Vật lộn với dòng nước Chôm Lôm

Vật lộn với dòng nước Chôm Lôm
TP - Khoác bộ đồ thợ lặn lên người, cộng thêm cặp chì nặng 8kg, Lam ôm thêm cả tảng đá nhảy xuống sông tìm kiếm 5 học sinh mất tích và con đò bị đắm.
Vật lộn với dòng nước Chôm Lôm ảnh 1
Lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm con đò đắm và thi thể 5 em học sinh. Ảnh: Hoàng Hảo

“Tại bến Chôm Lôm có dòng xoáy rất mạnh, tôi bị hút chìm xuống dưới đáy sông rồi lại bị đẩy lên mặt nước. Dưới đó nhiều phiến đá dựng đứng và hang sâu hun hút, xung quanh tối tăm chẳng nhìn thấy gì cả” - Lam kể.

Bàng hoàng! 

6 giờ 30 ngày 7/10, đắm đò ở Chôm Lôm. 19 học sinh Trường THCS Lạng Khê chết và mất tích.

“Trưa hôm đó chúng tôi đang ở Hải Phòng, nghe tin vụ đắm đò ai nấy đều xúc động. Mười mấy năm làm nghề trục vớt, chưa bao giờ chúng tôi tham gia cứu hộ một vụ tai nạn nào thương tâm như thế. Nạn nhân toàn là học sinh, thật đau lòng!” - Anh Trần Đình Chiến - Đội trưởng đội trục vớt cứu hộ cứu nạn, XN đảm bảo an toàn GT đường sông Hải Phòng (thuộc Cty Vận tải và xếp dỡ đường thủy nội địa, Bộ GTVT) nói. 

Sáng 8/10, nhận được lệnh xuất quân, kíp thợ lặn vội vàng thu gom máy móc, tập hợp nhân sự tại chốt cầu Bình (Hải Phòng), cầu Đuống (Hải Dương), lên đường vào Nghệ An. “Hành trình nặng nề và dài dằng dặc. Trên đường đi, chúng tôi nói về các em học sinh bị nạn, có thợ lặn không cầm lòng được, họ đã khóc”-  Anh Chiến ngậm ngùi.

0 giờ ngày 9/10 xe xịch đỗ trước cổng UBND huyện Con Cuông. Mưa như trút, đêm đó Con Cuông không ngủ, ánh đèn cao áp soi tỏ những khuôn mặt người mỏi mệt.

Thợ lặn nhận bàn giao công việc, họ về nhà khách nhưng không ai có thể chợp mắt. Hình ảnh của bến đò xa xăm lạnh lẽo hiện về thật gần, tiếng sóng nước vọng lại xôn xao.

4 giờ 30, có mặt tại bến đò Chôm Lôm. Quen “chinh chiến” ở địa bàn đồng bằng, vùng biển, bây giờ đến miền sơn cước – nơi có địa hình núi đá hiểm trở, độ dốc lớn và dòng chảy xiết, nên thợ lặn phải thận trọng khi xuống nước.

Phán đoán là các học sinh mất tích và con đò đắm bị nước đẩy vào mạn bờ trái, phía bản Chôm Lôm, suốt hai ngày 9-10/10, Trần Đình Chiến cho anh em rà soát dọc bến sông, vào nơi có dòng xoáy dữ dội nguy hiểm nhất, nhưng “con đò định mệnh” và thi thể các học sinh xấu số vẫn mất hút.

“Chúng tôi đã đem hết nỗ lực, vận dụng hết kinh nghiệm, nhưng bất lực. Kể cả khi các nhà ngoại cảm vào cuộc, lực lượng công binh đem máy dò kim loại để hỗ trợ tìm chiếc thuyền đắm, song mọi sự cố gắng đều trở nên vô vọng” - Giọng anh Chiến buồn buồn.

Vật lộn với dòng nước Chôm Lôm ảnh 2
Thả thuyền trên sông Lam đưa tiễn bạn. Ảnh: Hoàng Hảo

Mỗi ngày bên bờ sông nghe tiếng người mẹ gào khóc gọi tên con, nhìn hình ảnh người cha lên thuyền với đội cứu hộ đi tìm con, lòng anh quặn thắt.

Người dân Chôm Lôm đề nghị, hãy cho cha của các em cùng đi với đội thợ lặn, may ra bằng linh cảm của người thân mới tìm thấy xác con cái mình. Thân nhân của học sinh yêu cầu thợ lặn xuống nước chỗ nào, họ sẵn sàng chấp nhận, kể cả ở những khúc sông có mực nước sâu, nhiều ghềnh đá.

Một tuần liền rã rời ở bến Chôm Lôm, tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Con đò bằng gỗ có thể đã “đi” theo dòng nước, nhưng tại sao thi thể của 5 học sinh còn lại không nổi lên? Thật lạ lùng.

Đội trưởng Trần Đình Chiến cùng kíp thợ lặn đưa ra giả thiết cuối cùng: “Sau khi chìm đò, các em học sinh trôi dạt trên sông, va vào đá ngầm hoặc bị cành cây đâm vào cơ thể, nếu cơ thể bị rách, không tích tụ đầy hơi thì không nổi lên được. Vậy thì các em vẫn còn quanh đâu đây”.

Lại mò mẫm đáy sông. Từ xã Lạng Khê đến Châu Khê, Chi Khê, 3 người thợ suốt ngày ngụp lặn trên quãng sông dài gần 20km. Lao vào “cửa tử”: những dòng xoáy kinh người, lùng sục ở vùng nước quẩn có độ sâu không dưới 15m. Mỗi ca lặn, thợ phải ngâm dưới nước 2-3 giờ đồng hồ, có hôm mải mê làm việc quên cả giờ nghỉ. Thu quân ở thị trấn Con Cuông thì đêm đã về khuya.

Hôm Đài truyền hình và Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức chương trình “Nhịp cầu Chôm Lôm”, hàng vạn khán giả lặng người khi nghe Đội trưởng Trần Đình Chiến thông báo: “Cho đến giờ phút này, có thể nói rằng tung tích về con đò bị chìm và thi thể của 5 em học sinh đã nằm ngoài tầm kiểm soát của các thợ lặn!”. Trần Đình Chiến không dám dùng từ “bất lực”, “vô vọng”. Anh sợ làm Chôm Lôm đau thêm.

Dù công việc đã “ngoài tầm kiểm soát”, dù hy vọng mong manh, nhưng kíp thợ vẫn chưa rút quân. “Chúng tôi đang dốc hết sức mình cho cuộc tìm kiếm, mong được thoả lòng người dân Lạng Khê!” - Anh Chiến tâm sự.

Chuyện của người thợ lặn

22 giờ 30 ngày 25/10.

Tôi gặp Lê Văn Lam – một trong 3 thợ lặn của Xí nghiệp đảm bảo ATGT đường sông Hải Phòng tại phố núi Con Cuông – Nghệ An. Vừa trở về từ Chôm Lôm, mái tóc anh rối bời vì sương lạnh.

Quê Bố Trạch, Quảng Bình, chàng trai 36 tuổi đời đã có 10 tuổi nghề. Hàng giờ liền ngâm mình dưới nước đối với thợ lặn chẳng có gì là ghê gớm, nhất là với độ tuổi sung mãn như Lam, nhưng khó khăn ở chỗ địa hình lòng sông miền núi rất phức tạp.

Phù sa dày đặc khiến xung quanh tối như bưng, mấy ngày đầu bị kẹt vào những phiến đá nhọn như lưỡi mác cũng cảm thấy “sờ sợ”, sau thì quen dần. Một mình xuống sông, cả khi hoàng hôn và khi trời còn mờ hơi sương, Lam tiến đến vùng nước sâu nhất phía thượng nguồn.

Lê Văn Lam là người đầu tiên lao vào “vòng xoáy tử thần” – vị trí xảy ra vụ đắm đò. “Khoác bộ đồ chuyên dụng lên người, thêm cặp chì nặng khoảng 8kg và ôm một tảng đá nặng, tôi nhảy vào điểm xoáy.

Ngay lập tức, tôi bị hút xuống đáy sông cách hàng chục mét rồi lại bị dòng xoáy đẩy ngược lên mặt nước. Thật kinh hoàng” - Lam kể.

“Đã có 34 người chết chìm tại dòng xoáy Chôm Lôm, không hiểu dưới lòng sông như thế nào?”. “Gần bờ phía Quốc lộ 7 toàn cát sỏi, mặt đất tương đối bằng phẳng và dòng chảy êm đềm. Nhưng phía bên này mới kinh, toàn đá dựng đứng, có những phiến đá cao 2-3m tua tủa đâm lên trời. Đi xuống hạ lưu khoảng 50m gặp 2 cái hang sâu nằm chồng lên nhau. Hang phía trên nước chảy ra, trong khi hang bên dưới nước ồ ạt chảy vào, nếu đứng không vững, không có dây bảo hiểm thì có thể bị hang nước nuốt chửng”.

“Liệu thi thể của 5 học sinh mất tích có bị nước cuốn vào trong hang đá hay không?” - Tôi hỏi.

Lam nhìn ra bầu trời ướt đẫm cơn mưa: “Cũng khó, vì xuất hiện nhiều khối đá mọc lên gần cửa hang”.

“Mỗi ca lặn 2-3 tiếng đồng hồ mới lên bờ, thợ lặn có cảm thấy mệt không?”.

“Người ta thở bằng mũi, cả buổi bọn tôi phải ngậm ống dưỡng khí thở bằng mồm, cũng mệt!”.

Tham gia cứu hộ tại Chôm Lôm, nhóm thợ lặn gồm 3 người: Lê Văn Lam, Trần Văn Sơn và Đoàn Xuân Phong. Sơn quê ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; Phong quê Thái Bình, đã 10 năm theo nghề sông nước, tung hoành khắp mọi góc bể, chân trời.

Năm 1989, tàu Hồng Lam 10 trọng tải 6.000 tấn gặp bão bị đắm tại cảng Cửa Lò, các đội cứu hộ dùng mìn phá thân tàu, giải phóng luồng lạch ra vào cảng biển. Đợt đó hàng trăm “lính thuỷ” xung trận, phải huỷ tàu để thông tuyến, công việc kéo dài trong 2 năm 1989- 1990 mới hoàn thành.

Trục vớt tàu đắm là nhiệm vụ chính của những người cứu hộ. Năm ngoái, tàu Nam Bắc 36 (trọng tải 600 tấn) chở đầy than bị sóng đánh đắm tại cửa Bò Vàng – Quảng Ninh, trong vòng 9 ngày, Xí nghiệp an toàn giao thông đường sông Hải Phòng đã cứu được tàu, bàn giao cho chủ.

 “Tả xung hữu đột nơi biển cả, chưa bao giờ thợ lặn thất bại. Thế mà gần 20 ngày vật lộn với sông Lam, chúng tôi vẫn chưa thu được kết quả nào, thật buồn. Tôi cảm thấy tim mình se lại khi nghĩ đến khuôn mặt đẫm nước mắt của những người dân Chôm Lôm”, giọng Đội trưởng Chiến chùng xuống.

Trên đường ra bến Chôm Lôm, chúng tôi gặp các em học sinh trường cấp 2 Lạng Khê trở về bản làng sau buổi học. Lên đồi hái chùm hoa dại, lấy giấy học trò xếp thành những con thuyền màu trắng, những người bạn cũ đem thả thuyền giấy và hoa trên dòng Lam.

Hình ảnh con thuyền giấy mỏng manh và đoá hoa màu trắng phiêu dạt trên sóng nước như nói lời đưa tiễn.

MỚI - NÓNG