Ước mơ của Ly trong bức ảnh nổi tiếng thế giới

Bức ảnh em bé da cam của Ed Kashi
Bức ảnh em bé da cam của Ed Kashi
TP - Hình ảnh Nguyễn Thị Ly cô độc trong căn nhà nhỏ ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) qua tay máy của nhiếp ảnh gia Ed Kashi giờ đã nổi tiếng toàn thế giới. Không hề biết mình nổi tiếng, bé Ly vẫn ngày ngày đi học, với khát khao cháy bỏng được sống bình thường như mọi người…
Bức ảnh em bé da cam của Ed Kashi
Bức ảnh em bé da cam của Ed Kashi . Ảnh: UNICEF

Chuyện tình cảm động

Căn nhà tình thương vắng lặng ở thôn Mân Quang (phường Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn) buổi trưa càng hiu hắt tiếng nói cười. Bốn mẹ con bà cháu gia đình anh chị Nguyễn Quang Dương - Lê Thị Thu (bố mẹ bé Ly) ngồi im lìm trước bậc thềm. Có lẽ, lâu lắm rồi nhà đã vắng niềm vui.

Chị Thu bồi hồi nhớ lại tuổi thơ bất hạnh và cuộc tình duyên cảm động giữa chị - một cô gái tật nguyền với anh Dương. Kết quả của tình yêu đó là một cô con gái bị chất độc điôxin ngấm vào máu - đó chính là em bé Nguyễn Thị Ly - nhân vật trong bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Mỹ Ed Kashi vừa đoạt giải nhất cuộc thi do UNICEF trao tặng (UNICEF và nhiều báo đưa tin tên của em là Nguyễn Thị Lý, nhưng theo gia đình cũng như chính quyền địa phương, tên thật của bé là Ly). May mắn thay, đứa con trai thứ cho đến nay vẫn bình an khỏe mạnh.

Chị Thu quê Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) là con gái thứ trong một gia đình đông con. "Tôi bị di chứng da cam bẩm sinh, có lẽ là từ bố tôi. Ông ấy là bộ đội chiến đấu ở Quảng Trị. Mẹ tôi kể lại rằng, ngay từ khi sinh ra, tôi đã ốm đau dặt dẹo, chân tay teo tóp, miệng mồm méo xệch. Đến tận 7 tuổi, tôi mới ú ớ phát âm được tiếng nói đầu tiên, gọi ba gọi mẹ" - chị Thu ngậm ngùi kể.

Tuổi thơ cơ cực của cô bé dị tật da cam khiến chị Thu lớn lên khép mình cô độc ở vùng đất nghèo khó Hà Tĩnh. Vì mặc cảm nên tuổi xuân qua đi vùn vụt, chị vẫn không dám nghĩ đến một mái ấm hạnh phúc cho riêng mình.

"Năm 24 tuổi, cũng có một vài đám trong làng đến nhà, dạm cưới tôi làm vợ. Bố mẹ tôi ngại một thì tôi e sợ mười. Thân mình dặt dẹo thế này, thôi đành chịu khổ một mình, không muốn lây cái khổ sang người khác" - chị kể.

Không muốn quanh quẩn sống mãi ở làng, năm 1999, chị Thu từ Hà Tĩnh vào Đà Nẵng, phụ bán cơm bụi cho chị gái cũng đang lập nghiệp ở đây. Và chị đã gặp được người đàn ông của đời mình.

Chị kể: "Anh ấy là thợ nề, khỏe mạnh chân chất nên tôi rất quý. Nhưng ban đầu tôi chỉ để trong lòng thôi. Phận mình như vậy, làm sao dám mơ. Nhưng rồi anh ấy lại nói yêu tôi, muốn lập gia đình cùng tôi".

Bà cháu, mẹ con trước căn nhà tình thương
Bà cháu, mẹ con trước căn nhà tình thương . Ảnh: Nam Cường

Bà Trần Thị Xuân (mẹ anh Dương) ngồi bên nói: “Nuôi con bao năm, tôi hiểu thằng Dương lắm. Nó mà đã quyết cái gì là làm bằng được. Với lại khi gặp Thu, gia đình tui cũng ưng. Mới khuyên bảo con rằng người ta đui mù, liệt thân còn có tình yêu, còn lấy nhau sinh con đàn cháu đống. Thu chỉ bị tật nguyền do di chứng của chiến tranh. Nó cũng có quyền được yêu, được hạnh phúc”.

Rồi cả 2 gia đình nội ngoại, một bên ở Đà Nẵng, một bên tận Hà Tĩnh vun vén, khuyên bảo, nhưng chị Thu vẫn một mực không chịu. Anh Dương là con trai cả trong gia đình 5 anh em, trách nhiệm nặng nề đè nặng lên vai, chị Thu lại càng không muốn mình là gánh nặng.

Chị nghẹn ngào: "Mọi chuyện đến với tôi quá nhanh, quá bất ngờ và hạnh phúc. Chỉ đến khi anh Dương thề rằng, không lấy được tôi thì anh chẳng muốn lấy ai, và nói với tôi rằng đừng ngại ngần, anh sẽ yêu em, lấy em và nuôi nấng, bao bọc em đến suốt đời thì tôi đón nhận".

Năm 1999, đám cưới giản đơn của đôi vợ chồng Dương - Thu diễn ra trong niềm hạnh phúc của gia đình, bạn bè. Hạnh phúc đến nhanh và âu lo, phiền muộn của Thu ập tới nhanh. Như nhiều nạn nhân da cam khác, gia đình chị Thu vẫn không tránh được kiếp nạn di truyền chất độc sang đời sau…

Ly biệt và Mừng vui

Bà nội của Ly năm nay 73 tuổi, cũng là người khuyên bảo cô con dâu tật nguyền rất nhiều khi cô mặc cảm từ chối tình yêu của con trai bà. Bà Xuân rưng rưng kể: "Biết tụi nó thương nhau thiệt lòng, bậc làm cha mẹ, tui nào có phản đối mà còn vun vén vào. Chỉ tội nhà bên kia không muốn Thu đi lấy chồng, họ sợ Thu tật nguyền về sẽ bị khinh thường, rẻ rúng".

Về phương diện tình cảm với gia đình nhà chồng, chị Thu có lẽ rất may mắn và hạnh phúc. Nhưng rồi ông trời ác nghiệt lại khiến chị phải chịu chuỗi ngày bất hạnh.

Năm 2000, đứa con đầu lòng chưa kịp chào đời đã chết trong bụng mẹ. Rồi một năm sau, khi bé Ly ra đời, hình ảnh tuổi thơ chị lại hiện về. "Nó cũng ốm đau dặt dẹo như chị hồi nhỏ. Phải đến 5 tuổi, con bé mới biết nói ú ớ. Ai cũng đau lòng" - chị Thu khóc cho biết.

Còn bà Xuân buồn rầu: "Sau khi đứa đầu mất, gia đình tui thống nhất đặt đứa thứ hai là Ly. Nghĩa là ly biệt ấy. Nó sinh ra ốm yếu tật nguyền, chả biết lúc nào đi, thôi thì đặt tên là Ly, với mong muốn được giữ nó lại mãi mãi. Rồi năm sau, Thu sinh được đứa con trai, cha nó mừng quá nên đặt luôn tên là Mừng, Nguyễn Quang Mừng".

Mẹ con chị Thu và em Ly
Mẹ con chị Thu và em Ly . Ảnh: Nam Cường

Ly sinh trước Mừng một năm nhưng do đau yếu nên bây giờ, cả hai chị em học cùng một lớp 3/1 Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn). Ly tuy cơ thể gầy tong, ốm yếu và gương mặt cũng biến dạng khác người, nhưng nét hồn nhiên tinh nghịch lại toát lên sự yêu đời.

Trong lúc chị Thu kể hoàn cảnh khó khăn suy kiệt của gia đình Ly cười vui, an ủi "mẹ phải vui lên để chú còn chụp ảnh". Học được 3 năm tiểu học, cả hai chị em Ly đều là học sinh giỏi của trường, được nhận nhiều giấy khen.

Tháng 7 vừa rồi, nhiếp ảnh gia người Mỹ Ed Kashi tới Đà Nẵng thực hiện bộ ảnh về nạn nhân chất độc da cam, di chứng của chiến tranh. Với riêng gia đình chị Thu, Ed Kashi đã phải mất tới 4 ngày đêm đi lại, sinh hoạt trong nhà để nắm bắt những khoảnh khắc đời thường của bé Ly. Một loạt những bức ảnh sinh hoạt, học tập của bé Ly được Ed Kashi thực hiện và một trong số đó đã là bức ảnh của năm do UNICEF trao tặng.

Với cách chọn ánh sáng và góc độ, cảnh Ly đứng trong phòng, giữa những vệt sáng chiếu qua cửa sổ, Ed Kashi đã đặc tả toàn bộ đời sống nội tâm cũng như ước mơ mãnh liệt của cô bé tật nguyền. Bức ảnh cũng là thông điệp gửi đến toàn nhân loại yêu hòa bình trên thế giới. Dù đã rất nhiều, nhưng không bao giờ là đủ khi chúng ta cảnh báo cho mọi người về di chứng của chiến tranh, của sự bất công và nỗi đau mà con người - đặc biệt là thế hệ trẻ em phải gánh chịu.

Chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng chia sẻ: "Thời gian dài tiếp xúc với các các nạn nhân chất độc da cam là trẻ em, Ly là một trong những em có sự hồn nhiên, khát vọng sống khiến tôi cũng bất ngờ. Dường như trong em không hề tồn tại bệnh tật, không hề buồn phiền mà em còn truyền cảm hứng, ước mơ sống đến các bạn cùng hoàn cảnh. Có lẽ, khát khao của Ly thể hiện cũng một phần giúp cho bức ảnh được trao giải".

Còn bé Nguyễn Thị Ly - nhân vật của bức ảnh, người chưa hề được xem hình của mình giờ đã nổi tiếng toàn cầu, chỉ nhỏ nhẹ: "Em chỉ muốn được sống, được học tập và vui đùa như các bạn khác".

* "Ed Kashi là một phóng viên ảnh, nhà làm phim và nhà giáo dục chuyên ghi lại các vấn đề xã hội và chính trị để xác định thời đại chúng ta. Là một thành viên của cơ quan hình ảnh uy tín VII, Kashi đã được công nhận cho các hình ảnh phức tạp của mình và vẻ hấp dẫn của nó. Hình ảnh của Ed Kashi đã được công bố và trưng bày trên toàn thế giới. Phong cách chụp ảnh của Ed Kashi là một cách tiếp cận sáng tạo để chụp ảnh và làm phim”.
* "Ed Kashi là một người thông minh, dũng cảm và từ bi. Ông ấy luôn hiểu được sắc thái các đối tượng của mình. Ông không sợ hãi khi đi nhiều nơi trên thế giới và ông nắm bắt được tâm hồn trong mỗi tình huống" - David Griffin - Giám đốc nhà xuất bản điện tử, địa lý Hoa Kỳ nhận định.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.