Trẻ trâu thành kiện tướng gỡ mìn

Lê Văn Tài bên căn chòi của mình
Lê Văn Tài bên căn chòi của mình
TP - Mìn chống tăng khắp nơi, gần như ngày nào cũng nghe tiếng nổ, không người chết thì trâu chết. Nhưng không vì thế mà người dân vùng biên giới bỏ đất, bỏ Đồng Tháp Mười.

> Nữ anh hùng khai hoang

Đỗ Cảnh - một nạn nhân của mìn
Đỗ Cảnh - một nạn nhân của mìn.

Máu nhuộm tấc đất biên cương

Hồi ức của cụ Nguyễn Văn Tây, 83 tuổi, ở ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng, Long An) trỗi dậy dù gần 30 năm đằng đẵng trôi qua. Ngày đó, khoảng 1979 - 1980, sau khi tránh lính Pol Pot tràn sang chiếm đất, đốt nhà cửa, chặt sạch cây cối, cụ và gia đình quay về đất cũ, dựng nhà ngay trên nền nhà ngày nay.

Gia đình cụ đã sống mấy đời tại đây. Là thường trực UBND xã từ năm 1979 đến 1984 nên cụ nhớ rất rõ: Mìn chống tăng gài khắp nơi, hình như ngày nào cũng nghe tiếng nổ: không người chết thì cũng là trâu đạp...

Chỉ một đoạn đường cỡ 4-5 km từ ấp Bàu Sen đến ấp Bình Tứ (xã Hưng Điền A) đã có 27 người chết vì mìn. Riêng ấp Gò Xoài đã có 6 đứa nhỏ chăn trâu thiệt mạng. Ở ấp Cả Cối có hai anh em Thượng Văn Ngàn (ấp trưởng) và Thượng Văn Út nghe mìn nổ chết trâu nên đến xẻ thịt khiêng về. Ai ngờ trên đường về đạp mìn, cả hai anh em đều chết rất thảm thương.

Ông Phan Văn Lưỡng ở ấp Gò Xoài dọn nền nhà cũ để ở sau khi quân Pol Pot rút đi. Hằng ngày, ông cùng mọi người cầm cây đi xôm (xăm) từng tấc đất coi thử có mìn hay không. Nhưng đâu ngờ, ngay đoạn đường từ lộ vào sân nhà, đứa con ông dọn cỏ làm đường đi thì đụng phải mìn nhảy. Một đứa chết tại chỗ, hai đứa bị thương.

Ông ôm đứa con bị thương nặng đón tàu đò chạy ra Mộc Hóa để cấp cứu, đến nơi thì con chết. Bất hạnh trùng trùng, ông ôm xác con trắng đêm chờ tàu đò. Đứa con trai còn lại của ông sau đó không lâu cưỡi trâu ra đồng cũng thiệt mạng vì mìn chống tăng phát nổ.

Những chuyện về bom mìn ở Đồng Tháp Mười có hai thế hệ nông dân ai cũng nhớ như in trong lòng. Anh Phạm Kiệp, 48 tuổi, Trưởng ấp Thái Kỳ, cho biết, trong ấp 99% là dân gốc Quảng Nam, cần cù, chịu khó, bám trụ giữ đất nên chết, bị thương cũng nhiều.

Năm 1981 có Nguyễn Hồng Nhi (32 tuổi) bị mìn nổ cụt tay và thương nặng ở bụng. Trần Nghi chết năm 1983 vì mìn nổ ngay chân trâu đang bừa. Đỗ Cảnh, 48 tuổi đui một mắt, hư nửa bàn tay... Năm 2005, hai anh em bà con là Trần Văn Bửu và Phan Đắc Tâm đi bơm nước gặp trái B40 nổ chết.

Ở ấp Thái Quang (Thái Trị), chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Văn Tài, tận mắt chứng kiến sự khốn cùng của một người nông dân thương tật do bom mìn. Một buổi sáng, anh Tài ra đồng kéo mạ, vướng phải dây mìn, nổ tung người lên trời, máu me đầm đìa. Cụt một chân, vết thương chi chít khắp lưng, bụng, đầu, trong khi phải nuôi mẹ già.

Lê Văn Tài bên căn chòi của mình
Lê Văn Tài bên căn chòi của mình.

Căn chòi của anh dựng tạm bên mé sông trông xác xơ, trống huơ trống hoác. Có thể 30 năm trước, ngày mới 17 tuổi, Tài cũng ấp ủ bao mơ ước cuộc đời. Buổi chiều oan nghiệt ập xuống đời anh và cướp đi tất cả.

Vài năm trước, anh lấy Dung, người bên Đồng Tháp, làm vợ. Sinh được một cháu gái 4 tuổi, vợ anh bỏ xứ đi. Hỏi họ tên đầy đủ của vợ, anh chỉ nhớ tên Dung, còn họ gì, ở đâu, anh không biết. Căn chòi anh đang ở nằm trong diện giải tỏa mở rộng lộ giới.

Hỏi cớ sao địa phương không bố trí nơi ở khác, hoặc xây nhà Đại đoàn kết cho, anh cười chua chát: “Họ nói khi nào đóng đủ tiền mới được nhận nền phân lô. Nhưng tiền ở đâu mà có?”. Anh đành sống lay lắt, gửi con gái cho bà nội già nuôi đi học, còn anh ai cho gì ăn nấy, ai nhờ gì làm được thì làm.

Anh Mai Văn Đợi, 46 tuổi, ở ấp Thái Quang, nạn nhân mìn nổ bị thương khi đi bẫy chuột, kể: “Tui nhớ hình như ngày nào cũng nghe mìn nổ. Nghe riết thành quen. Không ai biết sợ nó nữa. Hầu hết các gia đình có người chết hoặc bị thương tật đều rất nghèo”.

Đồng ruộng vẫn cứ phải gieo lúa, vườn cây vẫn phải trồng để tồn tại. Đồng Tháp Mười cứ thế mà xanh lên, tốt tươi như ngày nay. Sự sống bất diệt của con người xứ này giống như cây lúa trời, nước lũ dâng cao đến đâu thì lúa cũng mọc lên cao đến đó. Hạt lúa dù có vùi xuống bùn nhiều năm, hay đốt cháy hết mặt đất thì vài năm sau có nước, hạt lúa vẫn nảy mầm...

Kiện tướng gỡ mìn

Chính trong lúc nguy hiểm, thách thức như thế, những con người kiệt xuất, gan dạ phi thường xuất hiện. Cô bé chăn trâu Đặng Thị Thanh Thúy ở ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa (Long An) là một trong số đó.

Đặng Thị Thanh Thúy - Kiện tướng gỡ mìn một thời
Đặng Thị Thanh Thúy - Kiện tướng gỡ mìn một thời.

Anh Đặng Văn Tình, ấp phó, dẫn chúng tôi len lỏi qua mấy bờ ao, vườn rào tre để đến nhà cô Thúy. Nhà cô ở sát cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, nằm lọt thỏm giữa những lùm tre quanh nhà. Cô bé chăn trâu gỡ hàng đống mìn các loại giờ đã bước sang tuổi 48, da sậm nâu nhưng đôi mắt vẫn long lanh, sáng quắc. Người mẹ 4 con dở tay băm rau cho bầy heo trong chuồng đang nheo nhéo. Nghe hỏi chuyện, ký ức về thời con nít đi gỡ mìn hiện về rõ mồn một.

Cô Thúy cho biết, chồng cô là anh Phan Văn Sâm, bạn thân từ hồi chăn trâu, gỡ mìn với cô. “Ổng nhát hít à!”, cô nói về chồng như vậy. Ấp phó Đặng Văn Tình là người bà con, cô Thúy gọi bằng chú, nói chen vào: “Tụi tui là con trai nhưng nhát lắm, không đứa nào gan lì như nó”. Thúy cắt ngang: “Tại máu tui không chịu thua ai. Hễ thấy ai hơn mình một chút là hôm sau quyết phải làm hơn mới được”.

Thúy từng nhìn thấy chú Phan Văn Nhựt và hai anh em Đặng Văn Giảng, Đặng Văn Chuột cạy trái B41 lấy thuốc nổ cách chỗ Thúy đứng vài chục thước, trái đạn nổ rền trời. Chuột, Giảng khoảng 15-16 tuổi chết tại chỗ, còn chú Nhựt thì đui con mắt.

Người anh lớn của Thúy tên Đặng Trường Thành đi giữ trâu bị mìn chống tăng nổ gần, làm con trâu ngã lăn chết tại chỗ. Vì quá kinh sợ mà anh Thành đâm ra ngớ ngẩn. Lúc đó, Thúy đang học ở thị trấn Mộc Hóa, bị ba kêu nghỉ học về giữ trâu thay anh.

Sẵn máu liều, Thúy suốt ngày cùng đám bạn con trai cùng xóm tìm mìn tháo kíp nổ. Có lần sợ bọn giặc gài lựu đạn dưới mìn chống tăng, hoặc mìn nhảy, Thúy khôn khéo buộc dây ra chỗ núp an toàn rồi giựt mạnh làm mìn nổ.

Thúy gỡ mìn “phát ghiền luôn”. Nghe mấy anh, mấy chú bộ đội bày sơ sơ, cộng với kinh nghiệm, cô gái 15 tuổi gỡ rất nhiều mìn, chất một đống cao gồm hơn 300 trái các loại bên hông nhà. Một lần nọ, trên xóm phát hiện một trái mìn chống tăng gài trong vườn, mọi người chạy lên đồn nhờ bộ đội biên phòng gỡ giùm. Mấy anh kéo xuống xem rồi đánh dấu khoanh vùng quay về đồn nhờ lực lượng công binh đến giúp gỡ vì không có kinh nghiệm.

Chị Châu trong xóm thấy vậy liền nói: “Đi gọi con Thúy gỡ giùm!”. Vừa nghe tin, Thúy liền đến xem, chỉ một tích tắc cô đã vặn lấy kíp mìn tăng ném ra ngoài, tay xách trái mìn đã tháo kíp đi thẳng lên đồn tặng bộ đội. Mấy chú bộ đội trẻ thiếu kinh nghiệm sợ hết hồn.

Chính nhờ duyên nợ trái mìn Thúy gỡ mang đi hù bộ đội chơi mà các anh xác minh, tìm hiểu sự thật về cô gái chăn trâu gỡ mìn, cả xứ này ai ai cũng biết, cũng nể sợ. Với thành tích gỡ mìn vùng biên giới Bình Hiệp, Đặng Thị Thanh Thúy đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG