Tôi đi đua xe ở Đài Bắc

Tôi đi đua xe ở Đài Bắc
TPCN - Đài Loan là thiên đường của dân đua xe với hàng nghìn tay đua chuyên nghiệp và nghiệp dư tập hợp trong các đội đua. Các cuộc đua xe phân khối lớn, xe cào cào thường được tổ chức mỗi tháng một lần tại lần lượt sáu trường đua dọc Đài Loan...
Tôi đi đua xe ở Đài Bắc ảnh 1
Tay đua 8 tuổi trong vòng đua xe sa mạc

Các tay đua có thể đăng ký tham gia đua thành tích tính điểm hàng năm. Tính trung bình, mỗi cuộc đua có gần 70 tay đua tham gia tranh tài trong cuộc thi tốc độ.

Cuộc đua xe thể thao tính thành tích năm 2006 giải MAXXIS tài trợ tháng 6 diễn ra ở trường đua Tam Chi (huyện Đài Bắc, cách Đài Bắc gần 50 km). Cuộc đua tháng 7 diễn ra tại trường đua Tân Trúc không thể hào hứng bằng, bởi trong sáu trường đua, tại Tân Trúc, Cao Hùng, Đài Trung, Sĩ Lâm v.v.... thì Tam Chi là địa điểm rộng rãi nhất, đường đua dài nhất, có những đường rừng, đường đua xe địa hình sa mạc thích hợp với mọi nội dung đua.

Cũng có thể vì Đài Bắc và các huyện thị phía Bắc của Đài Loan mới là đại bản doanh cho dân chơi xe thể thao. Mỗi đường phố đều có các cửa hàng chuyên đồ dùng, quần áo kỵ sĩ, mũ bảo hiểm, xe đua nhập khẩu, tất nhiên với giá... cắt cổ.

Tính ra tiền Việt, mũ bảo hiểm Shoei không thể dưới 5 triệu VNĐ, mũ AGV hơn 10 triệu VNĐ, đôi giày kỵ sĩ “chỉ” khoảng 3 triệu, bộ quần áo bảo hiểm chống ngã loại rẻ tiền nhất chỉ khoảng.... gần chục triệu VNĐ, đồ của Dainese Rossi chẵn 23 triệu VNĐ/một bộ, kính chống gió, giáp ngực, áo thông gió, găng tay v.v... Trang phục của một tay đua thậm chí có thể ngang với giá một chiếc KTM long lanh.

Đến trường đua xe quốc gia Đài Loan

25/6/2006, các xe truyền hình lưu động SNG của các hãng truyền hình Đài Loan đổ về Tam Chi từ sáng sớm. Khi tôi cùng đội đua Trung Chính và Đài Bắc tới, vòng đua đầu tiên dành cho xe cào cào đã bắt đầu.

Bụi mịt mù trường đua, tiếng xe rú ầm ĩ. Những tay đua qua khúc ngoặt 360 độ, theo đà xe với người bay cao tới gần tám mét. Sau chặng đường đất gấp khúc quanh co tới chặng đua đường rừng gần 2km.

Đua tới vòng thứ hai, ba tay đua dẫn đầu đã có thể nhận diện. Những tay đua vòng sau bắt đầu lục tục đưa xe vào điểm xuất phát, chồn chân ép côn tay, tiếng động cơ gầm rú vang động từ chân núi ra tận bờ biển Đạm Thủy.

Có lẽ trong các đội đua xe được tài trợ cũng như nghiệp dư của Đài Loan, tôi là người Việt Nam duy nhất. Chiếc KTR đen trũi của tôi không cải tạo, mặc dù đội xe tôi tham gia là đội Cải tạo lớn, tức là xe thể thao từ D-tracker, Yamaha TW 250, CPI kiểu dáng gần giống Gilera, KTM, KTR150 độ lên 180, Tricker 250 độ lên 280...

Những chiếc cào cào bị “độ” không còn sót một thứ gì, thậm chí, có xe chỉ còn lại mỗi cái sườn xe hoặc... bình xăng là nguyên bản. Hôm nay đội xe của tôi có ba tay đua tham gia cuộc đua MAXXIS. Tính thành tích, đội trưởng đội xe chúng tôi tên A Quang, 30 tuổi, năm 2005 được trao giải nhì toàn Đài Loan.

Trước đó, A Quang là tay đua chuyên nghiệp trong đội đua của hãng Yamaha tại Đài Loan, giải nghệ sau một tai nạn bay xe qua dốc, trên đường đua “lỡ” bay quá cao, theo phản xạ tiềm thức đã phanh gấp, từ khoảng cách 12 mét người theo xe đâm thẳng đầu xuống đường đua. Khâu hơn trăm mũi!

Vòng đua buổi sáng “ác liệt” nhất khi đội đua xe thể thao nhập khẩu vào cuộc. Đây là vòng đua dành cho các xe nhập khẩu nguyên chiếc vào Đài Loan như KTM, Tricker, D-Tracker, GV dung tích xi lanh trong khoảng 230-280cc.

Mỗi xe chạy tám vòng quanh trường đua bao gồm cả đường đua xuyên rừng trọn hành trình. Nhiều kỵ sĩ tranh thủ lúc bay trước ống kính còn vẫy đuôi xe ra dấu tự tin, nhưng cũng có những xe cắm mặt chạy khi chỉ vì chậm nửa tích tắc ở điểm xuất phát, chết máy đạp khởi động lại phí 3-4 giây mà tụt lại đuôi chặng đua.

Trong chặng đua mù mịt bụi đến ngạt thở và tiếng máy gầm rú, một tay đua mang số 32 trong cú va đập cuối cùng của vòng thứ tám đã văng nguyên chiếc bô xe lên trời. Tay đua 32 đành bỏ cuộc mặc dù đang dẫn ở vị trí thứ ba.

Ngoài các vòng đua Cross làm tê liệt những tay yêu xe đứng ở vị trí quan sát, còn các vòng đua xen kẽ dành cho dân mới chơi Cross, xe nội địa Đài Loan chạy đường rừng, xe nhập khẩu chạy đường rừng, ATV 100cc và 150 cc.

Sau lượt đua dành cho xe minicross, các xe địa hình bãi cát ATV vào cuộc. Thú vị nhất là trong các tay đua tuổi thiếu niên, có một cô bé tám tuổi cũng phi xe đua với các anh chị. Bố của em chở chiếc ATV đến trên chiếc xe tải nhỏ của gia đình, đứng bên lề trường đua theo dõi con gái.

Các tay đua trong cuộc đua MAXXIS thường từ các đội đua nghiệp dư trên toàn Đài Loan, mỗi tay đua có một đội xe đi theo cổ vũ. Tại Đài Loan, mỗi đội đua xe thể thao đều do một hoặc nhiều công ty đỡ đầu, có thể là một phía công ty đỡ đầu không tài trợ tiền, mà tạo một sân chơi, một địa điểm cho các tay đua nghiệp dư gặp gỡ, tư vấn cho những người mới vào đội (như tôi) về kỹ thuật, sửa chữa xe, trao đổi kinh nghiệm.

Quan trọng nhất là hãng đỡ đầu có thể quản lý và xin giấy phép giúp dân chơi xe dượt hàng tuần. Nếu cần, họ có thể xin cảnh sát chặn một khúc phố lại để đua, hoặc đăng ký hẳn một khu vực để đua xe. Vì thế, cũng dễ hiểu khi vì sao những người yêu xe thực thụ ở Đài Loan đều vào sinh hoạt tại các đội đua xe lớn.

Các tay chơi đều đến với xe thể thao sau khi đã chán các cuộc chơi với jeep, sedan... Những xe thể thao, việt dã cho người lái một cảm giác tự do tuyệt đối và một sức mạnh ăn ý giữa người và động cơ.

Tôi cũng nghĩ xe thể thao hấp dẫn bởi sự quyến rũ từ thiết kế rất sexy và phù hợp với người chân dài. Nhiều người chơi xe thể thao vì nó... rẻ, linh kiện dễ thay thế, dễ cải tạo xe để đạt được một phong cách độc đáo nhất. Cũng có người chơi xe thể thao vì nó nguy hiểm.

Đài Loan cũng có “anh hùng xa lộ”

Tôi đi đua xe ở Đài Bắc ảnh 2
Tác giả và chiếc xe đua

Trên bản tin truyền hình ở Đài Loan, thỉnh thoảng cũng bắt gặp một vài hình ảnh các học sinh, sinh viên kết bè chạy xe tay ga vù vù trên đường, bị xe cảnh sát huýt còi áp sát. Cảnh tượng không khác mấy hình ảnh đua xe đêm sau các trận bóng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện tượng này cũng rất hiếm hoi. Và những người đua xe “có tổ chức” nhìn những “anh hùng xa lộ” này một cách kinh hãi. Chúng tôi không thể hiểu được vì sao có những người không mặc áo chống ngã, không trang phục bảo hiểm mà lại có thể liều lĩnh tính mạng của mình trên đường quốc lộ.

Ngoài việc lập một diễn đàn trên Internet làm nơi trao đổi, liên kết các thành viên, thường mỗi đội xe đều tập hợp một ngày cố định để sinh hoạt. Đội xe Cải tạo lớn Trung Chính thường tập họp lúc 22h30 các đêm thứ Sáu tại một địa điểm ngoại thành Đài Bắc, tập dượt, trao đổi kỹ thuật, luyện xe, tư vấn cải tạo nâng cao tính năng xe.

Tôii cũng thường tham gia với đội xe KTR Đài Bắc, toàn những thanh niên từ 25-35 tuổi, nghề nghiệp ổn định, mỗi sáng thứ Bảy hoặc Chủ nhật đều tổ chức chạy KTR lên những đường núi quanh Đài Bắc.

Những đội xe đều khuyến khích người chơi xe trang bị đầy đủ mọi vật dụng bảo hiểm như mũ an toàn, quần áo chống ngã, thay lốp xe an toàn, nâng cấp tính năng xe. Tất cả với mục đích “chạy xe nhanh nhất, an toàn nhất”.

Những cuộc chạy xe sáng cuối tuần, đội xe cải tạo Đài Bắc đều chia hai tốp: Tốp thứ nhất trang bị đầy đủ trang phục, tình trạng xe tốt, kỵ sĩ có sức khoẻ, sẽ luyện xe trên các đường đua, cua gấp, đường rừng, đường núi; Tốp thứ hai chỉ cần mang đủ mũ bảo hiểm, “bị” bắt buộc chạy RV thong thả ngắm cảnh, khóa đuôi đoàn là một anh kinh nghiệm giỏi để xử lý mọi tình huống.

Tất nhiên, tôi là một phụ nữ hiếm hoi (cũng có thể nói là người Việt duy nhất) trong đội xe Đài Bắc, nên thường phải chạy trong đội RV. Nhờ thế, cũng được các bạn Đài Loan trong đoàn ưu ái chăm sóc. Thỉnh thoảng chạy chậm quá, chỉ khoảng 80 km/h, sẽ bị anh vệ sĩ cuối đoàn đặc biệt áp giải và nhắc nhở.

Mỗi ngày mưa, đội xe của tôi sẽ có một vài người lên mạng nhắc nhở, trời mưa mày chớ có chạy nhanh. Thường những thành viên trong đội xe đều tò mò: “ở Việt Nam, thanh niên chúng mày cũng đua xe à?” Hoặc hỏi tôi: “Chúng mày sẽ đội nón đi xe máy chứ?”.

Tôi rất ngại ngùng khi phải nói thật rằng, đối với người Việt Nam, đội mũ bảo hiểm còn là một việc khá xa lạ. Bạn bè tôi ở Việt Nam rất nhiều người chơi xe, song ý thức về một tổ chức hoạt động nghiệp dư, được đỡ đầu, được mở sân đua xe, khuyến khích dân đua xe thể thao lành mạnh và ngăn chặn dân đua trái phép, có lẽ, còn là một tương lai xa vời.

Một người bạn tôi, đang làm nhân viên một hãng Quảng cáo của Đài Loan cho rằng, những người bình thường hẳn sẽ không thể hiểu những dân chơi xe thể thao, hỉ nộ ái ố gắn với chiếc cào cào bụi bặm đang nghĩ gì. Và những tay đua như anh cũng không thể hiểu các “anh hùng xa lộ” đua xe trên các đường phố chật hẹp nghĩ gì. Bởi đó là hai thế giới cách biệt.

Ông Robert Lee, chuyên viên thiết kế phòng Chế tạo của hãng KYMCO, người chính tay thiết kế những chiếc xe, trong đó có xe thể thao, tâm sự: “Trao một chiếc xe tốt nhất vào tay một người đua tồi, hẳn thành tích không cao. Nhưng đưa cho tay đua xuất sắc nhất một chiếc xe tồi, anh ta cũng sẽ thất bại. Người đua và xe gắn với nhau trong một cảm giác kỳ lạ, cảm nhận được tính khí của nhau. Vậy có thể nói, mỗi chiếc xe thể thao tuy không phải động vật nhưng lại có sinh mệnh của chính nó, gắn bó với chủ xe”.

Cuối cùng, ông Lee nói thêm, mỗi lần ông đi ra phố, nhìn thấy một chiếc xe, sản phẩm của mình, bị sử dụng không đúng, gây ra tai nạn giao thông, ông cảm thấy rất buồn. Người chơi xe tốt nhất nên hiểu chiếc xe, chứ không chỉ nghĩ có đủ tiền mua xe đua, xe xịn là được mang danh dân chơi xe. 

Ghi chép của Trang Hạ
Từ Đài Bắc

MỚI - NÓNG