Cuộc đọ sức tháng Chạp năm 1972 trên bầu trời Hà Nội:

Tổng thống Nixon và những 'đợt bom rải thảm' của dư luận

Tổng thống Nixon và những 'đợt bom rải thảm' của dư luận
TP - Trong khi những đợt bom rải thảm của B52 không làm người Hà Nội nao núng thì những loạt “bom rải thảm” của dư luận cứ thế dội xuống đầu các bộ óc chiến lược của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Kỳ III: Hai hiệp đấu với 'siêu pháo đài bay'

Tổng thống Nixon và những 'đợt bom rải thảm' của dư luận ảnh 1
Phóng viên TTXVN chụp ảnh ở khu phố Khâm Thiên đổ nát vì máy bay Mỹ

Nhà sử học quân sự Mỹ John Terry Greenwood nhận xét rằng: “Những loạt bom này còn ghê gớm và khủng khiếp hơn cả những loạt bom của pháo đài bay B52. Nó làm cho những người đứng đầu bộ máy chiến tranh của Mỹ nhiều lúc gần như phát khùng”…

“Ao làng vẫn hoa sen”

Hà Nội gần Noel trời càng lạnh, giữa “đất tung, ngói tan, gạch vỡ”  cuộc sống vẫn diễn ra như nó vốn có. Phóng viên nhiếp ảnh chiến trường Steward Rainbow của Hãng thông tấn Reuters đã có mặt ở Việt Nam ba tháng liền, chứng kiến từ đầu đến cuối chiến dịch phòng không lịch sử ở Hà Nội và viết trên tờ Fast News các số từ 9-15/1/1972 loạt bài “Một dân tộc có trọng lượng với lịch sử”.

Ông viết: “Những dân tộc nào có trọng lượng với lịch sử thì thường đức tính của họ thể hiện ngay trên nét mặt. Ở Bắc Việt Nam, điều này là nét nổi bật làm tôi hết sức chú ý: nét mặt của họ có một vẻ đẹp, một vẻ thư thái mà tôi chưa từng thấy ở một nơi nào khác.

Năm phút sau trận ném bom khủng khiếp, tôi đã trông thấy các bà các cô nét mặt tươi cười như không, lại nhảy lên xe đạp, không hề tỏ ra một chút gì gọi là hoảng hốt, sợ hãi, lo âu. Có lẽ các cuộc ném bom của Mỹ đã qúa quen thuộc với họ.

Còn phong toả ư? Tất nhiên là hồi đầu thì rất gian khổ đấy. Nhưng chỉ ít tháng sau, Bắc Việt đã tìm cách thích ứng với hoàn cảnh mới. Những trận bom hiện thời có lẽ đã tiêu diệt một dân tộc khác; thì trái lại, nó làm cho mỗi người Việt Nam càng thêm đứng vững, đồng thời làm nảy nở đức tính tốt đẹp nhất của con người.

Trước sức mạnh khổng lồ của bộ máy chiến tranh Mỹ, chính con người ở Bắc Việt Nam đã dám chống lại và đứng vững. Đến Hà Nội, các bạn có thể bước đi trên những ngọn súng phòng không...”.

“Miễn chiến bài” của Nixon và những loạt “bom rải thảm” của dư luận

Tổng thống Nixon và những 'đợt bom rải thảm' của dư luận ảnh 2
Những hố bom chi chít do B52 gây ra ở Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Lợi dụng ngày Thiên chúa giáng sinh (24 giờ đêm 24/12 đến 24 giờ đêm 25/12), Nixon treo “miễn chiến bài”.

Bề ngoài, phía Mỹ tuyên truyền đây là thiện chí của họ “để Bắc Việt Nam có thời gian suy nghĩ”, nhưng thực chất bên trong là tìm cách gỡ bí, đồng thời đánh lừa dư luận chống Mỹ đang sục sôi khắp năm châu và ngay trong lòng nước Mỹ.

Phong trào chống chiến tranh Việt Nam không vì thế mà lắng đi. Các đoàn đại biểu của nhân dân Mỹ do Jane Fonda và Joanne  Bayer dẫn đầu và nhiều đoàn nhà báo của cả các nước từ Đông sang Tây đã đến Hà Nội, được Chính phủ Việt Nam cho phép gặp các phi công B52 vừa bị bắn hạ và bắt sống.

Quay lại đất nước, họ đem đến những thông tin nóng hổi cho nhân dân Mỹ và nhân dân các nước về việc nhân dân Việt Nam vẫn lạc quan, yêu đời và sẵn sàng đánh trả bất cứ lúc nào; về việc được chứng kiến tận mắt những cảnh tượng tàn phá tan hoang của các bệnh viện, trường học, nhà máy, khu tập thể đông dân cư, làng xóm, công trình thuỷ lợi v.v...

Tất cả những thông tin đó lập tức xuất hiện trên các làn sóng truyền hình, phát thanh, thông tấn, báo chí... các nước. Nó lớn và mạnh đến mức bộ máy tuyên truyền của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc không thể át nổi.

Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình chống Mỹ đã diễn ra ở hàng trăm nước, ở một số nước còn có cả các nguyên thủ quốc gia cùng các nhân sĩ nổi tiếng tham gia và dẫn đầu.

Những câu cửa miệng như “Nixon là tên đồ tể”, “Nixon là Hitler của thời đại ngày nay” được viết rất to và rõ bằng nhiều thứ tiếng của các dân tộc trên các khẩu hiệu, biểu ngữ, xuất hiện từ Tokyo đến London, Paris đến New Delhi, Berlin đến Rome, Sydney đến Stockholm và ngay tại trước điện Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) và Nhà trắng tại Washington.

Thượng nghị sĩ Mỹ Michael Mansfield đã yêu cầu Thượng viện Mỹ lập ngay một Uỷ ban đặc biệt để điều tra những cuộc ném bom “bẩn thỉu” và vô nhân đạo này. Tờ Thời báo New York, ngày 26/12/1972 cảnh cáo “Mỹ có  nguy cơ trở lại một kiểu dã man của thời kỳ đồ đá?”.

Sáng ngày 25/12, tại Nhà Trắng, Nixon đã trả lời phỏng vấn của một số hãng tin Mỹ và phương Tây về chiến dịch Linebacker II (chiến dịch dùng B52 ném bom Hà Nội và miền Bắc Việt Nam).

Trong khi ông ta đang ba hoa về tính chính xác và nhân đạo của các cuộc ném bom chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự thì không rõ vô tình hay hữu ý, kênh truyền hình Mỹ CNN lại để xuất hiện phía sau hình của Nixon cảnh tượng đài phát thanh Mễ Trì và các khu dân cư bị tàn phá.

Tối hôm đó, khi xem lại cuộc họp báo kênh truyền hình CNN, Nixon đã chỉ thẳng ngón tay út vào mặt trợ lý báo chí Nhà Trắng Phillip Ericman và gầm lên: “Very bad!” (quá kém).

Những loạt “bom rải thảm” của dư luận cứ thế giội xuống đầu các bộ óc chiến lược của Nhà trắng và Lầu Năm Góc. Nhà sử học quân sự Mỹ John Terry Greenwood nhận xét rằng: “Những loạt bom này còn ghê gớm và khủng khiếp hơn cả những loạt bom của pháo đài bay B52. Nó làm cho những người đứng đầu bộ máy chiến tranh của Mỹ nhiều lúc gần như phát khùng”.

Còn các phi công B52 tại hai căn cứ Anderson và Utapao sau một tuần với hơn 600 phi vụ đã thực sự kinh hoàng. Cái gọi là siêu pháo đài bay thượng đẳng của họ đã không còn là bất khả xâm phạm như các nhà kỹ thuật quân sự Mỹ đã huyênh hoang.

Những phi vụ oanh kích mà cấp trên của họ nói rằng chỉ như những cuộc picnic on air (dạo chơi trên trời) đã làm cho nhiều đồng đội của họ phải vào trại giam. Nhiều người khác đã vĩnh viễn không trở về.

Quán ăn tập thể bên cạnh căn cứ Anderson trước đây vốn ồn ào náo nhiệt, đầy rượu và gái nay trở nên vắng lặng và ảm đạm với bầu không khí “ba không”: không nói to, không cười đùa, không chạm cốc. Không ai còn tâm trí đâu để “chén chú, chén anh” mặc dù đang là dịp Noel. Các dãy bàn ăn thưa khách trông thấy.

Các sĩ quan tình báo cũng dường như xấu hổ với đám phi công. Họ thường tránh mặt những kíp bay sau khi báo cáo tình hình ở các buổi briefing (hội ý), không còn cảnh tay bắt mặt mừng, chúc nhau thắng lợi và trở về an toàn như trước đây vốn có.

Một số phi công B52 đã ra mặt chống đối lệnh bay; điển hình là đại úy hoa tiêu ném bom Michael Heike ở căn cứ B52 tại Anderson. Họ lập tức bị quân cảnh bắt giữ và đưa về Mỹ, một số bị đưa ra toà án binh và bị phạt tù.

Các tướng chỉ huy chiến trường Alexander và Sullivan phải ra lệnh ngừng hoạt động tất cả các trạm thu chuyển tiếp sóng truyền hình trong các căn cứ và doanh trại, chỉ cho phi công xem các phim tài liệu chiến tranh do quân đội Mỹ sản xuất.

Nixon tuyên bố ngừng ném bom

Nhưng những thất bại chỉ là  “khúc dạo đầu” bởi vì sau Giáng sinh, ngày 26/12, không quân Mỹ đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong toàn chiến dịch với 8 chiếc B52 và 10 máy bay chiến thuật các loại bị hạ.

Trận đánh này đã thực sự làm khủng hoảng tinh thần của các kíp lái B52 Mỹ, làm suy sụp nghiêm trọng ý chí của cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc muốn giành thế mạnh trong đàm phán.

Tướng hai sao George J. Aide, Phó tham mưu trưởng phụ trách kế hoạch và tác chiến của không quân Mỹ đã phải ghi nhận: “Bắc Việt Nam phát triển lực lượng phòng không giàu kinh nghiệm nhất thế giới. Rõ ràng họ có nhiều kinh nghiệm hơn bất kỳ lực lượng nào trong việc phóng tên lửa đất đối không để hạ máy bay...”.

“Vết thương” của không quân Mỹ như bị “xát thêm muối” khi ngày 27/12, phi công Phạm Tuân lái máy bay MIG 21 bắn rơi tại chỗ B52. Cùng ngày, một B 52 chưa kịp cắt bom cũng đã bị bắn rơi ngay trên đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội... Ngày 28/12, phi công Vũ Xuân Thiều bắn hạ thêm một B52…

Sau những thất bại trên, như một điều không thể khác, 7 giờ sáng ngày 30/12 (tức 19 giờ tối 29/12 giờ Washington), Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom phía Bắc vĩ tuyến 20.

Chiến dịch phòng không lớn nhất cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố miền Bắc đã kết thúc thắng lợi.

MỚI - NÓNG