Từ bản xuống phố: Cạm bẫy  

Lý A Phao trong xưởng sản xuất gỗ
Lý A Phao trong xưởng sản xuất gỗ
TP - Đến Hà Nội với mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng trong hành trình đó, không ít cám dỗ đã và đang giương sẵn chờ những thanh niên người dân tộc thiểu số thừa sức khỏe nhưng thiếu kỹ năng sống.

Giấc mơ đổi đời của chàng trai người Mông

Trong căn phòng trọ rộng gần 10m2 tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội), 3 cậu thanh niên người Mông gồm Lý A Phao, Lý A Tủa và Lý A Tình đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Chưa vào hạ nhưng không khí oi nồng khiến không gian chật hẹp làm cho căn phòng nóng hơn.

Chúng tôi biết Lý A Phao vào năm 2015, trong một chuyến từ thiện trao quà Tết cho người dân tộc ở xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải - huyện nghèo nhất của Yên Bái. Bố Phao mất sớm, mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều đến tay cậu. Hồi đó, nghe tin có đoàn từ thiện đến cho gạo, Phao đi hơn 3 tiếng đường rừng, có mặt sớm nhất. Năm năm mới gặp lại, không còn là cậu bé xanh xao ít nói, Phao trắng và cao lên, ăn nói mạch lạc, chững chạc và có dáng dấp của người thành phố. Bữa cơm đạm bạc trôi qua nhanh, Phao bắt đầu kể về quãng thời gian 3 năm xuống Thủ đô để mơ về một cuộc sống đủ đầy.

Đầu năm 2017, từ lời giới thiệu của bạn bè cùng bản, Phao quyết tâm xuống Hà Nội tìm việc, bởi Phao hiểu, mấy sào ngô và ruộng bậc thang không thể giúp mình cùng mẹ già và 4 đứa em đủ ăn, gia đình thoát diện nghèo nhất bản Dề Thàng. Hôm đó, từ sáng sớm tinh mơ, Phao ra khỏi nhà, đi bộ men theo đường mòn xuống đường lớn bắt xe. Vượt qua những khúc cua quanh co ngoằn ngoèo, những cung đường xóc nảy người, cậu thanh niên người Mông đặt chân đến bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Không có điện thoại cầm tay, Phao ngồi ở cửa bến xe đợi gần 3 tiếng đồng hồ vì cậu bạn hứa đón ngủ quên.

Phao được giới thiệu cho công việc bảo vệ, rửa bát, dọn dẹp nhà hàng ăn với mức lương 3 triệu đồng một tháng, số tiền gần bằng một năm cậu trồng ngô, trồng lúa. Sáng sớm, trưa hay tối muộn, khi đông khách cậu chạy bàn, khi vắng khách lại dọn dẹp, lau chùi, rửa chén. Công việc tuy vất vả, nhưng cậu được bố trí chỗ ăn ở. “Tháng đầu tiên nhận lương em hồi hộp không ngủ được, chưa bao giờ em được cầm trên tay số tiền lớn như vậy. Dù cất cẩn thận vào túi, nhưng thi thoảng sờ vào túi xem còn không hay đã mất”, Phao nói.

Công việc và mức lương đáng mơ ước, nhưng lần đầu đi xa, Phao nhớ mẹ, nhớ em đến cồn cào. Lĩnh lương xong, Phao xin nghỉ việc, mua một vài món quà, trở về Chế Cu Nha thăm nhà. Sau một tuần, hết tiền, chàng trai Mông lại tìm đường xuống Hà Nội. Khác với lần trước, Phao tự mình xin làm một chân phụ hồ, trông giữ vật liệu ở một công trình xây dựng, thu nhập khá tốt. Dù vậy, công việc của cậu thanh niên người Mông chỉ kéo dài 2 tháng. Chủ thầu thua lỗ, không thể thanh toán lương thưởng như đã hứa. May mắn, trong quá trình làm việc ở công trình xây dựng, Phao kịp làm quen với Trần Quốc Mạnh, cậu bạn đồng niên người Thạch Thất. Mạnh rủ Phao về Hữu Bằng làm nghề gỗ, đóng bàn và tủ.

Vòng xoáy cờ bạc, lô đề

Phao được anh Hiệp, chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ ở Hữu Bằng nhận làm, lương 3 triệu đồng/ tháng, kiêm luôn chân trông xưởng. Công việc của một thợ gỗ không mất nhiều sức như thợ hồ, nhưng đổi lại bàn tay phải khéo léo. Nhiều lần Phao muốn nghỉ việc, nhưng không dám vì sợ không tìm được việc khác. Thời điểm năm 2018, kinh doanh đồ gỗ rất phát triển, Phao quyết định rủ thêm Lý A Tủa và Lý A Tình, những người bạn ở bản Dề Thàng, gần nhà Phao ở quê xuống làm việc. Thấy Phao có tiền, lại mua được điện thoại cầm tay, những người bạn lập tức đồng ý lên đường.

Nói về Phao và những người bạn đang làm việc tại xưởng, anh Nguyễn Thế Hiệp, chủ cửa hàng Hiệp Hương nhận xét, đa phần người dân tộc thiểu số bản tính thật thà, dễ giao việc. Tuy nhiên, họ cũng gặp không ít khó khăn do trình độ học vấn chưa đạt yêu cầu, mất nhiều thời gian cầm tay chỉ việc. Các yếu tố về phong tục tập quán, sự thiếu chủ động của chính bản thân thanh niên cũng khiến họ chậm hơn so với thanh niên người Kinh. “Phao và nhóm bạn hay uống rượu. Có ngày đơn hàng cần phải giao gấp nhưng xưởng không có người làm vì cả nhóm uống rượu say. Tôi nhiều lần nhắc nhở nhưng rất khó để họ thay đổi. Cuộc sống từ nhỏ quen với cái khổ, khi đến thành phố, họ dễ bị kéo vào những tệ nạn cờ bạc, rượu chè”, anh Hiệp nói.

Dần quen việc, sản lượng tăng lên nên mức lương của nhóm thanh niên người Mông cũng tăng lên. Phao và nhóm bạn bắt đầu rủ rê nhau vào các cuộc chơi, họ bắt đầu biết đánh bạc, lô đề, đi hát karaoke. Lý A Tủa sinh năm 2002, bằng tuổi Phao. Cậu may mắn hơn bạn đồng niên, bởi có người hỗ trợ công việc cùng một mức lương tốt khi lần đầu xuống Thủ đô. Dù vậy, chỉ sau 3 tháng, Tủa đã quen gần hết những thanh niên có “số má” ở làng Hữu Bằng. Cậu “giỏi” đánh lô, thích đi hát karaoke và đã… xăm mình. Tủa kể, lỡ chơi nên nhiều hôm, Tủa vay bạn, lấy lí do mẹ ốm xin ứng lương trước thời hạn. Khi số tiền nợ lên đến gần 50 triệu đồng bị vỡ lở, ông chủ mấy lần dọa đuổi việc, may có Phao đứng ra bảo lãnh, xin cho ở lại làm việc để trả nợ.

Hình xăm thanh kiếm đỏ lửa choán gần hết cánh tay phải của Tủa được thực hiện sau một lần cậu thua gần 20 triệu đồng tiền lô đề, số tiền gần bằng một năm gia đình 5 người nhà Tủa trồng lúa, trồng ngô. Cậu nói, ngày trước xăm hình để thể hiện đẳng cấp, còn giờ nhìn hình xăm sẽ răn mình mỗi khi có ý định ăn chơi. Sau này có tiền, Tủa sẽ đi xóa.

Cũng bị kéo vào những cuộc chơi như Tủa, nhưng Phao may mắn hơn khi số nợ chỉ khoảng 10 triệu đồng. Phao thừa nhận, những người dân tộc thiểu số xuống thành phố làm việc rất giống những người Việt Nam rời quê hương đi xuất khẩu lao động tại một quốc gia xa lạ ở Trung Đông hay Đông Á. Họ đối mặt với đầy nguy cơ: Bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hóa, họ dễ bị lừa, dễ bị bóc lột, thậm chí gặp nguy hiểm về thân thể.

Nhiều đêm, Phao muốn rủ chúng bạn bỏ thành phố về bản, giữ nếp xưa, đủ ấm đủ no với mảnh ruộng, lợn gà, đùm bọc nhau trong không gian văn hóa riêng của mình. Nhưng lại nhớ về cảnh cả nhà đêm không ngủ được vì đói bụng mùa giáp hạt, cậu chỉ biết thở dài. “Em muốn học nghề mộc thật giỏi để về gần nhà, trước tiên là giúp mình, sau là giúp người khác. Xuống thành phố có tiền, nhưng sẽ lại giống như em, như Tủa, gặp muôn vàn khó khăn. Lại ăn chơi rồi làm vài năm nữa mới đủ tiền trả nợ”, Phao chia sẻ.      

(còn nữa)

Giấc mơ xuống Hà Nội làm một tháng bằng cả năm trồng ngô, trồng lúa vẫn đang thôi thúc những thanh niên người Mông như Phao, Tủa. Hành trình tha hương để mưu sinh của những thanh niên người Mông nói riêng và dân tộc thiểu số nói chung sẽ còn diễn ra khi mảnh rừng cũ không còn nuôi nổi họ.

Từ bản xuống phố: Cạm bẫy   ảnh 1 Rượu là món không thể thiếu trong bữa cơm của Phao và chúng bạn 
MỚI - NÓNG