Vĩnh biệt vị 'tướng con dân'

Vĩnh biệt vị 'tướng con dân'
TP - Tôi nhận được tin bác Năm Xuân ra đi trong lúc trời đang mưa tầm tã, mây đen phủ kín chân trời. Vậy là bác Năm - vị Đại tướng suốt đời trăn trở vì dân- vị “tướng con dân” đã đi rồi!
Vĩnh biệt vị 'tướng con dân' ảnh 1
Đại tướng Mai Chí Thọ làm việc tại nhà riêng

“Tướng con dân” là cuốn ký của Đại tướng Mai Chí Thọ do Nguyễn Thị Ngọc Hải ghi lại. Không chỉ là đầu đề cuốn sách, trong cuộc sống ông cũng thể hiện rất rõ tư tưởng này.

Đại tướng Mai Chí Thọ nhiều lần nói: “Báo chí là phải gần dân, vì dân, dũng cảm đấu tranh bảo vệ nhân dân. Nếu xa dân, báo chí sẽ “chết” trong lòng dân”.

Điển hình của sự gần dân của bác Năm Xuân chính bởi sự chân chất của vị Đại tướng khi đi đứng, trò chuyện với dân. Khi là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) bác Năm Xuân thường mặc quần áo dân thường, đầu quấn khăn rằn Nam Bộ ngồi xe Honda 67 đi đến tận cơ sở lắng nghe ý kiến người nông dân.

Khi cải tạo Công thương nghiệp ở TP Hồ Chí Minh thì bác Năm Xuân cũng ăn mặc bình thường đi xuống từng cơ sở sản xuất, gặp từng người chủ để nắm tâm tư của họ.

Gần dân, sống và lo cho dân nên đi đến đâu bác cũng được người dân bộc bạch hết những tâm tư nguyện vọng. Nhiều người dân vẫn thường đến thăm bác Năm với những món quà dân dã như một con gà, vài trái dừa hái trong vườn…

Trong cuộc đời làm báo, tôi đã được bác Năm Xuân ưu ái “cho” phỏng vấn nhiều lần, kể cả những vấn đề “điểm nóng” và “nhạy cảm” nhất.

“Nóng” bởi vì bác Năm Xuân luôn đọc rất kỹ những bài báo viết về chống tiêu cực mà các báo Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ viết; “nhạy cảm” ở chỗ có những vụ việc nhiều người “né” thì bác Năm Xuân lại sẵn sàng nêu chính kiến, thậm chí nhận cả lỗi về phần mình.

Tháng 8/2004, ở khu vực phía Nam người dân, cán bộ đang râm ran về một khu vườn có khả năng chữa bệnh. Bác Năm Xuân cùng bác sĩ, cán bộ an ninh và bảo nhà báo là tôi đi cùng xuống tận nơi mà theo bác “chủ yếu muốn nghe người bệnh kể về bệnh tình và sự chữa trị của họ”.

Vậy là bác và chúng tôi đi, không phải một lần mà nhiều lần, vào nhiều thời điểm khác nhau. Đến nơi, bác đi kiểm tra, nghe ngóng, ghi chép khá tỷ mỷ mọi chuyện.

Bác tâm sự: “Nếu tôi còn làm Bộ Trưởng Công an, tôi sẽ hướng dẫn công an địa phương vào cuộc một cách tế nhị hơn, nghe ngóng một cách khách quan hơn, cái đúng cái sai, cái tích cực cái tiêu cực, cùng địa phương tổ chức nơi ăn chốn ở cho bệnh nhân đến đây có chỗ để xe cộ.

Làm như thế vừa ổn định trật tự an ninh, không những giúp đỡ được những bệnh nhân đến trị bệnh mà còn phát triển dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm cho địa phương như cung cấp lương thực, thực phẩm cho ở trọ.

Làm như thế thì công tác điều tra sẽ sâu sát hơn, tế nhị hơn mà không bị phản ứng. Thực mà nói tôi xuống đây không hề xưng tên, xưng họ chỉ như một người bệnh muốn tìm hiểu để chữa bệnh nhưng cũng không giấu nổi họ. Cuối cùng họ cũng nhận ra tôi, coi tôi vừa là chỗ dựa, vừa là nơi họ trút ra hết những băn khoăn bức xúc.

Dẫu sao mình cũng là đại diện của Đảng và Nhà nước, tôi trở thành một đối tượng được họ quá tin tưởng như một người đương chức chứ không phải như một người về hưu. Họ trút lên đầu tôi những phê phán khá nghiệt ngã”. 

Thế nhưng, bác Năm Xuân vẫn rất ôn tồn giải thích cho người dân, cán bộ và cả những người lãnh đạo địa phương hiểu rõ vấn đề, hiểu đúng vấn đề. Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong, bác cho rằng:

“Theo tôi thật khó có thể chê trách anh em công an địa phương vì trước đây những người lãnh đạo trong đó có tôi đã từng nói với họ về duy vật biện chứng xác định chỉ có vật chất mới tồn tại độc lập còn tinh thần thì không thể tồn tại độc lập ngoài vật chất được mà tinh thần phải phụ thuộc vào vật chất.

Những chuyện kỳ bí ở khu vườn lạ như thế này theo suy luận thì chỉ có thể là mê tín dị đoan vì nó trái với những công thức trên vốn là tín điều của những người theo chủ nghĩa duy vật"...

Vĩnh biệt vị 'tướng con dân' ảnh 2
Đại tướng Mai Chí Thọ đi khảo sát thực tế tại khu vườn Long An

Trong sinh hoạt, bác Năm Xuân ăn uống đơn giản, không cầu kỳ nhưng trong công việc lại rất kỹ lưỡng từng câu, từng chữ. Khi thực hiện các bài phỏng vấn với báo Tiền Phong, tôi cẩn thận ghi âm lời bác và ghi ra giấy từng câu.

Rất cẩn thận, bác Năm kêu tôi đọc lại và chỉnh từng ý, từng câu. Hết cả đoạn bác lại yêu cầu tôi đọc lại. Ông cụ ngồi im, mắt lim dim. Ấy vậy mà nếu tôi chỉ đọc chưa đúng một chữ là bác nhắc ngay “chữ đó sai rồi…”.

Ở tuổi 84 nhưng bác Năm Xuân có thể ngồi làm việc suốt 7 - 8 giờ với tôi liên tục mà không hề có dấu hiệu mệt mỏi hay kém minh mẫn nào. Chính anh Lưu - thư ký của bác Năm Xuân  - cũng thốt lên: “Bác minh mẫn tuyệt vời, chẳng thể dùng sai một câu, một chữ trong hồi ký hay các văn bản gửi đi”.

Sau này, dù đã nghỉ hưu nhưng bác Năm Xuân vẫn luôn lên thời gian biểu làm việc mỗi ngày rất chi tiết, cụ thể. Bác luôn rộng cửa đón những người dân đến bày tỏ mọi chuyện và khuyên bảo họ hoặc chuyển ý kiến của họ lên các cấp có thẩm quyền.

Sau này, dù đã nghỉ hưu nhưng bác Năm Xuân lo cho cuộc sống người dân, bác tích cực tham gia Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của thành phố Hồ Chí Minh.

Trao đổi với báo chí về những tâm đắc của mình, bác Năm Xuân cho rằng: “Có hai phong trào mà tôi tâm đắc nhất: phong trào thanh niên xung phong (TNXP) và phong trào chăm lo cho người nghèo - tiền đề cho phong trào xóa đói giảm nghèo của thành phố sau này.

Phong trào TNXP có sức cuốn hút mạnh mẽ và lãng mạn cách mạng vô cùng nên thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Trong đó có cả những thanh niên lỡ lầm, nghiện hút, sau đó có không ít người đã trở thành lực lượng của cách mạng rất tốt.

Phong trào chăm lo cho người nghèo cũng là một nội dung trọng tâm của Thành ủy TPHCM. “Tết cho mọi nhà” được thực hiện sâu rộng, không chỉ dân nghèo hoặc diện chế độ chính sách mà cả người lang thang, cơ nhỡ.

Tại sao thành phố không phát động phong trào tiết kiệm? Tôi thấy bây giờ các ngành, các cấp để lãng phí nhiều quá. Thành phố đã từng thành công với những phong trào xóa đói giảm nghèo, nhà tình thương tình nghĩa, nên tiếp tục làm nhiều phong trào hơn nữa, trước hết là phong trào tiết kiệm”.

Năm 2006 biết báo Tiền phong khởi xướng vận động xây dựng cầu Chôm Lôm sau những mất mát ở Lạng Khê, bác Năm Xuân đã điện thoại hoan nghênh.

Và chính bác cũng dùng tiền hưu trí của mình đóng góp 4 triệu đồng để tặng cho một gia đình nạn nhân bão số 4 khó khăn nhất ở miền Trung và một gia đình nghèo nhất trong số các gia đình có con bị chết trong vụ tai nạn chìm đò ở Nghệ An.

Tôi cũng còn nhớ, sáng 12/1/2007 trong buổi lễ trao tặng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta tặng cho Đại tướng, ông đã xúc động rơm rớm nước mắt...

Trong niềm xúc động dạt dào, Đại tướng Mai Chí Thọ bày tỏ biết ơn vô hạn đối với Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Sao vàng và Đại tướng khẳng định: “Vinh dự lớn lao này là do công lao hy sinh xương máu của đồng bào, đồng chí đã tạo dựng lên!”.

Suốt cuộc đời giản dị của mình, vị “tướng con dân” vẫn luôn gắn bó với dân, yêu thương và vì nhân dân… như thế.

MỚI - NÓNG