“Vua bãi nổi” đi kiện...

“Vua bãi nổi” đi kiện...
Đã gần 30 năm rời quân ngũ, trở về làm “vua bãi nổi” ở sông Hồng, cùng vợ nuôi đàn con 5 đứa, ông Thiệu không còn nghĩ đến những chiến công của mình ở chiến trường Quảng Nam nữa...

Trên đề nghị phong

“Vua bãi nổi” đi kiện... ảnh 1
Ông Phạm Duy Thiệu thời đang là "Vua bãi nổi"

Nhưng ngày 5/10/1995, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông nhận được tin Trung tướng Phan Hoan, ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5, có văn bản đề nghị Cục chính sách (Bộ Quốc phòng) xét và đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho cựu chiến binh Phạm Duy Thiệu.

Cuộc đời bình yên của cựu chiến binh Phạm Duy Thiệu đột nhiên bị xáo trộn.

Sinh năm 1944, tại Hà Nội, tháng 4/1965, khi vừa tròn 21 tuổi, Phạm Duy Thiệu nhập ngũ, làm lính phòng không của C1, D14 của Quân khu 5 từ tháng 7/1965 đến tháng 12/1967. Trong thời gian này, Thiệu đã góp phần bắn rơi 10 máy bay địch, được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng III. Đặc biệt trong trận đánh ngày 6/11/1967, tại điểm cao Bàn Thùng, Sơn Long, Quế Sơn (Quảng Nam) ông bị thương tới hai lần nhưng vẫn quả cảm bám trụ đánh địch. Kết thúc trận đánh, ông được phong danh hiệu cao quý: Dũng sỹ diệt Mỹ và thưởng Huân chương chiến công giải phóng lần thứ 2…

Nhưng do bị thương nặng, Thiệu được đưa ra Bắc điều trị, rồi rời quân ngũ. Ông về sống tại xã Tứ Liên (nay là phường Tứ Liên- quận Tây Hồ-Hà Nội). Trong cuộc chiến mới, người ta vẫn thấy bóng dáng của chất lính trong con người ông, nhưng không phải là bắn máy bay giỏi mà là làm kinh tế nuôi con.

Những năm 1990, dân Hà Nội ít người biết đến Dũng sỹ diệt Mỹ hay diệt máy bay Phạm Duy Thiệu, mà chỉ biết đến ông với biệt danh mới “ông vua bãi nổi”.

Thời kỳ đó, bãi sông Hồng còn hoang sơ lắm. Đất bỏ hoang hóa nhiều thì chính Thiệu là người vượt sông, làm lều giữa bãi sông Hồng để trồng cây bạc hà. Ông trở thành người tiên phong làm kinh tế trên bãi nổi sông Hồng.

Cũng chính sự chăm chỉ, lam làm mà sau đó ông đã được chính quyền huyện Từ Liêm phong danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu”. Để rồi năm 1993, ông được đi dự đại hội thương binh sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc.

Năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ đô, TP Hà Nội đã chọn ông là một trong những gương mặt được giới thiệu trong cuốn sách “Những bông hoa đẹp của Thủ đô”…

Nhìn lại chiến công của cả thời chiến và thời bình, nhiều người bảo ông Thiệu xứng đáng được phong anh hùng hai lần. Nhưng rút cuộc, đã 10 năm nay, kể từ cái ngày Trung tướng Phan Hoan đề nghị phong anh hùng nhưng ông vẫn chỉ là cựu chiến binh Phạm Duy Thiệu.

Càng đau đớn hơn, ông phải chịu cảnh oan ức, đến nỗi buộc phải theo kiện. Tất cả chỉ tại cái tính nóng nảy và thẳng như ruột ngựa của ông.

Chuyện kể rằng, cuối năm 1980, chi bộ hưu họp để xét cấp thẻ Đảng đợt 1. Khi góp ý kiến cho cán bộ lãnh đạo xã, ông Thiệu đã phê phán thẳng thừng những sai phạm của một số lãnh đạo xã thời bấy giờ.

Không ngờ chính sự thẳng thắn đó đã làm hại ông. Ngay sau đó, lãnh đạo xã Tứ Liên đã tổ chức họp, kiểm điểm ông 5 tội: dám chửi lãnh đạo xã, bắn chó của dân để ăn thịt… Sau đó, ông không được phát thẻ Đảng. Không chịu nổi cú sốc đó, ông Thiệu đã làm đơn xin ra khỏi Đảng. Từ đó, nỗi oan ức cứ bám lấy ông Thiệu. Nhưng không vì thế mà ông nản lòng.

Dưới cản…

Đòi bồi thường hơn 100 triệu đồng và xin lỗi công khai trên báo

Trong đơn kiện gửi TAND quận Tây Hồ, ông Phạm Duy Thiệu đã khởi kiện bốn người: Ông Hoàng Văn Thìn, vì ông này dám giả danh là chỉ huy của ông Thiệu; Nguyễn Bá Diên, nguyên Chủ tịch xã Tứ Liên đã có báo cáo với cấp trên không trung thực về ông; Phạm Duy Thực, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã Tứ Liên, người mà ông Thiệu cho rằng đã buộc tội ông chống chính quyền và bà nguyên Phó chủ tịch quận Tây Hồ. Theo đó, ông Thiệu đòi bốn người trên phải bồi thường 137 triệu đồng và phải xin lỗi công khai trên đài, báo của Hà Nội và cả nước.

Cho đến hôm nay, nhắc đến ông, người dân thường nói đến “chiến công “hạ” quan tham của ông. Tính tất tật, đã có đến mấy đời chủ tịch, bí thư của xã Tứ Liên bị ông Thiệu “nốc ao” vì tham ô, vi phạm pháp luật. Người nhẹ cũng bị cách chức, khai trừ Đảng, nặng thì phải ra toà lĩnh án. Nhưng cũng chính vì thế mà những chiếc vòi bạch tuộc luôn nhằm vào ông mà trả thù, cắn rứt.

Ông Thiệu chẳng có chức tước gì nhưng ít nhiều cũng có chút danh. Và thế là người ta đánh vào đúng cái mà ông có ấy.

Năm 1995, Bộ Quốc phòng có chủ trương rà soát để phong tặng danh hiệu cho những người lính có công trong kháng chiến nhưng chưa được vinh danh.

Ngày 6/3/1995, Phạm Duy Thiệu làm đơn, kèm bản kê khai thành tích trong chiến đấu gửi chính quyền địa phương và Bộ Quốc phòng. Khi đó, chính Chủ tịch UBND xã Tứ Liên Nguyễn Bá Diên đã chứng thực ông là người có thành tích sản xuất giỏi ở địa phương và đề nghị các cơ quan chức năng xem xét khen thưởng cho ông Thiệu.

Tưởng thế là xong, bởi thành tích trong chiến đấu của ông đã rõ, Bộ Quốc phòng chỉ yêu cầu địa phương chứng thực là Phạm Duy Thiệu trở về quê hương vẫn giữ được phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”, thì sẽ được phong anh hùng. Nhưng không, chỉ mấy tháng sau đó, cũng chính ông Nguyễn Bá Diên đã có một báo cáo dài 6 trang, ký gửi các cơ quan chức năng, với nội dung hoàn toàn trái ngược với những gì mà trước đó ông này đã xác nhận.

“Vua bãi nổi” đi kiện... ảnh 2
Bằng tốt nghiệp ĐH Luật và những văn bản ghi nhận chiến  công của ông Thiệu trong kháng chiến

Không chỉ có vậy, ông Diên còn vu cho ông Thiệu hàng loạt tội tày đình, rồi kết luận “đồng chí Thiệu đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật, về ý thức tổ chức kỷ luật và đạo đức trong sinh hoạt đời thường, gây bất bình trong nhân dân, không được dân quý trọng… Vì thế không tán thành đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho đồng chí Thiệu”.

Nói đến đây, cổ ông Thiệu như nghẹn lại: “Tôi không ngờ lòng dạ con người lại tráo trở đến thế… Trước mặt thì anh tôi, đồng chí, sau lưng lại vu oan, giá họa. Họ quyết cản trở việc Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị phong anh hùng cho tôi, nhằm trả thù”.

Sau khi phát hiện báo cáo ngầm của ông Diên, ông Thiệu bắt đầu viết đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng. Nhưng kiện ai, kiện thế nào, ông Thiệu cứ như “gà mắc tóc”. Đã qua cái tuổi ngũ tuần, ông Thiệu bắt đầu lục tục đi học Đại học Luật hệ tại chức. Ông quyết định gỡ rối bằng việc trang bị hệ thống và tư duy pháp luật, trước khi quyết định viết đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng.

Hóa ra cái nước cờ mà ông Thiệu đi mang lại hiệu quả thật. Các cơ quan chức năng vào cuộc, kết luận Phạm Duy Thiệu không phạm các “tội” như ông Diên từng nêu. Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn đề nghị tổ chức Đảng cơ sở xét nguyện vọng của Thiệu để kết nạp lại ông vào Đảng.

Tưởng thế là xong, nhưng cả chục năm qua, ông Thiệu vẫn không được phong anh hùng, trong khi đó người đồng đội cùng chiến đấu với ông là Vũ Xuân Đài ở TP Hải Dương thì đã được phong danh hiệu Anh hùng từ lâu.

Không chịu lùi bước, Phạm Duy Thiệu tiếp tục gửi đơn kiện lên TP Hà Nội, nhưng thư đi mà không có tin lại. Mới đây, lục tìm hồ sơ vụ việc ở các cơ quan chức năng của quận Tây Hồ, ông mới vỡ lẽ, năm 2001 trong quá trình giải quyết khiếu kiện của ông, người ta đã dựa trên báo cáo “ngầm” của ông Diên để soạn một báo cáo kể tội ông.

Trong báo cáo này, người ta còn kéo một nhân vật có tên Hoàng Văn Thìn (trong báo cáo viết nhầm là Tình) để ông này giả danh là xạ thủ số 1, khẩu đội trưởng trực tiếp của ông Thiệu. Rồi để chính ông này phát biểu phủ nhận toàn bộ chiến công của ông Thiệu trong chiến đấu. “Mục đích chính của họ là cản trở việc tôi trở thành Anh hùng” - Ông Thiệu nói.   

“Tôi chỉ kiện vì danh dự…”

Đã 10 năm, kể từ ngày vị Tư lệnh Quân khu 5 có văn bản đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cho Phạm Duy Thiệu. Nhưng ông Thiệu vẫn hy vọng, hy vọng một ngày công lý sẽ mạnh hơn tất cả sự hắc ám của cuộc đời, hy vọng đèn giờ xét đến để ông được giải oan, dù ông biết điều đó thật mong manh.

Song cái hy vọng mong manh ấy đã vụt tắt vào cuối năm 2005. Khi cơ quan chức năng của quận Tây Hồ chính thức trả lại hồ sơ, không xem xét đến đề nghị được phong tặng danh hiệu Anh hùng của ông nữa.

“Tôi thực sự choáng váng. Rồi tôi sẽ phải giải thích thế nào với bạn bè, con cháu sau này khi mà người ta có hẳn báo cáo khẳng định tôi vi phạm pháp luật, chẳng có chiến công gì trong chiến tranh. Vì lẽ đó buộc lòng tôi phải kiện họ về tội vu khống, bịa đặt, bôi nhọ danh dự...”.

Quen ông đã lâu, nhưng chỉ mới đây tôi mới biết cuộc đời ông lại “chìm nổi” đến vậy. Ông bảo “Tôi sẽ theo vụ kiện đến cùng!”. Tôi biết, với một người có ý chí và bản lĩnh như ông, thì đó là chuyện đương nhiên mà ông sẽ phải làm. Nhưng tôi cũng không biết, người cựu chiến binh này còn phải theo kiện đến bao giờ?

MỚI - NÓNG