Tột cùng nỗi đau da cam: Thương những mặt trời của mẹ...

Tột cùng nỗi đau da cam: Thương những mặt trời của mẹ...
Trong nhà bà H’Juê có 6 miệng ăn, 5 đôi chân không đi lại được… Thương nhất là 4 đứa trẻ vừa bị dị tật ở chân, vừa có trí não không bình thường vì chất độc da cam.

Bà H’Juê gùi lúa về khi mặt trời đã ngả hướng Tây. Đứa con gái thứ tư ngồi trên bậu cửa có mái tóc đen óng và đôi mắt mơ màng ngước lên nhìn bà rồi lại cắm cúi đan những mũi kim chệch choạc. Trong góc tối của ngôi nhà có tiếng rên hừ hừ của người già .

Cuối nhà, con gái út 17 tuổi đang lên cơn sốt miệng ú ớ, đôi chân teo tóp bé tí tréo vào nhau. Bà H’Juê nhóm bếp bắt vội nồi cơm rồi tất tả chạy tìm thằng Y Choanh và Y Pơk. Lát sau bà trở về, bám vào tay bà là hai đứa con trai miệng cười ngớ ngẩn, chân đi run rẩy, khó nhọc.

Bà H’Juê chỉ vào tấm bằng Huân chương Kháng chiến hạng 3 được treo ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà sàn nhỏ, rồi chỉ vào cây xà gạt cao bằng đầu đứa con nít 10 tuổi dựng trong góc nhà, nói một tràng tiếng Ê Đê. Trưởng buôn Y B’Ré giải thích: Bà H’Juê nghe thì được, chứ nói  tiếng Kinh không được. Để tôi làm phiên dịch cho. Hồi bà chỉ mới cao bằng cán cây xà gạt, còn ngồi gọn trong chiếc gùi lớn, bà đã tham gia Cách mạng, làm giao liên.

Một anh bộ đội quấn khố cầm rìu đóng vai bố, gùi H’Juê trên lưng, H’Juê lận tài liệu trong người. Nếu địch phát hiện thì chỉ khám xét người lớn chứ không đoái hoài gì đến đứa con nít. Lớn hơn một chút, khi đã thông thạo đường đi lối lại trong rừng thì H’Juê tự đưa thư một mình. Năm 1968 cơ sở đổi địa điểm, H’Juê về buôn lấy chồng ở tuổi 25. Con trai đầu của H’Juê là Y Dăm khỏe mạnh bình thường.

Năm 1970, khi H’Juê mang thai đứa con thứ 2, trong lúc vợ chồng bà đốt nương thì mấy chiếc máy bay Mỹ là là bay đến, chúng không bỏ bom như thường lệ mà... phun thứ gì đục như mưa sương khiến mấy đống lửa trên nương của bà tắt ngấm, còn vợ chồng bà thì ướt nhẹp, bỗng dưng thấy rã rượi bủn rủn.

Chuyện máy bay có thể làm mưa độc, một việc mà vợ chồng H’Juê và người dân buôn Ea Nho ( xã Cư K’Pô, Krông Buk, Đăk Lăk) vẫn nghĩ rằng chỉ ông Yàng trên trời cao mới làm được, khiến bà vừa ngạc nhiên vừa linh cảm có chuyện chẳng lành. Sau cơn mưa quái lạ đó không lâu, bà sinh hạ H’Măk, rồi lần lượt là Y Choanh (1975), H’Goai (1979), Y Pôk (1983), và H’Pẽk (1987).

Lên 8 tuổi, đôi chân của Y Choanh teo dần lại, tai nghễnh ngãng, ngồi chơi ngay ngoài sân cũng không nghe được tiếng mẹ gọi trong nhà. Dần dà, chân Y Choanh càng teo nhiều, tai càng điếc nặng, lưỡi thụt nói không ra lời. Bà H’Juê sanh cô con gái út H’Pẽk, đôi chân của H’Pẽk tréo vào nhau, bàn chân cong lên hình cái rìu. Dân trong buôn Ea Nho càng xôn xao khi lần lượt sau đó là H’Goai và Y Pôk cũng chân teo, tai điếc, lưỡi thụt.

Vợ chồng bà H’Juê đưa con đến bệnh viện, bác sỹ tìm mãi không ra bệnh. Đứa con gái đầu của bà là H’Măk lớn lên lấy chồng cũng sinh ra đứa con bại liệt câm điếc. Thế là các thầy mo càng có cớ đổ thừa ma quỷ gây ra tai họa cho nhà bà.

Vừa chăm sóc đàn con tật nguyền, vợ chồng bà vừa phải làm lụng cật lực để trả những món nợ phát sinh từ các buổi cúng tế triền miên. Quá nhọc nhằn buồn bã, chồng bà lâm trọng bệnh mất sớm. Con trai và con gái lớn đã lập gia đình riêng.

Còn lại một mình, bà vừa cõng H’Goai, bế H’Pẽk, dắt Y Choanh và Y Pôk lên nương để dễ bề chăm sóc. Nhưng rồi sức bà ngày càng yếu mà H’Goai càng ngày càng nặng khiến bà cõng không nổi , chân của Y Choanh, Y Pôk cũng ngày một co lại không thể cố gắng theo bà lên nương, thế là bà phải để lũ con ở nhà, sáng lên nương sớm, buổi trưa chạy về lo cơm nước cho lũ con, chiều lại tất tả lên nương cách nhà hàng cây số.

Trong lúc bà H’Juê đang dở câu chuyện thì tiếng rên ở góc tối căn nhà mỗi lúc một lớn, bà H’Juê  ngừng kể ra vườn hái mấy thứ lá cây giã dập vào băng bó cho người bệnh. Đó là một ông già hom hem co ro trong chiếc mền cũ dù trong nhà đang nóng hầm hập. Ông tên là Y Ban Niê, năm nay đã 73 tuổi.

Năm ông Y Ban 70 tuổi thì vợ ông chết. Theo phong tục còn sót lại ở một số buôn của người Ê Đê thì khi vợ chết mà phía nhà vợ không còn ai để “nối dây” thì người chồng phải về lại  bên phía nhà mẹ ruột của mình mà không mang theo bất cứ tài sản gì. Nhưng lúc đó phía nhà mẹ của ông Y Ban chẳng còn lại ai.

Ông Y Ban lang thang hoài rồi chân ông  tìm đến trước cầu thang nhà bà H’Juê:  H’Juê ơi, xin cho tôi ở lại đây, tôi sẽ giúp H’Juê chăm sóc mấy đứa con. Tuy tôi đã 70 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, còn phát được nương đốt được rẫy. Bà H’Juê thở dài, gọi ông lên nhà cho ông ăn cơm.

Từ đó trong nhà bà có thêm một thành viên mới. Đỡ đần bà H’Juê được một thời gian, chân ông Y Ban bắt đầu teo dần, đầu gối phình to ra đau nhức không thể đi lại được. Bà H’Juê thuê xe ôm chở ông Y Ban lên bệnh viện, họ bảo ông bị viêm khớp, phải điều trị rất lâu và khó dứt.

Không thể vừa chăm sóc bầy con tật nguyền ở nhà vừa chăm sóc ông Y Ban ở bệnh viện, bà phải đưa ông về và thỉnh thoảng đi bộ hàng chục cây số lên bệnh xá xin thuốc cho ông. Vậy là trong nhà bà H’Juê có 6 miệng ăn, 5 đôi chân không đi lại được, 4 cái đầu ngớ ngẩn, mà chỉ có một đôi vai của bà gánh vác tất cả mọi việc.

Hàng xóm thỉnh thoảng giúp lon gạo mớ rau. Hội Chữ thập đỏ của huyện Krông Buk đến thăm, mời bà lên huyện để nhận một chiếc xe lăn. Nhà sàn của bà vừa nhỏ vừa có cái cầu thang cao, đưa xe lăn lên xuống rất khó. Nhà bà cũng không có sân, còn những con đường nhỏ trong buôn Ea Nho thì gập ghềnh trơn trợt, đi không khéo chiếc xe sẽ ngã nhào. Vậy là bà xếp chiếc xe lại để một góc.

Phía Hội chữ thập đỏ xã Cư K’Pô cũng đến thăm nhà bà. Họ nói bà đem các con đi giám định, rồi làm hồ sơ để được hưởng chính sách trợ cấp cho nạn nhân chất độc màu da cam. Họ về rồi, bà lại phân vân mãi: Không biết đưa các con đi giám định ở đâu, có tốn nhiều tiền không, rồi làm hồ sơ là làm những gì? Rồi bà lại thở dài cho qua để còn tâm trí lo chuyện ruộng nương, sao cho những thành viên tật nguyền trong gia đình bà không bị đói cơm nhạt muối.

Tôi đã gặp cán bộ xã Cư Kpô, hoá ra họ chưa biết  gì nhiều về trường hợp này. Mong rằng chính quyền địa phương sớm cử cán bộ về giúp bà H’Juê làm các thủ tục cần thiết để các con bà có thể nhận được sự trợ giúp quý giá của Nhà nước và cộng đồng xã hội dành cho nạn nhân chất độc da cam.

MỚI - NÓNG