Vào “đại bản doanh của tử thần”

Vào “đại bản doanh của tử thần”
Trại giam trên 2000 phạm nhân có án rất nặng, được xếp vào loại nguy hiểm, khoảng 500 trong số đó nhiễm HIV! Nhiều người cho rằng nơi đây chẳng khác nào “đại bản doanh” của tử thần. Phóng viên Tiền Phong đã vào đó để nghe đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố và chứng kiến những điều ngoài sức tưởng tượng...
Vào “đại bản doanh của tử thần” ảnh 1
Bác sĩ Hùng (ảnh nhỏ) - người "chung sống" với hàng trăm phạm nhân HIV

Trèo cây, cắt ven cổ, nuốt dao lam vào bụng...

Thượng úy, bác sỹ Lại Xuân Hùng có gương mặt và đôi mắt dễ khiến cho những phạm nhân “ết” cảm thấy được  an ủi và thấu hiểu đến mức có thể gửi gắm lời trăng trối trước khi từ giã cõi đời. Năm ngoái, anh đã chứng kiến cái chết của 60 phạm nhân “ết”, năm nay cũng đã có 40 phạm nhân “ết” qua đời tại trại giam Xuân Nguyên - Thủy Nguyên - Hải Phòng.

Mỗi một người tù “ra đi”, một nỗi buồn đọng lại với người bác sỹ này, nhưng làm sao để chăm sóc, chữa trị và chung sống với hàng trăm phạm nhân HIV đang sống luôn là một công việc mà chỉ sự tận tụy thôi thì chưa đủ.

Bị kết án tù, lại thêm một bản án “ết”, những phạm nhân đó còn gì để mất? Nên chỉ cần một chút hơi “phật ý”, phạm nhân “ết” có thể nổi khùng, không chịu ăn, không chịu uống thuốc, bất cần đời như Chí Phèo. 

Bác sỹ Hùng vẫn nhớ như in phạm nhân Nguyễn Duy Chương (tức Võ), bị kết án tù vì buôn ma túy. Chương buôn ma túy một phần để “tự cung tự cấp” và bị dính “ết” qua đường tiêm chích. 

Một hôm, Chương đánh bạc, vi phạm nội quy nhà giam bị cán bộ nhắc nhở, y tức giận trèo lên cây, dùng dao lam cắt ven tay cho máu chảy xuống xối xả. Y ngồi trên đó và tuyên bố một câu xanh rờn với bác sỹ Hùng: “Nếu ông lên, tôi sẽ nhảy xuống”.

Đối với Chương chết chẳng là gì. Trong tình huống tiến thoái lưỡng nan, bác sỹ Hùng đành phải nịnh Chương cho y mềm lòng chịu “tiếp đất”. Với con dao lam sắc lẻm - vật bất ly thân, Chương còn có một trò quái chiêu khác. Khi bức xúc điều gì, Chương lại dọa nuốt dao lam.

Có một lần, như để chứng tỏ “khẩu khí” của mình, Chương đã nuốt phăng lưỡi dao lam vào bụng. Những ngày sau đó,  Chương đau đớn quằn quại. Bác sỹ Hùng lo lắng theo dõi toát mồ hôi. Chẳng lẽ khoanh tay ngồi nhìn Chương chết? Mà mổ bụng một người đã mắc bệnh “ết” để lấy dao lam ra sẽ cực kỳ nguy hiểm. May thay đến ngày thứ 7, lưỡi dao lam đã buông tha gã tù liều lĩnh này.

Phạm nhân “ết” Nguyễn Thế Cường bị kết án 16 năm tù vì buôn ma túy còn có hành động ghê người hơn. Có lẽ vì chán sống, gã dùng dao lam cắt ven cổ tự sát. Máu từ cổ chảy đầm đìa xuống ngực, nhưng gã không cho bác sỹ băng bó.

Lúc đó, bác sỹ Hùng phải tất tả đi mời một số bạn thân của gã tội phạm bất cần đời này đến để khuyên giải. Cuối cùng, Cường chịu để cho cán bộ khâu lại vết thương. Cũng may, gã cắt chưa đúng động mạch, nếu không thì chắc “đi” rồi.

Đôi lúc, căn bệnh thế kỷ trở thành một thứ vũ khí để phạm nhân đe dọa, “ra giá” hay làm mình làm mẩy với cán bộ trại giam. Có những gã vi phạm nội quy, đã nổi khùng lao đầu vào tường, máu chảy lênh láng, sau đó lấy hai tay xoa lên đầu cho dính đầy máu. Và bàn tay ròng ròng máu có vi rút HIV đó sẵn sàng bấu lên người bất cứ ai, bất cứ đồ vật gì.

Một phạm nhân dùng móng tay cứa cổ cho máu chảy ra, rồi trong một phút điên loạn đã cấu vào người cán bộ. Một thời gian sau, tiến hành xét nghiệm, người cán bộ đó may mắn không bị “ết”.

Tôi cùng bác sỹ Hùng vào trại giam Xuân Nguyên vào một chiều hè nắng như đổ lửa. Phía bên kia sông là một công trường khai thác đá, bụi và tiếng ồn theo chiều gió bay cả sang bên này. Giữa nắng, gió, bụi và tiếng ồn ấy, mới thấy quý những bóng cây xanh ở sân trại.

Nhưng bác sỹ Hùng cho biết, trại đã phải “nghiến răng” chặt đi mấy cây xanh. Vì sao vậy? Thì ra, vẫn là nạn phạm nhân nhiễm HIV trèo tót lên cây, nói với cán bộ câu muôn thuở: “Nếu ông lên tôi nhảy xuống”. Có những cây vông đầy gai mà phạm vẫn trèo lên thoăn thoắt. Không còn cách nào khác, tiếc cây lắm nhưng vẫn phải chặt hạ.

Quyền lực của tình thương

Nhưng giữa cán bộ, bác sỹ và phạm nhân không phải lúc nào cũng đối đầu như vậy. Bao trùm lên vẫn là sự đồng cảm, sẻ chia mà nếu thiếu đi điều đó, cái trại giam này sẽ loạn lên mất. 

Có quyền lực nào khiến phạm nhân “ết” – những người không còn gì để mất nữa - chịu sống trong trật tự? Quyền lực đó mang tên tình thương.

Mùa đông, chăn đệm đang khô ráo, một phạm nhân “ết”, không tự đi ngoài được, “xoẹt” ra đấy, các bác sỹ lại phải đưa đi giặt ngay. Mà chuyện “xoẹt”  xảy ra thường xuyên như cơm bữa, chăn đệm đâu cho đủ, trong khi không thể để phạm nhân chịu lạnh.

Mùa hè, với những người tù đã mắc “ết” vào giai đoạn cuối, bệnh lao, tiêu chảy, lở loét, hành hạ, ruồi muỗi từ đâu kéo đến từng đàn. Bác sỹ Hùng và các đồng nghiệp phải  làm việc trong điều kiện đó không chỉ trong 8 tiếng đồng hồ.

Họ chăm sóc phạm nhân “ết” bằng thứ tình cảm dành cho người thân, không hề có sự ghê tởm hay khiếp sợ. Liều thuốc hiệu nghiệm nhất, khả dĩ giúp phạm nhân “ết” kéo dài sự sống chính là tinh thần, là niềm tin và hy vọng. Nhiều khi, một câu nói động viên, vài cử chỉ ân cần của bác sỹ cũng giúp những người xấu số kia qua được cơn hiểm nghèo.

Có một phạm nhân nhiễm “ết” đã vào giai đoạn cuối nhưng không chịu uống thuốc. Anh ta tuyên bố: “Xong sớm, nghỉ sớm”. Khi bác sỹ Hùng ân cần khuyên giải, anh ta mới tâm sự: “Thưa với thầy, cháu biết bệnh của cháu rồi, đằng nào cũng chết thôi”. “Thế bây giờ anh muốn gì?”. Người phạm nhân “ết” đó bày tỏ một nguyện vọng khiến bác sỹ rưng rưng: “Cháu chỉ muốn cứ mỗi buổi sáng thầy xuống đây nhìn cháu”. 

Nghĩa trang “ết” và nỗi buồn của người bác sỹ

Hơn 10 năm nay, bác sỹ Lại Xuân Hùng không nhớ hết ở trại giam Xuân Nguyên có bao nhiêu phạm nhân “ết” đã từ giã cõi đời. Chỉ biết, nghĩa trang để chôn cất họ đã chật kín rồi. Khi phạm nhân “ết” chết, họ  không phải mặc áo tù, sẽ được chôn trong quan tài gỗ và trại giam sẽ đứng ra lo mọi thủ tục chôn cất như một người bình thường.

Tôi theo chân bác sỹ Hùng ra nghĩa trang dành riêng cho phạm nhân “ết”, trong bóng chiều bảng lảng chợt ngấm vào tâm hồn cái không khí cô liêu hiu hắt, buồn đến tê lòng. Lô xô những ngôi mộ dưới chân núi đá, một vùng rợn mắt bởi sắc trắng của vòng hoa. Đọc bia mộ thấy toàn người chết trẻ. Nghĩa trang chật chội đã đào sẵn 5, 6 cái huyệt.

Bác sỹ Hùng bảo phải chuẩn bị trước như thế, bởi có những thời điểm phạm nhân “ết” chết một lúc 4 người, chôn không kịp. Nghĩa trang nằm ở chân núi đá, đào xuống lửa tóe ở đầu lưỡi cuốc, có khi cả ngày mới xong một huyệt.

Lại một phạm nhân “ết” nữa sắp ra đi, anh ta được đưa ra nằm dưới gốc cây bàng cho mát. Mắt nhắm nghiền, chân tay gầy như ống sậy không còn cử động nữa. Ngồi bên cạnh anh ta, ngoài bác sỹ còn có một phạm nhân đeo băng đỏ ở cánh tay.

Đó là Nguyễn Duy Hùng, đội trưởng đội trợ giúp của trại giam Xuân Nguyên. Đội trợ giúp gồm những người bệnh “ết” được Sở Y tế Hải Phòng tập huấn kỹ năng, để giúp nhau trong ốm đau, bệnh tật. Hùng nói: “Có những việc bỏ tiền ra không ai dám làm.

Ngay cả dân bị “ết” với nhau, nếu thiếu tình thương thì cũng thấy ghê ghê khi chăm sóc cho một bạn tù đang giai đoạn cuối. Nhưng được giám thị trại giam và các cán bộ, bác sỹ thường xuyên đến động viên, bọn em chẳng nề hà gì đâu”.

Hùng đã nghe không biết bao nhiêu lời trăng trối của bạn tù. Những lời trăng trối giản dị đến nao lòng: “Mình muốn về nhà để chết; Đừng cho con tôi biết tôi chết vì “ết”...”. Gương mặt xanh xao, Hùng cười buồn thổ lộ rằng sẽ gắng cải tạo tốt để được sớm đặc xá, không phải nói lời trăng trối trong tù.

Thế là trại giam lại vắng thêm một cư dân nữa, nhưng không vì thế mà công việc của các cán bộ, bác sỹ ở đây vợi bớt. Hàng ngày bác sỹ Hùng và các đồng nghiệp vẫn lặng thầm với những công việc có tên và không tên, đầy cực nhọc, nguy hiểm. Trong khi, ngoài lương ra, chế độ phụ cấp dành cho họ chẳng đáng là bao.

Dù vậy, ở đây chuyện bác sỹ bỏ tiền túi ra để mua thuốc cho phạm nhân cũng không có gì lạ. Thời gian dành cho gia đình cực kỳ ít ỏi, nhưng nhờ người vợ giáo viên đảm đang nuôi dạy con cái nên bác sỹ Hùng có thể toàn tâm toàn ý với công việc.

Về nhà, anh hầu như không kể về công việc ở cơ quan, vợ anh cũng chỉ biết rằng chồng mình là bác sỹ ở trại giam chứ chưa hình dung được nghề này vất vả, nguy hiểm như thế nào.

Người bác sỹ mang sắc phục công an ấy tâm sự: “Phạm nhân “ết” này chết, lại có một người ngoài xã hội mắc tội và nhiễm “ết” “bổ sung” vào đây. Cho nên, số phạm nhân nhiễm “ết” ở trại vẫn không giảm. Chẳng lẽ cứ mãi thế này ư?”. Đôi mắt anh chợt buồn.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.