Ước nguyện của người vợ liệt sỹ nghèo

Ước nguyện của người vợ liệt sỹ nghèo
TP - Bà Lê Thị Tao (xã Sơn Trà, Hương Sơn, Hà Tĩnh ) - vợ liệt sĩ Lê Quốc Dương - chỉ mong ước có được một ngôi nhà tình nghĩa để đặt chiếc bàn thờ hương khói cho chồng, khỏi tủi hổ vong linh người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Ước nguyện của người vợ liệt sỹ nghèo ảnh 1
Bà Lê Thị Tao với căn nhà tạm bợ

Phận nghèo đeo bám

Những ngày cuối năm 2005, khi báo Tiền phong đang xây nhà tình nghĩa cho mẹ con chị Tịnh - thân nhân liệt sỹ Lê Văn Thân, sống nương nhờ trong nhà Bưu điện xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), một phụ nữ tên là Lê Thị Hiền ngoài 40 tuổi, dáng gầy gò tìm gặp chúng tôi sụt sùi, trình bày nguyện vọng.

“Mẹ em cũng là vợ liệt sỹ, hiện nay chưa có chỗ ở, đang sống trong một ngôi nhà tạm bợ còn khổ hơn cả mẹ con chị Tịnh. Nhờ các anh cùng giúp đỡ” - chị Hiền nói.

Theo chân người phụ nữ ấy men dọc con dốc dài, vào xóm ngửa mặt nhìn lên trên gò đất cao gặp ngôi nhà lá dựng chênh vênh không có đường đi lối lại. Phải lựa thế, chúng tôi mới leo lên được mảnh sân chật hẹp để vào căn nhà tạm bợ này.

Chủ nhà là bà Lê Thị Tao (sinh năm 1940), vợ liệt sỹ Lê Quốc Dương (sinh năm 1938), thân hình ốm yếu từ trong buồng khó nhọc chống gậy bước ra, gật đầu thay lời chào khách.

Chúng tôi hỏi: “Đường lên xuống khó khăn như vậy, bà đi lại bằng cách nào?”. “Phải bò thôi các chú, đất đai không có, đứa con rể cho mượn được chút gò ni đành phải dựng nhà lên mà ở, biết mần răng!” - Bà già trả lời một cách khó nhọc.

Nhìn dáng bộ tiều tụy và gương mặt thất thần, đoán chừng như bà vừa mới qua một nỗi đau nào quá lớn.

Chị Hiền, người con gái đầu kể: “Gia đình vừa làm lễ cất khăn tang cho người con trai cuối cùng trong nhà vừa mới mất. Mẹ em không còn nơi nương tựa nào khác. Đây là cái gò đồi, chúng em phải đào sâu xuống mới dựng được căn nhà cho mẹ ở”.

Bà Tao khóc nức nở ôn lại quãng đời cơ cực: “Năm 1960, khi ấy tôi vừa tròn 20, lấy ông Dương lúc đó cũng mới 22 tuổi. Vợ chồng tôi đều làm nghề dạy học.

Sau 8 năm xây dựng gia đình với nhau, tôi sinh được ba đứa con. Đứa đầu là Lê Thị Hiền (sinh năm 1963). Đứa thứ hai tên là Lê Quang Trung (sinh năm 1965). Đứa thứ ba tên là Lê Tiến Hùng (sinh năm 1967).

Đầu năm 1968 có lệnh tổng động viên, ông Dương đang dạy học ở xã Sơn Bình đã lên đường nhập ngũ. Sau đợt huấn luyện 3 tháng ông về thăm nhà một lần rồi vào chiến trường.

Năm 1971, thêm một lần sinh đôi, hai đứa đặt tên là Lê Thị Lĩnh và Lê Quốc Hồng. Những năm chiến tranh ác liệt vùng ni giặc bắn phá dữ dội phải tản cư vô ở trong xứ Rú Cầu, tôi đành bỏ trường lớp, về cày cuốc làm thuê làm mướn nuôi con khôn lớn, chờ ngày chiến thắng đón bố cháu về.

Ngờ đâu, ngày 30/1/1974, nhận được giấy báo tử ông Dương đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Tưởng rằng đây là nỗi đau thương lớn nhất của đời tôi, ngờ đâu hai đứa Lê Quốc Hồng, Lê Quang Trung cũng lần lượt bỏ mẹ ra đi...”.

Câu chuyện kể trong nước mắt của bà Lê Thị Tao, chắp nối lại hiện lên cả một chuỗi dài đau thương trọn nửa thế kỷ. Niềm hy vọng cuối cùng của bà gửi vào người con trai tên là Lê Tiến Hùng, được cho ăn học hết cấp III, cũng không còn.

Năm 1987, Hùng được người anh trai của bà Tao tên là Lê Khánh Triệu, cán bộ ở Nông trường Tây Hiếu (Nghệ An) đưa đi làm công nhân.

Từ túp lều ở Rú Cầu, cư trú suốt những năm sơ tán, bà Tao dắt thêm đứa con út là Lê Thị Lĩnh ra Nghĩa Đàn. Ba mẹ con dựng một túp lều ở xóm Rú Cọi sinh sống.

Khi người anh trai lên làm giám đốc nông trường, đời sống mẹ con bà Tao được nâng đỡ một phần đáng kể. Sau hơn 10 năm tưởng yên thân nơi đất khách quê người, ngờ đâu năm 1999, Lê Tiến Hùng phát bệnh, ốm mòn vô phương cứu chữa.

Ước nguyện của người vợ liệt sỹ nghèo ảnh 2
Bàn thờ liệt sỹ Lê Quốc Dương và con trai

Năm 2000, bà Tao đành phải đưa con về quê. Nơi cư trú không còn, đành phải gửi Lê Tiến Hùng vào nhà em trai chồng là chú Lê Quốc Liệu, còn bà Tao về ở nhờ nhà người con rể là Phan Tiền, chồng của cô Lê Thị Hiền.

Năm 2002, Lê Tiến Hùng mất, quan tài con cũng phải đặt nhờ nơi nhà chú. Thế là niềm hy vọng và chỗ dựa cuối cùng lúc tuổi già sức yếu không còn nữa.

Lúc ấy, người con rể bị tai nạn liên tục dẫn đến kiệt quệ gia tài. Bà Tao không thể ở chung, đành dựng túp lều trên mỏm đất cheo leo trong vườn người con rể sống tạm.

Ước mơ cuối đời

Với căn nhà tạm bợ trên mỏm đất này không thể làm nơi thờ cúng lâu dài người cha liệt sỹ và ba đứa em trai, chị Hiền đã nhờ chúng tôi can thiệp với địa phương mong được giúp đỡ.

Năm 2006, UBND xã đã chia cho bà Tao một ô đất dưới ruộng thấp trũng bên hành lang QL 8A, nằm sát cái cống thoát nước. Người em trai của chồng là Lê Quốc Tùng, từng là một sỹ quan ở Bộ tư lệnh Không quân hiện nghỉ hưu ở Hà Nội giúp hơn 10 triệu đồng đổ đất. Bà Tao đã dời ngôi nhà tạm dựng lên, bốn bề che chắn bằng thứ lá cọ và mảnh vải bạt sinh sống qua ngày.

Bà nghẹn ngào kể: “Hiện tại tiền trợ cấp được 470.000 đồng đủ sống nhưng không thể làm được việc gì khác. Tôi sắp bước sang tuổi 70 nhưng vẫn trường kỳ sống trong ngôi nhà ẩm thấp, tạm bợ. Thân tôi khổ đã đành, chỉ thương ông Dương và các con không có nơi thờ tự. Nhìn xóm làng thiên hạ nhà xây tường vôi, mái ngói... càng xót cho phận mình, tủi hổ thêm cho chồng đã có công hy sinh vì nước”.

Khi chúng tôi chui vào ngôi nhà ẩm thấp này nhìn lên phía bàn thờ cha con liệt sỹ Lê Quốc Dương với bộ ấm chén sơ sài đặt dưới mái lá cũ kỹ thật không thể tin nổi, vẫn còn một bàn thờ liệt sỹ như thế.

Suốt mấy chục năm từ khi Nhà nước tặng bằng Tổ quốc ghi công, vì nhà dột nát nên tấm bằng ấy cũng đã hỏng. Hiện còn lại duy nhất tấm Huân chương chiến sỹ vẻ vang nhưng chẳng có chỗ nào để treo, bà phải xếp lại trong hòm, mỗi lần ai hỏi mới trưng ra.

Nhìn gia cảnh bà Tao thật sự xót xa. Có lẽ đây là ngôi nhà tạm bợ duy nhất còn lại của một thân nhân liệt sỹ ở Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Sơn Trà cho biết: Hiện tại xã Sơn Trà có 3.500 nhân khẩu, bình quân thu nhập là 3.5 triệu đồng/người/ năm.

Cả xã có nhân đến 99 gia đình liệt sỹ và thương binh nặng. Nguồn ngân sách của xã còn gặp rất nhiều khó khăn. Những gia đình chính sách nếu làm nhà mới được huyện hỗ trợ 5 triệu đồng, nếu lợp lại được hỗ trợ 2 triệu đồng.

Riêng gia đình bà Lê Thị Tao địa phương đã cấp cho một suất đất bên QL 8A trị giá hàng chục triệu đồng.

Hiện tại địa phương không có điều kiện để làm nhà tình nghĩa cho bà Tao, rất mong các tổ chức từ thiện giúp đỡ. 

Tháng 11/2007

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.