Tột cùng nỗi đau da cam: Câu trả lời cho những người vô cảm

Tột cùng nỗi đau da cam: Câu trả lời cho những người vô cảm
Người phụ nữ nơi xóm nhỏ yên bình, bên triền sông Nhật Lệ ấy, là một điển hình của nỗi đau da cam: 15 lần sinh nở, 12 lần liệm chôn con trên động cát sau nhà...
Tột cùng nỗi đau da cam: Câu trả lời cho những người vô cảm ảnh 1
Chị Nức cùng hai cháu nhỏ đi viếng 12 nấm mộ trên cồn cát

Ngay khi các quan chức đầy vô cảm ở Toà án Liên bang, quận Brooklyn (New York) tuyên án phủi sạch mọi trách nhiệm của các Cty sản xuất, cung cấp chất da cam có dioxin để quân đội Mỹ rải khắp miền Nam VN trong chiến tranh, chúng tôi có một chuyến đi về nơi nỗi đau đang ngày ngày lên tiếng. Người phụ nữ nơi xóm nhỏ yên bình, bên triền sông Nhật Lệ ấy, là một điển hình của nỗi đau da cam: 15 lần sinh nở, 12 lần liệm chôn con trên động cát sau nhà. Nay chị còn 2 đứa con khờ khờ, dại dại từng ngày cứa nát ruột gan chị…

Qua cầu Quán Hàu, rẽ về hướng biển, ngoặt vào con đường đất đỏ chừng 500 mét là đến thôn Hà Thiệp (Võ Ninh-Quảng Ninh). Thôn mỏng dính, nằm nép mình dưới chân động cát trắng chạy dài… Nhà  anh Đỗ Đức Địu và vợ Phạm Thị Nức ở gần ngay con đường làng. Thoáng nhìn ngôi nhà ngói khang trang, khó ai có thể biết được rằng  trong đó có một nỗi đau da cam điển hình, nỗi đau dai dẳng, đeo đẳng đôi vợ chồng cựu binh này gần suốt 1/3 thế kỷ.

Khi tôi đến, anh Địu đã cùng cháu gái thứ 2, Đỗ Thị Hằng, 15 tuổi  vừa vào nhập viện. Chị Nức ở nhà trông đứa thứ 3 là Đỗ Thị Nga, 11 tuổi cùng đứa cháu ngoại 4 tuổi. Chị khô gầy và già hơn rất nhiều so với tuổi ngoài 50. Một gương mặt khắc khổ chịu đựng. Một đôi mắt trũng sâu, ráo hoảnh. Giọng đều đều, buồn buồn chị kể: Hôm qua bé Hằng lên cơn co giật dữ lắm, thế là anh Địu vội thuê xe chở cháu vào viện Việt Nam – Cuba. Từ dưới đó, anh ấy gọi điện lên bảo, không khéo lại phải đưa con bé ra Hà Nội bởi vì ở đây khó có thể điều trị được. Chỉ thế, rồi chị ngồi lặng trân… Mãi một lúc sau, con bé Nga lay lay đòi quà, chị như sực tỉnh, và câu chuyện về nỗi đau da cam mới được lần hồi chắp nối…

Năm 1972, khi 23 tuổi, anh Địu lên đường nhập ngũ. Lúc đó chị Nức vừa đôi mươi cũng lên đường vào dân công hoả tuyến. Gặp nhau, rồi thương nhau từ lúc nào. Anh mồ côi cha khi mới vừa 8 tháng tuổi. Lớn lên ở với dượng ghẻ. Anh hiền và tốt tính lắm… Năm 1974, cưới nhau, rồi anh biền biệt. Chị ở nhà với mẹ chồng. Mãi đến năm 1978, anh chị mới sinh được đứa con đầu lòng. Chao ôi là mừng. Cái khát khao làm mẹ bao năm qua đã được toại nguyện. Anh chị sống trong rưng rưng hạnh phúc…

Nhưng ngờ đâu, đứa bé trai ra đời chỉ được mấy ngày, sau đó đầu cứ to dần lên và da vàng rộm. Cuối cùng nó bỏ anh chị mà đi… Ngày đó, đã biết gì về chất độc da cam đâu. Cứ nghĩ chắc cái số mình lận đận. Năm 1979, đứa thứ hai ra đời, hai vợ chồng đặt tên là Bình, với mong muốn nó được bình an.

Và nó đã lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác… Gia đình nông thôn thời đấy quan niệm “đông con hơn đông của”, mỗi nếp nhà có năm, bảy đứa con là chuyện thường, hơn nữa có con trai vẫn là cơn “khát” của bao người. Đứa thứ 3 ra đời, bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi vài tháng sau, như anh nó, đầu cháu cứ to lên, da vàng như nghệ rồi mất.

Đứa thứ tư, đứa thứ năm, đứa thứ sáu… Có đứa sống được vài ngày, có đứa sống được vài tháng, lại có đứa sống được hơn 3 năm rồi lần lượt bỏ anh chị mà đi cả… Anh chị than trách ông Trời, than trách số phận. Rồi có lúc lại nghĩ, có lẽ hai người lấy nhau không hợp duyên, hợp mạng…

Anh kiên định, chị quyết tâm không tin là như thế và họ lại tiếp tục hy vọng, bởi một lẽ  cô bé Bình vẫn sống, vẫn khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác đó thôi!... Tiếp cả gần mười lần sinh nở nữa, đến giờ anh chị chỉ giữ lại được thêm bé Hằng, bé Nga khờ khờ, dại dại… Chị ngừng kể.

Tôi bế đứa cháu ngoại của chị, con của Bình lấy chồng làng bên, theo chị leo lên động cát sau làng để thắp hương cho những đứa trẻ xấu số. 12 nấm cát nhỏ, trên đầu mỗi nấm cát có một bài vị đánh số thứ tự từ 1 đến 12. Chị bảo, đã kịp đặt tên cho chúng nó đâu? Gió biển thổi ù ù. Chị ngồi quỳ xuống khẽ khàng lùa cát vun lên từng nấm.

Chị kể: Vài ngày anh, chị phải lên đây vun cát một lần, không thì gió thổi, cát bay san phẳng mộ. 3 hàng mộ, mỗi hàng 4 ngôi nằm lạnh buốt giữa một chiều gió mùa đông bắc. Chị nhắc bé Nga: Con thắp nhang cho các anh các chị con đi! Con bé cười ngô nghê, rồi như chợt hiểu, nó cầm cả bó nhang rừng rực cháy cắm đều lên 12 nấm cát  cỏn con…

Chị ngồi bệt trên cát mắt ráo hoảnh, quầng thâm, sâu hun hút. Đưa 12 đứa con rứt ruột đẻ ra lên cái doi cát này, biết bao lần chị cạn khô nước mắt. Nước mắt đã tan và cạn khô trong cát. Với chị, nước mắt đã chảy ngược vào trong thành một nỗi đau không gì tả xiết, vò xé tâm can chị gần suốt 30 năm qua. Chị buông một tiếng thở dài thật khẽ…

Tôi nán ngồi lại cùng chị trong buổi chiều dài và lạnh buốt này. Chị trân trối nhìn lên bàn thờ, rồi lấy xuống một cuốn sổ tay đã cũ nhưng còn nguyên vẹn. Một cuốn sổ mỏng tang. Chỉ 2 trang được ghi cẩn thận. Chị bảo, anh Địu ghi ngày tháng mất của những đứa con để còn nhớ mà hương khói… Tôi lật mở. Tôi không thể tin số phận lại nghiệt ngã và trớ trêu đến thế. 12 đứa trẻ mất vào 12 tháng khác nhau trong năm. Một nỗi đau đầy năm, đầy tháng… Có lẽ không còn nỗi đau nào hơn thế!...

Như để xoá đi cái không khí trầm uất đang đè nặng, chị nhìn tôi, cũng với chất giọng đều đều ấy, bảo: Nhìn ngôi nhà này chắc anh đoán kinh tế gia đình tôi không đến nỗi nào... Chưa ai làm nhà như tôi. Bắt đầu làm nhà khi sinh đứa đầu lòng (1978).

Mỗi năm chắt bóp một ít, cứ thế hoàn thiện dần. Đến mãi đầu năm 2004, có thêm sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh ngôi nhà mới hoàn thành. Còn cái quán kia, chị chỉ chiếc quán nhỏ nằm ở góc sân, đó là sự hỗ trợ của Hội CCB giúp bé Hằng bán kiếm thêm thu nhập. Nó đứng bán được mấy ngày thì lên cơn và đóng cửa cho đến tận bây giờ…

Bệnh của Hằng bây giờ nặng lắm. Cháu bị não úng thuỷ. Mỗi ngày riêng tiền thuốc cho cháu đã hết 60 ngàn đồng. Giữa vùng quê này lấy đâu, ngoài lương hưu của anh Địu và trợ cấp mỗi cháu 84 ngàn đồng/tháng.

Trời đã chiều lắm rồi và buốt lạnh. Sáng hôm nay đây, ở bên kia đại dương, giữa lòng nước Mỹ, những người đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam đang lên tiếng đòi công lý. 82 triệu lít hoá chất rải ở Việt Nam trong chiến tranh do 37 Cty Mỹ sản xuất đã cướp đi sinh mạng của  hàng vạn đứa trẻ, và để lại hàng chục vạn đứa trẻ tật nguyền.

Công lý đang lên tiếng, tiếng nói không chỉ của những người đang sống mà tiếng nói ấy đang được cất lên từ những nấm mồ nhỏ nhoi, ẩn mình trong những doi cát nhỏ miền Trung…

MỚI - NÓNG