Tôn vinh rối nước

Về quê vì rối

Về quê vì rối
TP - Tôi ngạc nhiên khi được tin nhà rối học (NRH) nổi tiếng Nguyễn Huy Hồng (hiện là Chủ tịch Chi hội UNIMA Việt Nam, thành viên của Hiệp hội Múa rối thế giới) rời ngôi nhà khang trang hơn 500 m2 để về quê làm rối.

Cách đây đúng nửa thế kỷ, đoàn múa rối nước ta được thành lập. Sau đó hai năm, NRH Nguyễn Huy Hồng bắt đầu nghiên cứu nghệ thuật múa rối. Tuy nhiên từ trước đến giờ, nghệ thuật múa rối nước ta chỉ được lưu truyền trong dân gian chứ hầu như không có tài liệu nào viết về nó.

Thế là trong nhiều năm, NRH Nguyễn Huy Hồng đi khắp các vùng thôn quê Việt Nam để sưu tầm, nghiên cứu về những con rối. Càng nghiên cứu, ông càng say mê môn nghệ thuật dân gian này.

Về quê vì rối ảnh 1 Múa rối chủ yếu được biểu diễn trong các dịp lễ tết. Múa rối ban đầu chỉ là trò vui cho con trẻ, dần dà kết tinh lại để trở thành một nghệ thuật đặc sắc thể hiện một cách khái quát đời sống, sinh hoạt của các làng quê Việt NamVề quê vì rối ảnh 2 - Nhà rối học Nguyễn Huy Hồng

NRH Nguyễn Huy Hồng nhận thấy rối nước là một di sản văn hóa phi vật thể vào loại đặc sắc nhất Việt Nam.

Ông lý giải, nghệ thuật rối cạn thì nhiều nước trên thế giới đều có, thể hiện nền văn minh lúa mỳ của họ; còn chúng ta thuộc nền văn minh lúa nước nên nghệ thuật rối nước với những hình ảnh như đi cày, chăn trâu, úp nơm tái hiện một cách sống động đời sống của nông dân Việt.

Theo NRH Nguyễn Huy Hồng, kho tàng rối nước trong dân gian gấp nhiều lần mấy trò rối nước đang biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp nước ta hiện nay.

Nhiều năm mòn gót ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, tiếp cận với khoảng 30 phường rối nước dân gian, ông có dịp thống kê rối nước có tới 600 trò cổ. Nếu lược đi những trò trùng lặp, còn hơn 200 trò có thể khai thác.

Thành công lớn của NRH Nguyễn Huy Hồng là vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông tổ chức đưa hai chục nghệ sĩ phường rối nước Nguyên Xá (tỉnh Thái Bình) sang Paris (Pháp) biểu diễn. Chỉ với hơn chục trò rối nước cổ, người châu Âu có dịp chứng kiến cả thế giới kỳ thú của nền văn hóa lúa nước.

Sau gần 50 năm nghiên cứu nghệ thuật rối, NRH Nguyễn Huy Hồng sưu tầm được hơn 300 con rối các loại và khoảng 5.000 cuốn sách, tranh ảnh, tài liệu về nghệ thuật rối Việt Nam và nước ngoài. Ông còn có trên 20 đầu sách viết về nghệ thuật múa rối in bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

Đưa rối về quê

Về quê vì rối ảnh 3
Một góc bảo tàng rối

Ở tuổi bát tuần, NRH Nguyễn Huy Hồng có một quyết định xem ra còn vất vả hơn trước: Đưa toàn bộ nhà hát múa rối tại gia về quê.

Tại ngôi nhà rộng hơn 500 m2 ở phố Bùi Xương Trạch (Hà Nội), Nguyễn Huy Hồng xây dựng bể rối, kho rối... như một nhà hát múa rối tại gia.

Thực ra đất sống của nghệ thuật múa rối, đặc biệt rối nước là ở vùng quê chứ không phải nơi phồn hoa đô hội. Nhưng qua những lần biểu diễn cho khán giả, trong đó có người nước ngoài, ông thấy có điều gì đó chưa ổn.

Sau khi suy ngẫm ông thấy nghệ thuật rối nước thường diễn các trò như cày cấy, tát nước, úp nơm, bắt cá..., nhưng người thành phố cũng như khách quốc tế có biết những cảnh ấy đâu.

Khi đưa rối về quê, người xem mỗi khi đến đây phải đi qua đồng ruộng, ao hồ sẽ có dịp thấy cảnh sinh hoạt thôn quê thì khi xem rối mới thấy hết ý nghĩa.

Một vấn đề khác cũng khiến NRH Nguyễn Huy Hồng suy nghĩ là hơn hai chục năm trở lại đây tại các đô thị nước ta lại cách tân biểu diễn rối nước theo lối hiện đại bằng cách thêm những cái mới (như lời thoại, ca hát, nhạc đệm) làm mất đi nét đặc trưng của rối cổ truyền (thường không có lời, chỉ diễn với động tác của con rối gỗ...).

Vì không thể hiện được nét đặc trưng của rối cổ truyền mà cách đây vài năm khi ta đưa hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận rối nước là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (như từng công nhận với nhã nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên) thì bị trả về với lý do chưa đủ thuyết phục đây là sân khấu dân gian lâu đời chỉ có ở làng quê Việt cổ truyền.

Chính vì vậy, NRH Nguyễn Huy Hồng rinh cả “bảo tàng múa rối tại gia” về quê của ông tại làng Đồng Vàng (xã Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội), một nơi cách trung tâm thủ đô hơn 40 km với quyết tâm giữ gìn và phát huy rối nước cổ truyền.

Ông tâm sự, khi đề nghị thì chẳng được cấp có trách nhiệm nào ủng hộ. Sau bao năm phải lo cơm áo gạo tiền để gánh vác việc gia đình, đến cuối đời, ông mới có thể “đưa rối về quê” để giữ nghề rối truyền thống theo quan niệm của mình.

Tại khu nhà rộng  gần 500 m2, ông cho đào ao để làm sân khấu rối nước, rồi xây thư viện và bảo tàng rối. Ông sống một mình tại đây, hàng ngày cặm cụi với bộn bề công việc dường như quá sức.

Ông than thở: “Nếu không nhanh thì nhiều  con rối cổ quý hiếm sẽ hỏng mất. Nếu không phân loại, người đi sau sẽ khó mà lần”. Rồi ông khoe: “90 phần trăm tư liệu rối của Việt Nam là ở nhà tôi. Ngoài bảo tàng rối, thư viện của tôi cũng có vài ngàn cuốn sách, tranh ảnh về rối”.

Từ khi “đưa rối về quê”, nhiều chuyên gia quốc tế về múa rối lặn lội đến trung tâm của NRH Nguyễn Huy Hồng. Và vừa qua, gần 150 sinh viên, giáo viên Trường Đại học Công nghiệp về đây để nghe NRH Nguyễn Huy Hồng nói về nghệ thuật múa rối truyền thống.

Trong số những đoàn đến thăm trung tâm, có người thấy một số hiện vật thuộc dạng của độc ngỏ ý mua. Ông nói: “Tôi không bán một vài thứ mà bán cả mớ”. “Vậy giá thế nào?”. “Đây là thành quả sưu tầm không ngừng trong gần 50 năm của tôi, mỗi năm tôi tính một tỷ đồng, vị chi cả thảy gần 50 tỷ đồng...”.

NRH Nguyễn Huy Hồng hóm hỉnh: “Đó là tôi nói đùa. Trong này cũng có thứ đáng giá đấy nhưng trả mấy tôi cũng không bán”.  

MỚI - NÓNG