Ngày đàng gang nước

Trầm tích Trường Sa - Kỳ V

Trầm tích Trường Sa - Kỳ V
TP - Bữa chuẩn bị lên xuồng rời đảo nổi Trường Sa Đông, một lính trẻ níu áo tôi cháu nhờ chú một việc... Đi cùng Sáu, quê ở Quảng Xương, còn có Chi, thượng úy quê ở Hậu Lộc, cả hai đều thuộc xứ Thanh. Việc các anh nhờ tôi là chụp chi tiết ảnh ngôi mộ của một liệt sĩ (LS) trên đảo...

Cũng xin nói thêm, tại vị trí trang trọng nhất đảo nổi Trường Sa Đông kề với lối đi lên xuống chỗ tàu cập bến, nghĩa là mặt tiền của hòn đảo bé xíu này có ba ngôi mộ được xây rất nghiêm cẩn, có bia khắc trang trọng rõ ràng.

Ngôi thứ nhất tính thứ tự từ ngoài bể vào là Quách Hoàng Lâm, quê ở TPHCM. Thứ hai là Vương Viết Mão, sinh năm 1975, hy sinh tháng Giêng năm 2004 quê ở Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An. Ngôi thứ ba là của Nguyễn Văn Thi, sinh năm 1975, hy sinh tháng 4/2001, quê ở Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Tất thảy các anh đầu đều quay về hướng Bắc, chân xoải xuôi theo chiều Nam. Các anh hy sinh trong những thời điểm khác nhau trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.

Tất thảy đoàn công tác hồi nãy lên đảo đều trân trọng kính cẩn thắp hương  cho các anh. Tôi nhận thấy ba ngôi mộ đều được chăm sóc chu đáo sạch sẽ, chân hương khá dầy, nhiều chân hương mới chứng tỏ anh em ở đảo thường xuyên đến đây hương khói.

Nghĩ là anh Sáu, anh Chi, tuy khác huyện nhưng đồng hương Thanh Hóa với LS thì hẳn rồi và chắc vào hải quân cùng đợt? Hóa ra không phải... 

LS  Nguyễn Văn Thi nhập ngũ trước khá lâu. Sáu với Chi cho tôi hay, phần mộ LS Thi để ở đảo đã lâu. Gia đình LS ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, chỉ biết con mình hy sinh ở một hòn đảo của Trường Sa chứ không có điều kiện ra thăm viếng được.

Những tấm ảnh chụp này khi đến đất liền nếu có điều kiện chuyển tận tay gia đình được thì tốt, hoặc gửi những tấm ảnh này theo đường bưu điện về cho gia đình LS.

Bây giờ có ảnh phần mộ, gia đình cũng đỡ tủi phần nào... Rằng thấy tôi nói giọng xứ Thanh, các anh liều mà nhờ đó thôi!

Vậy mà hồi nãy, thấy anh Sáu níu áo, tôi những tưởng các anh nhờ mang thư vào đất liền để bỏ vào thùng thư. Nghĩa cử của các anh, tất nhiên tôi đã và sẽ đáp ứng. Nhưng mấy anh em nhà báo chúng tôi tận giờ vẫn chưa hết ngạc nhiên và cảm động! Đầu bạc quá nửa mà không thể nghĩ ra động thái nghĩa tình đồng đội được như các anh.

Tôi biết Sáu có con trai đã hơn tuổi ở quê mà chưa biết mặt bố. Ngồi chuyện với Sáu, tôi thấy anh chững chạc hơn cái tuổi của mình rất nhiều. Chuyện tình cảm, gia đình, Sáu cho biết vẫn thường xuyên biết tin nhà nhờ cái sóng Viettel nên cũng chả đến nỗi... Vời xa nhưng không mù tịt như trước!

Có văn công, không khí trên đảo nào mà chả náo nhiệt. Nhưng khi Đoàn văn công Quân khu 2 (QK2) lưu diễn ở đảo Trường Sa Đông, có một chốc, tôi thấy chỗ diễn cho bộ đội trên đảo có vẻ như trên cả náo nhiệt thì phải, làm tôi đang loanh quanh một vòng đảo phải quay lại.

Tới nơi, tôi thấy một chiến sĩ trẻ măng tay cầm micro miệng thì hát, còn chân, nói đúng hơn là cả thân mình đang nhảy, đang bốc lên theo một ca khúc khá thịnh hành trong đất liền.

Tiếng vỗ tay cùng reo hò tán thưởng của lính thì ít mà của anh chị em trong Đoàn Nghệ thuật QK2 thì nhiều. Một cô văn công nói với tôi rằng nếu chàng lính thủy này được đào tạo chỉ nghiệp dư thôi, chưa nói bài bản, sẽ hơn đứt khối học sinh trong trường nghệ thuật.

Cô nói vậy thì biết vậy, nhưng mừng ở xứ đảo xa vời này lại có một hạt nhân văn nghệ như vậy thì những tiết mục tự biên tự diễn của lính đây cũng khá xôm trò!

Loanh quanh thế nào, lúc buổi biểu diễn ngưng đã lâu, bên mép đảo, tôi gặp lại chàng lính thủy trẻ măng hát hay nhảy giỏi hồi nãy. Anh đang ngồi với một người bạn cũng lính. Chàng lính thủy tên Thuận. Đầy đủ là Trần Văn Thuận 20 tuổi tròn.

Thuận quê ở thành phố Hồ Chí Minh, nhà bên Thủ Đức. Bố Thuận làm nghề cơ khí. Thuận cũng làm với bố và tham gia đội văn nghệ của quận. Mọi thứ đành tạm ngưng khi Thuận làm nghĩa vụ quân sự. Thuận nhập ngũ chưa được năm.

Cái Tết đầu tiên xa nhà của Thuận là tại đảo Trường Sa Đông này. Cậu bạn đang ngồi với Thuận tên là Tùng, tuổi cũng tròn 20 như Thuận. Nguyễn Đức Tùng là con thứ ba của một người lính cơ yếu phục vụ 30 năm trong Quân chủng Hải quân. Khi đến tuổi nghĩa vụ quân sự, rất tự nguyện, Tùng nói với bố xin cho mình vào Hải quân.

Bây giờ hầu hết các đảo đã có hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Chưa phải là dư dả nhưng điện có thể xài dài dài cả ngày cả đêm. Đó là kết quả của phong trào hướng về biển đảo mà cụ thể là do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động phong trào Chiếu sáng Trường Sa.

Kể về cha mình, Tùng bộc bạch, tuy không theo được nghề cơ yếu của cha suốt 37 năm trong Quân chủng Hải quân thì lý gì mấy năm nghĩa vụ mình lại không qua được? Và biết đâu đấy, lâu hơn thì sao! Tùng cười...

Ngày đàng gang nước

Bữa đến đảo Đá Tây, thứ cuốn hút tôi ngay từ đầu là một bản đồ treo ở phòng ngủ một sĩ quan của đảo. Tấm bản đồ không có gì thuộc diện bí mật quân sự và chắc chả khó kiếm chi lắm trong đất liền. Tấm bản đồ Quần đảo Trường Sa và phụ cận mà từ khi bắt đầu chuyến đi tôi đã lưu tâm tìm nhưng không thấy. Thế mà nó lại hiển hiện chình ình ở một nơi cùng trời cuối biển của Tổ quốc này.

Tấm bản đồ khá chi tiết và rất ấn tượng về những độ sâu quanh những hòn đảo nổi đảo chìm. Không thể tưởng tượng được qua cái ranh giới vô hình là màu nước lam kia của hòn đảo mà tôi đang đứng đây, phập một phát là độ sâu tới non hai cây số.

Rồi trong cơn nửa ngủ nửa thức tối hôm qua trên hải trình, tàu của mình đã mong manh nhích từng thước biển với tốc độ tối đa tám hải lý (khoảng gần 15 km/h) trên cái tầng thăm thẳm sâu cỡ ngàn tám ngàn chín thước nước!

Ngắm ngó chán, tôi để ý thấy một vệt đỏ khoang tròn trên bản đồ nhìn kỹ hóa ra là Côn Đảo. Tôi lấy ngón tay di di trên bản đồ, từ vị trí hòn đảo giữa trùng khơi này dịch xuống phía Côn Đảo một hồi cũng đã thấy mệt. Còn di để làm gì thì như một phản ứng tự nhiên, cứ lấy điểm chuẩn mình đang ngồi ở đây mà chuyển dịch ngón tay hoặc tầm mắt lên những địa danh mình từng ở, từng qua vậy thôi!

Trầm tích Trường Sa - Kỳ V ảnh 1
Đôi bạn lính trẻ Trần Văn Thuận (trái) và Nguyễn Đức Tùng

Nhưng thật bất ngờ, sau này hỏi chuyện chủ nhân của tấm bản đồ, anh Trịnh Xuân Đặng quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa, tôi mới hay vợ Đặng công tác ở Côn Đảo đã non chục năm cùng hai cháu nhỏ. Vợ chồng con cái họa hoằn cả năm, có khi hơn, mới được gặp nhau. May mà bây giờ có sóng Viettel di động.

Đặng chưa bao giờ về được với vợ con theo hải trình kiểu như tôi di ngón tay cái hồi nãy, mà phải đi tàu hải quân về thành phố Hồ Chí Minh, rồi mới đi tàu bay hoặc tàu thủy ra Côn Đảo.

Chao ôi, đường đất cứ thăm thẳm những ngày đàng gang nước. Hơn ngàn cây số mà 2/3 là nước!

Đặng cười, treo cái bản đồ ấy lên vừa phục vụ cho công tác vừa để nhớ vợ con... Nghe Đặng, tôi giật thột ý nghĩ rằng, có nhiều ca khúc về những nỗi nhớ sự chờ mong giữa một bên đất liền và biển đảo. Nhưng hình như chưa có bài hát nào về những mong chờ thương nhớ giữa đảo với đảo?

Tôi cũng ấn tượng lâu hơn với cái bảng in vi tính Chế độ tài chính đảo Trường Sa hiện hành (căn cứ vào Thông tư số 166/2007NĐCP) treo trang trọng trong vị trí phòng họp các đảo. Trên tờ ấy tiêu chuẩn từ sĩ quan cấp tá nghĩa là từ anh đảo trưởng, sĩ quan chuyên nghiệp, sĩ quan có số đến anh binh nhì nghĩa vụ được những gì. Lương và phụ cấp các khoản... Tất tật đều công khai. Bên cạnh là bảng Tiêu chuẩn quân trang quân lương.

Lúc đầu tôi không rõ, cứ lẩn thẩn rằng treo như thế, công khai như thế để làm gì. Dằng dặc đối diện với trời với nước, với những toan tính này nọ khi vô hình khi hữu hình bằng những vòng lượn của các con tàu lạ quấy rối ngoài kia, thêm làm chi những con số thiệt hơn như thế? Nhưng sau hỏi lại mới biết sự công khai minh bạch với lính vùng biên viễn này là hàng đầu!

Mỗi người phải biết chức phận, sau nữa là nhiệm vụ cụ thể của mình là gì... Khó có cái gì bưng bít họ được! Nghe ra thì thông nhưng tôi cứ lẩn thẩn tiếp cái mạch rằng, có khi trong đất liền ối nơi không được công khai minh bạch như thế...

Bữa qua đảo Phan Vinh, tôi gặp một tốp cán bộ kỹ thuật của Cty Mặt trời Bách Khoa từ đất liền ra đang lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời.

Trước đây, khi chưa có hệ thống này, tại nhiều đảo nổi đảo chìm để có đèn đọc sách báo hoặc chống nóng, anh em có sáng kiến dùng tụ điện làm nguồn ăcquy. Dùng vỏ lon đồ hộp cắt ra làm cánh quạt.

Đoàn Thanh niên đang phát động giải thưởng mang tên Phan Vinh, để đặt tên cho những sáng chế nho nhỏ nhưng mang lại tiện ích lớn như thế. Phan Vinh là lính thủy anh hùng, hy sinh trên con tàu không số mùa xuân năm 1968 trên đường biển tiếp tế vũ khí vào Nam. Hòn đảo nổi Núi Sập được vinh dự mang tên đảo Phan Vinh. Bây giờ có thêm giải thưởng Phan Vinh!

Bữa rời Trường Sa, tôi cứ miên man nghĩ về những người lính biên viễn. Những người lính đồn trú nơi biên ải mà trước vẫn gọi là lính thú... Và bây giờ với lính biển Trường Sa đang canh giữ chủ quyền nơi cùng trời cuối biển của Tổ quốc. Mỗi thời hình như có một tố chất lính khác nhau?

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).