Trở lại vùng 'thiếc tặc' hoành hành

Trở lại vùng 'thiếc tặc' hoành hành
TP - So với chục năm trước, nạn khai thác quặng trái phép ngày càng ồ ạt và có quy mô rộng hơn tại vùng núi Quỳ Hợp, Nghệ An. Cùng với tàn phá môi sinh nặng nề, “thiếc tặc” đang gây ra bao vấn đề nhức nhối.
Trở lại vùng 'thiếc tặc' hoành hành ảnh 1
Dùng máy xúc khai thác thiếc

Mạng người bị coi rẻ

Rời thị trấn Quỳ Hợp, mất non nửa ngày trời, chúng tôi mới tới trung tâm khai thác thiếc và đá trắng. Con đường rải nhựa bằng phẳng ngày nào nay chỉ toàn ổ gà, hố trâu chi chít. Những dòng xe tải rầm rập chở đá, thiếc ra khỏi thung lũng cuốn theo những đám bụi mù trời.

Hai bên đường huyện lộ, nhìn thốc lên các ngọn núi thấy chi chít những vết xẻ nham nhở. Trên đó, hàng nghìn người cùng với máy móc đang ngày đêm thi nhau “mổ ruột” rừng núi để lấy thiếc. Thỉnh thoảng lại nghe những tiếng mìn nổ long trời lở đất.

Cách đây chưa lâu, anh bạn đồng nghiệp T.V và T.K ở Đài PTTH Nghệ An vác máy quay phim vào khu mỏ đang khai thác thiếc trái phép ở Châu Hồng. Vừa đến nơi, một toán người mặt mày hung dữ, nghe đâu là các “đệ” của một chủ mỏ bản Hạt dao kiếm sáng loáng gí vào cổ đuổi hai nhà báo ra khỏi khu vực chúng làm ăn.

Anh Khôi cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Quỳ Hợp tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của huyện. Mới đây, anh đi kiểm tra thực trạng nạn khai thác thiếc trái phép, vừa đưa máy ảnh ra chụp hiện trường để về báo cáo lãnh đạo huyện liền bị hai “đệ” của “nậu” khai thác thiếc tại khu vực Châu Hồng ngăn lại và định hành xử theo kiểu xã hội đen. 

Trong vai cán bộ Sở Tài nguyên & Môi trường đi thị sát, tôi và một người bạn đồng nghiệp vào thung lũng khai thác thiếc và đá trắng trái phép ở khu vực Châu Tiến, Châu Hồng, Châu Cường và Châu Thành. Chúng tôi vừa đi vừa lo vì nghe nói bây giờ nạn khai thác thiếc tràn lan và có nhiều tổ chức hoạt động liều lĩnh khiến núi rừng như trở thành một “huyệt chết” từ thượng nguồn miền tây xứ Nghệ.

Tại khu vực Moong thuộc bản Hạt, xã Châu Tiến, Cty Lam Hồng được Nhà nước cấp phép cho khai thác thiếc. Từ khi đơn vị này đến khai thác, có hàng chục đội quân khác cũng đến ăn theo, đào bới khu vực giáp ranh. Thấy tôi là người lạ vào thung lũng, ngay lập tức có 3 người đàn ông tại bản Hạt áp sát và đòi xem máy ảnh, rồi yêu cầu tôi cho biết tên tuổi (!?). Thấy tôi trả lời là cán bộ môi trường đi làm quy hoạch họ mới để yên.

Người đàn ông trong nhóm tự xưng tên Nhất cho hay: Người ta đưa máy móc vào đây khai thác thiếc ồ ạt là do bà con có tư tưởng “Nhà nước khai thác thì dân cũng được khai thác”. Khai thác mạnh đến mức căn nhà cấp 4, ba gian của ông ta đang sắp rơi xuống hố đào khoét khai thác thiếc.

Đi sâu vào các khu vực như: Phá Băng, Pá Hạ, Túng Kho hay Thung Pen... thuộc xã Châu Hồng càng thấy sự tan hoang đến rợn người. Tại đây có hàng trăm hố được đào khoét sâu hun hút. Nhiều hầm ếch được đào khoét sâu vào hàng chục mét. Vì thế ở đây đã xảy ra rất nhiều vụ sập hầm lò.

Anh Nguyễn Văn Chiến, người dân Châu Tiến làm thuê tại bãi khai thác thiếc cho hay, thường các “phu” ở những tỉnh Bắc Bộ mới vào hay khoét hầm ếch, còn “phu” địa phương dè chừng hơn bởi họ có thể mất mạng bất cứ lúc nào khi hầm sập.

Người đàn ông tên Hiếu - khai thác thuê cho một “nậu” ở Thung Chuối cho biết cách đó vài hôm, “nậu” của ông ta cho người đưa máy vào khoét núi, khi đào đến lớp sa đại, có một băng nhóm khác đến xâm chiếm rồi đuổi hết công nhân, nếu ai không ra khỏi hầm lò chúng dọa sẽ giết.

Thời gian gần đây, trong khu vực khai thác thiếc đã xuất hiện nhiều băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Tại khu vực này có một băng của nhóm “Đại ca” Hùng, đến từ Tân Kỳ cũng mới có trận “giao chiến” với một nhóm ở Quỳ Hợp do tranh giành hầm lò.

Vì tranh chấp đất mỏ ở Châu Hồng, ngày 23/5/2007, Nguyễn Trung Hiếu (SN 1972) trú tại thị trấn Quỳ Hợp đã rủ đồng bọn dùng dao chém vào đầu anh Trần Văn Bảy (SN 1970, là người làm việc cho Cty TNHH Chính Nghĩa – chuyên khai thác và chế biến quặng thiếc) bị trọng thương.

Quan sát kỹ, trong các hầm lò cũng như lán trại của công nhân, ngoài dụng cụ để khai thác thiếc, chúng tôi thấy công nhân còn được các “nậu” trang bị cho kiếm, dao, ống tuýp... để làm hung khí phòng thân mỗi khi xảy ra tranh chấp với nhóm khác.

Ở đây, chúng tôi đã được nghe kể về những câu chuyện rùng rợn về sự coi thường mạng sống của con người. Nếu bị sập hầm gây chết người, các ông chủ lập tức làm công tác tư tưởng với gia đình nạn nhân, rồi đền bù vài ba chục triệu đồng là xong.

Thời gian qua, không ít vụ sập hầm gây chết người, nhưng không phải vụ nào cũng báo với công an huyện. Các “nậu” và gia đình bị nạn thỏa thuận với nhau về chuyện đền bù, an táng rồi là xong. Vụ nào công an biết mới đến hiện trường lập biên bản và xử lý theo pháp luật.

Men theo các chân đồi, những lán trại tạm bợ cho “phu” được dựng lên san sát. Anh Lương Văn Hà – thợ lái máy húc khu vực Châu Tiến cho biết: Từ khi rộ lên nạn khai thác thiếc, dòng người tứ xứ đổ về đây và mang theo các tệ nạn xã hội, số người nghiện và nhiễm HIV ngày một đông. Nhiều con nghiện lên đây khai thác khoáng sản thuê cho các “nậu” cũng chỉ để kiếm tiền chích hút. Mỗi buổi sáng thức dậy người dân lại thấy nhiều kim tiêm vứt bừa bãi hai bên đường. Gái mại dâm cũng ồ ạt kéo về phục vụ...

Dòng sông Dinh là nguồn nước sinh hoạt chính của bà con Quỳ Hợp từ xưa thì nay đã nhuốm một màu đỏ au. Từ các khe nhỏ trên cao, những dòng nước đỏ ối ào ào chảy xuống. Anh Lô Trung Hiếu, người bản địa dẫn và chỉ cho tôi xem các hố nước sâu đọng lại và giải thích: Màu xanh biếc đó là do ô nhiễm từ khai thác thiếc.

Bất lực?

Được biết, trên địa bàn Quỳ Hợp hiện chỉ có 54 đơn vị có giấy phép khai thác đá, 8 đơn vị có giấy phép khai thác thiếc. Vừa qua huyện Quỳ Hợp có thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành đột xuất đến từng vùng mỏ kiểm tra, đoàn đã lập biên bản 16 tổ chức, xử phạt 131 triệu đồng và thu giữ nhiều dụng cụ khai thác khoáng sản trái phép.

Gần đây các cơ quan chức năng liên tục đi kiểm tra và xử phạt những tổ chức khai thác khoáng sản trái phép nhưng do địa hình phức tạp, việc kiểm tra chỉ như muối bỏ bể.

Ban đêm đứng trên ngọn đồi cao, nhìn xuống thung lũng giống như một bầu trời đầy sao. Ban ngày sợ cán bộ kiểm tra xử lý, các “nậu” thường tổ chức cho “phu” khai thác buổi đêm. Vì thế, trong thung lũng này, đêm nào cũng rầm rập, nào là tiếng người, tiếng máy nổ, tiếng mìn, máy khoan, đào ủi, đục khoét núi rừng.

Ông Nguyễn Quý Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Quỳ Hợp than thở: “Chúng tôi đã làm rất mạnh nhưng cũng chẳng thể nào ngăn được dòng người đông kìn kịt vào rừng khai thác thiếc. Vấn đề nan giải này bây giờ không chỉ là vấn đề của địa phương mà còn là vấn đề của các cấp tỉnh và trung ương nữa.

Bà con ở khu vực này rỗi việc, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn trong khi giá quặng thiếc tăng từ 120.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg, khiến người dân càng ồ ạt đi khai thác thiếc trái phép.

Việc ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản trái phép rất cần sự hợp tác của các xã, nhưng theo phản ánh, nhiều lần đoàn kiểm tra vào thì cán bộ chủ chốt của xã đều đi đâu hết cả.

Trước đây có những ông Bí thư, Chủ tịch các xã như: Châu Tiến, Châu Hồng, Châu Cường... hợp tác với huyện xử lý mạnh tay những vụ vi phạm. Nhưng đến kỳ bầu cử HĐND, các đối tượng từng bị xử phạt còn phối hợp với nhau đi vận động bà con gạch tên không tín nhiệm họ.

Hơn nữa, không ít người thân, anh em họ hàng của cán bộ xã lâu nay cũng nằm trong số tổ chức khai thác thiếc trái phép đó. Cho nên, sự hợp tác giữa địa phương với các đoàn kiểm tra liên ngành khu vực khai thác thiếc cứ lỏng lẻo dần.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.