Vào “rốn” ma túy ở đầu nguồn sông Mã - kỳ 2

Vào “rốn” ma túy ở đầu nguồn sông Mã - kỳ 2
TP- Qua nhiều đèo dốc cao chót vót, đến bản Pù Quăn ở tận rừng xanh núi thẳm, chúng tôi tìm vào ngôi nhà của  một “ẩn sĩ” dân tộc Dao mà danh tiếng về bài thuốc cai nghiện ma túy  đã vượt ra khỏi những dãy núi điệp trùng của huyện Mường Lát.

Kỳ I: Vào “rốn” ma túy, mật phục và đọ súng

Kỳ II: “Ẩn sĩ” rừng xanh và bài thuốc cai nghiện ma túy

Trong  ngôi nhà lợp bằng ngói Pơ Mu nằm  giữa bản,  một người đàn ông đang phơi những thang thuốc lá, chòm râu đen nhánh, đôi mắt sáng, gương mặt  toát lên cái vẻ thông tuệ và có gì đó bí ẩn của một “ẩn sĩ” ở nơi thâm sơn cùng cốc.  Ít ai ngờ, “ẩn sĩ” rừng xanh này một thời nghiện thuốc phiện đến mức cuộc đời tưởng như đã tàn héo…

Vào “rốn” ma túy ở đầu nguồn sông Mã - kỳ 2 ảnh 1
Ông San và cuốn “sổ  đen” ghi tên những người nghiện Ảnh: Tiến Dũng

23 năm chung sống cùng “nàng tiên nâu”

Dưới mái nhà lớp ngói Pơ Mu, ông Tăng Ngọc San đã kể về những ngày chìm đắm trong làn khói đầy mê dụ của thuốc phiện: “Tôi năm nay đã ngoài năm mươi tuổi nhưng đã có một quãng đời hơn hai mươi năm sống cùng “nàng tiên nâu”. Tuổi thơ tôi sống trong bạt ngàn hoa anh túc và từ nhỏ đã quen với khói thuốc phiện trong xó nhà ám cả vào giấc ngủ. Ông nội nghiện, bố nghiện. Cả ngày đi làm nương, tối về phải hầu bàn đèn cho ông và bố, tôi nghiện lúc nào không hay”.

Năm 1952, gia đình ông cùng nhiều người dân di cư từ xã Trung Lí chuyển đến Pù Quăn xã Pù Nhi dựng bản mới. Hành trang mang theo còn cả những cái bàn đèn để hút thuốc phiện. Và những ngày tháng đó, nương rẫy vẫn dành cho cây thuốc phiện vốn rất hợp với khí hậu vùng cao. Hoa anh túc nở tươi cả những sườn núi chạm mây mù, trong khi đó cuộc đời nhiều ngươi dân ở đây đã héo úa vì loại cây này.

Ngày ấy, mời nhau hơi thuốc phiện được coi như “đầu câu chuyện” của dân bản, hễ có đám giỗ, đám cưới bàn đèn lại được ngả, nam phụ lão ấu đều chìm trong khói thuốc. Có người hút nhiều đến nỗi, khi chết hoả táng còn đọng lại một “cục thuốc” đen sì không cháy nổi. Đói nghèo vì thế mà bấm riết lấy cuộc đời những con nghiện. Nhà San cũng xơ xác nghèo.

Vợ con làm quần quật như trâu ngựa mà vẫn đói, mỗi năm thiếu ăn vài ba tháng trở thành chuyện thường ngày. Cũng vì nghèo, mà con của ông San dù đến tuổi dựng vợ gả chồng vẫn không có ai để mắt đến. Ông day dứt lắm, đã nhiều lần tự giam mình cự tuyệt với “nàng tiên nâu”, nhưng cứ đến bữa “ăn thuốc” thì lại đành “tháo cũi sổ lồng”.

Ngôi nhà rách nát càng thêm cô liêu bởi tiếng kêu khóc của ông San mỗi lần đói thuốc. Bà Tăng Thị Diệp -  mẹ  ông vốn là một thầy lang có tiếng trong vùng cũng đành bất lực nhìn con vật vã lên cơn nghiện. Nhưng nhận thấy con mình quyết tâm cai, bà khuyên San cùng mình tìm các vị thuốc Nam trong rừng để cắt cơn. Ông San bắt đầu lao vào tìm hiểu các vị thuốc.

Mùa trăng này sang mùa trăng khác, đôi chân của ông đã trèo qua biết bao ngọn núi, đỉnh đèo, lội qua biết bao con suối của miền Tây Thanh Hóa, thậm chí sang cả nước bạn Lào tìm cây thuốc. Tìm được cây nào, ông đều sắc lên uống thử. Dưới sự hướng dẫn của mẹ, ông đã tìm được 15 cây thuốc Nam. Dù có vốn hiểu biết về những bài thuốc cổ truyền của người Dao, và sau khi đã nghiên cứu kĩ, nhưng kể cũng “liều” khi hai mẹ con San quyết định trộn 15 vị thuốc lại với nhau để uống thử.

Tăng Ngọc San nhớ lại giây phút uống bát thuốc “liều” ấy: “Cả hai mẹ con tôi hồi hộp và lo lắng. Nhưng tôi đã uống hết bát thuốc đó. Sau vài giờ tôi bỗng thấy buồn ngủ. Tôi ngủ một mạch cho đến sáng hôm sau, và thật kỳ lạ, thay cho cảm giác thèm thuốc phiện, tôi lại thèm ăn cơm” ...

Thấy bài thuốc cai nghiện có hiệu nghiệm, ông tiếp tục pha chế và tự biến mình thành vật thí nghiệm. Những ngày tiếp theo ông tiếp tục uống và mừng đến rơi nước mắt khi cơn vật thuốc đã bay biến đi đâu mất. Đến ngày thứ 10, ông dừng uống thuốc. Mặt trời lên lưng chừng núi, cả nhà vỡ oà trong niềm vui khi thấy San làm việc trên nương rẫy, như một lực điền.

Cách đây nửa tháng thôi, cứ mặt trời lên lưng chừng núi, San lại “ăn thuốc”. Nhưng cuộc đời của người đàn ông này giờ đã sang một  trang mới. Ngày cuối xuân năm 2003 ấy, ông đã nói lời vĩnh biệt với “nàng tiên nâu” sau 23 năm sống trong khói thuốc phiện.

“Ẩn sĩ” xuống núi “săn” người nghiện

Tin San tự cai nghiện lan ra khắp bản, nhưng nhiều người không tin. Nhiều con nghiện đã đến nhà San, bỏ bàn đèn ra hút. Nhưng San vẫn dửng dưng. Các con nghiện sờ tay, sờ chân San, thấy San khác trước thật rồi.

Tận thấy công hiệu của bài thuốc này, chính quyền đã vận động người dân Pù Quăn cai nghiện. Nhiều người nghiện, gầy đến mức trông như bộ xương di dộng cũng tìm đến nhà San. Sau một tháng trời, một điều nghe như phép lạ đã xẩy ra: 14 con nghiện của bản đã cắt được cơn nghiện.

Ông San cho tôi xem cuốn sổ ghi tên từng người đã cai nghiện được như: Chẹo Râu Sa (nghiện 18 năm), Chẹo Văn San (nghiện 13 năm), Tặng Văn Ú (nghiện 16 năm)...

Những dòng chữ trong cuốn sổ cứ dài ra mãi...Và lại thêm một điều khiến tôi kinh ngạc nữa: chưa một trường hợp nào ghi trong cuốn sổ này tái nghiện.

Tiếng lành đã vượt qua những dãy núi, chẳng mấy chốc, rất nhiều người nghiện ở khắp nơi tìm đến nhà Tăng Ngọc San xin uống thuốc lá cai nghiện. Bản Pù Quăn  ở chót vót trên đỉnh núi, từ xã Pù Nhi lên cũng mất gần bảy tiếng, vậy mà có những ông già đã bắt con cháu trèo đèo lội suối, khiêng mình đến tận nơi.

Ông San tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện bài thuốc của mình. 15 loại cây rừng, bản thân ông cũng không biết gọi tên mà chỉ nhớ đi lấy rồi băm nhỏ phơi khô. Mỗi một loại nghiện lại phải dùng liều lượng thuốc khác nhau. San phân thuốc thành 3 loại: nghiện “trắng” (Heroin)  đen (thuốc phiện), đỏ (hồng phiến).

Nghiện “đen” chỉ cần sắc 1-2 ấm thuốc, uống xong nếu thấy nước tiểu đen sì là khỏi. Nghiện “trắng”, uống xong nước tiểu có màu trắng trứng gà thì sẽ khỏi. Nghiện “đỏ” nếu nước tiểu toàn bọt là có dấu hiệu khỏi.

Hàng ngày, căn nhà giữa bản của ông San đón tiếp rất nhiều người nghiện, từ Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội, Phú Thọ... Hẹp nhà rộng bụng, ông ần cần với tất cả mọi người. Cho dù đông khách đến cai nghiện, nhưng ông vẫn nghèo bởi ông giúp họ chẳng phải vì tiền, mà đa số những con nghiện đến đây đều khánh kiệt sau những năm tháng sống cùng “nàng tiên nâu”.

Nhưng người đàn ông dân tộc Dao này vẫn cảm thấy mình giàu vì nhận được nhiều tấm lòng tri ân của bà con dân bản, của người dân khắp mọi nơi. Họ đã gửi hàng trăm lá thư đến cảm ơn khi thoát khỏi ma túy.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, ông San nhận được một đơn cầu cứu khẩn thiết của ông Hơ Khua Đua và ông Pùa Nà, hội người cao tuổi bản Khăm Nàng - một “cái rốn” của thuốc phiện ở huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước Lào: “Khăm Nàng ngày 5/8/2005. Tôi nghe tiếng ông đã lâu. Bản tôi có nhiều người nghiện. Nhà cửa họ tan hoang, con cái bị bỏ đói nheo nhóc, nương rẫy bỏ hoang. Nếu tình hình này tiếp tục, tôi e rằng bản Khăm Nàng của chúng tôi sẽ bị ma túy xóa sổ mất. Vậy tôi viết đơn này mong ông giúp đỡ chúng tôi”.

Ông San lập tức gửi thuốc và hướng dẫn cách sử dụng tới bản Khăm Nàng. Một thời gian sau, nhiều người dân ở bản đã lặn lội tìm đến Pù Quăn mang gà, nếp cảm ơn ông.

Triệu Văn Chày, 40 tuổi, nghiện trên 10 năm sau khi được thừa hưởng nửa cân thuốc phiện từ người bố mới qua đời. “Nàng tiên nâu” đã khiến cho Chày như cái xác không hồn, gia đình đói triền miên. Sau khi nghe tiếng bài thuốc của ông San, gia đình đưa Chày đến cai nghiện. Uống thuốc xong, Chày ngủ ly bì cả ngày đêm, gọi không dậy. Gia đình bắt đầu lo lắng thì  sáng hôm sau, Chày tỉnh dậy với cảm giác... sợ mùi khói thuốc phiện và thèm ăn. Uống hết ấm thuốc, Chày đã đoạn tuyệt hẳn với “nàng tiên nâu”.

Nhưng ông San bảo: “ Đối với cai nghiện ma túy, thuốc rất quan trọng, nhưng chẳng có thần dược nào có thể thay được ý chí con người. Uống thuốc của tôi  chỉ giúp cắt cơn còn có từ bỏ được ma túy là do ý chí của mỗi người”.

Bận rộn với bài thuốc cai nghiện, nhưng “ẩn sĩ” rừng xanh này vẫn thường hạ sơn đi “săn” người nghiện. Riêng ở Pù Nhi, ông đã thống kê được 50 người nghiện để ghi vào cuốn “sổ đen” của mình.  San muốn bắt tay vào “dự án” lớn nhất của đời mình: cai nghiện cho tất cả những con nghiện mà mình đã dày công “săn” được.  San cho biết “dự án” ấy đã được chính quyền địa phương thông qua và ủng hộ.

Tôi bỗng nghĩ, bài thuốc của San cũng rất cần được các nhà khoa học nghiên cứu, kết luận một cách cẩn trọng, nếu thực sự hiệu nghiệm, cần được quảng bá thành thương hiệu và sản xuất cũng như phân phối rộng khắp cả nước chứ không thể cứ ở “ẩn” mãi tận bản Pù Quăn nơi rừng xanh núi đỏ. Ông già người Dao này có lẽ cũng cần được tiếp sức cho những gắng gỏi cai nghiện ma túy ấy, cho cả 15 vị thuốc Nam mà bản thân “ẩn sĩ” cũng chưa biết gọi tên.

MỚI - NÓNG