Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên

Chăm lo cho thế hệ trẻ là một trong những tư tưởng xuyên suốt của Bác Hồ
Chăm lo cho thế hệ trẻ là một trong những tư tưởng xuyên suốt của Bác Hồ
TP - Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức thanh niên và xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản

>> Phần trước

Chăm lo cho thế hệ trẻ là một trong những tư tưởng xuyên suốt của Bác Hồ
Chăm lo cho thế hệ trẻ là một trong những tư tưởng xuyên suốt của Bác Hồ.

Từ năm 1925, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh đặt vấn đề phải xây dựng một tổ chức thanh niên cộng sản ở Việt Nam. Sau một thời gian do Người trực tiếp chuẩn bị và đề nghị với Trung ương Đảng, ngày 26-3-1931, Thanh niên Cộng sản Đoàn ra đời. Đó là thời điểm mang nhiều ý nghĩa đặc biệt trong phong trào thanh niên yêu nước theo xu hướng tiến bộ ở nước ta.

Đối với Hồ Chí Minh, tổ chức, đoàn kết, tập hợp thanh niên là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Muốn phát huy sức mạnh của thanh niên thì phải thông qua tổ chức, không có tổ chức thì Đảng không nắm được thanh niên.

Trong thư gửi thanh niên Việt Nam năm 1925, Hồ Chí Minh vạch rõ ở Đông Dương có đủ cơ sở vật chất (hầm mỏ, hải cảng, đồng ruộng…) chỉ “thiếu tổ chức và người tổ chức” (19). Đây là một nhận định hết sức sáng suốt. Vì lẽ đó, Hồ Chí Minh coi công tác vận động thanh niên là nhiệm vụ trọng tâm của mình, và sau khi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V và Đại hội Quốc tế thanh niên cộng sản lần thứ IV (1924), Người dốc sức tiến hành công tác tổ chức, lập ra Việt Nam Thanh niên cách mệnh Đồng chí hội.

Chính Hồ Chí Minh là người trực tiếp tuyển chọn, bồi dưỡng đồng chí hội. Chính Hồ Chí Minh là người trực tiếp tuyển chọn, bồi dưỡng những hạt giống đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở nước ta.

Năm 1944, Đảng và Bác Hồ thành lập tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong.

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh chỉ thị trực tiếp cho các xứ ủy, tỉnh ủy, thành ủy tổ chức các Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc và thống nhất hệ thống Đoàn từ cơ sở lên đến Trung ương. Tháng 6-1946, Người chủ trương lập Mặt trận thanh niên rộng rãi (do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt), lấy tên là Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và trực tiếp dự Đại hội lần thứ nhất của Liên đoàn tại chiến khu Việt Bắc.

Hồ Chí Minh là người sáng lập các tổ chức thanh niên Việt Nam trực tiếp cho ý kiến cụ thể về dự thảo Điều lệ Đoàn (trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III năm 1961). Người khẳng định vai trò, vị trí của Đoàn trong hệ thống chính trị của đất nước; khẳng định những chức năng cơ bản của Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Việc lập Mặt trận thanh niên, “đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc” do Đảng lãnh đạo và Đoàn Thanh niên Cộng sản làm nòng cốt, tạo ra những loại hình tập hợp thích hợp với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, với từng trình độ, đặc điểm và tâm lý thanh niên là một sáng tạo lớn, một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên.

Xin nêu mấy điểm chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản, trong đó có những điểm xin trích nguyên văn lời của Người.

Về chức năng, nhiệm vụ của Đoàn, Hồ Chí Minh chỉ rõ Đoàn Thanh niên là tổ chức thanh niên cộng sản, là đội dự bị tin cậy của Đảng, là người đại diện của thanh niên, là hạt nhân đoàn kết, giáo dục và phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là người phụ trách, dìu dắt thiếu niên, nhi đồng. Tất cả những điều đó được thể hiện ở huy hiệu Đoàn.

Hồ Chí Minh kết luận: “Huy hiệu của thanh niên ta là: “Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, đồng thời phải vui vẻ và hoạt bát. (20)

Trong mối quan hệ giữa Đoàn với Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng về đường lối chính trị thì thanh niên theo Đảng chỉ huy, nhưng việc làm thì thanh niên độc lập; trong mọi công việc, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải gương mẫu để lôi cuốn nhân dân cùng tiến bộ; mọi công việc đều vì lợi ích của nhân dân mà làm. Khắp nơi có đoàn thể nhân dân, đó là những tổ chức của dân, “phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết nhân dân với Chính phủ”. (21)

Về mối quan hệ giữa Đoàn với thanh niên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập của thanh niên, phải tránh thành kiến, hẹp hòi, cô độc. Phải thật thà, đoàn kết với anh chị em thanh niên trong Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam. (22).

Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng củng cố, phát triển Đoàn và tổ chức phong trào thanh niên. Người chỉ rõ:

“Phải củng cố tổ chức của Đoàn. Phải đoàn kết nội bộ chặt chẽ, và phải đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp thanh niên”.

“Cần phát triển Đoàn hơn nữa, nhưng phải chọn lọc cẩn thận, trọng chất lượng hơn số lượng”.

“Muốn củng cố và phát triển Đoàn thì tất cả đoàn viên phải làm gương mẫu: Phải giữ vững đạo đức cách mạng; phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm.

Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thuần, tự tư tự lợi. Phải xung phong trong mọi công tác; xung phong là đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng chứ không phải là xa rời quần chúng. Phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt. Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh”.

Về phương pháp công tác, phương pháp vận động thanh niên của Đoàn, Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

“Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”. “Thi đua phải lâu dài và rộng khắp”.

“Phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực. Không nên chỉ có hình thức, càng không nên “đầu voi đuôi chuột”.

“Việc gì cũng cần phải thiết thực: nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ dần dần đến to, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi là một trăm chương trình to tát mà làm không được”.

Đối với cán bộ Đoàn, Hồ Chí Minh đòi hỏi: “Cán bộ lãnh đạo cần phải chống bệnh quan liêu, chống cách lãnh đạo chung chung. Cần phải đi sâu đi sát điều tra nghiên cứu. Cần phải khuyến khích, thu góp, bổ sung và phổ biến rộng rãi những sáng kiến hay, những kinh nghiệm tốt của quần chúng”. “Cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của các lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề một cách thiết thực”.

Đoàn thanh niên với nhiệm vụ giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ

Căn cứ vào nhiều kết luận của các đại hội Đảng và một số thành tựu nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, bước đầu có thể nêu lên một số nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là:

Tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người;

Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Tư tưởng về phương pháp cách mạng, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược và sách lược;

Tư tưởng về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước kiểu mới, xây dựng quân đội nhân dân; về đại đoàn kết và về dân vận (trong đó có vận động thanh niên).

Tư tưởng về đạo đức cách mạng... Một mặt, cần nghiên cứu để hiểu sâu hơn, có hệ thống hơn những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại. Mặt khác, rất quan trọng là làm sao đưa được tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh đến từng cán bộ đảng viên, đoàn viên và nhân dân để tạo ra động lực tinh thần và soi sáng cho tư duy, hành động của mỗi người trong thời kỳ mới.

Xin vắn tắt nêu một số suy nghĩ về Đoàn Thanh niên với việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên trong thời gian tới.

Một là , thông qua sinh hoạt Đoàn, Hội thanh niên và các phương tiện thông tin đại chúng, Đoàn cần phổ biến, truyền đạt tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là những lời chỉ bảo của Bác Hồ đối với thanh niên một cách thường xuyên, liên tục.

Hai là, các cấp bộ Đoàn, Hội cần tổ chức cho cán bộ học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên; quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong thời kỳ đổi mới.

Có thể nói, mọi đối tượng thanh niên (công nhân, nông dân, bộ đội, cán bộ KHKT, học sinh, sinh viên…) đều tìm thấy trong những lời chỉ dẫn ân cần của Bác Hồ các giá trị định hướng cho suy nghĩ và hành động của mình trong tình hình hiện nay.

Ba là, hiện nay đang phát triển mạnh phong trào Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước, thanh niên tình nguyện, 4 đồng hành và 5 xung kích, các chương trình hành động của Đòan... Những điển hình tiên tiến cá nhân và tập thể xuất hiện ngày càng nhiều.

Đây chính là những tấm gương Người tốt việc tốt mà sinh thời Hồ Chí Minh luôn cổ vũ và khen ngợi. Các tỉnh, thành Đoàn cần mở rộng các hình thức cổ vũ phong trào người tốt, việc tốt, tuyên truyền, giáo dục thanh niên rèn luyện và cống hiến qua việc giới thiệu thường xuyên những điển hình tiên tiến.

Bốn là, cần hình thành bộ môn Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên trong hệ thống trường Đoàn từ Trung ương đến địa phương. Muốn làm việc này phải chuẩn bị đồng thời cả hai mặt: đào tạo đội ngũ cán bộ và chuẩn bị giáo trình.

Cuối cùng, chúng tôi cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên đã được Đảng ta quán triệt trong nhiều nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, trong nhiều văn bản của Nhà nước ta đã ban hành. Vì vậy, quá trình nghiên cứu, học tập và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện có kết quả các chủ trương của Đảng về đổi mới công tác thanh niên.

Các ngành, các cấp xây dựng được chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện nghị quyết của Đảng cũng là quán triệt và thực hiện những tư tưởng, chỉ dẫn của Bác đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Đoàn Thanh niên phải tích cực, chủ động hơn trong việc phối hợp với các ngành, đoàn thể nhằm giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho thế trẻ, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành các thể chế, chính sách cụ thể theo tư tưởng Hồ Chí Minh (như đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chính sách giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội của thanh niên, bồi dưỡng tài năng trẻ ... nhằm tạo ra những điều kiện và môi trường thuận lợi cho quá trình giáo dục và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong thanh thiếu niên.

(19) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Sđd, tr.30

(20) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên , Sđd, tr.100, 166

(21) (22) Hồ Chí Minh tuyển tập, t.5, NXB Sự thật, Hà Nội 1985, tr. 393

Do khuôn khổ của trang báo, Tòa soạn lược một số đoạn. Xin xem toàn văn bài viết trên Tiền Phong điện tử: www.tienphong.vn

 Hồ Đức Việt
Nguyên Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG