Tổ ấm Vinh Sơn

Tổ ấm Vinh Sơn
TP - Suốt 50 năm qua các xơ người dân tộc thiểu số thuộc dòng tu độc nhất vô nhị tại Việt Nam đã tự nhận lấy sứ mệnh cao cả: Tiếp nhận cứu vớt hàng nghìn hài nhi bất hạnh mồ côi, tật nguyền, nuôi dưỡng cưu mang đến lúc các cháu trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội. Rồi lại tiếp tục dõi theo vui buồn, hạnh phúc của trẻ giữa đời thường...

Đến Kon Tum, đoàn du khách nào cũng được hướng dẫn ghé thăm Nhà thờ gỗ Kon R’Bang trăm tuổi nổi tiếng như một niềm tự hào về thành tựu kiến trúc, không gian văn hóa độc đáo số một của thị xã bắc Tây Nguyên. Thế nhưng, ngay phía sau tòa giáo đường lộng lẫy ấy  còn có một công trình đầy ý nghĩa khác ít được biết đến, ngay cả với cư dân sinh sống ngay tại xứ này. Đó là Tổ ấm Vinh Sơn.

Kon Tum hiện có 5 dòng tu nữ hoạt động. Trong đó các dòng Phaolô, Nữ tử Bác Ái, Mến Thánh Giá, Chúa Quan Phòng đều có Nhà Mẹ (trung tâm điều hành) ở tỉnh thành khác hoặc nước ngoài. Chỉ riêng dòng Ảnh Phép Lạ (APL) của nữ tu các dân tộc thiểu số thì ra đời ngay tại đây, tổng hành dinh đối diện Nhà thờ gỗ đầu đường Nguyễn Huệ.

Một số cộng đồng dân tộc ít người dọc Trường Sơn còn rơi rớt những hủ tục đáng sợ như “Dor tom amí”, “Joă ană”. Tục Dor tom amí-chôn con theo mẹ trên Tây Nguyên khá phổ biến ở các dân tộc Jơrai, Xêđăng, S’trá, Bơhnar, Êđê. Khi đứa con còn bú sữa mà người mẹ chết vì bất cứ lý do gì, đồng bào thường chôn sống đứa bé theo mẹ của nó.

Tục Joă ană- đạp cho chết còn nghiệt ngã tàn khốc hơn. Con gái Jơrai vào tuổi dậy thì được tự do yêu đương, ngủ chung với người tình. Nếu người bố nghi ngờ đứa bé đầu tiên sinh hạ trong quan hệ vợ chồng không phải con mình, anh ta có quyền buộc vợ hoặc bà đỡ phải giết hài nhi... Người vợ đáng thương biết sinh linh trong bụng mình sắp bị chồng Joă ană bèn trốn làng chạy đến tu viện cầu xin cứu vớt.

Dân làng nọ thấy đứa bé dễ thương vô tội sắp bị dor tom amí liền nài xin chủ làng cho họ nhận bé về nuôi, sau tìm cách gửi bé cho các xơ. Những thân phận dor tom amí, Joă ană đầu tiên về với dòng APL từ năm 1947. Các các xơ đã dang rộng vòng tay nhân ái, nhường cơm sẻ áo, chẳng nề hà cực nhọc sớm khuya cưu mang bao phận đời bất hạnh.

Tiếng lành đồn xa, càng ngày số trẻ mồ côi tật nguyền, không nơi nương tựa tìm đến với APL càng đông. Hai Tổ ấm Vinh Sơn lần lượt ra đời. Tổ ấm I không bảng tên lặng lẽ nép mình sau Nhà thờ gỗ. Tổ ấm II cách đó gần 2 cây số, nằm khuất sâu trong thôn Kon Harachot. Bao nhiêu trẻ đến rồi đi từ 2 tổ ấm này, nhiều thế hệ nữ tu thay nhau không ai nghĩ cần thống kê tính đếm làm chi...

Dưỡng dục biết mấy công lao

Xơ Y Blưih người dân tộc Bơhnar là mẹ cả của Tổ ấm Vinh Sơn I. Xơ Gông người dân tộc Xêđăng là mẹ cả của Tổ ấm Vinh Sơn II. Hai bà đều 57 tuổi, nhân từ phúc hậu, đi tới đâu đàn cháu nhỏ cũng vẫy gọi rối rít và giơ tay đòi bế. Mà hai “tổ ấm” này đang nuôi tới 435 cháu chứ ít đâu .

Để có đủ cơm áo nuôi nấng, có tiền thuê thầy cô vào dạy học, các xơ vừa chăm trẻ vừa tổ chức lao động sản xuất. Ngoài các xơ thường trực và vài chục lao động hợp đồng, lực lượng giúp việc còn có  lớp trẻ mồ côi được các xơ cưu mang, cho học chữ học nghề nay đã trưởng thành. Người làm thợ may, thợ máy, lái xe. Người nuôi bò, trồng bời lời, ngũ cốc, trông nom nương rẫy. Nhóm thiếu nhi tuổi nào việc ấy, ngoài giờ học ngoan ngoãn giúp các mẹ nấu cơm, nhặt rau, chăm em. Tất cả vận hành nhịp nhàng  như đại gia đình ấm áp, hòa thuận.

Tổ ấm Vinh Sơn ảnh 1
Mẹ Cả Y Blưih cùng các con, bên trái là bé Pi Yo Rong.

Từ đây, nhiều thân phận bất hạnh đã có cơ hội học hành đỗ đạt. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, theo kịp các bạn ở các trường công lập là cố gắng lớn. Thi đậu vào cao đẳng, đại học lại là kỳ tích của cả mẹ và con. Các xơ thuộc lòng tên tuổi những đứa con mang lại niềm tự hào, thành tấm gương sáng cho lớp em sau ở tổ ấm: A Huyên, A Nương, dân tộc Bơhnar vào CĐ Kinh tế Kỹ thuật Kon Tum và CĐ SP Gia Lai, A Rươh, dân tộc Jơlâng và Y Yêm, dân tộc Xơđăng vào CĐSP Kon Tum.

Y Thu người S’rá học dược tá tận Hà Nội. Xuất sắc nhất Tổ ấm I có Alê Khăm dân tộc Rơngao, nay là sinh viên năm thứ tư ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh. Học giỏi nhất Tổ ấm II có Y Loai, nữ sinh viên dân tộc Jơlâng năm thứ tư Đại học Y khoa Huế.

Tổ ấm Vinh Sơn II còn nhiều khó khăn hơn Tổ ấm Vinh Sơn I,  xơ Gông cho biết, lý do chính vì quá khuất nẻo, ít nhà hảo tâm biết để tìm đến giúp đỡ. 

Khi tôi đến, gian nhà sinh hoạt rộng rãi vây bằng lưới ở Tổ ấm I đang giòn giã tiếng cười. Khoảng hai mươi trẻ đang vui đùa, tập hát, tập vẽ dưới sự quản trò của nhóm sinh viên tình nguyện Thụy Sĩ mang tên “Hành tinh mới”. Tình yêu thương không cần ngôn ngữ vẫn có cách diễn đạt nên giữa đàn em nhỏ bản địa và nhóm anh chị khác quốc tịch, vẫn thật gần gũi hoà đồng. Treo kín một mảng vách văn phòng là bằng khen.

Hàng chục bằng khen trong các hội thao cấp tỉnh cho đội bóng đá Tổ ấm Vinh Sơn I và bằng khen Chủ tịch tỉnh tặng quý xơ về nghĩa cử chăm sóc trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cánh chim bay đi, tổ ấm còn lại

Trong những cuốn album của 2 tổ ấm, có nhiều tấm ảnh chụp tận trời Âu. Vài năm trở lại đây, 2 tổ ấm đã tiễn hơn 30 trẻ sang Ý, Pháp theo cha mẹ nuôi. Được giám sát, quản lý, theo dõi bởi hệ thống giáo hội và tư pháp chặt chẽ từ cả hai bên, nhiều cháu đã may mắn trở thành con em của những gia đình đầy đủ điều kiện vật chất, thực sự yêu trẻ và mong muốn đắp bồi hạnh phúc cho đứa bé từng mang thân phận bất hạnh.

Xơ Gông rất an tâm vì đều đặn cứ 6 tháng một lần các cha mẹ nuôi từ Ý lại báo cáo tình hình các trẻ về qua Sở Tư pháp và Toà Giám mục, rằng bé lên được mấy ký, học hành bè bạn ra sao. Xơ Y Blưih nhớ nhất bé A Trong người S’rá, cậu bé lanh lợi dễ thương, mới 3 tuổi đã bộc lộ năng khiếu múa hát.

Mẹ nuôi của cậu lần nào mang bầu cũng sẩy thai, được linh mục giáo xứ tận bên Ý xác nhận tư cách đạo đức và điều kiện nuôi dạy trẻ tốt , vừa gặp A Trong đã yêu mến liền. A Trong sang Ý đã 3 năm, thỉnh thoảng gia đình em lại gửi hình ảnh, viết thư, gọi điện thoại về để A Trong hỏi thăm mẹ cả và tặng quà cho các bạn ở lại. Xơ Y Blưih bùi ngùi: Đứa nào cũng vậy, dù bay tới đâu cũng không quên tổ ấm này.

Tôi theo chân mẹ cả lên phòng Sơ sinh. Giá sữa đang từng ngày leo thang khiến các xơ không khỏi lo lắng. Tuần rồi tổ ấm nhận về 3 bé không mồ côi nhưng hoàn cảnh quá ngặt nghèo. Trong đó 1 bé đến từ xã Đăk Pxi, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum thì mẹ sốt hậu sản, bố vừa làm rẫy vừa cõng con vừa phải chăm vợ chịu không nổi đành gửi con xin xơ cưu mang. Còn 2 bé sinh đôi là con của một ông bố tật nguyền và bà mẹ đang dần kiệt sức vì bệnh xơ gan cổ trướng.

Tuần trước nữa, Tổ ấm nhận về một bé vừa may mắn khỏi chết oan vì bị chôn theo mẹ. Bé được 4 tháng tuổi, người mẹ Jơrai ở làng Kon Thup, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai địu con lên rẫy bị trúng gió qua đời. Dân làng họp lại, đồng tình dor tom amí. Một phụ nữ nhân hậu cùng làng nghe tin vội bỏ buổi tuốt lúa chạy về xin làng cho chị nhận bé làm con nuôi, dù nhà chị cũng nghèo và có tới 7 đứa con.

Đón đứa bé tội nghiệp về, vợ chồng chị làm khai sinh, đặt tên cháu là Pi Yo Rong rồi báo cho một nữ tu ở TP Plây Ku nhờ giúp đỡ. Bố nuôi cầm lái xe máy, xơ Y Pơnh ngồi sau ôm Pi Yo Rong chạy tuốt qua Kon Tum xin mẹ cả Y Blưih nhận cháu. Về nơi ở mới, Pi Yo Rong được ủ ấm, bú sữa, lại được chị Y Loan người Xêđăng quê huyện Ngọc Hồi, Kon Tum đang học lớp 6 nhận làm em nuôi, vì mười mấy năm trước Y Loan cũng được cứu khỏi tục chôn con theo mẹ .

MỚI - NÓNG