Cuộc đọ sức tháng chạp năm 1972 trên bầu trời Hà Nội:

Vạch nhiễu tìm thù hạ 'ngáo ộp' B52

Vạch nhiễu tìm thù hạ 'ngáo ộp' B52
 TP - Nhằm cứu vãn ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn khỏi sự sụp đổ, Tổng thống Mỹ Nixon vội vã leo thang đánh phá miền Bắc, đỉnh cao là chiến dịch Linerbacker II, tháng 12/1972, dùng “siêu pháo đài bay” B52 ném bom hủy diệt vào thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng...

Đế quốc Mỹ ngạo mạn tuyên bố sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá... 12 giờ trưa ngày 18 tháng 12 năm 1972, những tốp B52 đầu tiên cất cánh từ căn cứ Anderson trên đảo Guam nhằm hướng đông thẳng tiến. Chiến dịch phòng không quy mô lớn nhất cuộc kháng chiến chống Mỹ  của quân và dân miền Bắc lập tức khởi động ...

Ngày 18 tháng 12 năm 1972 : Vạch nhiễu tìm thù trong đêm tối

Vạch nhiễu tìm thù hạ 'ngáo ộp' B52 ảnh 1
B52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội tháng chạp năm 1972  Ảnh: TTXVN

Trời rét đậm, đầy mây và đen sẫm từ chập tối. Gió bấc hun hút thổi. Mưa phùn giăng phủ. Giá buốt thấu xương. Đường phố Hà Nội hôm nay yên lặng khác thường. Từ mấy ngày qua, quá nửa dân số thành phố đã sơ tán về các miền quê. Đến chiều ngày 18/12, lệnh sơ tán được đôn đốc thực hiện triệt để. Những người không có trách nhiệm đều phải ra đi về các vùng nông thôn.

Ở lại Hà Nội chỉ có cơ quan chỉ đạo tác chiến tối cao, các cơ quan chỉ huy, các lực lượng trực tiếp chiến đấu, lực lượng tự vệ vừa sản xuất, vừa chiến đấu và những người có trách nhiệm. Các phương tiện giao thông trên đường phố thưa thớt hẳn.

Những toa tàu điện đã dừng hoạt động từ chập tối. Trên đường phố, chỉ có các loại xe quân sự, xe của lực lượng công an, xe cứu thương, xe vận tải hoạt động. Đâu đây vọng lại tiếng cười lanh lảnh của mấy cô gái tự vệ trêu đùa nhau; tiếng chảy róc rách từ một vòi nước công cộng không đóng chặt. Hồ Gươm thỉnh thoảng bị xáo động bởi làn gió bấc quất ngang mặt nước.

Bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và cả nước cũng yên tĩnh hơn mọi ngày. Trừ một vài tốp máy bay trinh sát khí tượng của địch hoạt động trên biên giới Việt -Lào, một chiếc C130 và dăm ba chiếc A6 bay tuần tra ven biển khu 4, toàn chiến trường Đông Dương không có máy bay B52 và các loại máy bay khác của địch hoạt động. Các màn hình của hệ thống radar cảnh giới quốc gia đều trong vắt, không một gợn nhiễu.

Giữa cái lúc tĩnh lặng hòa bình man trá ấy, Bộ Tổng tư lệnh nhận định: Đây là triệu chứng địch sắp đánh lớn.

18 giờ, những dải nhiễu đầu tiên xuất hiện trên các màn hiện sóng của bộ đội radar. Lần lượt từ đoàn Sông Mã, đoàn Phù Đổng, rồi đến đoàn Tô Hiệu và đoàn Ba Bể, các đại đội đều báo cáo về việc radar bị nhiễu. Toàn Quân chủng phòng không không quân được lệnh vào cấp 1.

Tại Hà Nội, Tư lệnh sư đoàn 361 Trần Quang Hùng và Chính ủy sư đoàn Nguyễn Văn Giang, Phó tư lệnh Trần Nhẫn và Phó chính ủy Nguyễn Đắc Thái đều xuống các đơn vị để kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Tham mưu trưởng sư đoàn Nguyễn Đình Sơn và Phó chính ủy Phạm Văn Bời trực chỉ huy chiến đấu tại Sở chỉ huy K2 cạnh sân bay Bạch Mai. Các đài radar nhìn vòng  12 của các tiểu đoàn hỏa lực tên lửa vừa mở máy đã thu được các giải nhiễu đậm đặc, có lúc làm trắng xóa cả màn hình.

Cùng với tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược B52 là bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ. Mỗi chiếc B52 có trọng lượng không tải 221 tấn, thân dài 48,27m, sải cánh 56,42m, cao 10,39m (B52G), được lắp đặt 8 động cơ turbin phản lực có sức đẩy mỗi chiếc 4.500 KG. Với lượng nhiên liệu mang theo tối đa là 140 tấn, bán kính hoạt động thực tế của B52 là 6.400km. Trần bay không tải cao nhất của B52 là 16,5km, khi tiếp cận mục tiêu, B52 có thể bay với vận tốc 900km/h. B52 đời sau (kiểu D,G,H) có  thể đem theo 30 tấn bom và trút 30 tấn bom đó trong 10 -15 giây, tạo thành những loạt chấn động nổ có sức phá hoại cực mạnh, những vệt bom dài với các điểm nổ cách nhau từ 12 đến 20m, những hố bom chi chít kề nhau như cảnh tượng mặt trăng bị thiên thạch bắn phá. John Foster Dallas, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Harry Truman từng nói: “Nằm dưới tầm B52, đối phương chỉ còn cách cầu Chúa”.

Đối đầu trước tiên với B52 Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm chính là bộ đội radar Việt Nam. 18 giờ 15 phút, Trung đoàn radar 290 (đoàn Sông Mã) phát hiện nhiễu dải mật độ lớn ở khu vực phương vị 2700.

Chính ủy binh chủng radar, thượng tá Đặng Tuất ra lệnh cho tất cả các trung đoàn radar cảnh giới đồng loạt mở máy phát sóng, chuyển sang chế độ tập trung phát hiện địch ở cường độ cao, đặc biệt chú ý hai hướng Tây - Tây Nam và Đông - Đông Nam.

18 giờ 30 phút, Đại đội 37 và các đài bắt thấp của Trung đoàn radar 291 (đoàn Phù Đổng) đã quét chặn bắt và quản lý chặt 4 tốp F111A từ Tacly (Thái Lan) vượt qua Lào xâm nhập Thanh Hóa và Tây Bắc.

Cùng lúc, đài radar đo cao của đại đội 16 (đoàn Sông Mã) do Trung úy Tô Trọng Huy điều khiển đặt tại Đèo Ngang phát hiện một vệt sáng đậm và dài, in hằn trên vạch độ cao 11 km giữa lưới tọa độ hình gối của màn hiện sóng đang loang lổ chỗ tối, chỗ sáng do các loại nhiễu gây ra.

Đường chỉ thị tia quét dọc của radar đo cao trên màn hình lúc đứt đoạn, lúc nháy lấp lóa, lúc giảm hẳn độ sáng. Dải nhiễu tuy hẹp nhưng có lúc gợn đục, có lúc mịn màng. Bằng kinh nghiệm thực tế chiến đấu nhiều năm trên vùng đất Quảng Bình, đồng chí Tô Trọng Huy điện báo về Trung tâm chỉ huy cảnh giới quốc gia: Tín hiệu nhiễu B52 đã xuất hiện.

Chỉ vài phút sau, Sở chỉ huy binh chủng radar cũng nhận được báo cáo của đài radar phương vị thuộc đại đội 45, trung đoàn 291. Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần phụ trách đài này đã nhìn thấy ba chấm sáng nhỏ như trứng sâu lúc ẩn lúc hiện trên dải nhiễu đang từ màu cam sẫm, chuyển sang vàng nhạt ở cự ly 120 km trong khu vực phương vị 2750.

Vạch nhiễu tìm thù hạ 'ngáo ộp' B52 ảnh 2
“Rồng lửa Thăng Long” vút lên đánh B52

Các tốp B52 đầu tiên đang bay trên vùng trời Xiêng Khoảng (Lào) vượt qua vĩ tuyến 20 đã bị “tóm” gọn. Chiến sĩ Hồ Thị Sinh, phụ trách tiêu đồ tại Sở chỉ huy tiền phương binh chủng radar đóng tại Nghệ An báo cáo: Tất cả có 21 chiếc B52; đồng thời đánh dấu đầy đủ đường bay của toàn bộ 7 tốp B52 xuất hiện đầu tiên lúc 18 giờ 25 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972 trên tấm bản đồ miền Bắc khổ lớn làm bằng mica trong suốt.

Lúc 18 giờ 20 phút, các đài đo cao và đo xa ven biển của Trung đoàn 290 và Trung đoàn 293 cũng báo cáo phát hiện trên biển Đông nhiều tốp mục tiêu loại lớn, có cùng độ cao và tốc độ như của B52. Bộ Tổng tham mưu lệnh cho bộ đội radar xác minh ngay vì cũng trên đường bay này, rạng sáng ngày 16 tháng 4 năm 1972, B52 đã vào đánh phá thành phố Hải Phòng.

Ít phút sau, các đại đội 18 (đoàn Sông Mã) và 24 (đoàn Tô Hiệu) đều trả lời: Tín hiệu mục tiêu luôn chao đảo, nhấp nháy, đường bay không ổn định. Bộ Tư lệnh radar nhận định: Đây là các tốp F giả B52. Còn các tốp B52 thật đã vượt vĩ tuyến 20 và hướng xâm nhập đầu tiên vào Hà Nội là từ phía Bắc Lào.

Ngay lập tức, nhận định này được báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu. Đồng chí Phó Tư lệnh quân chủng Nguyễn Quang Bích trực tiếp hỏi lại Bộ Tư lệnh ra đa: “Radar có đảm bảo chắc chắn là B52 đã vượt vĩ tuyến 20 không?”.

Đồng chí Đặng Tuất, chính ủy binh chủng khẳng định: “Chắc chắn là B52 đã vượt vĩ tuyến 20 ở hướng Tây Nam”. Thông tin cực kỳ quan trọng này được báo cáo ngay cho Tổng hành dinh. Thiếu tướng Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng, trực chỉ huy Bộ tổng tham mưu ngày 18 tháng 12 hạ lệnh: “Kéo còi”.

Tiếng còi báo động phòng không khẩn cấp cùng lúc rú từng hồi trên toàn lãnh thổ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Bắc Bộ; từ Hà Nội đến Hải Phòng, từ Yên Bái, Việt Trì đến Lạng Sơn, từ Hà Tây, Nam Định đến Thái Nguyên.

Hôm đó, chúng ta đã báo động phòng không trước khi máy bay địch xâm nhập 45 phút, sớm hơn thường lệ 35 phút để nhân dân có điều kiện phòng tránh kỹ càng, để các đơn vị chiến đấu có thời gian chuẩn bị tốt hơn, giành thế chủ động ngay từ trận đầu. Bộ tư lệnh binh chủng radar đã bàn giao đầy đủ các tốp B52 đầu tiên cho bộ đội tên lửa, cao xạ và không quân “xử lý”.

Rồng lửa Thăng Long hạ “ngáo ộp” B52 đầu tiên 

Vào hồi 20 giờ 13 phút, B52 tiếp tục đánh phá. Các tiểu đoàn 57, 59 và 94 của Trung đoàn 261 được lệnh đánh tập trung, tiêu diệt tốp 671 đang từ hướng núi Tam Đảo lao xuống đánh các kho hàng, chân hàng ở Đông Anh, Cổ Loa.

Tại trận địa Cổ Loa, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng, chính trị viên Vũ Văn Đương, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận, các trắc thủ Nguyễn Văn Linh (cự ly), Lê Xuân Tứ (góc tà) và Nguyễn Văn Độ (phương vị) thuộc kíp 1 của tiểu đoàn 59 đã bám sát đúng dải nhiễu đậm và mịn nhất trong tốp,  phóng lên 2 quả đạn đã đánh trúng tốp 671.

Chiếc B52G bị bắn rơi đầu tiên trong chiến dịch bốc cháy như bó đuốc khổng lồ, rơi thẳng xuống cách đồng Chuôm, Phù Lỗ, Đông Anh; cách trận địa chưa đến 10 km.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp  nhớ lại giây phút ấy của 35 năm trước: “ 20 giờ 20 phút. Chuông điện thoại đổ hồi. Ở đầu dây bên kia là đồng chí Nguyễn Quang Bích, Phó Tư lệnh Phòng không Không quân: “Báo cáo Đại tướng, hồi 20 giờ 16 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 bộ đội phòng không Hà Nội bắn rơi tại chỗ một chiếc B52.

Tôi hỏi lại: Có đúng B52 không? Báo cáo đúng là B52. Tin chiến thắng xé toang bầu không khí căng thẳng. Tổng hành dinh náo nức trong niềm vui  được thấy “con ngáo ộp” B52 không còn là bất khả xâm phạm trước “những con “rồng lửa Thăng Long”. Tôi bước ra Sở chỉ huy, trời rét đậm và mưa bụi, nhưng lòng tôi ấm áp lạ thường”.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.