> Sắp công bố toàn bộ báo Phong Hóa - Ngày Nay của Tự lực văn đoàn
Bao lần trên toa tầu hỏa xuôi Hải Phòng cứ lướt vô tình qua ga Cẩm Giàng của đất Hải Dương. Lướt đi suốt một thời trai trẻ tinh những bấn bíu lo toan. Chợt giật mình ngó trên phương tiện truyền thông, đã chẵn 80 năm Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ). Lần này thì không đừng được, phải ghé Cẩm Giàng...
Hoang phế
Ngay ở ga Cẩm Giàng, xuôi xuống chỉ hơn trăm thước là Trại Cẩm Giàng - cái nôi của TLVĐ. Cứ tưởng là sẽ gặp một ai đó... Nhưng kín mít cửa khóa im ỉm. Hàng rào - thứ người dựng, thứ cây dại giăng lên bít bùng không một lối hở. Tấm biển Nơi lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn (1932-1942) như trêu cợt?
Xuôi xuống chút nữa, tôi đụng một nhà, cửa thông thống. Một anh con trai cởi trần cho biết ông chủ bên nhà đi vắng, nhưng cứ như nguyện vọng của tôi - vào ngó qua là được - đã hăng hái dẫn đi.
Nhưng ba lần vạch cây gai bươn qua những búi cây dại rậm rì, chúng tôi không làm sao lọt vào cái ngõ nền đất mịn màng của khu trại. Anh chàng lại vòng lên ngược lối gần ga rẽ vào một căn nhà xây cất tuềnh toàng.
Một bà đứng tuổi mau mắn tiếp chuyện. Hỏi ra mới biết anh con trai này là chàng rể của bà Hương đây. Nguyên là bộ đội phòng không không quân, ông bà Hương chuyển ngành về Cty lương thực Cẩm Giàng năm 1971.
Ông bà trông coi kho lương thực đặt ở ngay đây. Bà cho biết khi đó cái trại Cẩm Giàng, nghe người ta nói lại, vốn xây cất quy mô nhưng khi ấy chỉ còn lại một gian nho nhỏ.
Sau này ông Đạm (người không có bà con gì gần hay xa với ai trong nhóm TLVĐ đang tiếp quản ngôi nhà có tấm biển) cơi nới xây cất thêm. Kho lương thực bỏ hoang từ lâu. Như vậy toàn bộ khu trại chỉ có 4 nhà: bà Hương, anh con rể, nhà ông Đạm và kho lương thực hoang phế.
![]() |
Hoang phế khu trại ấp Tự Lực Văn Đoàn. |
Tôi nhớm người ngó sang phía bời bời hoang phế. Trên nền nhà ông Đạm hay phía rậm rịt của kho lương thực, ngót 80 năm trước từng hiện diện cơ ngơi của cụ Lê Thị Sâm, thân mẫu các yếu nhân của TLVĐ.
Những dòng trong hồi ký của người con út Nguyễn Tường Bách cứ chập chờn... Viễn tổ ở đất Tống Sơn, Thanh Hóa, gần Gia Miêu ngoại trang, nơi phát tích nhà Nguyễn, sau đó dời vào Quảng Nam.
Cụ tổ có công phò trợ vua Gia Long từ những ngày khốn khó. Khi chưa thành Gia Long, bận ấy hành quân qua xứ Quảng, Nguyễn Ánh trỏ một ngọn núi hỏi cụ tên, cụ nói là Phước Tường.
Nguyễn Ánh chợt vui phán luôn Nguyễn Phước là họ của ta. Vậy ban cho ngươi họ Nguyễn Tường.
Dòng họ Nguyễn Tường phiêu dạt ra Hải Dương rồi về Cẩm Giàng là cả một câu chuyện dài. Ghi rõ đến đời cụ Nguyễn Tường Chiếu, tục gọi là Nhu. Cụ Nguyễn Tường Chiếu sinh năm 1881, vừa học Hán vừa thạo chữ Tây, có thời kỳ sang Sầm Nưa (Lào) làm thông phán toà sứ, nên thường gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu.
Ông Nhu lập gia đình với bà Lê Thị Sâm, con gái cả viên quan võ huyện Cẩm Giàng Lê Quang Thuật, tục gọi Quản Thuật. Ông bà Nhu sinh được 7 người con, một gái sáu trai.
Cả là Nguyễn Tường Thụy sau này làm Tổng giám đốc bưu điện, sinh năm Quý Mão (1903).
Thứ hai là Nguyễn Tường Cẩm, Kỹ sư canh nông, Giám đốc báo Ngày Nay, sinh năm Giáp Thìn (1904).
Thứ ba là Nguyễn Tường Tam, Nhất Linh, sinh năm Bính Ngọ (1906). Thứ 4 là Nguyễn Tường Long - Hoàng Đạo sinh năm Đinh Mùi (1907).
Thứ 5 là Nguyễn Thị Thế, sinh năm Kỷ Dậu (1909). Thứ 6 là Nguyễn Tường Vinh (Lân) - Thạch Lam sinh năm Canh Tuất (1910).
Thứ 7 là Nguyễn Tường Bách, Bác sĩ, sinh năm Bính Thìn (1916). Một nhà có ba anh em một làm chủ súy tự Lực Văn Đoàn (Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam).
Trong bẩy người con, trừ Nguyễn Tường Thuỵ làm kỹ thuật, còn lại 6 người đều có duyên phận văn chương nghệ thuật, tham gia quản lý báo chí và nhà in Tự Lực văn đoàn.
Nhất Linh đa tài hơn cả, ông làm hoạ sĩ, làm báo, say mê nhạc, thổi hắc tiêu rất hay, viết tiểu thuyết có bản lĩnh . Thời kỳ lưu lạc ở Lào, đã dùng nghề vẽ phông kiếm sống chờ thời đi du học.
Các con của bẩy anh chị em Nhất Linh sinh ra trên miền Bắc, sau này vào miền Nam sinh sống, nhiều người cũng theo nghiệp chú bác làm văn chương như Tường Hùng (con trai Nguyễn Tường Thụy gọi Nhất Linh là chú ruột), Thế Uyên ( con trai bà Nguyễn Thị Thế, gọi Nhất Linh là bác), Trần Khánh Triệu (con trai Nhất Linh, làm con nuôi Khái Hưng), Nguyễn Tường Giang (con trai Thạch Lam)...
Cụ Nguyễn Tường Chiếu mất đột ngột bên Lào, cụ bà mới 37 tuổi, cậu con trai út chưa đầy 2 tuổi. Một mình bồng xếch bồng xác, tất tả ngược xuôi chỉ bằng nghề cân gạo kiêm hàng xáo ấy thế mà nuôi dạy cả 7 đứa con nên người.
Phúc đức tại mẫu, con cái nhiều người đỗ đạt cao. Bà mua ba mẫu ruộng cách xa phố huyện khoảng gần một nghìn mét là chỗ nền kho lương thực kia làm nhà để hứng gió trời. Ngôi nhà có cửa quay bốn hướng đông tây nam bắc, trong kính ngoài chớp, cây xanh vây quanh.
Phía trước cửa đằng đông là một chiếc ao hình vuông thả cá, trên bờ trồng rau với hoa. Cả mấy gốc hoàng lan nữa... Thạch Lam hoặc đã ngồi tại trại ấp nhà mình hoặc ở ngôi nhà con Hồ Tây để viết Dưới bóng hoàng lan nổi tiếng?
Cái nhà giữa đồng trống hoác được sự chung xúm của những người con thành đạt dần dà thành một trại ấp nổi danh bởi thường xuyên được các văn nhân lui tới. Đường đi khá thuận tiện, trại lại nằm sát đường tàu, khách ngồi trên xe lửa Hà Nội - Hải Phòng qua đây ngó vào khu trại sầm uất khá thích mắt.
Cũng trại này thành nơi sinh hoạt và hoạt động văn chương của TLVĐ và nhóm Phong Hoá, Ngày Nay. Cái ao nước tù ngó thăm thẳm đương dềnh lên những khoảng bèo tây mà hồi nãy tôi với anh con rể bà Hương tần ngần vì không biết lối ngách nào để chui sang nhà ông Đạm.
Những gợn nước lăn tăn trên mặt ao nhắc nhớ một bài cổ thi. Rằng qua bao tao loạn lưu lạc trở về thì trang ấp đã tàn phá đã đổi thay, còn mỗi một con hồ cũ. Mà gợn nước hồ đích thị là gợn nước của ngày xưa thương mến!
Tôi với anh bạn thừ người trong quán nước ven ga. Lâu lắm rồi mới có cảm giác ngồi bên một ga xép vắng. Tiếng ga Cẩm Giàng bao lâu là ga chính nhưng trông èo uột.
Nhìn mấy khách đợi tàu xiêu xiêu trên sân ga mà mường tượng đến thời quá vãng ấy nhóm làm báo Phong Hóa của TLVĐ những Nguyễn Gia Trí, Tú Mỡ, Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ có cả Xuân Diệu, Huy Cận nữa đáp chuyến tàu về Cẩm Giàng vừa xuống tàu kéo nhau rẽ vào trại ấp vào những dịp Tết hoặc ngày nghỉ.
Thực sự trại ấp Cẩm Giàng để hoang từ bao giờ? Có thể là sau 1954 hoặc sớm hơn vào thời điểm năm 1946, cái nhà danh giá ấy có tới ba người con là đại biểu Quốc hội khoá I (Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam - nhà văn Nhất Linh, Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Tường Long - nhà văn Hoàng Đạo, BS Nguyễn Tường Bách đều có mặt trong Quốc hội đầu tiên của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau này Nguyễn Tường Long Hoàng Đạo bỏ mình bên Trung Hoa vì bạo bệnh trong những tháng ngày lưu vong. Còn sau năm 1954, Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Bách vào hẳn miền Nam.
... Anh bạn nói lấp lửng chả biết đùa hay thật rằng cứ xăm xăm vào nhà người khác mà không hỏi thì có mà mồng thất! Tôi bật cười thì có ai đâu mà hỏi? Thì phải thắp hương xin các cụ xin phép các bậc tiền nhân. Ừ nhỉ, nhưng chợt nhớ hương khói cho dòng họ Nguyễn Tường này chả có ai. Nhà cửa đã không miếu mạo thờ cúng cũng không nốt.
Một ông cụ người manh mảnh ghé vào quán nước cung cách ứng hỏi cứ như một người cũ hỏi khí không phải các bác muốn vào khu trại ấp của TLVĐ? Nghe vậy chợt mừng nhưng cụ ông từ tốn cho hay, sáng nay có người nhà con cháu gì bên nước ngoài về thắp hương cho mộ ông cụ. Con trai tôi là chủ tịch thị trấn đây có tiếp... các bác ra ngay trụ sở Ủy ban thị trấn may ra gặp.
Quả là bất ngờ. Chúng tôi cảm ơn ông cụ rồi quày quả ra xe.
![]() |
Cánh cửa cạnh tấm biển đóng im ỉm. |
Cuộc gặp tình cờ
Trụ sở Ủy ban thị trấn vắng hoe. May phòng làm việc của công an thị mở. Anh Trưởng công an thị trấn nhiệt tình bấm máy gọi cho ông chủ tịch. Chỉ mươi phút có tiếng xe máy. Chủ tịch thị trấn ngó trẻ quá. Anh cầm chiếc thẻ nhà báo ngó một lúc rồi bảo chúng tôi theo.
Lại vòng ra lối gần ga Cẩm Giàng. Qua đường tàu, chạm một căn nhà xây cất cảnh trí bắt mắt. Một ông đứng tuổi vồn vã chào. Trời đất, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quang Thông! Ông Thông cười hề hề: đồng chí Dương chủ tịch đây là hàng xóm.
Trần Quang Thông, nguyên trước cũng là chức sắc thị trấn nhưng niềm say mê của ông là chụp ảnh. Ông Thông quê bên Lý Nhân, Hà Nam nhưng qua đất này làm ăn cầm máy ảnh từ hồi trẻ.
Đã có mấy giải địa phương Trung ương về nhiếp ảnh. Câu chuyện với ông Thông, anh Dương chủ tịch thị trấn cứ dài mãi ra. Đúng như ông thân sinh chủ tịch Dương vừa mách cho chúng tôi, sáng nay, người cháu đích tôn của cụ Phán Nhu bên Pháp tìm về Cẩm Giàng viếng mộ ông nội.
Người cháu ấy là Nguyễn Tường Hùng, con trai cả người con trưởng Nguyễn Tường Thụy. Nhà nhiếp ảnh Quang Thông cứ vanh vách về khu trại ấp TLVĐ. Vào khoảng năm 53-54, ông Thiệp là xếp ga Cẩm Giàng đã sử dụng khu đất này vào việc nhà ga và một phần cho sinh hoạt.
Hoà bình lập lại, chính quyền mới tiếp quản ga Cẩm Giàng, ông Thiệp được giữ lại làm việc với tư cách là cán bộ lưu dung. Khoảng năm 1970, cấp trên điều ông Thiệp về nhận công tác ở ga Giáp Bát - Hà Nội.
Trước khi đi, ông đã bán lại cho người em đồng hao là ông Nguyễn Văn Đạm sử dụng khoảng 2.000m2. Số đất còn lại, chính quyền địa phương giao cho gia đình ông Hồ một phần và sử dụng vào việc xây kho lương thực từ thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Khuôn viên nhà ông Đạm còn một cái ao cũ từ thời bà Nhu ở. Trước nghe nói là hình vuông, nay đã biến thành tròn. Ông Đạm nhiều lần cải tạo ao và nhiều lần tìm được vỏ những lọ kem, mỹ phẩm bằng nhựa, bát đĩa cổ, gạch ngói cũ là dấu tích một thời gia đình bà Nhu từng sinh sống. Tóm lại trại ấp bà Nhu của TLVĐ trên mảnh đất này nay chẳng còn gì, ngoài chiếc ao!
Hỏi thêm phần mộ cụ Phán Nhu, ông Thông cho biết mình đã từng nhiều lần tới. Đó là gò đất cao, thế đẹp, sát một chiếc ao lớn, mặt chính của ngôi mộ hướng tây nam. Ngôi mộ được xây đắp giản dị mà tôn nghiêm, có tấm bia khắc chữ Nguyễn Tường Nhu (1881 - 1918), có bát hương thờ cúng.
Tò mò hỏi thêm, hậu duệ cụ Phán Nhu xa cả, ai coi sóc phần mộ mà được thế? Ông Thông cười, thì dân Cẩm Giàng chúng tôi vốn tình nghĩa với dòng họ Phước Tường từng sinh ra các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, những người có những tác phẩm về quê hương rất đậm nét trong văn chương nước nhà.
Có điều này ông Thông cứ úp mở là trên Hà Nội có một cụ ông hồi trẻ từng đi lại thân thiết với những Nhất Linh, Hoàng Đạo và gia đình bà Thế con gái cụ Phán. Những năm khốn khó cũng như sau này, cụ ông ấy đã góp phần chăm chút phần mộ cụ Phán Nhu. (Một manh mối khá hấp dẫn. Nếu lần được xin hầu bạn đọc một dịp khác)
Nhà nhiếp ảnh Quang Thông không khách khí khi dẫn ra tấm lòng của dân Cẩm Giàng đối với gia đình cụ Phán Nhu. Cao hơn nữa là đối với TLVĐ với văn hóa nước nhà.
Bằng cớ là địa phương Cẩm Giàng đã sốt sắng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm sớm xây dựng khu tưởng niệm TLVĐ. Hỏi kỹ được biết, Hội Khoa học Lịch sử của Cẩm Giàng của Hải Dương đã chủ động đề nghị lên các cấp có thẩm quyền trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mà cụ thể là nhà sử học Chủ tịch Hội, Dương Trung Quốc.
Người tích cực nhất có lẽ là ông Tăng Bá Hoành nguyên cán bộ Sở VHTT Hải Dương (từng gặp và làm việc với ông Tăng Bá Hoành trước đây, tôi rất ấn tượng về một cán bộ nhiệt tình hăng hái và khá là thông kim bác cổ) và cụ Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học (cũng ngạc nhiên: nhiệt thành chăm bẵm dấu tích nền văn hóa nước nhà như thế chỉ có bên ngành sử thôi sao? Hội Nhà văn ở đâu nhỉ? Bởi ngồi chuyện với ông Thông, anh Dương chủ tịch, chả thấy ai nhắc chi đến vai trò của Hội Nhà văn?).
Nhân nhắc đến vốn đến kinh phí và nghe than phiền về một Cẩm Giàng đìu hiu kém xôm tụ như nhiều huyện giàu khác, ông Thông cười, hơi trì trệ một tý nhưng là cơ may. Bởi nếu cơn sốt đầu tư dự án ào ạt đổ về Cẩm Giàng thì chỗ đất đắc địa xây khu lưu niệm TLVĐ đã biến mất từ lâu rồi!
Ông Thông nắc nỏm thêm, ít có dự án nào mà việc giải phóng mặt bằng thuận chiều suôn sẻ như thế vì địa phương sẵn lòng hiến đất. Nhà ông Đạm đương ở trên nền cũ ấy cũng sẵn sàng. Hai hộ bên cạnh cũng vậy.
Phối hợp với nhau chắc cũng tìm ra kinh phí xây cất. (Hôm sau về gặp nhà sử học Dương Trung Quốc, ông cho biết dự án rất khả thi vì may gặp được nhiều thuận lợi.
Rồi sẽ bày biện trên và trong không gian công viên lưu niệm, tưởng niệm ấy như một thứ thư viện mở rất có ích cho hậu thế về TLVĐ).
Rời Cẩm Giàng tôi ngó lại lần nữa tấm biển Quy hoạch chi tiết xây dựng khu công viên Tự Lực Văn Đoàn trước cửa nhà ông Đạm. Không biết dựng khi nào nhưng có mấy chỗ đã mờ bạc phếch vì phơi mưa nắng.
Cuối thu 2012