Về Gia Lai thăm di sản thế giới

Về Gia Lai thăm di sản thế giới
TP - Đến Pleiku vào trung tuần tháng 3 tới, bạn sẽ tha hồ nghe cồng chiêng Tây Nguyên trong ngày hội lớn đón bằng Di sản Nhân loại.
Về Gia Lai thăm di sản thế giới ảnh 1
Thiếu nữ Tây Nguyên xinh đẹp

Riêng PV Tiền Phong, ngay từ những ngày cuối của năm Ất Dậu, cùng nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã đến với cồng chiêng ngay tại buôn làng của người Bahnar, J’rai tại 2 huyện K’Bang và Chư Pah, tỉnh Gia Lai.

Đi Tây Nguyên. Tôi đã chuẩn bị tinh thần khoác ba lô đi bộ ít ra hàng giờ từ buôn nọ đến buôn kia. Nhưng hóa ra cả 3 buôn, plei (làng trong tiếng Bahnar) tôi đến, ô tô đều có thể chạy vào tận nơi.

Kể cả plei Mơ H’ra, dù cách đường nhựa đến hai chục cây số. Nhân đợt cán bộ Hà Nội vào làm hồ sơ cồng chiêng (tháng 5/2004), huyện đã cho ủi nốt đoạn đường còn lại từ xã đến plei, nên rút cuộc ô tô của Sở Văn hóa đưa chúng tôi đỗ xịch ngay trước nhà rông.

Đây là 1 trong 2 nhà rông dựng theo nguyên bản mà chúng tôi được thấy trong gần một tuần ở Gia Lai. Còn thì thường thấy sáng loáng bên đường lớn các nhà rông mới dựng bằng tôn.

Cái thứ hai là nhà rông của T’Mật - một làng văn hóa kiểu mẫu. Huyện K’Bang hỗ trợ ván sàn, kiểm lâm cho cầu thang, nhà rông mới dựng theo kiểu truyền thống hoàn thành cuối 2003, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Kế bên là “nhà rông văn hóa” bằng gỗ, dài như nhà của người Ê- đê. Như thế, T’Mật có hẳn 2 nhà rông. Theo chị Vân, cán bộ Sở VHTT, đầu thế kỷ trước, một làng lớn- phía Bắc huyện Đăk Boa hiện nay, có tới 7 nhà rông.

Nhà rông ngày xưa không dành cho phụ nữ, nhưng bây giờ thì thoải mái. ở Mơ H’ra, chúng tôi được uống rượu cần trên nhà rông với nữ cán bộ văn hóa xã người Bahnar.

Trưa Mơ H’ra (xã Kông Lơng Khơng, K’Bang), không đâu mát bằng nhà rông. Ngôi nhà thông gió cả 5 phía qua những khe hở giữa các thanh nứa đan thành tường, sàn nhà. Tường nhà rông Bahnar tạo với sàn một góc tù, rất tiện để tựa lưng.

Sau đôi ba kang rượu cần, nghe một già làng kể chuyện hồi trẻ đã thắng trong một cuộc thi ăn chuối bằng mũi… Tôi nghĩ mình đã say, bèn dựa vào tường ngồi ngủ ngon lành. Tôi chưa thấy một cuộc đánh chiêng nào lại thiếu rượu cần, hay còn gọi rượu ghè.

Một số bà con theo Tin Lành có thể bỏ uống rượu nhưng bỏ đánh chiêng thì hơi khó. Có huyện tổ chức hội thi cồng chiêng, những người dân đã theo đạo Tin Lành vẫn đi thi.

ở M’Rông Yõ (xã Ya Ka, Chư Pah), anh Hiền gần như không nhận ra nơi đã dựng lễ Mừng Lúa Mới để làm phim cho hồ sơ. Cây dại phủ kín, ở nơi trông như bãi đất hoang nhô lên một mái nhà vát nhọn hình lưỡi rìu- tiêu biểu cho nhà rông đực (mái hình yên ngựa là nhà rông cái).

Tường sắt, mái tôn với các sắc độ trầm mặc ô xi hóa càng làm các cột đỡ bằng bê tông thêm tươi màu. Hiền kéo tôi ngay ra sau nhà, chỉ ô cửa trứ danh anh đã khoe từ ở HN. Cửa sổ nhà rông trổ hình trái tim, bên trên khoét đủ bốn chữ của từ tình yêu bằng tiếng Anh (LOVE).

Những người đi cùng ngăn không cho tôi trèo lên, sợ sàn nhà thủng. Đã lâu dân ở đây không có hoạt động tín ngưỡng tập thể, cũng có thể nhà rông bê tông - sắt quá nóng nên rút cuộc đã bị bỏ hoang.

Trước đây, khi cồng chiêng Tây Nguyên còn chưa có tiếng, nhắc đến Tây Nguyên, tôi thường nghĩ ngay đến tượng nhà mồ. Khi đặt chân đến khu nhà mồ của người J’rai, gây ấn tượng mạnh lại là không gian, chứ không phải tượng.

Chính sự tách biệt, uy nghiêm của khu nhà mồ sẽ giữ lại không gian linh thiêng cho lễ bỏ mả. Trong sinh hoạt của đồng bào Bahnar, J’rai ngày nay, cồng chiêng thường thấy nhất trong đám cưới và đám tang. Hy vọng, nó không phải chịu số phận như dàn nhạc bát âm của người Việt- rút cuộc chỉ còn lại nơi tang lễ.

* * *

Huyện K’Bang cách thị trấn An Khê 20 km là điểm dừng chân đầu tiên của chuyến đi. Ban đầu, chúng tôi chủ định tới thẳng Mơ H’ra, nơi có dàn cồng mạnh và trẻ. Nhưng các cán bộ Phòng Văn hóa huyện đã trót hẹn với bà con T’Mật. Lỡ hẹn với bà con e cán bộ mất uy tín.

Vậy là sáng còn ăn phở HN, sau bữa tối mát ruột với canh rau tập tàng, chúng tôi đã ở T’Mật. Làng cách đường lớn chỉ chừng cây số, đường bê tông đang làm vào tận nhà dân. Dân buôn đã tề tựu cả bên hai mái nhà rông.

Anh Hiền phát hiện ra một số chiêng bị hỏng và bị cải tiến. Mọi người tỏa đi kiếm... Được biết, nhà ông Năng, cán bộ kiểm lâm có tới 7 bộ chiêng, nhiều nhất làng.

Trước tiên, anh Hiền thu âm từng nốt nên chiêng rè chiêng nứt lộ ra ngay. Đội chiêng sắp hàng ngang, mỗi chiếc cách nhau nửa mét. Hiền cầm đôi mic có cần dài như cần câu, và quả thực cần mic chính là cần câu cá do Trung Quốc sản xuất (cần mic xịn giá nghìn đô gì đó)- lần lượt gí sát từng chiếc chiêng.

Bản thân hai chiếc mic được phủ bằng miếng mút độn ngực phụ nữ. Anh đã từng sử dụng mùi xoa, xốp lót hàng điện tử… và cuối cùng dừng lại ở vật liệu này, rất sẵn trên Hàng Bồ (Hà Nội). Trong khi, để chắn gió, mic thu âm thực địa xịn được bọc bằng len lông thỏ.

Cồng chiêng được nghe trực tiếp tại chỗ là tốt nhất. Trong khi chúng ta phải tốn kém cho những thiết bị hiện đại nhằm tạo âm thanh vòm lập thể, thì âm nhạc cồng chiêng đạt được hiệu ứng này một cách tự nhiên.

Về Gia Lai thăm di sản thế giới ảnh 2
Đội chiêng buôn M’Rông Yõ tại nhà H’Mut

Với điều kiện người nghe đứng một chỗ, khi các nhạc công vừa chơi chuyển động vòng tròn, quanh cây nêu hay đống lửa. Để giữ được phần nào hiệu ứng này lúc thu thanh, anh Hiền di chuyển mic trong khi dàn chiêng đứng yên.

Nhìn anh đeo máy hết lùi chênh chếch sang trái lại tiến lừ lừ sang phải, na ná như đang múa theo tiếng chiêng một điệu của riêng mình, các cô gái trong đội múa bụm miệng cười.

Đội cồng chiêng Mơ H’Ra trình độ văn hóa thấp hơn T’Mật nhưng chơi chiêng giỏi hơn, vốn bài bản nhiều hơn hẳn. Tôi tình cờ vớ được Thinh, 17 tuổi, không biết chữ, hỏi gì cũng không biết, nhưng chơi được tất cả các chiêng trong bộ.

Nhiều thành viên của đội chiêng Mơ H’Ra chưa đầy 20 tuổi cũng có khả năng đó. Đội chiêng Mơ H’ra đã được ghi hình trong hồ sơ đề cử lên UNESCO. Trước đó, vào năm 2003-04, đoàn nghiên cứu Nhật Bản đã 2 lần đến tận đây quay lễ đâm trâu và trình diễn cồng chiêng.

Mỗi lần đâm trâu, người ta lại trồng xuống một cây goòng. Trên sân nhà rông Mơ H’ra có một cây goòng lớn với các cành đâm ngang tỏa bóng mát cho đoàn người đánh chiêng.

Một cây goòng còn non nằm lọt giữa cột nêu. Dưới gốc nêu còn buộc nguyên thủ cấp đã ngả màu rêu của con trâu lớn đã được hiến sinh nhân đợt làm phim cho hồ sơ. Con trâu này vốn kéo gỗ cho bọn lâm tặc, kiểm lâm bắt được.

* * *

Bình yên là cảm nhận rõ rệt khi tôi bước xuống nhà nghệ nhân H’Mut, đầu buôn M’rông Yõ vào buổi trưa. Tĩnh lặng chẳng khác nào trong rừng, dù đường nhựa chỉ cách vài bước chân.

Biết khách đến, thanh niên, trung niên tề tựu tại nhà H’Mut đánh chiêng, uống rượu cả buổi chiều. Khách mải chơi về muộn. Anh Hiền lo lắng khi nghệ nhân đã ai về nhà nấy hết. H’Mut trấn an ngay: “Nghe tiếng chiêng là mọi người tới ngay thôi mà!”.

Buổi tối, anh Hiền bắt đầu giở máy đo thang âm của bộ chiêng, vì không đủ người nên huy động cả cán bộ Sở, cả con gái chủ nhà và bạn trai người Kinh của cô… xúm vào gõ những chiêng tiết tấu đơn giản.

Đến bài thứ hai, 3-4 người lục tục tới. Sau bài chiêng nữa, từ trong màn đêm, 3-4 người lại hiện ra. Rút cuộc mọi người ngồi chật cả hiên nhà H’Mut. Chiêng cồng râm ran.

Bên hiên nhà, cô con gái H’Mut tên Un đứng dịch cho tôi tên các bài chiêng mà cha anh đang chơi, trong đó khá nhiều bài chuyển thể dân ca. Trong lễ Bỏ mả, người ta không hát, nên chiêng được dùng để chơi lại các bài hát. “Có bài người ta thích nghe khóc luôn”, Un nói.

Bài ơi mẹ người ta giết chồng con chắc hẳn kể lại một vụ án mạng. Bài Cậu yêu cháu- éo le ở đây tình yêu nam nữ chứ không phải gia đình. Trong bài khác, Các cô gái đi hái lá để ngâm rượu uống mừng nhà rông. Có vẻ mới hơn cả là bài chiêng mang tên Xe máy bay từ Hà Nội tới.

Nhìn thấy cái xe bay trên trời, già làng đánh trống gọi lũ làng đến làm lễ cúng Giàng… Những bài chiêng đánh theo dân ca có giai điệu dài hơn những bài chiêng “khí nhạc” thiên về tiết tấu để nhảy múa.

Un chịu hát đúng có một câu dân ca, nhè đúng lúc dàn chiêng đang chơi. Cô cười thẹn: “Em hát dân ca mọi người bảo như hát tiếng Kinh nên em không hát nữa!”. Học hết lớp 11, năm nay 19 tuổi, Un làm việc ở ủy ban xã. Có những buổi trực cơ quan, Un đóng cửa phòng nghe nhạc trẻ suốt đêm.

“Tâm trạng của thanh niên trong làng hơi giống anh Ưng Hoàng Phúc hát”, cô giãi bày. Mẹ Un hát dân ca, nhưng nếu Un không học mẹ, có nghĩa là con Un cũng không có cơ hội hát dân ca! Nghe lý sự của tôi, Un cũng có vẻ đăm chiêu.

Có gì đó không ổn lắm khi ngoài hiên, H’Mut cùng “đồng nghiệp” say sưa với các bài chiêng, thì trong nhà, con trai 15 tuổi say sưa nằm xem phim kiếm hiệp phát trên GRTV (Truyền hình Gia Lai).

Mỗi khi thu âm, ngoài hiên lại phải bảo trong nhà tắt tiếng đi. Hay ở Mơ H’Ra, khi hội chiêng vừa xong, đã thấy nhạc MTV phát ra từ dàn nghe-nhìn khá hiện đại chễm chệ trong nhà rông…

Bằng tuổi Un, K’lêp là một trong những cô gái đẹp nhất T’Mật. Cô vận một bộ váy thêu tinh xảo, hoa văn thanh nhã, và còn mới tinh, do chính tay cô dệt. Cô thú nhận là thích mặc quần bò.

“Váy em xấu!”. Gặng hỏi mãi, K’Lêp mới chịu nói tên. “Tên dân tộc xấu!”. Nhà có bao nhiêu anh em? “Nhà em lạc hậu đẻ nhiều lắm…”. K’Lêp và các bạn cũng không chịu hát cho chúng tôi một bài dân ca Bahnar nào. May mà đều là thành phần múa phụ họa trong đội cồng chiêng, nên Un hay K’Lêp còn có dịp mặc váy áo dân tộc, nghe nhạc dân tộc. q

Ghi chép của Nguyễn Mạnh Hà

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.