Trăng côi trên đảo Lý Sơn

Trăng côi trên đảo Lý Sơn
TP - Tối nay (29-9), lần đầu tiên, trẻ em đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) được đón một đêm đón Trung thu rộn ràng và đầm ấm nhất từ sự san sẻ yêu thương của cả nước. Nơi ấy, ngày ngày những ánh mắt thơ dại vẫn hướng ra biển Đông ngóng đợi những người cha mãi không về.

> Rộn ràng đêm hội trăng rằm Trường Sa

Ông cố, ông nội, cha đều nằm lại ngoài khơi

Cuốn sổ ghi chép dày cộp phút chốc chi chít tên tuổi những đứa trẻ mồ côi cha. Cô Dương Thị Hồng Quận, Hiệu phó Trường Tiểu học An Hải, nghẹn giọng: “Sắp nhỏ này tội lắm, có đứa vắng cha từ nhỏ, đứa học lớp 3, lớp 4 đã biết buồn, đứa nằm trong bụng mẹ đã vĩnh viễn không thấy mặt cha”.

Nguyễn Thị Mỹ Thuận con bà Thương mất tích cha, Nguyễn Thị Thắng con ông Nguyễn Đảng mất tích, Nguyễn Đăng Phúc có cha mất tích; Nguyễn Văn To, Nguyễn Hoàng Thảo, Nguyễn Thị Bích Trâm, Nguyễn Văn Tiến, Trương Ngọc Giàu… đều có cha chết ngoài biển, hầu hết bị nạn ở Hoàng Sa.

Cô bé Nguyễn Thị Mỹ Thuận (10 tuổi) mới lớp 4 mà đôi mắt đã buồn nhức nhối. Trường nằm sát bờ biển, giờ ra chơi, cô bé thơ thẩn một mình ở bờ kè, đăm đăm nhìn ra xa.

Nơi đó, cha em, anh Nguyễn Văn Thọ, vĩnh viễn nằm lại. Căn nhà nhỏ ở thôn Đông (An Hải) của ba mẹ con chị Dương Thị Thương vắng lặng như mọi ngày.

Từ khi anh Thọ bị nạn trong cơn bão số 1 (2010) trên con tàu QNg 96354, hầu như nhà không còn tiếng cười nói. Nhắc lại chuyện buồn, chị Thương tức tưởi: “Số trời giao trúng nhà này rồi, từ ông cố rồi đến ông nội tụi nhỏ đều bị mất tích ngoài khơi.

Đến lượt cha con bé Thuận thì ai cũng phải sợ”. Những người sống sót kể lại: 23h đêm 14-7-2010, cơn bão ập đến, quăng quật con tàu giữa biển khơi. Anh Thọ bị hất văng xuống biển, trước khi con tàu chìm hẳn. 10 thuyền viên còn lại may mắn sống sót, được tàu hàng cứu sống sau 3 ngày lênh đênh trên biển.

Thật trớ trêu, anh Thọ lại là thuyền viên cứng cựa nhất, cùng với thuyền trưởng Dương Văn Thành nhiều năm ngang dọc khắp Hoàng Sa.

Chị Thương nhìn bé Thuận đang lật cuốn anbum ảnh gia đình ngày còn đầy đủ. Thỉnh thoảng nhớ cha, cô bé lại đổ ảnh ra xem. Nhà quá nghèo, Trung thu cho bé chỉ là gói bánh đậu rẻ tiền mua vội ngoài chợ. Chính quyền tặng sổ tiết kiệm, mỗi tháng bé Thuận được 180 ngàn, đỡ phần học phí.

Cô Phan Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Vĩnh, cho biết: Trường có 570 cháu thì đa số con nhà nghèo, trong đó con ngư dân bị nạn nhiều không kể xiết.

Chị Đỗ Thị Liên, mẹ cháu bé 4 tuổi Nguyễn Đỗ Tường Vi, ngày ngày bán tỏi ở chân cầu cảng Lý Sơn, gom góp tiền nuôi con bởi chồng chị nằm lại Hoàng Sa. Cùng nhóm trẻ với Tường Vi là cậu bé Nguyễn Tấn Đạt, giờ chỉ còn mẹ đưa tới lớp bởi cha cũng mất tích ngoài khơi.

Đón Trung thu trong chuồng bò

PV báo Tiền Phong trao quà cho mẹ con chị Phát Ảnh: PV
PV báo Tiền Phong trao quà cho mẹ con chị Phát.  Ảnh: PV.
 

Tìm tới nhà mấy mẹ con chị Nguyễn Thị Phát ở thôn Tây (An Vĩnh), vốn là xóm nuôi bò trên đảo. Tới đỉnh dốc, một cảnh tượng đắng lòng hiện ra, ba mẹ con đang quây quần trong ngôi nhà xộc xệch, xung quanh là những chuồng bò, bẩn thỉu, nhếch nhác. Cô giáo Ngô Thị Đức cho biết: Cái gọi là nhà của ba mẹ con chị Phát nguyên là nơi nuôi bò.

Nhà quá nghèo, chị Phát bỏ đảo Lý Sơn từ năm 14 tuổi, phiêu bạt vào Sài Gòn phụ bán hủ tiếu, duyên phận thế nào gặp anh Nguyễn Văn Tân, người Cần Thơ cũng mồ côi từ nhỏ. Không hôn thú, chẳng có tiền cưới xin, sống cùng nhau ở Cần Thơ độ 2 năm, cả hai dắt díu về Lý Sơn.

Chị Phát ngày ngày trồng tỏi thuê, còn anh Tân vốn xuất thân quê biển nên mau chóng theo thuyền đi bạn ra khơi. Được vài chuyến, tai nạn xảy ra, anh Tân may mắn trở về, nhưng gần như mất sức lao động. Cả gia đình túng quẫn, rơi vào cảnh bần cùng.

Hai tháng trước, anh Tân lặng lẽ rời Lý Sơn, bỏ lại ba mẹ con với chiếc chuồng bò. Chị Phát rưng rưng: “Ở chung với bò, ngày ngày chứng kiến 2 đứa con đùa nghịch quanh những đống phân hôi thối, nhưng tui lực bất tòng tâm. Thôi đành phó thác cho số trời”.

Tường Vi và Tấn Đạt, hai trong số nhiều trẻ ở Lý Sơn có cha mất tích
Tường Vi và Tấn Đạt, hai trong số nhiều trẻ ở Lý Sơn có cha mất tích.

Cũng may, hai đứa nhỏ ít khi đau ốm. Chẳng mấy khi đau, nhưng hai đứa con trai chị Phát, đứa lớn Nguyễn Tấn Đạt 4 tuổi, đứa nhỏ Nguyễn Tấn Thành mới 13 tháng xanh xao, còi cọc.

Tôi cố nán lại khu chuồng bò tới tối, để được chứng kiến cái cảnh trăm rằm bàng bạc chiếu xuống khoảnh đồi đen kịt. Căn nhà nhếch nhác của ba mẹ con lỗ chỗ từng ánh trăng chiếu xuống.

May mà trời không mưa. Chị Phát nói: “Đứa nhỏ mới một mùa Trung thu, đứa lớn thì 4 mùa rồi, năm nào chúng cũng đón Trung thu trong chuồng bò. Mà thực ra mấy mẹ con tui cũng mấy khi để ý Trung thu là gì đâu…”.

Kết nối yêu thương

Những chuyến hàng nghĩa tình cho Trung thu ở Lý Sơn tiếp tục được chuyển lên
Những chuyến hàng nghĩa tình cho Trung thu ở Lý Sơn tiếp tục được chuyển lên.
 

Mùa Trung thu năm nay, Lý Sơn rộn ràng đặc biệt, khi những chuyến tàu chở hàng từ thiện từ đất liền nối nhau cập đảo. Quần áo, giày dép, sách vở, bánh kẹo, đường sữa… và cả nhiều bạn nhỏ từ đất liền cũng có mặt.

Tối 29-9 (14 âm lịch), Chương trình Trung thu kết nối yêu thương do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức được truyền hình trực tiếp trở thành sự kiện đặc biệt trên đảo từ nhiều năm trở lại đây. Hơn 700 suất quà đã được chuẩn bị.

Chị Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường vụ Hội, có mặt ở Lý Sơn từ mấy ngày qua để lo chu toàn cho chương trình tặng quà, tâm sự: Bao nhiêu cũng là không đủ với những khó khăn, thiếu thốn của trẻ em nơi đây, đặc biệt là con em ngư dân, những người ngày đêm không quản khó khăn, hiểm nguy bám biển khơi.

Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, xúc động: “Lý Sơn đã quá nổi tiếng bao đời nay với những câu chuyện ngư dân bám đảo, bám biển góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo. Trẻ em nơi đây sinh ra và lớn lên nối tiếp cha anh. Sống xa đất liền nên mọi thứ đều rất khó khăn, nhất là đối với các em nhỏ. Việc tổ chức chương trình Trung thu kết nối yêu thương hướng về trẻ em đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi góp phần đem lại niềm vui cho trẻ em và người dân trên đảo, gắn kết tình cảm yêu thương, chia sẻ trách nhiệm của đất liền với biển đảo tiền tiêu. Tôi mong ngày càng có nhiều những chuyến tàu, những chương trình như thế …

Chương trình Trung thu kết nối yêu thương hướng về trẻ em đảo Lý Sơn do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phát động đã thu hút đông đảo cơ quan, DN và cá nhân ủng hộ. Theo BTC, đến ngày 29-9, số tiền, hàng vận động cho chương trình là hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó, sẽ xây dựng công trình xây nhà bán trú 1,5 tỷ đồng (do một ngân hàng tài trợ), 1 khu vui chơi 80 triệu đồng, tiền mặt hơn 750 triệu đồng, quà trị giá gần 290 triệu đồng… Dịp này, Báo Tiền Phong trao 5 suất học bổng (trị giá 5 triệu đồng) cho các em mồ côi cha, học giỏi trên đảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG