng Ngọc Bích, điện báo viên của TTX cùng đi chiến trường với lớp GP10, cùng ở chiến khu R Tây Ninh. Mối tình của họ đơm hoa kết trái nên duyên vợ chồng như một hình ảnh đẹp sau chiến tranh của lớp phóng viên chiến trường GP10. Từ chia sẻ những cơn sốt rét rừng và mưa bom bão đạn, họ cùng chia sẻ những gian khó thời bao cấp thời chiến tranh biên giới và những năm đầu đổi mới. Đình Na làm mọi công việc về nghề ảnh để nuôi gia đình và tổ ấm của mình. 

Thật oái oăm, khi cuộc sống khá giả hơn, vợ chồng mua được cho con một chiếc xe máy loại tốt để con đi học thì cậu bé lại bị đám bạn bè lừa lên núi cao chơi, rồi đẩy xuống vực để cướp chiếc xe máy. 

 Ban đầu, cái chết của cậu bé còn rất bí ẩn, không rõ nguyên nhân, nhiều người nghĩ rằng cậu bé bị trượt chân té ngã. Nhưng nhà báo Đình Na không tin điều đó, ông nghĩ rằng con trai mình bị hại chết chứ không phải vô tình trượt chân. Ông đã nhờ tôi cùng hóa trang thành hai người đi mua phụ tùng xe máy để lùng sục hết các điểm buôn bán phụ tùng xe máy tại Hà Nội. Cuối cùng, chúng tôi đã phát hiện ra chiếc xe của cậu bé đang được tháo dỡ và bán từng bộ phận mà chưa kịp tiêu thụ. Cũng nhờ đó, kẻ thủ ác đã bị phát hiện và bị bắt giữ. 

 Khi đó, tôi thấy nhà báo Đình Na rất điềm tĩnh, có lẽ cũng là để trấn an người vợ hiền đang tột độ hoang mang, và ông cũng muốn tìm ra kẻ hại chết con mình, để đứa con trai có thể nhắm mắt nơi suối vàng. 

Cả đời vì cái đẹp

Nhà báo Đình Na có người bạn rất thân là nhà báo Tuấn Hải, cả hai đều cùng lớp GP10 và sau chiến tranh cùng làm việc tại Ban Ảnh, TTXVN. Trong khi nhà báo Đình Na rất thích chụp chân dung con người lao động vùng cao thì nhà báo Tuấn Hải lại thích chụp ảnh phong cảnh, nhất là chụp về các loài hoa.

Nhà báo Tuấn Hải đưa cho tôi xem một cuốn sách ảnh của Cao Đàm Cao Lĩnh, hai tác giả miền Nam trước năm 1975 và nói rằng: “Đây là món quà của chiến tranh. Các chú đi vào miền Nam mà vẫn không quên sưu tầm các tác phẩm nhiếp ảnh của nhiếp ảnh gia tại Sài Gòn để tìm hiểu và học hỏi họ”. Nhà báo Đình Na và nhà báo Tuấn Hải thường rủ rỉ với nhau về những bức ảnh mới chụp. Cả hai người không chỉ quan tâm tới tính thời sự mà còn thích thú về những nét đẹp của bố cục, ánh sáng.

Tình yêu nhiếp ảnh từ chiến tranh đến hòa bình ảnh 1 Đôi bạn phóng viên ảnh Tuấn Hải và Đình Na (phải) tại chiến trường miền Đông Nam Bộ (Ảnh tư liệu) 

 Sau mất mát của đứa con trai, nhà báo Đình Na vẫn nén nỗi đau riêng, vẫn theo đuổi nghề nhiếp ảnh. Những đợt bình chọn ảnh đẹp của cơ quan TTXVN, không bao giờ thiếu các tác phẩm của Đình Na. Sau khi nghỉ hưu, nhà báo Đình Na lại càng dành nhiều thời gian để sáng tác. Ông đi khắp các lễ hội, chụp ảnh phong cảnh, chụp ảnh con người. Mỗi mùa xuân, ông lại có thêm hàng ngàn bức ảnh. 

 Phóng viên ảnh Đình Na dành nhiều thời gian để giảng dạy nhiếp ảnh cho nhiều lớp sinh viên, coi họ như những đứa con của mình, truyền đạt lại tất cả những kinh nghiệm và sự tâm huyết. Sinh viên Thanh Trà nhận xét thầy giáo Đình Na “luôn nở nụ cười tươi rói, hiền hậu khi đứng trên bục giảng dạy chúng em cách chụp những bức ảnh báo chí hay những buổi học dã ngoại”. Với nhà báo Đình Na, tình yêu với nhiếp ảnh là vĩnh cửu và còn lại mãi mãi qua các thế hệ tiếp nối.

MỚI - NÓNG