Trưởng thôn hiến đất xây trường

Trưởng thôn hiến đất xây trường
TP - Không đành lòng trước cảnh lũ trẻ trong làng ngày nào cũng phải trèo đèo, lội suối tới trường, ông Nông Văn Mau, trưởng thôn Vĩnh Quang, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia, Lạng Sơn, quyết định dành 4.900m2 đất của gia đình cho xã xây dựng trường học mới.
Trưởng thôn hiến đất xây trường ảnh 1
Ông Mau cùng bà con trong thôn đang gấp rút hoàn thiện tuyến đường dẫn vào trường học mới

Đứng trên bãi đất sỏi đá rộng bằng một sân bóng đá, ông Mau chỉ tay vào dãy nhà lợp mái tôn rộng ba gian, chia vui: “Đây là dãy nhà công vụ cho giáo viên ở, cũng chính là nền móng đầu tiên để hình thành ngôi trường mới ở vùng đất này”.

Ông Mau sinh năm 1943. Năm 1967, ở tuổi 24, chàng thanh niên Nông Văn Mau được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Tính cho đến nay, ông đã có 34 năm làm trưởng thôn Vĩnh Quang.

Ông kể: “Năm 1985, tôi ốm nặng nên nghỉ việc. Đến năm 1995, người nhớ việc, việc cần tới người, tôi lại được dân yêu, dân quý tái cử chức trưởng thôn”.

34 năm đứng đầu thôn, 25 năm làm cán bộ không lương, ông không thấy đó là gánh nặng cơm áo mà coi đó là công việc mà một người có “ít chữ trong bụng” như ông phải có trách nhiệm trước nhân dân trong thôn.

Năm 2000, ông mới được lĩnh 80.000 đồng/tháng, mấy năm gần đây, lương tăng lên 260.000 đồng/tháng.

Ông Mau cười vui: “Số tiền đó cũng đủ cho tôi ăn vài bát phở trên phố huyện cùng mấy chục lít xăng lên UBND xã họp. Có tháng đi họp tới sáu lần, mỗi lần cả đi lẫn về 50 km, đường đất nhiều dốc cao, khúc cua, tôi phải nhờ con cái đèo hoặc cuốc bộ để đảm bảo an toàn”.

Mỗi lần trèo đèo, lội suối, ông lại thấm cái đau của da thịt vì đá sỏi, vì cái nóng hầm hập của núi rừng nhiệt đới. Chứng kiến cảnh các cháu học sinh trong làng đi đến trường, phải vượt qua ngọn núi cao, sáng ra mẹ cho ăn bát cơm rang, đi gần 5 km tới trường là đói, mồ hôi như tắm, lòng ông đau lắm.

Thấu hiểu nỗi khổ thất học và cái khó của người ít chữ, nhiều lần đứng giữa dãy nhà cấp bốn siêu vẹo, nền đất lún ngang, lún dọc những hố là hố, điện thắp sáng không đủ dùng, các tuốc bin thủy điện không thể chạy do nước lũ, ông nung nấu một suy nghĩ.

Cuối năm 2008, trưởng thôn Nông Văn Mau lên xã trình bày ý tưởng xây trường mới cho các em ở thôn Vĩnh Quang từ nguồn ngân sách của tỉnh, riêng ông đóng góp hẳn một mảnh đất rộng 4.900 m2. Mảnh đất ấy ông từng trồng ngô, trồng hồi, nay đã được san ủi để chuẩn bị xây cất.

Điều đặc biệt là trường đang xây nằm ở trung tâm thôn nên khoảng cách từ nhà tới trường của học sinh sẽ chỉ còn 1 - 2 km. Các em đi học sẽ đỡ mệt, lại tránh được nhiều con suối, mối họa lũ quét mỗi khi có mưa lớn. Xã đồng ý ngay vì mối lo nhất là mặt bằng đã được đáp ứng, tiền sẽ được rót xuống đầu tư.

Bề bộn hôm nay

Chị Hoàng Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Quang, cho biết: “Nhà trường có cả thảy 64 em. Lớp nhiều học sinh nhất là lớp 1 có 13 em. 13 thầy cô bám trường thì chỉ có hai thầy cô người của thôn, còn lại ở dưới xuôi lên đây”.

Nhà cho giáo viên ở là ngôi nhà ba gian cạnh trường học cũ với những miếng phên mành tạm bợ, nền nhà lổn nhổn những hố đất sâu, mái lợp bằng fi-brô xi măng. Mùa đông gió thốc từ dưới lên, rét thấu xương. Mùa hè thì nóng bức.

Tính cho tới năm 2009 là hơn 20 năm (trường Tiểu học Vĩnh Quang được xây từ năm 1983), ngôi nhà ấy vẫn vậy. 13 thầy cô chung nhau một cái tivi đen trắng của thầy hiệu trưởng mang lên. Trong đó có hai cặp vợ chồng nên một số sinh hoạt cũng bất tiện.

Thầy Tô Long, một trong hai thầy cô là người địa phương chia sẻ: “Đất thì rộng thênh thang nhưng tối tối các thầy cô lại ngồi thu lu trong căn phòng nhỏ. Nhiều lúc soạn giáo án mờ mắt vì điện chạy bằng tuốc bin nước khá yếu”.

Đứng trước những khó khăn đó, nhà trường chủ trương sẽ xây bảy phòng, trong đó có năm phòng học và hai phòng làm việc. Đã xây xong ba phòng công vụ, đầu tháng chín sẽ xây tiếp ba phòng nữa.

Trưởng thôn Mau hồ hởi: “Thôn Vĩnh Quang vừa tách ra làm hai thôn Vĩnh Quang và Khuổi Pàn. Cả xã có 13 thôn thì chỉ có Khuổi Pàn là chưa có trường tiểu học. Các học sinh bên thôn đó sẽ sang trường mới học. Đầu tháng chín năm sau, chúng tôi hy vọng công trình sẽ hoàn tất.

Trước mắt, công việc quan trọng nhất của bà con chúng tôi là hoàn thành con đường từ đường lớn dẫn tới trường tiểu học mới để thuận tiện trong vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng trường”.

Đôi bàn tay người trưởng thôn gồ ghề, thô ráp siết chặt lấy đôi bàn tay chúng tôi.

MỚI - NÓNG