Tôi đi làm công nhân SamSung

Cửa từ an ninh 2 lớp tại các cổng nhà máy.
Cửa từ an ninh 2 lớp tại các cổng nhà máy.
TP - Tổ hợp Nhà máy Samsung được đánh giá lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là nơi khá “bí hiểm” với cách thức đào tạo và môi trường làm việc. Cách đây không lâu, Tổ chức phi chính phủ IPEN cùng Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) công bố thông tin “tố” Samsung Việt Nam đối xử tệ với công nhân. PV Tiền Phong đã nộp hồ sơ, nhập vai trở thành công nhân Samsung (SS).

Kỳ 1: Để thành người của Samsung

Nhà máy sản xuất rộng hàng trăm héc ta với khoảng 140.000 công nhân được bao bọc bởi tường cao, rào kín như thế giới thu nhỏ, cách biệt thế giới bên ngoài. Ứng viên thi tuyển công nhân phải qua nhiều vòng thi tuyển, học cách thích nghi với cường độ làm việc cao trong dây chuyền sản xuất.

Căng thẳng nhập môn

Theo tổ chức phi chính phủ IPEN, công nhân nữ tại nhà máy Samsung làm việc kiệt quệ gồm xen ca ngày lẫn đêm trong suốt 4 ngày; đứng liên tục trong suốt 9-12 tiếng làm việc, trong môi trường tiếng ồn. Thời gian biểu bị quản lý chặt tới mức người lao động phải xin “thẻ đi vệ sinh” nhằm phục vụ mục đích tối đa thời gian sản xuất của doanh nghiệp. Để chứng thực thông tin này, theo thông báo tuyển lao động của Samsung, chúng tôi mang theo hồ sơ xin việc đến nộp tại cổng chính nhà máy tại khu công nghiệp Phổ Yên (Thái Nguyên). Sáng ngày phỏng vấn, hàng trăm người ngồi chờ đợi tại trung tâm tuyển dụng của SS.

Để vào được nhà máy cần trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt như kiểm tra an ninh ở sân bay. Khi thi tuyển công nhân, mỗi người qua 3 vòng kiểm tra: làm bài thi trên giấy, kiểm tra giấy tờ tuỳ thân và phỏng vấn. Vòng đầu tiên, tôi được phát bài thi gồm dãy số dài với các con số từ 3-9 viết liên tục. Với mục đích chỉ cần người biết làm phép tính đơn giản.

Hàng chục dãy số chi chít trên tờ giấy thi. Sau hiệu lệnh làm bài của nhân viên đào tạo, xung quanh tôi vang lên tiếng nhẩm lầm rầm. Sau khoảng 2 phút, giám thị đọc hiệu lệnh xuống hàng. Từng dãy số tính toán không khó nhưng cả bảng chữ số dày đặc, khiến tôi hoa mắt, căng thẳng. Vòng thứ 2, mỗi người cầm chứng minh thư và bằng tốt nghiệp bản gốc xuất trình. Nhân viên tỉ mỉ kiểm tra, soi từng vân tay trên ngón trỏ xem có giống trên chứng minh thư.

Vòng cuối cùng phỏng vấn. Nhân sự SS hỏi cặn kẽ từng ứng viên về việc đã từng làm ở đâu hay chưa, có từng học cao đẳng, đại học và răn trước: “Môi trường làm việc áp lực, phải đứng nhiều, thậm chí Leader (trưởng nhóm sản xuất) la mắng, bạn có chịu được không?”.

Một ngày sau phỏng vấn, chúng tôi được nhân viên SS gọi điện thông báo trúng tuyển và có mặt tại công ty để khám sức khoẻ, nhận lịch đào tạo (training). Ai có nhu cầu ở ký túc xá, mang theo quần áo, đồ đạc. Đúng hẹn, tấp nập ứng viên mới đến trung tâm tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng, xếp thành các hàng san sát nhau, chật cứng. Không khí ngột ngạt vì đông đúc.

Tôi đi làm công nhân SamSung ảnh 1 Công nhân dán tem an ninh trước khi vào nhà máy.

Gần 9h sáng, nhân viên bộ phận tuyển dụng của SS tới, đọc tên từng người, phát thẻ nhân viên mới và đúng quy trình như hôm trước, dẫn chúng tôi vào trung tâm đào tạo. Mỗi bậc cầu thang được dán hướng dẫn an toàn như: không sử dụng ổ cắm bạch tuộc, bảo hộ an toàn đúng quy định, tắt đèn chiếu tại vị trí không làm việc, đặt bình chữa cháy nơi dễ thấy, dán biển báo an toàn nơi làm việc...

Thay bằng việc phải học tập, học nội quy, chúng tôi được yêu cầu ngồi giữ trật tự. Một hội trường với khoảng 500 ứng viên yên lặng chờ đợi. Hết buổi sáng, khoảng 12h50, chúng tôi được xuống nhà ăn để ăn trưa. Ăn xong, quay lại chỗ ngồi, chúng tôi tiếp tục chờ đợi. Người nào muốn đi vệ sinh phải lên xin phép quản lý lớp học, xuất trình chứng minh thư trước khi ra ngoài.

Hiện nay SS có 2 nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện và điện thoại di động tại Thái Nguyên và Bắc Ninh. Một tháng nhà ăn SS sử dụng 700 tấn gạo, 522 tấn thịt cá, 1.700 tấn hoa quả và 2,9 triệu quả trứng.

Trong những ngày tham gia đào tạo, khoảng 3 giờ đồng hồ ngồi liên tiếp trong lớp học, chúng tôi được nghỉ giải lao đi vệ sinh khoảng 5 phút. Nhà vệ sinh chật hẹp trong khi số lượng học viên đông, chúng tôi phải rồng rắn xếp hàng trước cửa nhà vệ sinh. Tuy nhiên, hết giờ giải lao, những ứng viên đi vệ sinh vào muộn (do xếp hàng chờ quá lâu mới đến lượt) vẫn phải chịu phạt.

Theo đó, ứng viên vào muộn sẽ bị đuổi về. Để những học viên này không bị đuổi, cả lớp học khoảng 500 học viên phải khoác vai nhau đứng lên ngồi xuống cả trăm lần.

Gần 2 ngày trong hội trường, chỉ điểm danh, kiểm tra thông tin cá nhân rồi ngồi im khiến nhiều ứng viên khó chịu. Nếu có tiếng người nói chuyện, chúng tôi bị nhắc nhở. Thi thoảng, bên ngoài cửa kính của cửa chính, nhân viên mặc đồng phục SS lặng lẽ quan sát lớp học. Giữa mỗi buổi học, chúng tôi được xem vài clip hài ngắn.

“Ăn sáng rồi ngồi im chờ đến ăn trưa, ăn trưa xong lại chờ đến ăn tối. Ngồi im, không làm việc, không được cười nói, không ngủ gục, chúng mình như học cách làm rô bốt”, chị Nguyễn Thu Thủy (Thái Nguyên) đùa nói với tôi sau quãng thời gian chờ đợi.

Sau rất nhiều lần trò chuyện, chúng tôi hỏi thăm vì sao đi đào tạo mà chỉ ngồi im thì chỉ nhận được câu trả lời của công nhân đang làm việc tại nhà máy: “Chỉ ngồi im mấy hôm đầu thôi, khi bắt đầu đào tạo, khổ lắm, các em tha hồ khóc. Chị chỉ nói trước cho em biết thế còn khổ thế nào, sau này em sẽ biết, quy định công ty không cho nói. Trước đây có nhân viên từng tiết lộ nội dung đào tạo cho nhân viên mới đã bị kỷ luật”.

Tôi đi làm công nhân SamSung ảnh 2 Tổ hợp Samsung được xem là nhà máy lớn nhất Việt Nam.

“Đòn tra tấn” tinh thần

Ngoài kiểm tra kỹ năng, SS còn kiểm tra tinh thần ứng viên bằng màn kịch đuổi việc để công nhân quen với áp lực và sự nóng tính của Leader (người quản lý dây chuyền –PV). Ngày đào tạo hôm đó, giảng viên thông báo nghỉ học và chơi trò chơi. Nhạc sàn nổi lên từ những chiếc loa thùng xung quanh hội trường, cả lớp tưng bừng nhảy múa trong tiếng nhạc sàn xập xình. Gần 300 ứng viên người nhảy nhót, cười nói như vũ trường thu nhỏ. Đang nhảy tưng bừng được chừng 40 phút, giáo viên chủ nhiệm bất ngờ quay lại, mặt đỏ gay gắt, miệng gào thét yêu cầu đuổi việc những ứng viên hò hét, nhảy múa theo nhạc.

- Ngày hôm nay tất cả anh chị đứng trên này phải ra về. Hôm nay, anh chị phá hoại trung tâm đào tạo, sau này về nhà xưởng các anh chị còn làm gì nữa? Khẩu hiệu “Chúng ta là một gia đình” mà người làm sai, anh em không can ngăn”.

PV Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ với đại diện Samsung để trao đổi (gửi bảng câu hỏi) về những phản ánh của công nhân nhưng đại diện Samsung nhiều lần hứa (tiếp nhận văn bản từ trước Tết Nguyên đán) cho đến hôm nay cuộc hẹn vẫn chưa thực hiện được.

Tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Bởi lẽ, việc bật nhạc, nhảy nhót hát hò là chủ ý của giáo viên trợ giảng. Thầy giáo vừa mắng, vừa yêu cầu đọc quê quán để gọi xe bus đưa về. Giảng viên Hoàng Thành An còn yêu cầu cô trợ giảng Lò Thị Ngân viết biên bản xin nghỉ việc. Thương học trò, cô Ngân khóc lóc xin nhận lỗi với giảng viên chính và xin nghỉ việc để học viên được tiếp tục đào tạo.

Len lén nhìn, tôi thấy tay thầy đỏ lên sau mỗi lần đập xuống bàn. Cùng lúc ấy, cả lớp đứng dậy để xin thầy cho các bạn ở lại và xin chịu phạt vì lỗi gây ra. Nếu thầy không đồng ý, cả lớp sẽ cùng ra về.

Thầy thông báo, cả lớp chịu phạt đứng lên ngồi xuống 400 lần, các bạn đứng trên bục chỉ đếm nhịp, không phải chịu phạt. Chân đau, tủi thân, khiến những tiếng sụt sịt vang lên ngày càng to dần. Chúng tôi động viên nhau cố lên nhưng nước mắt tuôn ào ào. Những thành viên làm sai đứng trên bục giảng, nước mắt giàn giụa vì thương các bạn nữ phải chịu phạt thay mình. Dưới lớp, theo nhịp đếm, chúng tôi cắn răng chịu đựng chỉ mong cố gắng để có thể giúp các bạn xoá phạt.

Khi giảng viên trợ giảng xin nghỉ việc để nhận tội, cả lớp oà khóc. Dứt trận mắng mỏ, thầy giáo bật máy tính, dòng chữ trên email hiện lên bằng tiếng Hàn, tiếng Anh và cuối cùng là tiếng Việt: “Vì vấn đề nhân lực, Công ty Samsung quyết định cắt giảm nhân viên mới khoá đào tạo Hi - Five 171212”. Cùng đó, danh sách người phải ra về hiện lên. Cả lớp hướng mắt nhìn, dỏng tai nghe tiếng đọc xem có tên mình. Trong khi đó, giọng thầy vẫn đều đều: “Hậu quả việc anh chị hát hò nhảy múa, khiến nhiều người phải ra về. Ai có tên, mang đồ đạc ra về”.

Lúc ấy, màn hình rực sáng, lời thầy giáo vang lên: Nguyên nhân tất cả bạn phải ra về vì các bạn sinh nhật tháng 12. Học viên đập bàn reo hò, hét lên ầm ĩ vì sung sướng, đôi mắt bật khóc những giọt nước mắt hạnh phúc. Trên loa vang lên giai điệu chúc mừng sinh nhật. Vừa reo hò, chúng tôi vừa chạy lên ôm nhau, oà khóc sung sướng. Học viên nam sung sướng tung hô thầy giáo chạm trần nhà.

“Lần sau sẽ là đuổi việc chứ không phải trò đùa. Leader (trưởng nhóm sản xuất) của các bạn, chỉ cần sản lượng. Họ không quan tâm đến tâm trạng hay công việc của các bạn. Vì vậy, các bạn phải luôn phải chăm chỉ, tuân thủ nội quy”, giảng viên dặn dò.               

(Còn nữa)

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

MỚI - NÓNG