Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (1/10/1908 - 1/10/2008):

Trập trùng huyền thoại

Trập trùng huyền thoại
TP- Những dự định lỡ dở, những thứ hụt hẫng tiếc nuối đánh sổng sự kiện trong những chuyến đi này khác có lẽ cũng là việc thường   trong chuỗi  thời gian dằng dặc hành nghề báo.

Kỳ I- Cuộc gặp ở Bắc Kinh, Xuân Kỷ Mão 1999

Kỳ II - Vĩ thanh cuộc gặp

Trập trùng huyền thoại ảnh 1
Tướng Nguyễn Sơn, bà Hằng Huân cùng các con. Bắc Kinh năm 1956. Ảnh tư liệu gia đình Nguyễn Sơn

Nhưng bất ngờ cuốn Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương (Hoàng Hà luyến Hồng Hà tình) có phụ đề Tôi và Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn của phu nhân Trần Kiếm Qua đã được dịch sang tiếng Việt đã đành cái việc trân trọng những lời đề tựa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhà văn nổi tiếng Ngụy Nguy...

Nhưng tôi cứ mạo muội coi cuốn hồi ký như là một thứ kết thúc có hậu. Như phần nối thêm, phần làm sáng tỏ câu chuyện mà tôi từng phải bỏ lỡ lẫn tiếc nuối 9 năm về trước! 

Cảm giác ngạc nhiên thán phục cứ đeo bám lấy người đọc về một trưởng lão (ở tuổi bát tuần) vốn là một chiến sĩ Hồng quân công nông Trung Hoa, sau đó là một chuyên gia sư phạm nhiều năm công tác trong ngành giáo dục mầm non nhưng đã rất có nghề trong việc tạo dựng cuốn hồi ký. 

Bằng bút pháp tinh tế, tác giả đã khắc họa nên dung mạo, thể hiện phong cách tính chất của những nhân vật chính và dùng cách viết tự truyện lần lượt nêu lên các tình tiết phức tạp một cách chân thực rõ ràng khiến cho ai đọc xong cũng cảm thấy cả ngọt bùi lẫn thương cảm.

Dù xét về giá trị văn học hay ý nghĩa giáo dục, cuốn sách này xứng đáng ra mắt đông đảo bạn đọc (Trích lời bình của nhà văn Nguỵ Nguy, từng tham gia chiến đấu với Hồng Thủy - Nguyễn Sơn).

Nghe nói có một đạo diễn của một ê kip làm phim có tiếng ở nước mình định thể hiện hình tượng Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn theo cái mạch người thân của ông. Người thân con cái, tất nhiên. Nhưng theo thiển nghĩ có lẽ phải là các bà vợ của tướng Nguyễn Sơn.

Bà cả Hoàng Thị Diệm thì đã mất từ năm 1952. Bà thứ 2, một phụ nữ Nam Bộ tên là Huỳnh Thị Đổi thì đã biệt bóng chim tăm cá. Bà thứ 3 Lê Hằng Huân, con gái của nhà yêu nước Sở Cuồng Lê Dư (người đã sinh hạ 4 hoa khôi. Cô cả là bà Hằng Phương - vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan. Thứ hai là Hằng Phấn vợ học giả Hoàng Văn Chí. Thứ 3 là Hằng Huân. Thứ 4 là Hằng Trang mất lúc còn trẻ). Bà Hằng Huân chính là người có công nuôi dạy 6 người con riêng chung của tướng Nguyễn Sơn nên người, bà mất năm 1991 vì bạo bệnh.

Có lẽ chẳng phải cái duyên kể chuyện của người viết mà là những ruột gan những tâm sự. Cuộc đời đầy màu sắc kỳ lạ của Hồng Thủy đã làm trái tim tôi rung động sâu sắc... Đó là cái trục để cuốn hút gắn kết biết bao chi tiết sinh động.  Lần đầu tiên trong quân đội Hồng quân Công nông có một người thành hôn với người ngoại quốc.

Đôi  vợ chồng trẻ Hồng Thủy - Kiếm Qua đã đau đớn đến như thế nào khi bỏ mất đứa con đầu lòng mới 6 tháng tuổi ở chiến khu Tấn Sát Ký do điều kiện sinh hoạt vô cùng  cực khổ. Chuyện tướng Nguyễn Sơn đã chủ động cắt ruột thừa đề phòng về chiến đấu ở Việt Nam điều kiện sinh hoạt gian khổ nhỡ có mệnh hệ nào...

Rồi chuyện Chủ tịch Mao đã lường trước được tính cách của Hồng Thuỷ Nguyễn Sơn. Tính cách đó có thể gây bất lợi cho công việc của ông một khi về Việt Nam công tác theo lời đề nghị của Hồ Chủ tịch. Bà đã chứng kiến cuộc đưa tiễn Tiểu Hồng (từ thân mật Mao Trạch Đông gọi Nguyễn Sơn) bên bàn trà ở khu Vườn Táo trong căn cứ địa Diên An.

Trong cuộc tiễn đưa ấy, Chủ tịch Mao nói: “Chúng tôi chỉ đồng ý để chú đi vì Tổ quốc của chú. Nhưng chú về Việt Nam nhất định phải đoàn kết tốt với các đồng chí Việt Nam. Chú thông minh sáng suốt quả cảm nhưng rất bướng. Một cán bộ như vậy nếu dùng tốt sẽ là tuấn mã, một thiên lý mã. Nếu không dùng tốt nó sẽ đá lại cho đấy”.

Còn Chu Ân Lai dặn Cán bộ từ nước ngoài về Việt Nam có hai nguồn. Từ Châu Âu từ Liên Xô, hai là từ Trung Quốc về. Đồng chí về Việt Nam cần chú ý đến việc đoàn kết...

Có phải lường trước được tính cách độc đáo ấy của Nguyễn Sơn không mà các vị ở Diên An đã gặp được cách ứng xử của Hồ Chủ tịch sau này? Bà Trần Kiếm Qua cũng không quên kể lại câu chuyện về tính ngang ngạnh của chồng mình ở Việt Nam. Hồng Thủy vừa qua ngày sinh  thứ 39 đang là Chính uỷ kiêm Tư lệnh QK 4.

Ông có một số ý khác trong việc phong quân hàm thiếu tướng. Ông đề đạt nguyện vọng mang quân hàm ấy phong cho đồng chí khác! Đường xa ông đành viết công văn hỏa tốc gửi cho Hồ Chủ tịch. Khi nhân viên bảo mật đưa tới, Hồ Chủ tịch đang tiếp ông Hoàng Đạo Thúy. Người không đọc công văn nhưng mỉm cười gật đầu Bác biết rồi.

Người lấy tấm danh thiếp viết 12 chữ Tặng Sơn đệ. Đảm dục đại/ Tâm dục tế/ Trí dục viên/ hành dục phương. Hồ Chí Minh (Tặng chú Sơn. Dũng cảm thì phải lớn/ Tấm lòng phải tế nhị/ Suy nghĩ phải trọn vẹn/ Hàng động phải chín chắn).

Sau đó Người cho mang tấm thiếp vào khu Bốn.  Nguyễn Sơn mở ra nhớ ngay đến bài thơ trứ danh của Khổng Tư Mạc gửi bạn là Lưu Chiếu Lâm đời Đường: Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu/ Trí dục viên nhi hành dục phương/ Niệm niệm hữu như lâm đế nhật/ Tâm tâm thường tự quá kiều thời.

Bác Hồ đã bỏ hai câu sau lấy hai câu đầu cắt thành bốn câu. Lại đem ý tâm dục tiểu đổi thành tâm dục tế ý nói rằng Hồng Thủy đảm đại tâm tế (gan dạ tấm lòng tốt) khi suy nghĩ vấn đề nên chu đáo trọn vẹn. Hành động phải nhìn đại cục! Tiếp được thiếp, Hồng Thủy bỗng bừng hiểu ra dụng ý của Hồ Chủ tịch. Ông thoải mái sẵn sàng chấp nhận sự xếp đặt của Bác.

Chính vì thế nên ông đã bàn với BS Phạm Ngọc Thạch (phái viên của Hồ Chủ tịch) tổ chức buổi lễ cực kỳ chu đáo để tiếp nhận quân hàm thiếu tướng tại nơi khu Bộ đóng quân ở Thanh Hoá!

Người đọc có dịp được dõi theo những trạng huống bi thương khi ông Lý Ban (phái viên Chính phủ VN)  lúc ghé qua Diên An không hiểu nghe phong thanh ở đâu cái tin Trần Kiếm Qua cùng hai cậu con trai đã chết dã man trong trận oanh tạc của máy bay Nhật vào Diên An. Nguyễn Sơn tiếp tin ấy đã chết lặng người.

Vì thế sau này mới có chuyện kết hôn với bà Hằng Huân ở khu Bốn. Cũng Trần Kiếm Qua chết lặng đi như thế khi nghe tin báo Hồng Thủy - Nguyễn Sơn đã kết hôn ở Việt Nam. Khi rời Diên An trở về tổ quốc, Hồng Thủy từng thề thốt với bà rằng sẽ không bao giờ kết hôn nữa. Đau đớn thay sau 5 năm cách biệt, Nguyễn Sơn như người xa lạ trong con mắt của Trần Kiếm Qua! Bà đã không tha thứ cho tướng Nguyễn Sơn.

Ông đã bao phen thoát chết từng li trong trận mạc nhưng dẫu có lao tâm khổ tứ với những cố gắng này khác nhưng đã không tìm được một ngõ ngách nào để vào được tâm hồn đã đóng băng cứng của Trần Kiếm Qua. Tình cảm với hai cậu con trai kháu khỉnh cũng không giúp ông nhích lại với bà li nào mặc dầu cả hai người đều hết sức yêu quý con. Cú sốc ấy đeo bám ông cho đến tận ngày nhuốm bệnh rồi phát nặng.

“Tôi chưa từng phụ lòng với 600 triệu nhân dân Trung Quốc nhưng tôi đã phụ lòng một phụ nữ!  Hiểu tấm lòng tôi, không ai hơn Trần Kiếm Qua, chúng tôi có trái tim đồng điệu. Cả đời tôi điều đau khổ nhất là đến tận bây giờ, cô ta vẫn không thể thứ lỗi cho tôi”!

Kể cả lúc khối u trong phổi Nguyễn Sơn đã di căn, Trần Kiếm Qua vẫn không một lời tha thứ. Những trang khủng khiếp về lòng người thói đời về thứ bi kịch không gì mới hơn và cũng không gì cũ hơn gia đình. Trong thẳm sâu của lý trí, người đọc hình như tìm thấy chút đồng điệu với bà khi Trần Kiếm Qua khăng khăng  rằng phải giữ gia đình gồm người vợ mới Hằng Huân và bốn con của Nguyễn Sơn.

Cự tuyệt người chồng mà mình hết sức yêu quý thì phải chịu sự giày vò đau khổ nặng nề đến thế nào. Thế nhưng tôi không hối tiếc về quyết định của mình. Nếu tôi không hận lòng hạ quyết tâm hy sinh thì vợ con Việt Nam của anh sẽ ra sao? Như vậy không phải Hồng Thủy gặp nỗi đau khổ khác cũng như thế sao?

Những trang cảm động dẫn người đọc đến buổi tiễn đưa Hồng Thủy Nguyễn Sơn về để chết ở quê nhà tại ga Bắc Kinh của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Bành Đức Hoài mùa thu năm 1956. Về đến Hà Nội, sau khi gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, non ba tuần sau, 3 giờ chiều ngày 21 tháng 10 năm 1956, Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn trút hơi thở cuối cùng.

Những trang cuối của cuốn hồi ức như một thứ kết thúc có hậu. Cái chết của Lưỡng quốc tướng quân và thời gian dường như đã xóa nhòa mọi đau khổ mọi ranh giới mà lòng người bày đặt. Nhất định con phải đến Bắc Kinh thăm mẹ Trung Quốc của con đó là lời dặn của bà Hằng Huân với con gái lớn Thanh Hà trước khi nhắm mắt thọ 65 tuổi (Khi Nguyễn Sơn mất, bà Hằng Huân vừa tròn 30 tuổi).

Rồi cả hai phương trời đều mở lòng nhân ái ra với nhau. Những người con cùng cha khác mẹ của tướng Nguyễn Sơn tất cả đều phương trưởng. Người chị cả Nguyễn Thanh Các (người con đầu với bà Diệm) thời điểm năm 1995 con cháu đầy nhà sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Mai Lâm (con gái với bà Đổi ở Nam Bộ) phục vụ trong văn công quân đội (năm 1974 cô đã sang Bắc Kinh biểu diễn và Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã vui mừng nhận ra đó là con gái của người đồng đội cũ). Thanh Hà, con gái đầu của tướng Nguyễn Sơn với bà Hằng Huân cùng ba người em cũng đã phương trưởng.

Cái gia đình bé mọn của tướng Nguyễn Sơn từng chao đảo thời bao cấp khốn khó. Những lần Tiểu Phong, Tiểu Việt sang Việt Nam lần thăm lần thì công việc đều cũng là những lần mấy anh chị em có dịp gần gũi nhau.

Thanh minh năm 1998, bà Kiếm Qua đã cùng hai con sang tảo mộ Nguyễn Sơn ở nghĩa trang Mai Dịch, thăm quê nội của tướng Nguyễn Sơn và sum họp hội ngộ cùng các con ở Việt Nam. Chuyến đi mà bà nói rằng mãi đến tuổi tám mươi sáu mới được đặt chân đến cửa nhà chồng...

Kỳ tiếp: Chuyện những người con của tướng Nguyễn Sơn

MỚI - NÓNG