Trong thung lũng Tha Đo

Xuống núi ổn định cuộc sống, bản làng khang trang sạch sẽ, trẻ em được đến trường
Xuống núi ổn định cuộc sống, bản làng khang trang sạch sẽ, trẻ em được đến trường
TP - Đứng trên đỉnh đèo, nhìn về phía thượng nguồn, thấy dòng Nậm Mộ uốn lượn như một con rắn dưới thung lũng. Hai nước Việt –Lào chỉ cách nhau con sông này. Xa xa, thấp thoáng những nhà sàn đơn sơ của bản làng đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú được Bộ đội Biên phòng giúp dựng lên. Đó đây, thấp thoáng màu xanh áo lính cùng bà con lên nương, rẫy.
Xuống núi ổn định cuộc sống, bản làng khang trang sạch sẽ, trẻ em được đến trường
Xuống núi ổn định cuộc sống, bản làng khang trang sạch sẽ, trẻ em được đến trường.

Vượt qua bao đỉnh đèo, núi đá cheo leo, và băng qua hàng trăm khe, suối… tôi mới đặt chân tới Trạm kiểm soát Biên phòng Tha Đo (thuộc Đồn biên phòng 543, đóng ở xã Mường Típ, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An). Vượt trạm

Để vào bên trong đỉnh Tha Đo, từ thị trấn Mường Xén (cách trung tâm TP Vinh hơn 300 km), một mình một ngựa sắt men theo dòng Nậm Mộ cứ thế băng rừng, vượt suốt. Sau gần nửa ngày đường chạy xe máy, khi chỉ cách Trạm kiểm soát biên phòng Tha Đo chưa đến chục cây số, tôi chợt nhớ cách đây gần chục năm, chính nơi này một chiến sỹ biên phòng tên là Nguyễn Xuân Phong (quê ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ tuần tra biên giới.

Tôi còn nhớ rõ, ngày ấy an ninh biên giới khu vực này rất phức tạp. Ngoài số kẻ xấu vượt biên trái phép, thung lũng này còn có nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Hầu hết kẻ xấu đều trang bị vũ khí nóng và sẵn sàng tấn công các chiến sỹ biên phòng hay lực lượng an ninh nếu bị truy đuổi.

Tôi vừa chạy xe vừa nghĩ trong sự im ắng của núi rừng. Cứ một đoạn sông Nậm Mộ lại có một con thác lớn, nhỏ, hoặc khe, suối cắt ngang đường.

Nửa ngày trời oằn mình trên ngựa sắt, dòng chữ Trạm kiểm soát Biên phòng Tha Đo mới hiện ra trước mắt, khi ấy tôi mới thở phào, vì biết mình đã vào lãnh địa an toàn. Tới đây, muốn đi tiếp vào thung lũng (nơi trung tâm của Đồn Biên phòng 543) địa bàn gồm có hai xã Mường Típ và Mường Ải, thì bất kỳ ai cũng phải được trạm gác kiểm tra giấy tờ cẩn trọng.

Sau đó tiếp tục được cán bộ biên phòng cho giấy giới thiệu và hướng dẫn đường đi vào trung tâm thung lũng. Vượt Trạm Tha Đo, tiếp tục băng rừng, trèo đèo, vượt suối cho đến khi tiếng kẻng báo đầu giờ làm việc buổi chiều của Đồn biên phòng 543 tôi mới có mặt ở đây.

Khi đồng bào xuống núi

Thiếu tá Hồ Thanh Quang, Chính trị viên của Đồn biên phòng 543 tâm sự: Một số bản làng của hai xã Mường Típ và Mường Ải trước đây đua nhau làm nhà trên núi cao đời sống rất khó khăn. Để giúp bà con ổn định cuộc sống, đầu năm 2002, nhà nước có chủ trương đưa bà con xuống núi.

Hầu hết các bản làng trên cao được xuống núi dựng nhà và sống tập trung chủ yếu ở những khu vực gần đường giao thông. Sau 8 năm thực hiện chủ trương của nhà nước, nơi đây có ít nhất 15 bản của 19 cụm dân cư thuộc hai xã Mường Típ và Mường Ải đã được ổn định cuộc sống.

Bộ đội biên phòng thuộc Đồn 543 đang giúp dân dựng nhà ổn định cuộc sống
Bộ đội biên phòng thuộc Đồn 543 đang giúp dân dựng nhà ổn định cuộc sống.

Hiện còn hai cụm bản bà con chưa xuống núi đó là cụm bản Huồi Khói và Huồi Phe (thuộc xã Mường Típ) và cụm Ải Khe và Huồi Phong (thuộc xã Mường Ải). Hai cụm bản này chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Mặc dù đã được Bộ đội Biên phòng cũng như cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động từ lâu nhưng bà con chưa có điều kiện xuống núi.

Ngày trước ta ở trên núi, con cái không hề biết cái chữ, không biết cái ti vi, cái bụng không khi nào được ăn no. Bây giờ xuống núi, có bộ đội giúp đỡ nên cuộc sống của gia đình đã đổi thay, con cái được đi học, nhà ta còn có điện thắp sáng… Đó là những lời tâm sự mộc mạc của chị Xồng Y Dễnh, trú tại bản Huồi Phe, thuộc xã Mường Típ.

Dọc dòng Nậm Mộ thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn, nhiều bản làng được bộ đội trợ giúp dựng nhà, sống tập trung đông đúc đoàn kết.

Anh Lô Đình Núi, phó Bí thư Chi bộ Mường Típ cho hay: Ban đầu một số đồng bào ở thôn bản người Mông không tin cán bộ. Khi tuyên truyền xuống núi định cư, ổn định cuộc sống thì cứ dạ vâng, nhưng khi thực hiện thì không ai chịu làm.

Sau khi có bộ đội biên phòng vào giúp chính quyền địa phương tuyên truyền ai nấy đều nghe theo. Bên cạnh đó, Đồn biên phòng 543 còn tăng cường 8 đảng viên xuống cắm ở tám bản làng gồm: bản Phà Nọi, Chà Lạt, Xốp Típ, Huồi Khói, Tha Đo (Mường Típ) và bản Xốp Lau, Pụng, Huồi Khe (Mường Ải). Riêng bản Phà Nọi đang được đồn biên phòng xây dựng bản điểm phát triển kinh tế và bản Na Mỳ được xây dựng bản văn hóa đầu tiên của hai xã này.

Đến nay bà con trong xã Mường Típ và Mường Ải đã tạm ổn định cuộc sống. Bà con biết trồng lúa nước, trỉa bắp, một số bản làng còn được bộ đội hướng dẫn lắp máy điện tự tạo, tận dụng từ nguồn nước của các khe, suối đổ ra dòng Nậm Mộ làm máy phát điện.

Một hộ trong thung lũng Tha Đo chưa ổn định cuộc sống
Một hộ trong thung lũng Tha Đo chưa ổn định cuộc sống.

Năm 2009, do điều kiện khí hậu thất thường nên bà con làm rẫy mất mùa. Hai xã Mường Típ và Mường Ải có 70% hộ gia đình thiếu đói, trong đó có một bộ phận đói gay gắt. Để giúp đồng bào vượt đói, nhà nước đã kịp thời hỗ trợ bà con xã Mường Ải 29 tấn gạo, Mường Típ 30 tấn. Tất cả số gạo trên được đưa về tận các hộ nghèo, hộ đói ở từng cụm dân cư trong vùng.

Những dấu chân thầm lặng

Tôi được ăn bữa cơm với anh em chiến sỹ Đồn Biên phòng 543. Ngoài món thịt lợn luộc chấm muối còn có vài đĩa rau sống và rau luộc, tất cả đều là cây nhà lá vườn, do chính anh em chiến sỹ biên phòng tăng gia. Bữa ăn đạm bạc của các chiến sỹ nhưng rộn rã tiếng cười vui.

Có vượt trạm Tha Đo lên Mường Típ, qua Mường Ải thì mới thấu hiểu được phần nào nỗi cực nhọc của các chiến sỹ Đồn Biên phòng 543. Một số anh em chiến sỹ tâm sự: Địa bàn quản lý của Đồn chỉ hai xã thôi, nhưng có hơn 50 km đường biên giới hiểm trở. Một bên là rừng nghèo, một bên là vực thẳm nên việc tuần tra rất nguy hiểm. Mỗi lần tuần tra phải mất cả chục ngày trời mới đi hết tuyến, đó là đối với những dịp mùa khô, còn những lúc trời mưa thì có khi hơn bốn mươi ngày đêm mới trở về đơn vị.

Một chiến sỹ trẻ giải thích, tuy đường biên không đến nỗi xa nhưng mỗi lần tuần tra phải vượt qua những ngọn đèo cao ngất của dãy Trường Sơn như: đỉnh Cổng Trời, rồi xuống dốc Hồng Hạnh, dốc Xốp Típ…

Một chiến sỹ khác giải thích thêm, sở dĩ người dân địa phương gọi dốc Hồng Hạnh bởi, trước đây có anh Hồng (lấy vợ tên là Hạnh, nhà ở thị trấn Mường Xén, làm nghề xe ôm) chở cán bộ vào đồn biên phòng công tác, khi đến đèo dốc này thì xe và người đều lao xuống vực. Thế nên đèo này mang tên như vậy.

Anh Nguyễn Hữu Chiến, cán bộ quân y của Đồn biên phòng 543 cho biết: Lâu nay địa bàn Mường Típ và Mường Ải thường xảy ra dịch tiêu chảy và sốt vi rút. Mỗi lần đại dịch xảy ra, các chiến sỹ biên phòng tức tốc có mặt tận từng hộ gia đình hướng dẫn bà con phòng chống dịch.

Ngoài ra, hằng ngày ở bản làng nào có người đau ốm, dù mưa hay nắng, ngày hay đêm, hễ nghe tin là anh em biên phòng lặn lội kịp thời để khám và hướng dẫn bà con cách điều trị.

Chưa kịp đặt chân vào bản Cò Mỳ, thấy một số chiến sỹ biên phòng đang vác từng bó cỏ xanh tốt về bản, hỏi ra mới biết đồn biên phòng còn nuôi hàng trăm con dê và bò. Ngoài mô hình nuôi dê và bò, các chiến sỹ còn nuôi thử nghiệm giống lợn rừng. Các anh còn hướng dẫn bà con nuôi lợn rừng để phát triển kinh tế.

Trước lúc chia tay, Thiếu tá Hồ Thanh Quang dẫn tôi vào phòng truyền thống của đồn chỉ vào chồng báo cũ ngăn nắp và nói: Để tránh lạc hậu với thông tin bên ngoài, đồn có đặt một số đầu báo như: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Biên phòng... Tuy nhiên, các tờ nhật báo vào đến Đồn biên phòng 543 có khi phải mất ba, bốn ngày hoặc gần tuần lễ.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.