Trận chiến nhỏ dành cho người lớn

Trận chiến nhỏ dành cho người lớn
TP - Người cầm súng bé chưa bằng ngón tay cái, xe bánh xích đầy bùn đất, những cỗ pháo, xe tăng in đậm màu thời gian như đưa tôi trở lại ký ức về những thước phim tài liệu thế chiến II.

Tất cả được trưng bày trong góc phòng khoảng 4m2 với đầy đủ sa bàn, đèn chiếu rất chuyên nghiệp. Anh Hùng, biên tập viên một tờ báo mạng có trụ sở ở Hà Nội là tác giả của cái góc riêng ấy. “Tớ là một thành viên của cộng đồng những người chơi mô hình tĩnh ở Việt Nam”, anh nói. Hùng bắt đầu bập vào thú chơi mà phương Tây gọi là miniature-art (nghệ thuật của những mô hình thu nhỏ) từ hơn 2 năm nay. Anh chuyên làm những mô hình liên quan đến quân đội Đức trong thế chiến II. Thú chơi ấy đã khiến anh “mất ăn, mất ngủ” vì mê. “Kỳ công lắm, phải đặt mua máy phun sơn, máy nén khí, rồi cả sơn chuyên dụng từ Nhật về. Trước có ra chợ Giời mua mấy cái đồ phun, nén khí Việt Nam, to cả hai chục cân mà ba bữa là hỏng, lại không sơn đạt yêu cầu”, anh bảo.

Từ hồi chơi mô hình, ngoài những lúc đến tòa soạn, Hùng thường ngồi nhà, hí hoáy sơn, vẽ. Có đồ nghề rồi, việc tiếp theo là sắm các mô hình bằng nhựa từ Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều hãng của châu Âu, Mỹ… về dùng keo ráp lại hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn chi tiết bằng nhựa bé xíu theo bản vẽ, hướng dẫn chi tiết của hãng. Tỷ lệ thông thường là 1/35, tức là mô hình thật gấp 35 lần mô hình thu nhỏ. Ví dụ như cái xe tăng dài 20cm, chiều dài đời thực của nó khoảng 7m. Tuy nhiên, chơi tàu chiến thì tỷ lệ thấp hơn (1/350) vì kích cỡ của các chiến hạm rất lớn.

Sau đó đến khâu quan trọng nhất, khó nhất: sơn. Nghe nói đến sơn, những người ngoại đạo có thể tự hỏi: sơn thì có gì đâu mà nói là quan trọng nhất và khó nhất. Nhưng kỹ thuật này khó là bởi nó yêu cầu người chơi phải có kiến thức rất tổng hợp về lịch sử quân sự, về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng của nơi diễn ra các trận chiến trong lịch sử.

Hoàng Anh, một tay chơi mô hình ở Tân Bình, TPHCM cho hay, để thực hiện mô hình về thế chiến II, anh phải đi lùng mua hàng chục đĩa phim màu tài liệu của hãng BBC về xem nhằm nắm rõ các đặc điểm của sự kiện này. “Tôi phải đọc lại lịch sử xe tăng để biết rằng thường xe đánh ở sa mạc được sơn màu vàng, ở xứ nhiệt đới sơn vằn vện”.

Hùng, “chuyên gia” về quân đội Đức thì nói: Khí tài của quân đội Đức trước năm 1943 có hai loại, xám và vàng sậm. Vàng ở Bắc Phi, xám ở châu Âu. Còn quân phục thì vô thiên lủng. Sau năm 1943, khí tài của quân Đức chuyển toàn bộ qua màu vàng.

Mô hình khi đã dựng được lên, phải trải qua các khâu sơn mới rồi làm cũ, mục đích là làm sao trông giống thật nhất, tất nhiên trừ kích thước.

“Ví dụ, để tạo ra lớp bùn trên chiếc xe chở quân của Đức này, đầu tiên tôi sơn một lớp rỉ lên xe rồi dùng keo xịt tóc phun lên” Hùng kể. “Sau đó sơn màu chính khác gốc với lớp rỉ rồi dùng rượu tẩy lớp sơn chính ở những góc khuất, tạo hiệu ứng rỉ sét, tức là nơi góc âm, nước đọng nhiều” (trên thực tế). Mỗi chiến trường có một loại rỉ khác nhau. Bắc Phi thường rỉ đen do khí hậu không ẩm, trong khi ấy Đông Âu vào mùa tuyết thì rỉ có màu đen bẩn. Thường thì rỉ màu đỏ, nâu.

Vẽ mặt người là một trong những khâu khó nhất
Vẽ mặt người là một trong những khâu khó nhất.

Lúc mới ráp mô hình, những con đinh tán (do hãng cung cấp làm giả) bé tí, không nổi. Người chơi phải dùng dung môi pha màu cho chạy vào góc khuất, đinh tán sẽ rỉ hoặc đen nổi lên. Ngoài dùng súng phun, còn phải dùng rất nhiều cọ lớn nhỏ điểm thêm vào những chi tiết. “Ví như cái tấm bạt xe này, khi chưa đánh sáng tối bằng phương pháp cọ khô, nó không nổi lên đâu”, Hùng bảo. “Tôi phải đánh cọ khô bằng cách pha màu sơn nền cái bạt đó và tý trắng, quệt vào giấy ăn rồi điểm lên những nếp gấp nổi tạo độ sáng, trong khi những chỗ chìm, phải dùng dầu thông pha màu đen pha loãng, chấm vào. Dầu thông mao dẫn tốt, chỉ chấm ở một điểm- kẽ, tự khác nó chảy vào những góc khuất. Như vậy những đinh tán, vè đều nổi hết lên.

Hoàng Anh bảo: “Sơn lính rất khó, nhất là cái mắt. Phải sơn nhiều lớp, cũng như xe tăng vậy, để tạo độ tương phản, hình khối, con ngươi chỉ bằng cái đầu tăm thôi. Khó như nghệ thuật “điểm nhãn” trong hội họa ấy. Chấm lệch hoặc thừa sơn là vứt đi luôn. Tôi hỏng 2 bộ lính rồi, giờ phải ngâm cứu thật kỹ rồi mới dám làm lính.

Bởi vậy, muốn biết ai là cao thủ, giới chơi chỉ cần nhìn cách sơn mặt người. Hoặc những vệt rỉ sét từ thế chiến II phải tạo cho người xem có cảm giác gần một thế kỷ đã trôi qua.

Nhà Hoàng Anh bây giờ có khoảng gần chục “con” mô hình, lính “mấy chục thằng”. Tất cả được đặt mua từ trang taobao.com của Trung Quốc. Theo Hoàng Anh, các “cao thủ võ lâm” trong giới chơi mô hình tĩnh thường tự chế sa bàn (bối cảnh) để các nhân vật, mô hình được tôn lên vẻ đẹp và giống thật hơn. Trên trang mohinhvn.org, một website của những người chơi miniature-art, hai thành viên có nickname cukhoai và hamvui được cho là có khả năng làm sa bàn “mả” nhất. Làm vũ khí, súng pháo nói chung, trên diễn đàn này lừng danh nick Panzer, tương tự là nickname Suzuki Civic trên vietmodeller.com, một diễn đàn trện mạng khác của giới chơi mô hình tĩnh. Thông thường người chơi chọn một dòng mô hình nào đó để theo, có người thích tàu chiến, người thích máy bay, cũng có người thích chơi gundam (mô hình robot), cũng có người chơi tạp, tức là thích đủ thứ. Nhưng ai cũng cố sắm một máy ảnh xịn. Lý do: không có máy ảnh xịn thì làm sao có hình ảnh đẹp đăng “show hàng” trên mạng.

Sa bàn Đổ bộ lên Normandy
Sa bàn Đổ bộ lên Normandy.
Các cao thủ là những người thường tự tạo bối cảnh cho mô hình
Các cao thủ là những người thường tự tạo bối cảnh cho mô hình.

Hùng bảo: Giờ tôi đang mơ “con” Dora, khẩu pháo của quân Đức, lớn nhất trong lịch sử. Nhưng không dám làm với tỷ lệ 1/35, vì với tỷ lệ ấy, mô hình sẽ dài 2m, nhà hết chỗ chứa. Với tỷ lệ 1/72, mô hình dài 1,1m, giá tầm 2 triệu đồng. Con tỷ lệ 1/35 thì về Việt Nam có giá khoảng 20 triệu đồng. Chiếc 1/72 đã có tới 1.800 chi tiết. Lắp và sơn chắc nửa năm mới xong. Trong sách nói, riêng viên đạn của khẩu pháo này đã nặng 8 tấn, bằng cái ô tô tải hồi đó, cỡ nòng gần 1m. Toàn bộ khẩu Dora to bằng cái nhà chung cư di động. Hồi quân Đức tấn công nước Pháp, có bức tường thành dày 7m. Hitler giao cho tụi kỹ sư, phải làm ra khẩu pháo nào bắn thủng bức tường thành đó. Thế là ra đời khẩu Gustav, biến thể sau là Dora. Giờ nó vẫn là khẩu pháo lớn nhất lịch sử loài người.

Thấy ông bạn nói say sưa, tôi hỏi: Ủa mà chơi cái này tốn kém, vợ con ông nói sao? Khen mới bỏ mẹ. Vì đẹp quá. Nhưng quan trọng là chơi thế nó lành, lại hay ở nhà” , Hùng cười.

Giới mô hình tĩnh đã đúc kết những kỹ thuật quan trọng của nghề chơi này gồm shading, washing, drybrush- weathering. Shading là tạo hình khối, bóng đổ lúc sơn. Thông thường người ta sơn lớp đầu tiên tối hơn cái màu chính định thể hiện, sau đó mới sơn màu chính, nhưng không sơn đè lên mà chỉ sơn vào giữa, chừa ra cái viền đen ở lớp sơn trước, tạo độ sáng và tương phản. Washing là kỹ thuật tạo rỉ sét và tương phản ở những góc âm hay lằn panel. Drybrush là kỹ thuật cọ khô để làm nổi những chi tiết bắt sáng, những điểm gồ lên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG