Tột cùng nỗi đau da cam

Tột cùng nỗi đau da cam
Đã ba thập niên sau chiến tranh, nhưng xã Tân Xã (Thạch Thất) vẫn phải gánh chịu một di họa khủng khiếp.

Đây là một trong những nơi có nhiều nạn nhân chất độc da cam nhất của tỉnh Hà Tây. Đa số nạn nhân đều là những đứa trẻ vô tội. Bóng ma tử thần từ chất độc da cam cứ thế “gậm nhấm” cả thể xác lẫn linh hồn những đứa trẻ sinh ra…

Thật khó đoán được tuổi của ba người con gia đình ông Cận, để tiện cho việc xưng hô. Thân hình họ co quắp, bộ mặt cứ ngây ngô như những đứa trẻ, thỉnh thoảng lại cười ré lên. Bản thân ông Hoàng Trung Cận bị nhiễm chất độc và hiện có 5 người con thì ba đứa bị nhiễm chất độc da cam. Năm 18 tuổi, ông đi bộ đội, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Đầu năm 1966 ông xuất ngũ về quê và kết hôn với bà Lê Thị Chiêm, người cùng làng.

Sau bao lần bà Chiêm mang thai rồi lại bị sẩy, đến năm 1971 đứa con trai đầu lòng Hoàng Văn Hưng của ông bà chào đời trong niềm vui mừng tột độ. Nhưng niềm vui ngắn ngủi ấy không được trọn vẹn bởi cậu bé Hưng mãi mà vẫn không biết nói, trí não không phát triển... Năm nay đã 35 tuổi mà Hưng vẫn không biết làm việc gì, suốt ngày chỉ đi lang thang khắp làng. Đã thế Hưng còn thêm chứng bệnh điên khùng, nhiều lần chửi mắng và đánh lại cả bố mẹ mình.

Đứa con trai thứ hai là Hoàng Văn Dũng (sinh 1973) cũng giống như người anh mình. Dũng không biết nói, không có khả năng nhận biết xung quanh. Sinh ra đã bị bại liệt, chân tay co quắp và thường bị gãy xương nên phải ăn nằm một nơi. Gia đình phải “nuôi” Dũng trong một gian buồng riêng. Hàng ngày, cứ đến bữa ăn ông bà thay phiên nhau đưa cơm lên phòng và bón từng thìa cho con. Mọi việc tắm giặt và dọn dẹp vệ sinh đôi vợ chồng già này đều phải làm cả, bởi Dũng sống một cách vô thức, không tự làm được điều gì.

Tột cùng nỗi đau da cam ảnh 1
Chị Nga hằng ngày phải bón từng thìa cơm cho con

Còn cô con gái út Hoàng Thị Năm nay đã 25 tuổi nhưng chỉ biết cười nói ngây ngây và ngày “gây sự” với các cháu. Ông Cận kể có lần thử cho Năm nấu cơm, thế là cô châm lửa đốt cả nhà may mà hàng xóm đến chữa kịp. “Chúng được sinh ra nhưng đâu có được làm người. Thật đau đớn khi nhìn các con bị chất độc quái ác dày vò cơ thể yếu ớt. Vợ chồng tôi đã già yếu nhưng vẫn phải gắng sống vì con…Không biết khi chúng tôi già chết đi ai sẽ chăm sóc chúng?”- Bà Chiêm oà khóc khi kể về những đứa con.

Cũng như nhà ông Cận, gia đình ông Mát, bà Tiến ở xóm trên suốt bao năm qua phải gánh chịu nỗi đau da cam. Căn nhà tềnh toàng, chật chội của gia đình ông bà chốc chốc lại vọng lên tiếng la hét của đứa con. Bà Tiến đã qua 7 lần mang thai nhưng chỉ có hai đứa là lành lặn. Đứa đầu sinh ra bị dị tật và mất khi ba tuổi. Rồi tiếp theo đó là những lần sảy thai và thai chết lưu.

Bao nhiêu hy vọng khi cậu con trai út chào đời “lành lặn”. Nhưng rồi Đỗ- đứa con trai út cũng chỉ biết sống trong vô thức, ngay cả mẹ mình cậu cũng không nhận ra. Đã 20 tuổi mà cậu vẫn không biết nhai cơm, suốt ngày chỉ la róng. Ông Mát tâm sự: “Vợ chồng tôi đã gần 60 tuổi chỉ ao ước có được chiếc xe đẩy để hàng ngày đưa nó đi dạo quanh làng cho cháu đỡ la hét thôi...”.

Không thể kể hết số nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Tân Xã đang hằng ngày hằng giờ bị hành hạ bởi các dị tật quái ác. Ngay như đôi vợ chồng trẻ là anh Nguyễn Văn Chinh và chị Lê Thị Nga cũng chịu cùng nỗi đau ấy. Cả hai anh chị đều là bộ đội xuất ngũ sau năm 1975.

Sau bao năm mặc áo lính, anh chị xuất ngũ về quê và xây dựng gia đình với nhau vào năm 1982. Chính anh cũng không ngờ thứ chất độc quái ác do Mỹ thả xuống trong thời chiến tranh đã thấm vào máu, và nó đã “bám” theo anh về làng. Đau đớn hơn nó đã truyền sang những đứa con vô tội của anh chị.

Vợ chồng anh sinh được bốn cháu thì có hai cháu ( thứ 2 và đứa út) bị dị tật, không biết nói chỉ ậm ự trong họng, ngây ngô không biết gì cả. Chị Nga kể lại: Cả hai cháu, Chức và Thức khi sinh ra vợ chồng chị đã phát hiện có những dấu hiệu khác thường. Chúng không lớn lên được, thịt da nhăn nheo, không ngồi vững, chỉ nằm co ro gào thét. Hai vợ chồng đã ôm con đưa đi chữa trị một số bệnh viện, nhưng nơi nào họ cũng nhận được cái lắc đầu bảo không chữa được vì các cháu bị di truyền từ bố mẹ của chúng.

Suốt hơn hai mươi năm nay vợ chồng anh chị âm thầm chăm sóc các con tật nguyền mà không có được một khoản trợ cấp nào. Nhiều lần anh chị lên xã xin đi giám định để làm chế độ cho các cháu nhưng vì “thiếu” giấy tờ nên không được. Anh Chinh cũng đã cất công đi tìm gặp lại những đồng đội, đơn vị cũ để chứng thực nhưng đều thất bại. “Tôi chỉ mong các con mình có được khoản trợ cấp hàng tháng, chứ chúng sinh ra tật nguyền lại bị thiệt thòi quá...”- Chị Nga buồn bã nói.

Ông Lê Văn Bắc, chủ tịch xã Tân Xã tâm sự: “Trong chiến tranh nơi đây không phải là vùng bị địch đánh phá ác liệt, ít phải nghe tiếng súng, vậy mà thế hệ sinh ra lại có nhiều người bị nhiễm chất độc da cam đến thế. Nhiều khi nhìn các gia đình nạn nhân đưa con em lên xã xin trợ cấp và xin lập hồ sơ làm chế độ thương lắm mà không biết làm sao...”

Còn anh Nguyễn Đức Tính, Ban chính sách LĐTB-XH của xã, người trực tiếp đưa chúng tôi đi thăm các gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam cho biết: Toàn xã với 846 hộ dân thì hiện có trên 100 nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam. Có gia đình có hai, ba thế hệ đều bị nhiễm chất độc.

Trong 100 trường hợp được xã đề nghị trợ cấp nhiễm chất độc da cam, thì hiện chỉ có 55 trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Đa số người bị nhiễm chất độc là những thế hệ con cháu của những người lính trở về quê hương sau chiến tranh.

Đó chỉ là con số thống kê, chứ theo anh Tính thì thực tế con số phải lớn hơn nhiều vì những người lính khi xuất ngũ về quê phần lớn họ bị mất hết giấy tờ không có căn cứ để lập hồ sơ làm chế độ, hơn nữa có nhiều người vì nhiều lý do khác nhau nên họ ngại không nói ra. Anh Tính cho biết thêm, những ngày qua cán bộ và người dân Tân Xã rất quan tâm theo dõi về diễn biến vụ kiện của những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin  Việt Nam ở Mỹ. Người dân ở đây rất tin vào lẽ phải, vào công lý để phần nào xoa dịu nỗi đau của tội ác chiến tranh.

Kỳ I: 12 nấm đất trên cồn cát

MỚI - NÓNG