Ước mong lớn của O du kích nhỏ

Ước mong lớn của O du kích nhỏ
TP - Tôi gặp O du kích nhỏ (tên thật là Nguyễn Thị Kim Lai) một ngày cuối tháng tư ở Sài Gòn. Nay chiến tranh đã đi qua, người đàn bà tóc bạc da mồi nói: “Bây giờ ngồi lại, thấy nhớ những người đồng đội của mình”.
Ngày ngày mong ước gặp lại đồng đội (Ảnh chụp tháng 4 -2012) Ảnh: T.N.A
Ngày ngày mong ước gặp lại đồng đội (Ảnh chụp tháng 4 -2012) Ảnh: T.N.A.

Nổi tiếng mà không biết

Cũng như trong cuộc kháng chiến chống Pháp trước đó, xứ Nghệ - Tĩnh khi ấy là mặt trận đặc biệt, nơi nuôi dưỡng các lực lượng tinh binh để đưa đi các mặt trận. Mỹ không chỉ huy động máy bay phản lực ném bom hủy diệt mảnh đất bản lề của các cuộc chiến tranh này, trong nhiều trường hợp quân đội Mỹ còn sử dụng cả máy bay trực thăng để đột nhập, gần như đấu “giáp la cà” với quân dân địa phương.

Cô Lai kể: “Tháng 9 - 1965, máy bay phản lực vào đánh phá dữ dội, quân ta bắn rơi một chiếc phản lực, phi công bung dù nhảy vào núi. Giặc huy động nhiều máy bay trực thăng chở quân đến tìm phi công. Anh Thái dân quân của nông trường, trèo lên cây, giương súng bắn gãy cánh quạt một chiếc trực thăng. Máy bay vội hạ xuống, nhóm lính Mỹ chạy tán loạn”.

O du kích nhỏ khi ấy vừa tốt nghiệp cấp hai, được huyện gọi lại, cấp cho một khẩu súng trường cùng đội dân quân của xã đi tìm toán phi công. “Tôi thấy một lính Mỹ trong bụi rậm, đứng dưới gốc cây. Tôi cũng sợ vì anh ta to lớn và có súng. Nhưng tôi vẫn bình tĩnh chĩa súng lên trời bắn 3 phát chỉ thiên. Viên phi công vội để hai khẩu súng xuống đất, giơ tay đầu hàng”.

Cô Lai kể: “Chúng tôi áp giải phi công về huyện, không biết bác Phan Thoan đã chụp bức ảnh khi nào”.

"Sau khi bắt phi công, tôi được phong chức xã đội phó, nhưng tôi xung phong vào chiến trường làm y tá. Tôi nhẹ cân quá, phải xung phong mãi mới được đi. Tôi đâu có biết gì về bức ảnh và bài thơ”

Số là khi ấy, nhà nhiếp ảnh Phan Thoan, cũng bất ngờ có mặt và chụp được bức ảnh áp giải tù binh. Hình ảnh người nữ du kích chỉ cao 1,47m, nặng 37 kg trong khi viên tù binh Mỹ cao 2,2m và nặng 125 kg đã làm rung động toàn thế giới. Bức ảnh như một biểu tượng đầy ý nghĩa về một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng bất khuất trước cường quốc.

Tố Hữu cảm xúc trước bức ảnh đã làm những câu thơ: O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế! To gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu.

Năm 1967 bức ảnh được đưa lên tem thư và phát hành khắp thế giới. Các nhà báo quốc tế cố gắng tìm tung tích người du kích nhỏ, nhưng chẳng thấy tăm hơi.

Cô Lai thì kể: “Sau khi bắt phi công, tôi được phong chức xã đội phó, nhưng tôi xung phong vào chiến trường làm y tá. Tôi nhẹ cân quá, phải xung phong mãi mới được đi. Tôi đâu có biết gì về bức ảnh và bài thơ”.

Đội y tế cảm tử

Trong khi khắp nơi truyền nhau bài thơ của Tố Hữu thì cô Lai đang làm việc trong một đội quân y tại chiến trường Quảng Trị, mặt trận giằng co với nhiều chiến dịch trên không và trên bộ.

Họ là đội điều trị 52, khoảng 50 người, trong đó 12 bác sĩ. Thường xuyên phải di chuyển để tránh sự tấn công của kẻ thù. “Hai tháng chúng tôi lại bí mật chuyển đến một địa điểm mới. Xóa hết mọi dấu vết” - cô Lai kể. Họ là đơn vị y tế tuyến đầu, cấp cứu thương binh ngay tại chiến trường. Thương binh nhẹ được điều trị tại chỗ, thương binh nặng sau khi cấp cứu sẽ chờ để chuyển về tuyến sau.

Mỗi khi có các trận đánh, đội lại tổ chức các tổ phẫu đi theo mũi tấn công. Cô Lai nhớ lại: “Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến trường B5 căng thẳng. Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm, thậm chí nhiều ngày không ngủ, không kịp ăn. Thương binh nhiều, máy bay địch oanh tạc không ngừng nhằm ngăn chặn bước tiến của ta”.

Xe chở thương binh về tuyến sau, các chị gửi tiền phụ cấp nhờ mua gương lược… “Chúng tôi chỉ có hai bộ quân phục mùa đông và mùa hè, không được cấp áo ngực” - Người du kích năm nào giờ đã là một người y tá kiên định, nhưng dù sao thì cô cũng vẫn chỉ là một thanh niên tuổi đôi mươi.

Đội điều trị 52 không lạ những cảnh bộ đội hi sinh ngay trên tay mình. Trong bom rơi đạn nổ họ vẫn không sao nhãng công việc chăm sóc thương binh. Họ phải biết tự bảo vệ. Cô Lai nhớ lại: “Một hôm chúng tôi đang chuyển địa điểm thì máy bay giặc lao tới, cắt bom như mưa vào đội điều trị. Khắp nơi đất trời như nổ tung. Tôi bị sức ép của bom và bị một mảnh bom găm vào bụng”.

Ngày hôm sau người y tá trẻ mới tỉnh lại. Mảnh bom đã được gắp ra khỏi người nhưng cô muốn xỉu đi khi biết tin hai đồng đội hi sinh. Y tá Lê Thị Luyến người Quảng Bình và nhân viên hậu cần Trần Thị Nam người Hà Tĩnh đã ngã xuống. Cô Lai nhớ lại: “Luyến nhỏ mà cao còn Nam hơi lùn. Chúng tôi con chấy cắn đôi. Cả đội điều trị âm thầm khóc suốt một ngày. Chúng tôi đã không thể cứu được đồng đội của mình vì vết thương họ quá nặng”.

Bùi ngùi một ước mong

Một hôm, Lai nhận được lá thư từ miền Bắc, người bạn báo tin ảnh Lai bắt phi công được in lên tem đấy. Người nữ y tá rất ngạc nhiên, không tin vào mắt mình.

“Tôi sợ mình bị đưa ra tuyến sau. Đội đang cần người làm việc”. Nữ y tá trẻ xung phong vào chiến trường để làm việc, cô rất sợ bị đưa khỏi B5.

Vào Quảng Trị từ năm 1967, bị thương năm 1968, nhưng cuối năm 1969 cô Nguyễn Thị Kim Lai mới trở ra Bắc. Lý do điều động là sức khỏe của nữ y tá này không đảm bảo nữa. Bị sức ép bom nên tai của cô cũng có vấn đề.

Chuyển ra Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Kim Lai làm ở bệnh viện cho đến lúc về hưu. Cô trở thành người nổi tiếng, nhiều nhà báo quốc tế tìm đến. Họ muốn gặp nhân chứng để khẳng định bức ảnh trên con tem là có thật, không phải dàn dựng. (Một tài liệu cho biết tù binh trong bức ảnh là William Andrew Robinson, nhân viên trên máy bay trực thăng, được thả vào tháng 2 năm 1973).

Dù nhiều báo viết về thành tích bắt phi công William Andrew Robinson, nhưng cô Lai luôn trăn trở nhớ đến đồng đội của mình ở chiến trường B5: “Năm 1979 nghe tin Đội được điều ra Bắc để phục vụ chiến trường biên giới. Sau cuộc chiến tranh ấy, Đội đã giải thể. Đội điều trị 52 hoạt động độc lập, khi chiến tranh kết thúc thì nó không tồn tại nữa”.

Cô Lai đã cung cấp thông tin, giúp gia đình Trần Thị Nam tìm được mộ của liệt sĩ này. Nhưng sau nhiều năm, cô Lai không gặp được đồng đội nào.

“Tôi nhớ Đội trưởng của tôi là bác sĩ Mạc Quý, đội phó là bác sĩ Phả - cô Lai thở dài - Lúc ấy nhiều bác sĩ lớn tuổi hơn chúng tôi, nên có lẽ qua đời rồi. Tôi chỉ hi vọng gặp được những bác sĩ và y tá trẻ cùng độ tuổi thôi. Giờ tôi cũng gần 70 rồi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.