Tỷ phú Việt Nam trên đất bạn Lào

Tỷ phú Việt Nam trên đất bạn Lào
TP - Lang thang trên phố Vientiane (Lào), tôi được nghe nhiều chuyện về những tỷ phú người Việt Nam nơi xứ bạn.

Mỗi người đi lên bằng mỗi con đường khác nhau, nhưng họ có điểm chung đó là cùng xuất phát điểm thấp và đi lên trong gian khó bằng chính đôi chân của mình. Những người này thực sự đã làm nên một thương hiệu người Việt Nam.

Tỷ phú Việt Nam trên đất bạn Lào ảnh 1
Vợ chồng anh Đấu và chị Thanh tại Lào

Tỷ phú bán... truyện ngắn

Thấy tôi hỏi chuyện về người Việt Nam ở Vientiane, anh Khămphan Sitthi dampha, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNNDCM Lào rất thán phục sự chịu thương, chịu khó của người lao động Việt Nam ở Vientiane. Rồi anh chỉ cho tôi gặp vợ chồng anh Đào Công Đấu và chị Nguyễn Thị Kim Thanh.

Cách đây gần ba mươi năm, anh Đấu - một chàng trai nghèo quê Đồng Tháp se duyên với chị Kim Thanh - một thiếu nữ Sài Gòn. Lấy nhau rồi cuộc sống nghèo túng cứ bám đuổi mãi.

Năm 1989, tình cờ trong một chuyến đi thăm người bà con ở Vientiane, anh Đấu và chị Thanh được bạn bè rủ ở lại nước bạn làm ăn.

Công việc ban đầu chủ yếu chỉ là lao động chân tay đủ thứ nghề. Anh Đấu làm thợ nề, thợ mộc; chị Thanh làm nghề đính khuy áo thuê cho người ta. Sau đó hai anh chị chuyển sang  làm kẹo mứt (mứt tết).

Trong quá trình đi bán hàng, chị Thanh thấy người Việt Nam cũng như người Lào rất  thích đọc truyện ngắn và nghe băng nhạc. Thế là chị Thanh dốc vốn quay về Việt Nam mua truyện ngắn Việt Nam và băng nhạc cải lương sang Vientiane bán. Chẳng mấy chốc anh chị đã có tài khoản hàng chục tỷ đồng.

Sau đó còn mua thêm một cái sạp ở chợ Khủa Đun, Vientiane để kinh doanh thêm mặt hàng may mặc. Mới đây, anh chị bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, cà phê lớn nhất giữa trung tâm thủ đô Vientiane.

Riêng hệ  thống này đã giải quyết được công ăn việc làm cho hơn 50 lao động, là con em đưa từ Việt Nam sang, có thu nhập ổn định. Điều đáng quý là dù sinh con đẻ cái ở Vientiane, nhưng anh chị đều bắt con cái giao  tiếp bằng tiếng Việt.

Mặc cho công việc kinh  doanh vô cùng bận rộn, nhưng thế nào trong ngày cũng phải có một bữa cơm chung cả gia đình. Đảo mắt qua các  gian phòng của ngôi nhà anh chị ở Vientiane tôi thấy chẳng khác nào một gia  đình có truyền thống văn hoá ở Việt Nam.

Cô gái Sông Hương trở thành tỷ phú bánh gai Huế

Doanh nhân số 1 của Lào hiện nay chính là cô Lê Thị Lượng, chủ của thương hiệu Đào Hương nổi tiếng. Xuất thân trong một gia đình nghèo khổ ở Huế, ngay từ nhỏ, Lượng phải đi bán hàng rong kiếm tiền nuôi 7 đứa em. Cuộc sống ở quê khó khăn, đến năm cô 26 tuổi, thì gia đình chuyển sang Vientiane sinh sống. Lúc đó, cô Lượng chuyển sang làm bánh gai để bỏ mối.

Nhờ chất lượng tốt, bánh của cô  luôn bán chạy. Khi lập gia đình, cô theo chồng về Chămpasăk sinh sống và vẫn giữ nghề làm bánh. Bánh của cô làm không chỉ bán chạy trong vùng mà còn xuất khẩu sang cả Campuchia, Thái Lan. Khi có vốn, cô quyết định thành lập Cty Đào Hương, mở rộng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực trồng, chế biến cà phê, xuất nhập khẩu nông sản.

Đặc biệt, khi chợ của tỉnh Chămpasăk cháy, thấy hoàn cảnh của đông đảo tiểu thương bơ vơ, không có công ăn việc làm, cô Lượng quyết định đầu tư 5 triệu USD xây chợ mới với qui mô 1.000 sạp, chủ yếu để cho bà con người Việt thuê với giá rẻ. Hiện nay, cô Lượng có hàng ngàn ha cà phê, giải quyết việc làm cho vài trăm gia đình. Trong đó, riêng ở Cty chế biến cà phê của cô đã có gần 70 gia đình được tạo việc làm.

Tỷ phú Việt Nam trên đất bạn Lào ảnh 2
 Khách sạn Chalơnxay ở Vientiane là của Việt Kiều

Thợ cắt tóc trở thành tỷ phú rừng

Không chỉ bà con Việt kiều mà ngay cả Chính phủ, giới doanh nhân Lào cũng không lạ gì Hồng Văn Diểu, ông chủ của hơn 2.000 ha rừng trồng tại tỉnh Vientiane.

Sinh ra ở Thái Lan, cha người Thái, mẹ người Việt, nhưng ngay từ 3 tuổi, ông Diểu đã bị lạc cha, hai mẹ con phải trở về quê ngoại ở Nam Định để sinh sống. Chỉ một thời gian sau, mẹ ông bị tai nạn qua đời, ông phải tự bươn chải kiếm sống. Năm 1988, ông Diểu từ biệt vợ con sang Lào làm nghề cắt tóc.

Ông thuê một góc nhỏ ở chợ Sáng (thủ đô Vientiane) vừa để hành nghề, vừa làm nơi ăn chốn ở. Với tay nghề khéo léo, ông Diểu không chỉ nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Vientiane mà còn được mời đến cắt tóc cho cả Chủ tịch nước Nouhak Phoumsvan và nguyên Chủ tịch nước Suvannuvong.

Suốt bốn năm liền làm thợ cắt tóc “víp”, ông Diểu đã tích lũy được một số vốn nhất định. Đến năm 1992, ông quyết định đưa vợ con từ quê sang, mua 250 ha đất ở tỉnh Vientiane để trồng rừng. Những ngày đầu gian khó, gia đình ông, cùng những người Việt khác được ông thuê, phải cặm cụi khai hoang cật lực từ tinh sương đến tối mịt.

Dù thấm thía cái vất vả, nhưng ông luôn tin tưởng vào việc mình làm. Năm tháng trôi đi, những cánh rừng của ông ngày một xanh thêm, kéo theo đó là những trang trại. Một số doanh nhân đến thăm, tìm hiểu thấy tin tưởng vào mô hình của ông đã không ngần ngại góp vốn đầu tư.

Thậm chí Nhà nước Lào còn cho ông vay 300 ngàn USD để mua, thuê đất mở rộng mô hình trồng bầu gió, bạch đàn…. Đến bây giờ, rừng bầu gió, bạch đàn, cây ăn quả của ông đã lên đến hơn 2.000 ha, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó chủ yếu là người Việt.

Từ ông giáo nghèo thành tỷ phú

Tỷ phú Việt Nam trên đất bạn Lào ảnh 3
Ông Trần Hanh

Ông Trần Hanh quê gốc ở Hà Tĩnh, nhưng sinh ra và lớn lên ở Lào. Trong 10 năm, từ 1969 đến 1979, ông Hanh làm nghề dạy học, chủ yếu  giảng dạy môn toán, lý ở trường T78 bổ túc cho các bộ cấp cao của Lào tại Phú Thọ. Sau đó chuyển sang Vientiane, ông vẫn tiếp tục nghề dạy học. Học trò của ông hiện giờ đều giữ những cương vị quan trọng của Lào.

Những năm 80 của thế kỷ trước, ông Hanh chuyển sang kinh doanh và nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình. Ngoài kinh doanh khách sạn, Cty của ông còn kinh doanh xây dựng, quản lý khai thác 200 ha rừng trồng.

Ông Hanh tâm sự, môi trường kinh doanh ở Lào không khốc liệt như ở Việt Nam. Mặt khác do đặc điểm văn hóa, người Lào ít cạnh tranh mà họ chỉ cần làm đủ ăn là được.

Mặc dù ruộng đất của dân Lào nhiều nhưng họ chỉ làm mỗi năm một vụ, vì như vậy đủ ăn, không cần làm thêm. Chính vì đặc điểm đó, nên nhiều người Việt sang Lào lập nghiệp với bản tính cần cù, sáng tạo lại biết tiết kiệm đã nhanh chóng thành đạt. 

"Có khoảng 40 ngàn người Việt đang ở Lào, trong đó ở Vientiane, khoảng 7 ngàn người. Họ tập trung chủ yếu ở Đông Pa Lan, Na Xây, Chung Khẳn Khăm, làm nghề tiểu thương, thủ công, sửa chữa, dịch vụ… Với bản tính cần cù, sống có trước có sau nên người Việt được chính quyền và nhân dân Lào rất có thiện cảm. Cộng đồng người Việt có tiếng nói uy tín nhất trong các cộng đồng ngoại kiều tại Lào."

Ông Trần Hanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội người Việt tại Lào

MỚI - NÓNG