Về Nam Định, đất văn nhân

Về Nam Định, đất văn nhân
TP - Về Nam Định tôi được uống rượu chuyện trò cùng nhà văn Lê Hoài Nam, một cây bút nhiều trăn trở. Anh nguyên là phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nam Định, giờ là cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh chuyện phụ trách chống HIV.

>> Kỳ trước

Trò chuyện  với Lê Hoài Nam, tôi biết anh hiểu nhiều, biết rộng, rất tâm huyết với quê hương.  Vui bên chén rượu, tôi bốc đồng khoe với Nam rằng: Trong tập “từ điển” dày 1.200 trang “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, Hội Nhà văn vừa ấn hành năm 2007, ghi tiểu sử, tác phẩm, suy nghĩ về nghề văn của 808 nhà văn Việt Nam, trong đó người Quảng Bình quê tôi có tới gần 50, ghê không!

Tôi cứ tưởng Nam sẽ xuýt xoa với con số ấy. Không ngờ Nam bảo: “Nếu thế thì nhà văn Việt Nam người Nam Định ở khắp cả nước chắc nhiều hơn thế! Này nhé: Cụ Tú Xương, Nguyễn Bính anh vừa đi thăm hôm qua rồi, còn Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Vũ Khiêu, Đoàn Văn Cừ, Vũ Hoàng Chương, J.Leiba (Lê Văn Bái), Nguyễn Xuân Huy, rồi Trần Dần, Văn Cao, Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Chu Văn, Hải Như, Nguyễn Khắc Phục, Vũ Quần Phương, Trần Lê Văn, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Đình Văn. Vũ Quốc Ái. Đặng Nguyệt Anh, Trần Mạnh Hảo, Hồng Diệu, Đặng Hiển, Nguyễn Ngọc Ký, Đỗ Bạch Mai, Bế Kiến Quốc, Trương Xương, Phạm Trọng Thanh, Hoàng Dự… và nhiều nhiều nữa…

Nam bảo “Đông lắm, không đếm hết, không nhớ hết. Chỉ riêng thơ thôi, đã đông đến nỗi năm 2001, Hội làm một tuyển thơ tình Nam Định chọn lọc, mỗi người một bài, người nhiều nhất  ba bài, mà có đến 121 người tham gia, sách dày tới 528 trang!

Tôi bèn chắp tay xá xá: “Đúng Nam Định là đất Văn Nhân”. Tôi mường tượng nếu mà tỉnh Nam Định đầu tư kinh phí làm một Vườn Tượng Văn Nhân ngay ở trung tâm thành phố thì đó sẽ là điểm nhấn văn hóa hấp dẫn của miền đất này.

Ai đã đến Trại phong Quy Hòa (Bình Định), ở đó dưới rừng dương liễu sát bờ sóng biển có rất nhiều tượng của các thầy thuộc nổi tiếng thế giới được tạc rất sinh động. Nếu chọn 50 Văn nhân nổi tiếng để dựng vườn tượng  chắc Nam Định không thiếu!

Về Nam Định, Lê Hoài Nam dẫn tôi đến thăm một “di tích” đặc biệt nữa. Đó là ngõ Phán Chương, miếu thờ bố và mộ mẹ nhà văn Trần Dần. Trần Dần là một nhà thơ văn lớn. Bắt đầu từ tiểu thuyết “Người người lớp lớp”, đến khi mất (1997) ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm thơ, tiểu thuyết thơ và dịch.

Ông được tặng giải thưởng thơ của Hội Nhà văn năm 1995 với Thơ - tiểu thuyết Cổng Tỉnh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007. Có lần ông theo Phùng Quán vô Huế. Lần ấy tôi đã trò chuyện với  ông ba buổi sáng tại Khách Sạn 2-Lê Lợi với bao điều tâm đắc.

Ông bảo: “Huế đúng là xứ thơ. Thơ là trời, là đất, là vũ trụ. Ở đây vừa có trời, vừa có trăng sao, lại vừa có đất. Ở phố Cổng Tỉnh Nam Định quê mình cũng có trời có đất. Trời đất Cổng Tỉnh cho mình tiểu thuyết thơ Cổng Tỉnh”.

Tôi hỏi Lê Hoài Nam Cổng Tỉnh ở đâu. Lê Hoài Nam bảo thành phố Nam Định xưa có 6 cổng thành. Nhà Trần Dần ở phố Năng Tỉnh gần một cổng thành. Chắc từ đó mà có tên Cổng Tỉnh. Đây là nơi Trần Dần sinh ra. Bây giờ gia đình nhà văn không còn ai ở đây nữa, nhưng người dân vẫn thắp nhang ở miếu thờ bố ông, và bảo quản ngôi mộ của mẹ ông ngay trong nhà mình.

Bố Trần Dần tên là Chương, phán là chức vị, nên dân gọi cụ Phán Chương. Ông là nhà tư sản ngân hàng giàu có nhất thành Nam, nhà ông toà ngang dãy dọc, chạm trổ rồng phượng. Ông Phán xây cả chùa bốn nóc để tụng niệm. Ông hay cấp tiền cho người nghèo khi họ vào  chùa lễ Phật. Ông cho dân mượn ruộng mà không thu tô.

Khi Pháp chiếm Nam Định, ngôi chùa bị đập phá. Bây giờ chỉ còn lại tháp chuông của ngôi chùa mà người dân khu phố sửa chữa thành ngôi miếu thờ ba vị: Thành Hoàng làng, Ngũ Hổ và thờ ông Phán Chương. Người dân hương khói ngày đêm.

Khi tôi đến, hương mới thắp vẫn cháy nghi ngút. Điều lạ lùng là bao vật đổi sao dời, ông Phán Chương là “tư sản”, con trai Trần Dần cũng vướng nạn văn chương, thế mà dân ở đây vẫn giữ tên ngõ phố mang tên Phán Chương. Ngõ phố rất dài. Tên ngõ có ghi lên biển số nhà hẳn hoi. Có lẽ vì ông Phán tốt với dân quá, thương dân quá, nên người dân mang ơn ông. Thờ ông.

Cách đó vài bước, trong  diện tích của gia đình cụ Phan Thế Chu là mộ bà Lê Thị Châm. Ngôi mộ xây kiên cố, có am thờ phía trước. Ông chủ nhà kể, hồi  xây dựng hợp tác xã, họ đã tổ chức phá ngôi mộ này, may ông làm ruộng về kịp. Rồi ông chỉ  phía chân mộ, người ta đã đập đi khoảng mười phân, vẫn còn dấu vết.

Bà Châm là vợ cả của ông Phán Chương. Về già, bà đã kéo cô em họ xinh đẹp ở quê ra làm việc quét chùa, thực ra là muốn  lọt mắt Phán Chương. Và bà đã thành công. Người vợ hai này của ông Phán Chương chính là mẹ đẻ của nhà thơ Trần Dần.

Lê Hoài Nam kể rằng khoảng năm 1969, Trần Dần có về Nam Định, thăm lại  nơi sinh của mình. Ông đã rất vui khi thấy ở Nam Định có một ngõ phố mang tên bố mình. Mới hay dân ta bao giờ cũng biết  tôn trọng, thờ phụng những người thương dân, vì dân.

Về miền đất văn nhân Nam Định, tôi còn được Lê Huy Tập đưa đến gặp bà  Trần Thị Hồng, con gái của nhà văn tài danh Nam Cao. Bà Hồng năm nay đã 70, hai vợ chồng  đã hồi hưu ở thanh phố Nam Định. Vợ chồng lên gác ở, còn  nhường  phòng mặt tiền cho người ta thuê  làm tiệm may để kiếm thêm. 

Bà vừa xuất bản cuốn sách “Nam Cao- bố tôi” kể chuyện gia đình và bạn bè nhà văn Nam Cao. Hỏi chuyện về Nam Cao, bà Hồng kể: “Bố tôi  người thôn Đại Hoàng, phủ Lý Nhân, Hà Nam, nhưng lại  lên Nam Định học từ bé cho đến khi trưởng thành. Nên có thể nói bố tôi đã chịu ảnh hưởng rất lớn phong trào văn nhân ở đất này. Thế mà khu đưa hài cốt ông về để cải táng ở đất làng, họ đã không chở ông về qua Nam Định để cho hương hồn ông “thăm lại” đất học của mình”.

Hôm sau, doanh nhân Nguyễn Ngọc Đạt và nhà văn Lê Hoài Nam đưa tôi về Đại Hoàng viếng mộ và thăm nhà lưu niệm Nam Cao. Khu lưu niệm Nam Cao được xây cất rất  đàng hoàng, quy mô. Người coi Khu lưu niệm cho biết, mộ Nam Cao nằm ngay trên  thửa đất xưa của Lão Hạc…”.

Về Nam Định, khi kể cho tôi nghe về những quá khứ văn nhân rực rỡ ấy, nhiều người lại buồn chép miệng mà rằng: “Nam Định bây giờ người tài đi hết. Tỉnh cũng đã phát triển hơn trước đấy, nhưng xem ti vi, đọc báo  thấy tỉnh người ta mà sốt ruột! Không khí mình như tỉnh lẻ. Làng văn nghệ thì tranh chức  sát phạt nhau…”.

Tôi bảo: “Thôi thôi ông ơi, Tôi thấy Nam Định cũng có rất nhiều cái mới đấy thôi. Ví dụ tượng Đức Thánh Trần, hồ Vị Xuyên, xây mộ Tú Xương…  chẳng hạn. Nhưng thời đại mới mà. Ở đâu đất dụng võ tốt thì chất xám đổ đến, kể cả nước ngoài. Tỉnh muốn phát triển  với tốc độ cao hơn phải chiêu hiền đãi sỹ…”.

Nói là nói vậy, nhưng tôi lại nghĩ, mạch đất nhân văn lừng lững này, thời nào cũng sinh ra nhân tài. Chỉ cần người phụ trách tổ chức  có “con mắt tinh đời”, có tấm lòng trong trẻo sẽ tìm ra người tài để phụng sự quê hương. Rồi tôi lại mơ đến một vườn tượng Văn Nhân thật đẹp ở Thành Nam này.

Mỗi ngày đi qua đó, ai cũng ngưỡng vọng, yêu mến Văn Nhân. Đó là sự tự ý thức về mình. Đó là cái gốc phải chăm bón, vun đắp, mới nên cái cây sai quả được…

Nam Định - Huế cuối 2007

MỚI - NÓNG