Trường Sơn kí sự - Bài 4

Trường Sơn kí sự - Bài 4
TP - Chúng tôi ngược đường Hồ Chí Minh hôm nay - đường 15A trong chiến tranh năm xưa để tìm về bản Lèn Hà. Hơn nửa thế kỷ qua, địa danh Lèn Hà vẫn còn xa lạ không chỉ với người Quảng Bình.
Trường Sơn kí sự - Bài 4 ảnh 1
Con đường vào chân núi Phùng đang được thi công

Mãi đến năm 1986, khi hài cốt của những anh hùng dưới chân núi Phùng được cất bốc đưa về nghĩa trang Đồng Lê và năm 2005, những đồng đội cũ của các Anh hùng liệt sỹ tìm về chiến trường xưa thắp nén hương tưởng nhớ thì khúc ca bi tráng Lèn Hà mới được nhiều người biết đến.

Một ngày và mãi mãi

Ông Đinh Văn Trung, cư dân dưới chân núi Phùng, chúng tôi tình cờ gặp được khi hỏi đường vào chân núi. Nhà của ông ngay gần lối rẽ vào hang đá, là nơi cơ mật tuyệt đối của một đại đội thông tin mà thời đó dân trong vùng chỉ biết đến bằng tên gọi Trạm A69.

Năm 1965, một đơn vị bộ đội về làng đóng quân. Làng miền núi thời chiến nghèo và thưa thớt lắm. Đơn vị bộ đội không đóng quân trong làng mà lại ra núi Phùng. Họ lên lưng chừng núi, ở đó có một cái hang rộng lắm, có thể ở được cả trăm người. Họ khuân về cơ man nào là máy móc thiết bị và dây nhợ chăng đầy.

Ông Trung kể, lũ trẻ chúng tôi tò mò lắm nhưng không được phép đến gần. Đơn vị chỉ hơn 30 người nhưng có đến gần một nửa là con gái. Tôi chưa thấy đơn vị chính quy nào mà nữ nhiều đến vậy. Dân làng tôi ngơ ngẩn ngắm nhìn họ.

Họ chỉ chừng 17 - 18 tuổi thôi, da trắng hồng và xinh đáo để. Ngày ngày, lũ thanh niên làng cứ chờ đêm xuống để được giao lưu, sinh hoạt văn nghệ cùng họ. Họ đều là người ngoài Bắc khéo ăn, khéo nói nên được dân làng Hà coi như con đẻ. Thanh niên, phụ nữ, dân quân du kích xã ai cũng muốn kết nghĩa với Trạm A69 này...

Ông Trung chỉ tay lên phía núi xa xăm kia, rồi nói: Ngày đó, chỉ có trên 30 người nhưng họ giúp dân xây dựng hẳn một đập nước (đập Khe Hà bây giờ) đủ để đặt một trạm thủy điện nhỏ và cung cấp nước tưới cho mấy héc-ta lúa của làng.

Bảy năm trời như thế, và dân làng coi họ là cư dân đương nhiên của làng. Cho đến 2/7/1972, cái ngày mà dân Khe Hà mãi mãi không bao giờ quên. Ngày đó trở thành ngày giỗ chung của làng này.

Tầm khoảng 13 giờ trưa 2/7. Không gian vùng núi yên tĩnh lạ lùng. Bỗng từ xa vọng lại tiếng máy bay. Hai chiếc máy bay trinh sát OV10 của giặc đến lượn vòng trên đỉnh núi Phùng. Chuyện máy bay xuất hiện nơi này là chuyện cơm bữa, nhưng sao hôm đó, hai chiếc máy bay trinh sát này cứ dai dẳng lượn đi lượn lại. Có điều gì đó không bình thường và bất an. Hai chiếc OV10 như phát hiện ra điều gì, chúng phóng ngay hai loạt đạn khói vào lưng chừng núi Phùng (Lèn Hà) chỉ điểm.

Gần như ngay lập tức hai chiếc B57 lao đến ném bom phá, bom phát quang và bom cháy dồn dập xuống Lèn Hà. Bom nổ, lửa cháy, khói mù mịt trùm lên Lèn Hà. Cuộc oanh tạc chớp nhoáng của địch diễn ra chỉ chừng năm phút rồi sau đó tất cả lặng im đến gai người.

Dân quân du kích trong vùng chạy lên Lèn Hà và những gì vừa diễn ra người ta không dám tin là có thực. Bao người dày dạn trong chiến trận cũng đều đứng chết trân trước một nỗi đau quá lớn. 13 chiến sỹ của trạm A69 hy sinh. 10 người trong số họ là nữ, tuổi đời từ 17-20.

Mọi người nghẹn đắng đi nhặt từng phần thi thể họ. Và cho đến lúc đó, người dân làng Hà mới biết Trạm A69 là trạm cơ vụ thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc. Suốt thời gian đóng quân ở đây, họ bảo đảm thông tin thông suốt, chính xác, an toàn tuyệt đối từ chỉ huy tiền phương đến các mặt trận chính toàn miền Nam và nước bạn Lào...

Ông Trung nhớ lại, nhiều cô hy sinh trong tư thế đang còn chụp tai nghe, tay đang trên cần ma-níp. Mãi sau này tôi được nghe nói lại rằng, dù trạm bị oanh tạc thiệt hại vô cùng nặng nề về người và phương tiện, nhưng chỉ đúng một tiếng đồng hồ sau, từ đây, những chiến sỹ thông tin còn lại đã phát đi tín hiệu thông tuyến...Và tín hiệu này giữ mãi cho đến năm 1979, khi sứ mạng của trạm A69 kết thúc...

Lèn Hà - Một ngã ba Đồng Lộc

Trong gió rừng rào rạt, chúng tôi đứng lặng dưới chân núi Phùng, trước một chiếc am nhỏ, nép vào chân núi. Nguớc mắt nhìn lên núi Phùng-Lèn Hà sừng sững. Tầm lưng chừng núi kia một tấm bia tưởng niệm vừa đủ để ghi lại cái thời điểm bi hùng mà các anh các chị anh dũng ngã xuống. Con đường 100 bậc đá mà các anh, các chị tạo dựng ngày nào, bây giờ cây rừng phủ lối. Bó nhang bắt lửa bùng cháy phừng phừng.

Trước khi thực hiện chuyến đi, chúng tôi liên lạc với ông Hồ Duy Thiện, nguyên Chủ tịch Huyện Tuyên Hóa. Như Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, hang Tám Cô... khúc bi tráng Lèn Hà không thua kém tầm vóc, giá trị lịch sử nhưng, mãi gần đây, mới được biết đến và thông tin đầy đủ.

Đầu năm 2009, Lèn Hà mới được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tấm bia lưng chừng núi, cùng miếu thờ nhỏ ở chân núi đều được làm từ nguồn 30 triệu đồng của Trung đoàn 134 và lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thông tin tặng xã.

Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn, tỉnh Quảng Bình chi một tỷ đồng làm một đoạn đường 600 m nối từ con đường bê tông nội xã vào đến chân núi. Liệu đường có hoàn thành kịp đón ngày lễ trọng?

Và nữa, đâu như huyện Tuyên Hóa được tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng ngay dưới chân núi Phùng này một nhà bia tưởng niệm. Có lẽ bản thiết kế nhà bia ấy vẫn đang nằm đâu đó, chứ trên thực địa mà chúng tôi đang đứng đây chỉ là cây rừng đang bạt nghiêng trong gió...

Chị Đinh Thị Oanh (36 tuổi), cư dân Lèn Hà kể với chúng tôi rằng, trên đó (cửa hang Lèn Hà, nơi 13 chiến sỹ đã hy sinh - NV) thiêng lắm. Họ chết quá trẻ và trọn vẹn trinh nguyên trong trắng. Dân trong vùng có chuyện gì trắc trở đều lên đó thắp hương cầu khấn.

“Các anh chưa tin à? Thế thì cứ thử một lần đi để thấy các anh các chị sống khôn, thác thiêng thế nào...”. Chị Oanh kể về nơi 13 chiến sỹ trẻ hy sinh 37 năm trước. 

Còn tiếp

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.