Vĩnh biệt GS-Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng

Vĩnh biệt GS-Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng
TP - Có người đổ cho trận rét lịch sử dài 38 ngày đã quật ngã ông. Thực ra rét thế chứ rét nữa cũng khó khuất phục người từng tạo ra những giống lúa có sức sống dẻo dai với nắng mưa thất thường nếu ông không mắc chứng tiểu đường, dẫn đến biến chứng suy thận, suy tim cách đây ba hôm.

Có việc qua lại nhiều lần văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) ở 53 Nguyễn Du, phố có nhiều hoa sữa nhất Hà Nội, lần nào tôi cũng đi theo lối cầu thang ngoắt nghéo tắt ngang phòng ông.

Người khác thế nào không rõ, chứ hễ thấy bóng dáng nhà báo, ông chẳng mấy khi bảo về lên lịch hẹn.

Nhưng từ đầu đận rét giữa tháng một tây, tôi thấy phòng ông đóng im ỉm. 70 tuổi đã là gì. Nhiều người trong VUSTA cao niên hơn ông mà vẫn phăm phăm.

Chợt nhớ dáng vẻ mệt mỏi mỗi lần điều hành hội thảo, lại nghe ông mắc căn bệnh của người giàu đã lâu, tôi cảm nhận có điều gì chẳng lành.

Một trong những đặc trưng của hội thảo do VUSTA tổ chức là độ dài marathon của nó. Tranh luận, phản biện cho kỳ xong mới thôi. Có lần kiên trì dự đến cuối cùng, tôi thấy ông vẫn im lìm trên ghế chủ tọa.

GS- Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng sinh ngày 2/12/1938 tại Hà Nội.

Từng là Viện trưởng Viện Cây Lương thực & Cây Thực phẩm; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp kiêm Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp; Ủy viên Trung ương Đảng bốn khóa (từ 1982-2001, một khoá là Ủy viên dự khuyết T. Ư Đảng); là Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khoá IV (1999 - 2004), khoá V (2004 - 2009); đại biểu Quốc Hội các khoá VIII, XI, XII; Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.

Đến khi tổng kết hội thảo, ông trở thành người khác. Giọng nhẹ nhàng, thanh thoát, ông tóm tắt những vấn đề khô khốc, rối rắm một cách dí dỏm; ông tổng kết các ý kiến khác biệt, thậm chí đối lập gay gắt, mà không làm mất đi cá tính của các ý kiến đó.

Những lần dự họp phản biện các đề tài khoa học, tôi chưa bao giờ thấy ông dĩ hòa vi quý, cũng chưa bao giờ thấy ông đứng về ý kiến phe này mà vùi dập ý kiến phe kia.

Đôi mắt long lanh ấy trong dáng vẻ mệt mỏi, nụ cười duyên dáng ấy từ tư thế đứng không còn thẳng, cứ nom thấy là ấm lòng, là muốn xán đến. Kỳ là, hễ xong phần phỏng vấn, hỏi xong về việc tạo ra giống lúa chịu ngập úng đầu tiên trên thế giới, nghe xong về kiến nghị thẳng thắn gửi Trung ương Đảng và Chính phủ cần đặt trí thức ở đúng vị trí tiên phong trong nền kinh tế tri thức mà các nghị quyết của Bộ Chính trị đã khẳng định, tôi lại được nghe ông đọc thơ.

Có lần gặp ông giữa giờ giải lao buổi hội thảo ở Đồ Sơn tôn vinh các công trình đoạt giải thưởng VIFOTEC, ông cao hứng đọc thơ:

“Có phải là em, em yêu ơi\Nhưng nét buồn xưa tan biến mất\Còn lại môi cười em rất tươi…”.

PGS.TS Nguyễn Kim Chi, em ruột GS.VS Đặng Vũ Minh – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường cuả Quốc hội, chiều qua cho tôi biết, khiếu văn chương của GS.VS Vũ Tuyên Hoàng có lẽ được truyền từ người cha - nhà văn Vũ Ngọc Phan, và mẹ -nữ sĩ Hằng Phương; còn tài họa có lẽ cũng giống chị ruột- họa sĩ Giáng Hương.

Vĩnh biệt GS-Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng ảnh 1

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng trao giải Thương hiệu Việt cho một doanh nghiệp

Hóa ra, bên cạnh hàng chục công trình sáng tạo khoa học, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng còn có tên trong 20 tập thơ in chung. Đấy là chưa kể tập thơ của riêng ông nhan đề Thời Gian xuất bản đầu thiên niên kỷ 21, chưa kể chừng 400 bài tản văn đăng trên tạp chí Thế Giới Mới từ 1996 – 2004. Đấy là chưa kể bộ sưu tập tranh chân dung, phong cảnh đăng tải trên một số tạp chí, và trưng bày ở một số triển lãm mỹ thuật, mà tác giả cũng là ông.

Hiếm nhà khoa học nào để lại kỷ niệm cho đồng nghiệp không chỉ các công trình này nọ mà còn cả thi với họa. GS Nguyễn Lân Dũng ở Hội các Ngành Sinh học không phải nằm trong số hiếm sở hữu nhiều bức họa của ông.

GS.TSKH Trương Quang Học ở Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có một bức họa chân dung của mình do ông vẽ. “Đang hội thảo, chợt Giáo sư quay sang, chìa tờ giấy cho tôi và bảo: “Học này””.

“Nói về tài thì thôi khỏi, hầu như ai cũng biết”, GS Học – một trong những chuyên gia sinh học suất sắc của Việt Nam, nói. “Nhưng tôi thấy hiếm nhà khoa học nào hội cả chữ nhân như ông”.

Bảo vệ cái đúng đến cùng

Tại hội thảo ở Đồ Sơn năm 2005, nơi mà nữ phóng viên Thanh Hà vừa được nghe thơ vừa có bức họa ngẫu hứng mà cô bảo là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của mình, có một giải thưởng không mấy ai để ý được trao cho một cặp vợ chồng vốn là viên chức nhà nước. Giải thưởng khuyến khích cho công trình ngô mật độ cao, theo đó, giúp cho năng suất trồng ngô tăng 20-30 phần trăm.

Cả đời làm khoa học vì nông dân

Trong số hơn 50 công trình của GS.VS Vũ Tuyên Hoàng được công nhận cấp quốc gia, có các giống lúa mới như thâm canh (Xuân số 2, NN 75 – 6, v.v…);  giống lúa chịu hạn (CH5, CH133, …); giống lúa chịu ngập úng đầu tiên trên thế giới (U14, U17,…); quy trình kỹ thuật trồng khoai tây bằng hạt; chọn tạo các giống rau quả mới bằng phương pháp sử dụng ưu thế lai: dưa chuột, cà chua, các giống táo mới như H12, H32, má hồng, v.v..

Ông còn xây dựng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, gieo thẳng lúa ở phía Bắc Việt Nam; thâm canh lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông vinh dự nhận Giải thưởng Lúa thế giới (1998) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (2000).

Đặc biệt, nhờ giống lúa T4, T6, có hàm lượng protein cao một cách hiếm có, ông còn được nhận một giải thưởng quốc tế về lúa gạo tại Nhật Bản, với giải thưởng này, ông đứng trên cả ông tổ lúa lai của Trung Quốc là GS Lê Long Bình.

Ý nghĩa công nghệ trồng ngô mật độ cao là ở chỗ, chỉ cần áp dụng mẹo gieo hạt mà hai nhà khoa học nắm rất rõ bản chất, năng suất ngô tăng vọt với tỷ lệ trong mơ. Công nghệ này đúng cho hầu hết các giống ngô.

Đây được xem như một kỳ tích nếu biết các nhà khoa học hàng đầu ở Viện Nghiên cứu Ngô thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phải mất 30 năm nghiên cứu mới nâng cao năng suất ngô lên 10 phần trăm và điều này cũng đúng trên thế giới.

Nếu công trình đó được chứng minh là đúng, ai cũng nói, lẽ ra phải đoạt giải cao nhất chứ không phải khuyến khích, một thứ giải mà người ta hay nói là an ủi.

Thực tế, nhóm tác giả công trình gặp phản ứng dữ dội từ trường phái khoa học chính thống. Các thành viên trong hội đồng chấm giải VIFOTEC rất may vượt qua cơn sóng gió sức ép nặng nề này để đi đến quyết định trao giải thưởng cho công trình.

Nhưng ngay cả khi giải thường khiêm tốn ấy được công bố, một số thành viên trong hội đồng giám khảo khi được báo chí phỏng vấn lại tỏ ra lảng tránh và kiệm lời tối đa trong việc nhận định công trình.

Người duy nhất dám lên tiếng bảo vệ công trình không ai khác ngoài đương kim Chủ tịch VUSTA, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng. Ông nói: “Người ta không dễ dàng chấp nhận những cái gì tốt hơn của mình, đi khác người ta.

Hồi nghiên cứu giống lúa, tôi gặp không ít khó khăn như vợ chồng KS Chu Văn Tiệp. Cũng bị phủ nhận lên phủ nhận xuống, thậm chí đánh tráo công trình”.

Đoạt giải thưởng và nhận bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ, những tưởng con đường áp dụng công trình sẽ hanh thông hơn. Ai dè, cặp vợ chồng giành trọn 30 năm và tiền túi của mình để nghiên cứu lại bị những cật vấn, cản trở đến mức họ gọi là “lên bờ xuống ruộng”.

Hàng loạt cuộc họp, thử nghiệm được yêu cầu tiến hành. Càng thử nghiệm, càng họp, họ càng bị dồn vào chân tường và bẽ mặt trước không chỉ các viện nghiên cứu mà cả địa phương, những nơi họ trồng thử nghiệm.

Thế là lại GS Vũ Tuyên Hoàng, tác giả của hơn 50 công trình khoa học cấp quốc gia từ năm 1980 đến nay, đứng ra bênh vực cho cặp nhà khoa học thân cô thế cô. Ông công khai tuyên bố nếu ngành nông nghiệp, nếu Viện Nghiên cứu Ngô không ủng hộ, đích thân ông với tư cách Chủ tịch VUSTA sẽ đứng ra bảo trợ thử nghiệm kỹ thuật trên quy mô lớn.

“Năm nay, chúng tôi đang chuẩn bị thử nghiệm trên diện tích lớn hơn theo yêu cầu của bác Hoàng sau thành công các đợt thử nghiệm quy mô nhỏ”, KS Chu Văn Tiệp, nhỏ thó đen đúa như thể bị vắt kiệt sức, giọng đầy hy vọng.

Chia tay KS Chu Văn Tiệp, thay vì nói lời từ biệt, anh lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ của chính GS Vũ Tuyên Hoàng: “Mây xám u buồn xa, rất xa\Gió thổi bay nhanh cơn bão táp\Đêm ngày mong đợi thoáng mau qua”, như để vĩnh biệt vị Giáo sư mà sự nghiệp và cả cuộc đời khoa học của ông gắn với nông dân.

MỚI - NÓNG