Từ nhantimdongdoi.org đến chuyến về Thái Bình

Từ nhantimdongdoi.org đến chuyến về Thái Bình
TP - Xem TV thấy ông Lê Văn Cam ở Thái Bình đạp xe đi khắp các nghĩa trang tìm mộ đồng đội, Nguyễn Hữu Tuấn, sinh viên khoa Toán - Tin trường Đại học Khoa học Tự nhiên nảy ý tưởng: “Làm một website cung cấp thông tin về phần mộ liệt sĩ.

>> 8X tìm 'nhà' cho các liệt sĩ

Từ nhantimdongdoi.org đến chuyến về Thái Bình ảnh 1

Từ trái qua phải: ông Lê Văn Cam, Ngô Thúy Hằng và Vũ Lưu Liên đang trao đổi thông tin về liệt sỹ

Tuấn bàn với nhóm bạn học công nghệ thông tin và chỉ ít lâu sau trang web nhantimdongdoi.org ra đời. Trang web này hoạt động hiệu quả hơn khi có Ngô Thúy Hằng. Nhờ trang web này, Trung tâm Quản lí Dữ liệu về Liệt sĩ  & Người có công (MARIN) ra đời, do Ngô Thúy Hằng làm giám đốc.

Nhiều người tình nguyện đến giúp sức với Marin, như chị Vũ Lưu Liên, chị Minh Thi và cả người viết bài này.

Đó là câu chuyện về nhantimdongdoi.org tôi viết cách đây hai năm trên Tiền Phong. Và giờ đây câu chuyện đó lại tiếp nối với rất nhiều chi tiết xúc động.

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày cuối tháng Bảy, khi tôi, cùng Ngô Thúy Hằng và chị Vũ Lưu Liên về Thái Bình thăm bác Lê Văn Cam, người khai sinh nhantimdongdoi.org

Ngồi cạnh tôi trên chuyến xe về Thái Bình hôm ấy là chị Vũ Lưu Liên – nhân vật chính trong cuốn nhật kí  “Trở về trong giấc mơ” của liệt sĩ Nguyễn Minh Tiến. Chặng đường Hà Nội - Thái Bình cũng đủ dài để cô kể cho tôi nghe chuyện tình kỳ lạ và đẫm nước mắt của mình với người lính đã hi sinh ở độ tuổi hai mươi ấy.

Vũ Lưu Liên sinh ra trong một gia đình tư sản giàu có ở thị xã Hà Đông ( Hà Tây). Thời trẻ, cô tiểu thư này nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, hát hay múa giỏi. Cũng bởi tài sắc ấy nên, mặc dù đã biên chế làm cán bộ kế toán ở xí nghiệp ươm tơ Hoài Đức, Lưu Liên vẫn thường xuyên được mời làm diễn viên của đoàn văn công xung kích tỉnh Hà Tây.

Rất nhiều chàng trai ngưỡng mộ, theo đuổi, nhưng trái tim Lưu Liên thực sự rung động trước người lính trẻ Trần Minh Tiến – chàng trai sinh ra trong một gia đình nghèo ở thị xã Hà Đông, học giỏi, đàn hát và đá bóng đều hay.

Năm 1963, Trần Minh Tiến được tuyển vào bộ đội, sau thời gian huấn luyện gian khổ ở Tam Đảo, giữa tháng 3/1968, đơn vị của Tiến được lệnh đi B, vào chiến trường lửa đỏ Quảng Trị.

Trước khi hành quân vào Nam, anh đã gửi lại cuốn nhật kí ghi lại thời gian anh huấn luyện ở Tam Đảo cho người yêu cất giữ. Hầu như trang viết nào anh cũng tâm sự về Lưu Liên với những con chữ tràn ngập yêu thương.

Kể từ ngày người yêu vào chiến trường, Lưu Liên bỗng gặp những giấc mơ kì lạ. Lưu Liên mơ thấy từng chặng đường hành quân của Tiến, anh trèo đèo lội suối, mắc võng ngủ ở đâu, ăn uống, tắm giặt như thế nào. Anh đã vượt qua những khu rừng cháy nham nhở, trong khói lửa bom đạn ra sao. Giấc mơ rõ mồn một như có thật, như một cuốn phim, đến nỗi sáng hôm sau, Lưu Liên ghi lại tất cả vào cuốn nhật kí của mình.

Cho đến một đêm. Đêm 1/6/1968, 23 giờ 13, cái thời khắc ấy, Lưu Liên gặp ác mộng. Chị mơ thấy người yêu mặt đầy máu, có hai người dìu Tiến đi ra từ một khu rừng lửa cháy.

Sáng đậy, Lưu Liên bàng hoàng, thảng thốt. Chị khóc như thể vừa nhận được giấy báo tử người yêu.  Mọi người đều trấn an chị đừng tin vào giấc mơ. Nhưng chị khẳng định: “Anh Tiến hi sinh rồi”.

Kể từ ngày Trần Minh Tiến hi sinh, người phụ nữ xứ Đoài này vẫn thường viết thư cho người yêu để tâm sự. Những bức thư gửi người đã khuất ấy, chị đem hóa vào ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hoặc các ngày rằm, mồng một.

Chị quan niệm ở thế giới bên kia, anh sẽ đọc được. Cứ thế, đã 40 năm trôi qua, Lưu Liên vẫn đều đặn viết thư cho người yêu đã ở cõi vinh hằng của mình, kể cả khi chị đã có một gia đình hạnh phúc.

Cũng nhiều năm qua, người phụ nữ này không biết bao nhiêu lần vào Quảng Trị tìm mộ người yêu. Làng Cắt, Làng Vây, Khe Sanh, Hướng Hóa…, những địa chỉ ấy trở nên hết sức quen thuộc với Lưu Liên, đến mức bà con dân bản đã xem chị như người nhà. 

Trên hành trình tìm mộ tưởng như vô vọng ấy, tình cờ Lưu Liên biết được trang web nhantimdongdoi.org và chị tìm đến. Cũng rất tự nhiên, Lưu Liên trở thành thành viên của Marin, chị tình nguyện bỏ thời gian để cung cấp thông tin về phần mộ liệt sĩ cho nhiều gia đình mà không cần bất cứ một thù lao nào.

Chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ, tồi tàn ở xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình. Một ông già gầy gò bước ra, xúc động bắt tay từng thành viên. Lần đầu tiên gặp ông nhưng chúng tôi cảm giác như đã quen thân từ lâu lắm. 

Ngôi nhà của ông ở đầy dấu ấn của người âm. Ấy là những cuốn sổ ghi tên tuổi địa chỉ của hàng vạn liệt sĩ mà “người bưu tá của những linh hồn” đã ghi lại trên các nghĩa trang của mọi miền tổ quốc.

Chất giọng còn khỏe, đôi mắt rưng rưng  khi ông Lê Văn Cam kể cho những người đang quản trị trang web nhantimdongdoi.org câu chuyện nghe như cổ tích này…

Người lính Lê Văn Cam không thể nào quên hình ảnh một người đồng đội trúng đạn pháo của địch mất đầu ở chiến trường Lào. Đêm ấy, nằm canh xác đồng đội (vì sợ thú dữ), trong bóng tối dày đặc của núi rừng, Cam thầm hứa: “Nếu sống sót trở về, nhất định tôi sẽ đi tìm anh và đưa anh về quê hương”.

Mấy chục năm sau, người lính Lê Văn Cam, bấy giờ tóc đã bạc, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm đồng đội… Với chiếc xe đạp cà tàng, ông đạp đến nghĩa trang Anh Sơn, Nghệ An nơi đã quy tập hàng trăm mộ liệt sĩ từ Lào về.

Hai ngày sau, giám đốc Marin Ngô Thúy Hằng nhận được điện thoại, giọng ông Cam ở đầu dây bên kia: “Nhờ có danh sách liệt sĩ tỉnh Thái  Bình của cháu tặng, bác viết thư cho người thân của liệt sĩ và, sáng nay, một người đã gọi điện cảm ơn, họ vừa tìm được phần mộ của người thân”.

Tìm mãi không thấy tên đồng đội mình, trong hiu quạnh của nghĩa trang, nhìn những nấm mộ không người thân hương khói, ông Cam bỗng có cảm giác của một người mắc nợ: “Mình may mắn được sống sót trở về, nhưng còn biết bao đồng đội đã hi sinh mà phần mộ nằm ở đâu gia đình họ cũng chưa thể biết”.

Ngộ ra một điều gì đó vô cùng linh thiêng, ông Cam cúi xuống từng ngôi mộ  ghi rõ tên tuổi của liệt sĩ và sau đó gửi thư theo địa chỉ đã ghi trên bia.

Từ đó, với chiếc xe đạp rách, cơm khô, lọ nước, chiếc màn cá nhân, ông Cam đã rong ruổi đi khắp các nghĩa trang, từ Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và ra tận đảo Phú Quốc.

Từ nhantimdongdoi.org đến chuyến về Thái Bình ảnh 2
 Ông Lê Văn Cam bên bia mộ của đồng đội

Người vợ già ở nhà một mình vẫn bòn mót từng đồng để mua thêm cho chồng chiếc bánh chưng, gói mì tôm làm lương khô vì thu nhập của cả nhà chỉ trông vào hai sào ruộng khoán. 

Hai triệu đồng tiền huân chương của nhà nước, cộng thêm cả số tiền mà con cháu cho để dưỡng già, ông Cam dành hết để mua tem thư. Nhưng rồi tiền cũng hết, mà số thư cần gửi cũng đang rất nhiều, ông Cam nghĩ ra cách ghi trên bì thư mấy dòng “Thư kính biếu thông tin liệt sĩ”.

Đa số các lá thư đó đều đến tay người nhận. Nếu có con số thống kê, tôi tin ông sẽ là người gửi thư nhiều nhất nước. Với khoảng 22.500 địa chỉ mộ phần, 18.000 lá thư đã được ông Cam  gửi đi và nhờ đó 7.000 liệt sĩ đã trở về với gia quyến

Mắt đã mờ, chân mỏi tay run, ông Cam bỗng thấy sợ khi nghĩ một ngày nào đó mình nằm xuống mà không có ai tiếp nối cái việc nghĩa đang dang dở kia.

Tình cờ được biết một nhóm bạn trẻ đang cung cấp thông tin về phần mộ liệt sĩ qua trang web nhantimdongdoi.org, ông gọi điện thoại tới với mong muốn được chia sẻ thông tin và biết đâu lại tìm được người kế nghiệp.

Đêm ấy, điện thoại reo và Ngô Thúy Hằng nghẹn ngào khi biết đầu dây bên kia là bác Lê Văn Cam, người mà cô đang muốn tìm gặp bấy lâu nay…

Ông Cam cũng không hề hay biết, nhờ hình ảnh của mình đạp xe đi “tìm người thân cho đồng đội” xuất hiện trên TV mà trang web nhantimdongdoi.org đã ra đời.

Cuối cùng họ đã gặp nhau như một lẽ tất nhiên. Ngô Thúy Hằng và cô Lưu Liên trao cho ông Lê Văn Cam danh sách liệt sĩ tỉnh Thái Bình. Người lính già xúc động đón nhận như thể đó là món quà lớn nhất đời mình. Ông cũng cung cấp cho nhantimdongdoi.org rất nhiều thông tin quý về phần mộ của các liệt sĩ...

MỚI - NÓNG