Vui buồn cùng Tướng Quắc

Vui buồn cùng Tướng Quắc
TP - Với tư cách là một phóng viên, tôi nhiều lần làm việc cùng Tướng Phạm Xuân Quắc. Nhưng cũng có nhiều lần tôi đến chỉ để thăm ông. Những kỷ niệm về ông- một cán bộ công an nhân dân công tư rạch ròi nhưng giàu tình cảm- không phai trong tôi.
Vui buồn cùng Tướng Quắc ảnh 1
Tướng Phạm Xuân Quắc khi còn đương chức

Tôi không bao giờ quên được cái buổi chiều bên bờ hồ Thiền Quang, trong một ngõ nhỏ, quán nhỏ, một vị tướng đã cho tôi hay tin: Tướng Quắc đã có “thông báo” nghỉ hưu.

Quan hệ với nhau hơn hai chục năm trời, dẫu biết rằng, tuổi đời cũng đã xế chiều, nhưng sao tin đó đến với tôi vẫn cứ đột ngột làm sao. Bao nhiêu kỷ niệm của một thời lần lượt hiện về bên ly rượu chiều cuối Đông…

“Mình đau xót quá, Việt ạ!”. Tôi cứ nhớ mãi lời tâm sự của ông cách đây ngót hai chục năm. Dạo ấy, cả nước bùng phát “dịch” đổi thóc dự trữ quốc gia.

Hàng ngàn cán bộ, đầu nậu, tư thương lợi dụng sự buông lỏng quản lý và kẽ hở của chính sách, đã mua khống, bán khống một khối lượng thóc khổng lồ, làm thiệt hại biết bao tiền của Nhà nước.

Hải Hưng có thể nói là nơi đầu tiên loại tội phạm này bị vạch trần, xử lý. Cụm từ “A34” viết tắt của Chi cục Dự trữ thóc quốc gia tỉnh Hải Hưng thời đó xuất hiện đầy rẫy trên các mặt báo.

Dạo ấy, ông đảm nhiệm chức Phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT CA tỉnh Hải Hưng (cũ, nay là Hải Dương và Hưng Yên). Ông là một trong những người đầu tiên phát hiện và trực tiếp chỉ đạo điều tra.

Có thể nói, đó là thời kỳ mà cán bộ, quan chức (kể cả một số tỉnh ủy viên) “rơi rụng” nhiều nhất; hàng loạt công chức bị bắt, bị cách chức, vô nhà đá.

Đó cũng chính là thời điểm mà ông “đau xót” khi phải ký quá nhiều lệnh bắt những đối tượng mà vừa mới hôm qua thôi, vẫn là “đồng chí” thân quen; thậm chí, có vị Viện trưởng VKS cấp thị còn bị án tù chung thân…

Những ngày ở Hải Hưng

Vui buồn cùng Tướng Quắc ảnh 2
Tướng Quắc tại nhà riêng

Song song với cơn lốc “A34” là cuộc chiến tranh giành đất đai không kém phần nhức nhối, đôi lúc lên đến đỉnh điểm. Lác đác, trong tỉnh (Hải Hưng cũ) có những làng lập “chiến hào”, giáo, mác, gậy gộc tua tủa; những kẻ quá khích còn bắt giam “lịch sự” công an, kiểm sát viên hòng tạo cớ và đưa ra những yêu sách phi lý…

Một trong những điểm cực “nóng” là một xã thuộc huyện Cẩm Bình (nay là Cẩm Giàng và Bình Giang). Người dân hai làng, hai dòng họ đã lập chiến lũy, rào làng chỉ vì một dải đất.

Nhiều đôi trai gái yêu nhau sắp đến ngày cưới đều bị cấm tiệt, các cán bộ công tác từ tỉnh đến huyện không có cách nào thâm nhập được vào làng.

Một bữa, Phó Giám đốc Phạm Xuân Quắc và lãnh đạo CA tỉnh còn cho tôi xem một cuốn băng video trong đó có cảnh mấy chiến sĩ công an bị những kẻ quá khích dùng gậy gộc, đá đánh, ném vào đầu, vào mặt, máu chảy ròng ròng…

Tới mức, Trung ương đã phải tổ chức một Hội nghị quan trọng với thành phần đầy đủ các ban, ngành trong tỉnh và tôi cũng may mắn được tham dự.

Sau đó Thường vụ Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho CA tỉnh mà người trực tiếp chỉ huy là Phạm Xuân Quắc bằng mọi cách phải xóa được điểm nóng này mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân hai làng, đồng thời phải giữ gìn được trật tự an ninh cũng như uy tín của cấp ủy và chính quyền.

Sau Hội nghị, tôi tìm gặp Phó Giám đốc Phạm Xuân Quắc để “thăm dò”, nhưng ông không hề tiết lộ “phương án tác chiến” mà chỉ hẹn “sẽ chuyện trò sau”…

Bẵng đi một thời gian, tôi có dịp trở lại “điểm nóng” nói trên và tình cờ được chứng kiến một đám cưới giữa một đôi trai gái giữa hai dòng họ – hai làng.

Gợi lại chuyện cũ với một số già làng, các cụ bảo, cũng may có các ông công an về dẹp đất này mới được bình an, chứ trước đây, không khí cứ như thời chiến tranh, lúc nào cũng nơm nớp…

Đúng hẹn, sau này, khi ngồi bên nhau, ông tâm tình: “Mình vốn xuất thân là anh nông dân, nên hiểu rất rõ cái “được” và “chưa được” của dân quê mình. Đừng tưởng cái người cầm đá ném chảy máu đầu công an là tội phạm nguy hiểm; chẳng qua đó chỉ là hành động quá khích, bột phát tức thì.

Khi xử lý vụ này, có hai luồng ý kiến, một thì nặng về tuyên truyền giáo dục; ý kiến khác thì lại thuần túy sử dụng uy lực. Riêng tôi có suy nghĩ là bà con dù thế nào cũng là người dân, như cha mẹ, anh em mình.

Những hành động vượt mức cho phép phần nhiều do thiếu hiểu biết và do bị xúi giục, kích động, bởi thế, việc đầu tiên chúng tôi cho trinh sát bí mật nắm chắc lý lịch, bản chất và mọi hoạt động của một số đối tượng “giấu mặt”.

Khi đã đủ chứng cứ thì tiến hành xử lý theo đúng pháp luật một cách nhanh gọn nhất chỉ trong một đêm; đồng thời tỏa đi gặp gỡ tuyên truyền giải thích với bà con.

Khi được giải thích ngọn ngành, cộng với những chứng cứ rõ ràng, bà con đều hiểu rõ và ủng hộ chính quyền. Ngòi nổ đã được tháo gỡ một cách êm thấm…”.

Ra “biển lớn”

Bẵng đi một thời gian không gặp, bỗng được tin ông sắp về công tác tại C14 Bộ Công an, tôi liền điện cho Minh Tuấn - nguyên phóng viên báo Đại Đoàn Kết – hai anh em phi xe máy về thăm ông tại nhà riêng nằm ngay bên đường 5, nơi cửa ngõ vào thành phố Hải Dương - một địa thế tuyệt đẹp cho bất kỳ ai có “máu” kinh doanh.

Song khi bước vào nhà, khách không  khỏi ngạc nhiên về đồ đạc tuềnh toàng. Đón tiếp chúng tôi là nụ cười hiền lành của bà vợ. Bà là hình ảnh thực thụ của một người phụ nữ chân quê niềm nở và chu đáo.

Đố ai lần đầu gặp mà lại biết bà là “phu nhân” của Phó Giám đốc công an một tỉnh đông dân thứ 3 cả nước, cũng như sau này là Tướng – cục trưởng.

Bên cốc bia Hà Nội và đĩa lạc rang hôm ấy, ông ngồi trầm lặng. Tuy ông không nói ra, nhưng tôi cảm nhận được ông rất quyến luyến không muốn rời mảnh đất nơi ông sinh ra, trưởng thành với bao kỷ niệm vui buồn.

Hơn nữa, gia cảnh của ông cũng chả khác là bao so với phần đông cán bộ viên chức: Mấy đứa con nhỏ mới trên dưới 9, 10, cuộc sống cả nhà chỉ trông vào đồng tiền lương của ông…

Nhưng, dù sao thì cũng đã là “an cư”, nay “rồng rắn” lên Thủ đô, chắc không khỏi bỡ ngỡ, khó khăn. Trời đã tối, chúng tôi chia tay nhau trong những băn khoăn, suy tư không thể nói thành lời…

Rời nhà Phạm Xuân Quắc, nhân tiện về Hải Dương, Minh Tuấn rủ tôi ghé thăm tư gia Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương lúc đó - Ông Phạm Văn Thọ.

Biết chúng tôi vừa qua thăm nhà Phạm Xuân Quắc, Bí thư Phạm Văn Thọ thổ lộ rằng: Mình rất hiểu tâm tư và những băn khoăn của anh Quắc. Hải Hưng cũng đang rất cần những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như anh ấy.

Tỉnh cũng đã bàn rất kỹ và làm việc, trao đổi cụ thể với Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Phạm Tâm Long. Mọi người đều thống nhất rằng, trên ấy mới là “đất dụng võ” của anh ấy.

Lời tiên quyết của vị bí thư vốn giàu tố chất về công tác tổ chức, sau này, quả nhiên trở thành hiện thực: Chỉ với 1/4 quãng đời công tác, những chuyên án nổi tiếng ở Nha Trang, Hải Phòng, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, các vụ Năm Cam, Khánh Trắng… đều có dấu ấn của Tướng Quắc!

Song, sự đời thật trớ trêu – vào giữa năm 2003, một đồng nghiệp bỗng điện cho tôi báo tin: “Cháu ông Quắc bị bắt rồi!”. Liền sau đó, báo Tiền phong liên tiếp nhận được nhiều đơn, thư của 7 thanh niên, trong đó có cháu của Tướng Quắc, khiếu nại và tố cáo về những vi phạm trong tố tụng hình sự của Công an huyện Thanh Hà.

Tôi cầm đơn thư đến gặp ông để có những thông tin nhất định. Tuy rất bức xúc, nhưng ông vẫn kiềm chế, nói rằng: Việc cháu tôi bị bắt là có thật. Rất cảm ơn các bạn đã tới hỏi ý kiến. Song, để làm rõ sự thật, các bạn theo chức năng về làm việc tại địa phương và điều tra theo Luật Báo chí. Tôi hoàn toàn không muốn lẫn lộn giữa việc công và việc tư…

Sau khi chuyển công tác lên Hà Nội, cũng phải mất một thời gian kha khá, gia đình ông mới được quần tụ tại ngôi nhà trong ngõ Đào Tấn hiện nay. Lúc mới lên một mình, ông tá túc tại Nguyễn Quyền, sau chuyển về Lê Thánh Tông, dồn tiền ky cóp bấy lâu, cộng với tiền bán ngôi nhà ở Hải Dương, vợ chồng ông mới an cư được trong ngôi nhà nói trên.

Kể từ lúc có thông báo nghỉ hưu, vẫn chưa có dịp gặp lại ông cho tới hôm được tin Thắng “Tài Dậu” ra đầu thú, đang công tác tại Hải Dương, chúng tôi tranh thủ ghé qua làng Song Động thăm ông tại quê nhà.

Hồ sơ về Thắng “Tài Dậu”, trước đó, ông là người đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ông vẫn giữ đúng nguyên tắc như khi còn làm việc. Ông nói: Về Thắng “Tài Dậu”, hiện cơ quan điều tra đang tác nghiệp. Khi nào có kết luận điều tra của cơ quan có thẩm quyền, chắc chắn báo chí sẽ có những thông tin đầy đủ để chuyển tới bạn đọc. Còn bây giờ cánh mình chuyện trò tào lao cho vui, cũng lâu lâu rồi chưa gặp lại các bạn. Ở lại, ăn với vợ chồng già mình một bữa cơm quê…

Quê ông, làng Song Động xã Tân An, huyện Thanh Hà, cũng như bao làng quê khác, ngày một đổi thay, nhà cửa khang trang, ruộng vườn xanh tốt. Vừa chuyện trò với khách, ông vừa đập ruồi bằng cái vỉ mà lâu lắm rồi ở Hà Nội không thấy xuất hiện.

Ở dưới trái bếp bà vợ đang chuẩn bị bữa trưa. Mấy đứa con ông đều đã trưởng thành và có nhiệm vụ quản lý ngôi nhà trên Hà Nội. Ngắm nhìn dáng vẻ ung dung thư thái bên vườn quê, tôi chợt thấy hạnh phúc thay cho ông khi “về vườn” rồi vẫn còn nhiều người luyến tiếc!

Song Động cuối Đông 07

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.