Xáo động những vùng quê

Xáo động những vùng quê
TP - Quá trình đô thị hóa khiến một bộ phận nông dân mất ruộng đất. Từ đó, có người khá lên, có người nghèo đi.
Xáo động những vùng quê ảnh 1
Gia đình ông Trần Văn Ba trước chòi sửa xe mượn ở - Ảnh: Sáu Nghệ

Cuối tháng 4/2009, tôi đến xã La Ngà (Định Quán, Đồng Nai). Ở đây có khu công nghiệp Định Quán mở ra trên vùng đồi trồng cây điều, rộng 54,35 héc-ta, theo văn bản cho phép của Chính phủ ngày 28/9/2004.

Tuy nhiên, trước đó tỉnh Đồng Nai đã thu hồi đất, cưỡng chế dân, không ít gia đình rơi vào cảnh bần cùng.

Số phận một gia đình

Chủ tịch UBND xã La Ngà Trần Anh Tuấn nói với tôi: “Ông Ba ở bên Quốc lộ 20 kế đây, nghèo khổ lắm, thỉnh thoảng xã chúng tôi vẫn phải trợ cấp”.

Ông Trần Văn Ba sống trong cái hộp tôn, vốn là chòi sửa xe đạp. Cuối mùa khô, đứng gần đã thấy nóng. Ông Ba mời tôi vào nhưng tôi xin đứng ở lề đường cho mát hơn.

Ông kể, ông là cựu chiến binh, trước đây ở lòng hồ thủy điện Trị An, để nhường đất làm hồ thủy điện, phải dời nhà về ấp Phú Quý 2, xã La Ngà. Năm 1993, ông mua được một mảnh đất đồi xấp xỉ 3.000 m2. Chắt bóp làm ăn, xây được căn nhà tường rộng hơn 35 m2, với vườn rau, vườn điều, chuồng heo, gà, gia đình ông thoát nghèo.

Nhưng bốn năm nay, gia đình ông trở lại nghèo vào hàng nhất xã. Nhà cửa, đất đai mất hết. Vợ chồng làm thuê làm mướn. Cái hộp tôn bên đường này là của một người hàng xóm hảo tâm.

Khu vực hộp tôn không có nước nên chỉ có ông và đứa con út, Trần Văn Hòa 10 tuổi, học lớp 4, cùng ở vì ông làm mướn nên phải gần đường cho người có việc tiện kêu và đứa con gần trường đi học.

Vợ ông làm nghề bán cá rong lại phải mượn cái chòi canh rẫy bỏ hoang xa khoảng một cây số, có nước, để ở cùng hai đứa con đầu.

Tôi vào chòi canh rẫy ấy, con đường rất khó đi, có đoạn chỉ một lối mòn chênh vênh bên sườn núi. Mùa khô đã khó đi, mùa mưa trơn trượt còn khó hơn muôn phần. Vợ ông Trần Văn Ba là bà Đỗ Thị Tâm hàng ngày chạy cái xe máy cũ, chở cá đi về mấy bận trên con đường ấy, từ khi trời chưa sáng đến tối đen.

Thật vất vả nên bà Tâm mới 43 tuổi mà gầy gò, già hơn tuổi. Hai đứa con đầu, trai 15, gái 13 tuổi vẻ bơ phờ. Hỏi chuyện học hành, đứa con trai Trần Văn Bình kể, nó mới học lớp 6, sau em gái đã học lớp 7. Nguyên do, khi gia đình bị cưỡng chế mất hết nhà và đất, rơi vào cảnh khó khăn, nó phải bỏ học để phụ giúp cha. Nay mới học lại.

Xáo động những vùng quê ảnh 2
 Khu đất của gia đình ông Ba và gia đình bà Quy bị cưỡng chế nay đang bỏ hoang - Ảnh: Sáu Nghệ.

Những cuộc cưỡng chế

Đất đai nhà cửa của ông Trần Văn Ba mất khi mở ra khu công nghiệp Định Quán. Khu công nghiệp này, ngày 28/9/2004, Chính phủ mới cho phép xây dựng nhưng, ngày 24/11/2003, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định thu hồi đất. Tiền trảm hậu tấu nên rối rắm. Quyết định thu hồi đất của từng hộ cũng như kê khai thiệt hại không đầy đủ.

Gia đình ông Trần Văn Ba được tính đền bù cho tất cả tài sản nhà cửa, đất đai là 39.730.975 đồng. Không thể tìm được chỗ ở mới với khoản tiền ấy nên gia đình ông không biết đi đâu.

Ngày 8/5/2005, bị cưỡng chế, người bị tạm giữ, cây bị chặt, nhà bị máy đào san bằng. Thật sự trắng tay!

Xe chở gia đình ông về trụ sở UBND xã La Ngà. Bơ vơ quá, ông đưa vợ con vào gầm cầu thang trụ sở UBND xã để ở. Được gần ba tháng, ngày 1/8/2005, UBND xã La Ngà lại cưỡng chế lần nữa, kéo gia đình ông khỏi gầm cầu thang. Gia đình ông Trần Văn Ba phải xuống gầm cầu La Ngà ở.

Thời gian chuẩn bị cưỡng chế lần thứ nhất, Công văn của UBND huyện Định Quán ngày 31/3/2005, viết: “Trong trường hợp sau khi cưỡng chế, gia đình ông chưa có nơi cư ngụ, đề nghị ông liên hệ với ông Nguyễn Đức Khuê, thành viên đoàn cưỡng chế để được hướng dẫn về địa điểm tạm cư”.

Ngày 1/4/2005, UBND huyện La Ngà có văn bản sửa lại là “liên hệ với UBND xã La Ngà”. Nhưng UBND xã La Ngà đã đẩy gia đình ông ra khỏi cầu thang, còn làm mất hết đồ đạc của gia đình ông.

Những ngày ấy, gia đình ông Ba sống được là nhờ bà con hàng xóm, người cho áo quần, người cho xoong nồi, cơm gạo. Ở gầm cầu một thời gian, họ xin vào tá túc trong cái chòi sửa xe bỏ hoang mà tôi đang chứng kiến.

Một số văn bản của chính quyền địa phương có viết “xem xét giải quyết” cho gia đình ông miếng đất ở tạm. Thế nhưng thực tế không cấp nào giải quyết chỗ ở cho gia đình ông.

Ông Trần Văn Ba nói: “Có lần, họ chỉ cho tôi cái nhà hoang thì không thể ở”. Tôi đi xem cái nhà hoang, trống rỗng, nằm gần một cái chợ, sát đống rác khổng lồ hôi thối.

Tôi hỏi Chủ tịch UBND xã La Ngà Trần Anh Tuấn: “Tại sao không lo chỗ tái định cư cho gia đình ông Trần Văn Ba?”. Ông Tuấn trả lời: “Trước đây, chúng tôi tính đưa vào khu định canh định cư của bà con dân tộc thiểu số nhưng ông Ba không chịu”.

Tôi lại hỏi: “Nhưng ông Ba nói chính quyền chỉ nói miệng mà không có quyết định cấp đất nên ông không thể vào ở?”. Ông Tuấn giải thích: “Vì ông Ba không muốn vào nên chính quyền không làm quyết định chứ chúng tôi còn tính hỗ trợ ông Ba làm nhà tình thương nữa”. Tuy nhiên, nhà tình thương cũng chưa có.

Trở lại cái hộp tôn của ông Ba. Khi mới rời gầm cầu La Ngà, vì không có nước cho nghề bán cá rong, bà Tâm sang nhà bà Nguyễn Thị Xuân Lan cách một quãng để ở nhờ và chính chỗ ở này mà bà Tâm lại phải ngồi tù 10 tháng.

Do đất của bà Lan cũng bị lấy hơn 4.000 m2 mà không có quyết định hay thông báo gì cả. Bà Lan khiếu nại, các quyết định của UBND huyện Định Quán ngày 1/4/2005, của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 27/6/2005, cho rằng “do công tác thống kê của các ấp chưa đầy đủ”. Dù sao, chưa có quyết định thu hồi đất thì bà Lan không di dời, bà liền bị cưỡng chế.

Ngày 5/5/2006, lực lượng cưỡng chế xuống lần 1. Ngày 23/5/2006, lực lượng hùng hậu lại xuất hiện. Hai bà ra sức vùng vẫy ngăn cản liền bị bắt. Ngày 16/1/2007, Tòa án huyện Định Quán phạt mỗi người 10 tháng tù giam, tội “chống người thi hành công vụ”.

Ai bảo vệ người mất đất?

Bộ Tài nguyên & Môi trường đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp điều chỉnh chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng theo hướng người thuộc diện tái định cư được làm chủ quá trình tái định cư chứ không phải là nạn nhân như lâu nay.

Theo đó, các khu tái định cư phải được xây dựng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng trước khi thu hồi đất; trường hợp tái định cư tại chỗ, phải có nhà tạm cư. Nếu chưa có khu tái định cư thì không thu hồi đất.

Hiện nay, bà Nguyễn Thị Xuân Lan vẫn chưa hiểu có “công vụ” gì trên đám đất của gia đình bà vì đám đất còn thuộc quyền sử dụng của bà, chưa có quyết định thu hồi.

Đi tù về, thấy nhà máy sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh của Cty Cổ phần Mía đường La Ngà xây hàng rào trên đất của bà, bà liền phá.

Ngày 3/12/2008, bà làm đơn hỏi nhà máy lấy quyền gì để xây hàng rào, chiếm đất của bà? Nhà máy vốn được Cty Hạ tầng Phát triển khu công nghiệp Định Quán giao đất nên giám đốc nhà máy Dương Đình An vội chuyển đơn đến Cty này “đề nghị quý cấp phải làm rõ vấn đề càng sớm càng tốt”.

Đến nay, chưa ai làm rõ. Gia đình bà sau vụ cưỡng chế và tù tội đã ly tán, con trai có vợ phải ở đậu nhà vợ. Bà Lan phiêu dạt xuống ở nhờ nhà bà cô dưới Vũng Tàu.

Gần đó, một gia đình phụ nữ khác, bà Hoàng Thị Quy, bị thu hồi 18.838,5 m2 vườn điều đang ra trái, cùng nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, ao cá, tất cả chỉ được đền bù hơn 177 triệu đồng. Bà không chịu vì quá rẻ. Khiếu nại nhiều lần, chính quyền thêm thắt nay một ít, mai một ít được hơn 45 triệu đồng nữa, bà vẫn không chấp nhận.

Ngày 2/11/2004, gia đình bà Quy bị cưỡng chế. Đồ đạc chất đống một góc vườn và mất sạch. Gia đình bà phải vào ở căn nhà sàn bằng gỗ của cha mẹ.

Căn nhà cũ kỹ, nhiều chỗ mục nát hở toang hoác. Bà Quy than thở, sống nhờ vườn điều mà mất vườn nên khổ lắm. Vợ chồng bà có năm con. Cuộc sống biến động, ba đứa con đầu học chưa hết cấp hai đã phải nghỉ. Còn hai đứa sau đang học lớp 6 và lớp 7.

Cuộc sống của gia đình bà Quy đã khổ nhưng chưa yên. Mảnh đất gần căn nhà đang ở, bà được cha mẹ cho, Cty Tôn Hoa Sen làm hàng rào lấn mấy trăm mét vuông. Cty Tôn Hoa Sen cho rằng, đã được khu công nghiệp Định Quán giao. Gia đình bà Quy phải phá hàng rào để giữ đất.

Bên cạnh, bà Hoàng Thị Sáo cũng phải chống chọi với Cty Tôn Hoa Sen để giữ mấy trăm mét vuông đất. Các bà nói, chính quyền địa phương không minh bạch nên các doanh nghiệp mới lấn đất của dân.

Tôi hỏi những người bị mất đất là tại sao không đến các đoàn thể của họ để nhờ bảo vệ. Chẳng hạn, các bà đến hội phụ nữ. Các bà bật khóc. Bản kết luận điều tra và bản án xét xử bà Lan, bà Tâm có ghi rõ, nhiều cán bộ hội phụ nữ xã La Ngà đã tham gia vật lộn để bắt hai bà.

Có ba bà cán bộ hội “bị cắn vào tay gây thương tích năm phần trăm” và một vài xây xát, họ vào bệnh viện điều trị hết 252.800 đồng. Khi làm việc với công an, các cán bộ này yêu cầu hai bà bồi thường tiền điều trị, nhưng khi ra tòa lại không bắt bồi thường nữa.

Tôi nói với Chủ tịch UBND xã La Ngà Trần Anh Tuấn, ngoài việc bị thu hồi đất không có quyết định, bị phạt tù, bà Lan đang rất bức xúc việc chính quyền cưỡng chế di dời bốn ngôi mộ tổ tiên của bà, làm lẫn lộn để bây giờ không biết ngôi nào của người nào. Còn bà Quy thì khiếu nại tiền đền bù quá rẻ trong lúc không được tái định cư.

Ông Trần Anh Tuấn trả lời: “Khi bốc mộ, anh em cũng cẩn thận nhưng có lẽ không chu đáo. Còn tái định cư cho bà Quy, thì khu tái định cư 13 ha mới mở ra sau này, đến nay 19 hộ dân đã nhận tiền bồi hoàn nhưng chưa di dời, chưa khởi công làm được cơ sở hạ tầng”.

Một lúc, ông Tuấn hạ giọng tâm sự: “Không phải phát triển là đè người khác nhưng làm theo các quy định lại chưa giải quyết được những bức xúc của dân. Cấp xã chúng tôi cũng vất vả lắm”. 

Còn nữa

Sáu Nghệ

MỚI - NÓNG