Trường Sa - Chưa xa đã nhớ

Trường Sa - Chưa xa đã nhớ
TP - Chuyến đi 10 ngày trên biển đảo Trường Sa, với tôi, sẽ là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ.

Nửa tuần trăng mật ở đảo xa
> Những khoảnh khắc Trường Sa
> Mặn mòi nước mắt Biển Đông

Trước khi đi, nhiều người can rằng, mùa này biển động để dịp khác đi có sao đâu. Chữ “biển động” được nhấn nhá cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Những ngày đầu, tàu HQ 996 lướt êm như đi trên hồ nước phẳng. Ngoài đoàn công tác của Bộ tư lệnh vùng 4 - Hải quân còn có 67 thân nhân cán bộ chiến sỹ và một số nhà báo. Có người đi biển đã mấy chục năm ròng, có người đi lần đầu. Tôi được bố trí ở cùng phòng với phóng viên ảnh Hoàng Chí Hùng- Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh và Trần Văn Minh- một sinh viên báo chí đang thực tập tại Báo Tin học và đời sống. Nhiều người bảo, đi mãi thế này không sóng, không gió cũng chán. “Cầu được, ước thấy”, khi tàu đến đảo Trường Sa Đông trời bắt đầu mưa to, sóng gió nổi lên. Một vùng áp thấp trên biển Đông đã hình thành rồi chuyển thành bão số 1. Gió cấp 7, sóng cấp 5 cấp 6. Nhiều người đã nằm bẹp, sau những lần lảo đảo chạy vào nhà vệ sinh. Tôi không bị say sóng. Có thể, yêu cầu của toà soạn “mỗi ngày gửi về một bài”, cả chuyến sẽ là nhật ký hành trình ra Trường Sa, đã không cho phép tôi có thời gian để ý đến sóng gió. Một thứ sóng nữa làm tôi ăn không ngon, ngủ không yên đó là sóng… điện thoại. Ở ngoài khơi, bốn bề là biển cả bao la không có sóng điện thoại, chỉ khi vào các đảo mới có sóng điện thoại của Viettel. Không có sóng điện thoại thì tôi không thể dùng USB 3G để gửi bài viết, hình ảnh về tòa soạn.

Thật may, sáng sớm 5-6, tàu chúng tôi cập đảo Trường Sa Lớn, bài viết đầu tiên đã gửi được về toà soạn. Trong hôm ấy, tôi phải chạy thục mạng đi chụp ảnh, phỏng vấn cán bộ, chiến sỹ, người dân và thân nhân ra thăm đảo, lập tức viết bài 2, tranh thủ sóng điện thoại gửi bài. Phải nắm chắc thời điểm tàu cập các đảo để gửi bài. Hôm tàu cập đảo An Bang, chỉ buông neo chừng 40 phút để đưa thân nhân vào đảo rồi lại tiếp tục hành trình. Tôi phải vắt chân lên cổ mà viết. Còn 10 phút nữa tàu sẽ rời đảo, bài viết đã cơ bản hoàn thành. Trong lúc viết, tôi đã gửi được 1 tấm ảnh về toà soạn. Sóng điện thoại khá chập chờn, một tấm ảnh đã nén nhỏ vậy mà gửi đi cũng rất khó, thường mất từ 20 -30 phút. Tàu nhổ neo, đi dần qua vùng không có sóng. Bài viết đã xong, tôi đính kèm một tấm ảnh và nhấn nút gửi. Mắt không rời màn hình máy tính. Nếu không gửi kịp, Nhật ký Trường Sa sẽ bị gián đoạn. Anh em trong phòng cũng lo lắng, phấp phỏng không kém. Tàu đã chạy được10 phút, sóng điện thoại của tôi chỉ còn 1 vạch. Tôi chắp tay cầu mong dòng chữ: “Thư của bạn đã được gửi” hiện lên, mà vẫn chưa thấy. Tôi ôm máy tính chạy lên cabin cầu cứu thuyền trưởng: “Anh làm ơn cho tàu chạy từ từ để em gửi bài về tòa soạn!”. Đề nghị của tôi được các anh giúp đỡ, tàu chạy tốc độ 10 hải lý/ giờ được giảm xuống 3 hải lý/ giờ. Chừng 5 phút sau, dòng chữ tôi cầu mong đã hiện ra trên màn hình máy tính.

Phóng viên ảnh, phóng viên truyền hình cũng không kém phần. Anh Hoàng Chí Hùng quyết lên đảo An Bang vào buổi tối để chụp ảnh và suýt phải ngủ lại vì ca nô đã nổ máy trong khi anh vẫn mê mải chụp. Chạy ra vội quá ngã tùm xuống nước, may mà kịp giơ cao hai chiếc máy ảnh lên đầu. Chiếc máy ảnh nhỏ của tôi cũng kịp ghi lại khoảnh khắc tác nghiệp trên tàu khi sóng to gió lớn. Khi quay cảnh giao lưu văn nghệ trên tàu, phóng viên của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương không thể đứng vững nên cần trợ giúp của đồng nghiệp: Một người quay, một người ôm lấy hông mà giữ để không bị… đổ hình. Còn người hát thì một tay cầm mic, một tay ôm cột.

Phóng viên Đỗ Sơn (phải) trong chuyến ra Trường Sa
Phóng viên Đỗ Sơn (phải) trong chuyến ra Trường Sa.

Đại tá Nguyễn Đức Vượng - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra Trường Sa từ năm 1985, khi mới 24 tuổi, ra đảo đã là Đảo phó Chính trị. Ông Vương kể: Trường Sa khi ấy còn hoang sơ lắm. Bờ kè, giao thông hào được ghép tạm bợ bằng những mảnh san hô. Điện không có, nước ngọt, rau xanh luôn thiếu, cả đảo chỉ có một cái radio. Trong vòng 20 năm, từ 1985 đến 2005, ông Vượng đã ra đảo 6 “tăng”, từ Trường Sa Lớn đến An Bang, rồi Song Tử… đảo nào cũng như là ngôi nhà thân thiết của ông. Ở biển, đảo nhiều quá, nên vợ có nhớ thương thì cũng chỉ “viết thư gửi ảnh” thăm hỏi, con gái nhớ bố cũng chỉ có thể xin viết ké vào thư mẹ vài dòng “Con nhớ bố lắm!”… Và vì thế chuyến đi này càng thêm ý nghĩa. Nhiều người vợ vượt mấy ngàn kilômét, đi nửa tháng trời để gặp được chồng. Có những chiến sỹ, vợ mới sinh con không đi xa được thì đã có bố vợ, mẹ vợ khăn gói ra thăm con rể.

Chiều 12-6, tàu HQ 996 đưa đoàn công tác và thân nhân cán bộ chiến sỹ cập cảng Cam Ranh. Những người say sóng nằm bẹp trên tàu mấy hôm trước nay đã có thể nhoẻn cười bên cầu cảng. Còn tôi, cứ tưởng oai rằng sóng cấp 7 không say, hóa ra lên bờ, bước chân tiếp đất lại thấy chao đảo, nghiêng bên này xẹo bên kia... Hóa ra say đất.

Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…, lời bài hát “Gần lắm Trường Sa “của tác giả Huỳnh Phước Long có lẽ giờ đây đã gần hơn như thế. Bởi hôm nay, ngoài những lá thư truyền thống viết trên giấy, cán bộ chiến sỹ còn có thể gửi thư điện tử, nhắn tin và gọi điện hàng ngày về thăm hỏi gia đình và ngược lại. Bởi hôm nay, nơi anh đóng quân không chỉ là “một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu, chỉ có loài chim biển” mà còn có nhiều hơn thế.

Đó là tấm lòng cả nước đang hướng về Trường Sa với tất cả những gì có thể.

Bộ tư lệnh Vùng IV Hải quân cho biết, năm 2010 đã có 200 lượt nhà báo đến với Trường Sa.

Nhưng các nhà báo chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về Trường Sa, về đảo Len Đao, Cô Lin, Tốc Tan…

Thông tin trong các cuốn sách như “Những điều bộ đội Trường Sa cần biết”, “30 năm hình thành và phát triển của Đoàn Trường Sa” nên được chắt lọc, soạn thành cẩm nang. Nếu khách ra Trường Sa đều có cẩm nang, báo chí được đưa thông tin về những vấn đề nêu trong đó, hiệu quả tuyên truyền về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền tại Trường Sa chắc chắn sẽ được nâng lên nhiều.

Nguyễn Đình Quân

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.