“Vác tù và” lo chuyện người dưng

“Vác tù và” lo chuyện người dưng
Từ anh Đức rồi anh Sơn, tôi khám phá ra một mạng lưới từ thiện khá độc đáo của những Phật tử quanh năm quên mình đi “ăn mày” với tâm niệm thương người như thể thương thân.
“Vác tù và” lo chuyện người dưng ảnh 1
Đoàn từ thiện thăm bệnh nhân Nguyễn Thị Phán (anh Sơn đứng thứ 3, anh Đức đứng thứ 4 phía trước từ trái qua)

Anh Nguyễn Ngọc Đức đã chạy tới Văn phòng báo Tiền Phong ở Tây Nguyên xin giúp đỡ cho “người dưng” đến lần thứ 3. Lần thứ nhất anh kêu cứu cho mấy bố con nọ vô gia cư, đùm túm nuôi nhau trông rất thảm trên chiếc xe cải tiến kéo qua phố chợ.

Lần thứ hai anh kêu cho một gia đình đồng bào Ê đê ở vùng sâu không may bị nổ đạn cối sập nhà chết con. Lần thứ ba kêu cho một bệnh nhân nghèo không tiền chữa bệnh, sợ mai này mình chết đi đàn con không biết lấy gì mà sống.

Biết anh đã vét hết túi trong nhà rồi mới ra đường kêu, tôi hỏi : Anh chuyên “sưu tầm” những trường hợp cùng khổ vậy sao? Đức gật đầu: Cứu một người phúc đẳng hà sa mà chị.

Nguyễn Ngọc Đức là chủ của 2 chiếc xe tải ở nhà số 195/1/21 đường Phan Chu Trinh. Vợ anh nguyên làm nghề kế toán nay đã thôi việc ở nhà giúp chồng. Đức an ủi vợ: “Thôi em ở nhà đọc sách kinh, nuôi dạy con học cho giỏi vào đại học, giúp anh làm việc thiện là công lớn rồi! ”.

Thật ra trước kia Đức cũng là một tay chơi có hạng, vợ khuyên miết không nghe. Ham chơi nhưng hào hiệp, mỗi lần những người hay làm công tác xã hội liên hệ nhờ xe đi chở quà cho dân nghèo, Đức đều xung phong tự đổ xăng phục vụ miễn phí.

Thấy Đức có tâm, anh Sơn - Trưởng đoàn từ thiện Phật Quang, Cư Mgar bèn cho Đức mượn băng đĩa, sách đạo do một vị chân sư biên soạn. Nghe hay quá, Đức gặp Thầy rồi xin quy y luôn cho cả nhà. Từ đó bỏ rượu bỏ thuốc lá, bỏ nghề buôn gỗ phá cây.

Ngoài giờ làm việc kiếm sống, hễ rảnh lúc nào anh lại vè vè xe máy tìm đến nơi có người đang cần cứu vớt để giúp đỡ. Đức tâm sự: “Đời nhiều người khổ cùng tận, vô bệnh viện tỉnh thấy liền. Thường ở đó khi có người chết đêm, thân nhân cần chở xác về ngay hay bị cò chém chặt, bắt chẹt.

Bữa trước có bà kia nghèo quá, con mười mấy tuổi bịnh chết không dám gọi ô tô, phải nhờ xe thồ đặt xác cháu ngồi giữa, mẹ ngồi sau ôm ngoặt ngoẹo về tận huyện Krông Nô. Đường rừng tối thui, anh xe thồ lấy hết can đảm chạy cả đêm, 5 giờ sáng mới quay về tới phố”.

Sau khi biết việc này, anh Đức quyết định có ai nghèo qua đời trong bệnh viện, cần chở miễn phí đêm hôm xa gần trong tỉnh, cứ gọi cho anh theo số 091.3453716, anh tới ngay!

Anh Phạm Ngọc Sơn sinh năm 1959 ở Điện Bàn, Quảng Nam. 10 năm trước anh ở Long Khánh làm nghề thuốc bắc, châm cứu kiêm tướng số tử vi, ỷ đọc nhiều hiểu rộng nên đầy tự phụ kiêu mạn cho tới khi gặp được Tỳ kheo Thích Chân Quang ở một ngôi chùa đơn sơ trên núi Dinh ở Bà Rịa Vũng Tàu.

Trước sự nôn nóng thể hiện cái tôi tài ba thông làu kinh sách của Sơn, Thầy chỉ điềm đạm hỏi: Là người Việt Nam, anh đã giúp gì cho đất nước? Sơn ngớ ra. Thầy hỏi tiếp: Thế giới 6 tỉ người, anh đã giúp gì cho nhân loại ? Sơn bí, bắt đầu thấy phiền não.

Thầy hỏi câu thứ ba: Là Phật tử, anh đã giúp gì cho Phật giáo Việt Nam? Sơn bỗng thấy miệng đắng ngắt. Về nhà nghe hết 30 băng cát sét lời thầy giảng về Phật pháp, Đạo đức,Tâm từ, tự nhiên anh đổ nước mắt, xấu hổ vô cùng. Từ đó mới hiểu thấu lời dạy ông bà từ xưa đã nói: Thương người như thể thương thân.

Vợ chồng Sơn trẻ khỏe, cực kỳ chăm chỉ siêng năng nhưng lên Đăk Lăk lập nghiệp đã 8 năm vẫn chưa có một tấc đất riêng nào, chỉ vì quá hăng say làm việc thiện. Một Phật tử cũng nghèo nhưng có mảnh thổ cư rộng rãi dưới chân đồi Cư Mgar vui lòng cho vợ chồng anh mượn đất cất nhà.

Giữa 2 ngôi nhà gỗ lợp tôn đơn sơ nằm song song bên nhau nhiều năm rồi vẫn chan hòa mối quan hệ từ bi đầm ấm. 5 năm trước anh làm đơn Xin trồng rừng tự nguyện gửi Hạt Kiểm lâm huyện Cư Mgar- Đăk Lăk, thưa rõ anh tự lo mọi chi phí, khi rừng 3 tuổi tốt tươi phủ xanh đồi Cư Mgar anh sẽ bàn giao lại cho Nhà nước quản lý. Cán bộ trả lời: Dân không được phá rừng, cũng không được tự tiện trồng rừng!

Không được làm sạch phổi đời, Sơn đi lay động tim người. Là Đoàn trưởng đoàn Phật tử từ thiện Phật Quang huyện Cư Mgar, Sơn vận động anh em giúp đỡ người nghèo và đồng bào buôn làng thiếu đói vì thiên tai hay mùa giáp hạt về cả tinh thần lẫn vật chất, tổng trị giá hàng ngàn suất quà quyên góp được tới nay đã lên đến vài trăm triệu đồng.

“Vác tù và” lo chuyện người dưng ảnh 2
Y Sắc Niê đang hát cho đồng bào xã Cư Mgar huyện Cư Mgar nghe về tình nhân ái trong chuyến cứu trợ tháng 7/2005

Đoàn còn vận động đồng bào không nghe lời kẻ xấu chia rẽ, Thượng- Kinh đoàn kết, tích cực lao động làm giàu cho bản thân và đất nước. Những việc làm tốt đời đẹp đạo của đoàn như hương lành bay xa, Sơn ngày càng nhận được nhiều “ đơn đặt hàng” của các Hội Chữ Thập Đỏ xã, huyện.

Riêng ở huyện Cư Mgar, tháng 4/2005 Đoàn tích cực chung tay cùng bộ đội Tiểu đoàn 303 và Cty Đầu tư Phát triển buôn Ya Wầm làm lại chiếc cầu gỗ nối từ xã Ea Kiết qua xã Ea H’đing.

Tháng 6/2005 Đoàn đã xin đất và mua được 1 cái xác nhà cũ, để từ chỉ 6 triệu đồng quyên góp được, dựng cho vợ chồng cụ Huỳnh Nhị không chốn nương thân một căn nhà tình thương bền chắc rộng hẳn 42m2, rồi tiếp tục chạy vạy đưa chị Nguyễn Thị Phán 35 tuổi 7 con triền miên thiếu ăn lại bị suy thận nặng vào điều trị tại BV Chợ Rẫy.

Tháng 7/2005 cùng Đoàn từ thiện Phật Quang Bà Rịa- Vũng Tàu vào xã Cư Mga tặng quà cứu trợ cho 100 gia đình đứt bữa vì hạn hán... Khi vào vai “ ăn mày”, dù người hảo tâm cho tiền triệu tiền nghìn hay chị bán vé số chắt chiu góp năm bảy trăm đồng lẻ, anh Sơn cũng khiêm nhượng cúi đầu đón nhận để “ góp gió thành bão” sẻ chia cho người nghèo khó.

Ông Cao Thế Khảm - Phó chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ huyện Cư Mgar nhận xét: Anh em trong đoàn từ thiện Phật Quang Cư Mgar làm việc thiện hết sức nhiệt tình, tự giác và vô tư, từ năm 2001 đến nay phối hợp hoạt động với chúng tôi ngày càng hiệu quả, gây dựng được lòng nhân ái trong cộng đồng cho nhiều người noi theo.

Mới đây anh Phạm Ngọc Sơn đã được Hội từ thiện Phật Quang cử lên làm Đoàn trưởng từ thiện Phật Quang tỉnh Đăk Lăk, phụ trách gần 100 Phật tử thuộc các dân tộc Kinh, Thái, Êđê, Dao.

Trong những thành viên dân tộc thiểu số tích cực của nhóm, Y Sắc Niê buôn Huê B 30 tuổi nổi bật vì vừa hát hay, đàn giỏi, lại biết ứng khẩu sáng tác ca khúc tại chỗ để phục vụ mọi người. Hôm vào bệnh viện trao tiền của bạn đọc báo Tiền Phong cho mẹ con cháu H’Huê, Y Sắc tìm cách diễn đạt về tình thương yêu nhau giữa đồng bào các dân tộc anh em để phiên dịch mà xúc động rơi nước mắt.

Hy vọng mầm thiện tốt tươi đang ươm từ trái tim những Phật tử mộc mạc chân thành như Đức, như Sơn, như Y Sắc kia sẽ sớm lan tỏa thành cây xanh gieo hạt cho đời.

MỚI - NÓNG