Từ một lá thư ven đường

Từ một lá thư ven đường
TP - Tảng sáng ngày cuối năm 2007, có một người làng Lý Hòa (Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) trên đường đi chợ sớm nhìn thấy gần vệ đường một chiếc bì thư loại phổ thông.
Từ một lá thư ven đường ảnh 1
Ông Lộc và vợ

Người đàn bà rạp người tránh những cơn gió lạnh, bươn mình chở hàng trên chiếc xe đạp cũ về hướng chợ bỏ qua chiếc phong bì nằm chỏng chơ.

Rồi, như chợt phát hiện có điều chi đó không bình thường, người đàn bà đi chợ sớm quay lại. Quái lạ, một chiếc phong bì mong manh, sao nó lại có thể nằm yên trước những trận gió hanh lạnh đang ào ào thổi.

Thì ra nó được buộc cùng một thanh sắt nhỏ. Một thời đạn lửa trên mảnh đất này, dọc tuyến Quốc lộ 1A, không ít lần có những phong thư được buộc cùng những vật nặng kiểu thế này. Những bức thư đượm mùi chiến trận vội vã ấy rồi cũng được người đi đường làm bưu tá chuyển đến tận nơi...

Đó là thời chiến. Còn bây giờ, thời bình sao lại lạc một bức thư kiểu này. Người đàn bà nhặt bì thư lên và thấy bên ngoài có ghi: Người gửi: Trương Hồng 2501, 71 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Người nhận: Hồ Minh Lộc. Không hề có địa chỉ mà chỉ có một đóng mở ngoặc đơn dưới tên người nhận: “Ngoài Bắc đi vào qua cầu Lý Hòa mấy trăm mét rồi rẽ trái, đi vào một đoạn nữa”.

Cầu Lý Hòa đây thôi. Nhưng cái tên Hồ Minh Lộc thì lạ quá.

Chiều đến, bà đi tìm khắp đầu làng cuối xóm hỏi xem người tên Lộc trên phong bì kia. Phong bì được mở ra. Ở trong đó có hai bức thư. Một gửi cho Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Một gửi cho ông Hồ Minh Lộc. Lướt qua nội dung hai bức thư, biết được, người gửi đang nhờ Hội CCB huyện Bố Trạch giúp tìm lại một đồng đội cũ xa nhau từ năm 1965 đến nay chưa hề có thông tin gì về nhau.

Hồ Minh Lộc thân mến

...“Hà Nội ngày 19/12/2007. Kính gửi Ban Chấp hành Hội CCB huyện Bố Trạch, Quảng Bình... tôi không thể quên Hồ Minh Lộc là đài trưởng thông tin báo vụ ở cùng tàu với tôi. Chỉ nhớ nhà của Lộc ở phía tay trái đến phía nam cầu Lý Hòa vài trăm mét thì rẽ trái chừng 500 m nữa. Vậy qua thư này nhờ các đồng chí theo địa bàn đó tìm cách chuyển hộ lá thư này của tôi đến tay đồng đội cũ...”.

Bức thư gửi cho ông Lộc, “Hồ Minh Lộc thân mến!... Có lẽ Lộc chưa nhớ ra mình là ai. Trương Hồng, ngành trưởng cơ điện tàu 343 phóng lôi mà ông Cao Quang Hường là thuyền trưởng đây! Nhớ ra chưa?

Sau khi mình rời tàu về trường huấn luyện một thời gian thì nghe tin tàu 343 của ta bị Mỹ đánh chìm trên đường hành quân. Chỉ còn lại một mình Lộc là người may mắn còn lại. Khi rời tàu Lộc còn giữ mãi cốt mật mã và lá quốc kỳ phải không?

Lộc trôi dạt ba ngày ba đêm trên biển sang đảo Hải Nam, Trung Quốc và được bà con ngư dân Trung Quốc đón và báo cho Đại sứ quán Việt Nam đến nhận nhờ lá Quốc kỳ Việt Nam mà Lộc còn giữ chặt trên người khi trái tim còn đập phải không?

Và trước khi phải rời tàu, ông Cao Quang Hường bị thương nặng biết không thể trở về được nên đã nói với Lộc rằng, về nói hộ với cô Thắm ở hiệu sách Hải Phòng hãy thông cảm và tha lỗi cho Hường. Phải không?

Báo tin cho Lộc biết rằng, với trách nhiệm trước tập thể và anh em đồng đội cũ, tuy đã về hưu, nhưng năm 2005, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân, mình đã đề xuất với tập thể anh em ở Tiểu đoàn 135 phóng lôi đang nghỉ hưu ở Hà Nội, Hải Phòng đề nghị lên và tiểu đoàn 135 ta đã được phong tặng danh hiệu anh hùng.

Về cá nhân thì mình đang nghĩ đến một số đồng đội đồng chí trong đó có Lộc đã đóng góp nhiều công lao to lớn...Mong sao thư này đến được tay Lộc nhờ Hội CCB Bố Trạch giúp đỡ đây. Mong được gặp lại. Trương Hồng”.

Nhận thư, không muốn hồi đáp

Giờ thì chúng tôi đang ngồi trong ngôi nhà nhỏ nóng rang của ông Hồ Minh Lộc ở lưng chừng mái đèo Lý Hòa. Không bàn ghế. Ông trải một chiếc chiếu nhỏ giữa nhà mời chúng tôi ngồi. Ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Vợ ông người quê ở Cát Hải, Hải Phòng, đã ngoài 60.

Khi chúng tôi hỏi ông về những năm tháng hào hùng của những ngày Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu ở tiểu đoàn phóng lôi 135, tiền thân của Lữ đoàn 170 Anh hùng bây giờ, ông Lộc mông lung và xa xăm: “Đánh tàu Maddox, đánh Khu trục hạm Hạm đội 7 không biết bao nhiêu trận”.

Vợ ông lục tung chiếc tủ nhỏ nằm ở góc nhà tìm và đưa đi photo hai báu vật theo lời ông. Đó là Huân chương Chiến công Hạng Ba do Bác Hồ ký ngày 19/2/1968 và Huân chương Chiến sỹ Vẻ vang do Bác Tôn ký ngày 22/12/1969.

Ông Lộc nói: “Vào Hải quân 1963, tham gia từ trận đầu cho đến năm 1972 thì xin về phục viên. Xây dựng gia đình rồi ở ngay Hải Phòng. Sau đó đi kinh tế mới Sông Bé. Rồi lại lên cao su Phú Riềng. Tiếp đến lên Bình Châu.

Khó khăn quá, con lại năm đứa. Thế là bồng bế nhau ra đảo Nam Du. Tám năm ở đảo, cực hết nỗi. Ông Xuân Lựu, Tư lệnh Hải quân Vùng 5, nghe tin, đến cho một ít tiền và ít tôn dựng nhà nhỏ. Mãi cho đến 1996, gia đình tôi mới về lại Lý Hòa đây”.

Vợ ông Lộc thở dài: “Mấy lần giục ông ấy liên lạc với bạn bè đồng đội cũ nhờ giúp làm chế độ. Ông ấy bảo, người ta cũng có sướng gì hơn mình đâu mà nhờ”.

Có lẽ vì thế nên bức thư tìm đồng đội cũ của ông Trương Hồng mà Hội CCB chuyển đến cho ông gần hai năm nay, đến bây giờ ông vẫn chưa hồi đáp.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.